Tác động trước mắt và lâu dài của Thông tư 09/2012/TT-BGDĐT đối với các thí sinh thuộc các huyện 30a

Chủ đề   RSS   
  • #232678 11/12/2012

    vubathonghlu

    Sơ sinh

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:23/02/2009
    Tổng số bài viết (11)
    Số điểm: 120
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Tác động trước mắt và lâu dài của Thông tư 09/2012/TT-BGDĐT đối với các thí sinh thuộc các huyện 30a

    Các quy định mới tại Thông tư 09 cơ bản nhận được sự đồng thuận của dự luận và các thí sinh thuộc 62 huyện 30a; tạo điều kiện để các em học sinh thuộc các huyện này được tiếp cận, học học tập tại các trường ĐH, CĐ, tạo ra nguồn nhân lực cần thiết cho các địa phương, đáp ứng nhu cầu sử dụng cán bộ và phát triển kinh tế-xã hội.

    Tuy nhiên, xét về tính hiệu quả và bền vững của một chính sách thì bản thân tôi không đồng ý với các quy định mới của Thông tư về trường hợp ưu tiên này trong giai đoạn hiện nay (mặc dù tôi là người dân tộc thiểu số và huyện tôi được hưởng chính sách này). Tôi xin trao đổi thêm một số vấn đề liên quan đến chính sách của Thông tư, bởi các lý do sau:
    • Thứ nhất, Thông tư 09 bãi bỏ điểm b, điểm c khoản 1 Điều 33 của Quy chế tuyển sinh ban hành kèm theo Thông tư số03/2010/TT-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung năm 2011. Điều này khiến các thí sinh dự thi vào các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương sẽ mất từ 2,5 đến 3,5 điểm ưu tiên so với quy định cũ. Như vậy, sẽ rất nhiều em đãng lẽ đỗ ĐH, CĐ nhưng lại trượt vì không còn điểm ưu tiên. Những thí sinh này sẽ phải mất 01 năm để học dự bị Đại học hoặc làm hồ sơ xét tuyển theo chế độ ưu tiên vào các trường (cũng mất một năm học bổ sung kiến thức, trường hợp xét tuyển không được thì các em mất quyền lợi). Cuối cùng họ chịu thiệt 1 năm học và các chi phí kèm theo, chưa kể đến cơ hội việc làm, tương lại của họ.
    • Thứ hai, Trên thực tế đã bộc lộ rõ những khó khăn, lúng túng cho các em học sinh cũng như các trường ĐH, CĐ mà các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh như: các trường ĐH, CĐ chưa có chỉ tiêu xét tuyển; không giới hạn các tiêu chí xét tuyển; chương trình kiến thức học bổ sung như thế nào; kinh phí đào tạo lấy ở đâu; nếu sau một năm, thí sinh học kiến thức bổ sung mà không đạt yêu cầu, tương lai của các bạn sẽ đi về đâu; tình trạng khai man lý lịch, "làm đẹp" học bạ hay "chạy hộ khẩu", "chạy trường" ồ ạt về các huyện nghèo để thí sinh được hưởng ưu đãi khi tuyển sinh?.... Đó là những câu hỏi sẽ không bao giờ có lời giải nếu chúng ta không nhìn nhận một cách khách quan về vấn đề này?
    • Thứ ba, Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Đề án cải cách giáo dục Đại học, việc xét tuyển vào ĐH, CĐ như trên khó mà đảm bảo chất lượng giáo dục, kết quả học tập, đầu ra cũng sẽ không đảm bảo chất lượng. Mặt khác, việc xét tuyển cũng không đảm bảo xét được người giỏi đi học (do những yếu tố tác động như nêu ở mục thứ hai). Hơn nữa, những học sinh thuộc các huyện trên không cần thi mà vẫn được vào ĐH, CĐ sẽ tạo ra tâm lý “không cần học cũng được vào Đại học” và làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của cả hệ thống ở những địa phương này.
    • Thứ tư, vấn đề giải quyết việc làm sẽ rất phức tạp và gây rối loạn cho xã hội. Ở Việt Nam hiện nay, tình trạng thừa thầy, thiếu thợ đã trở thành một vấn đề lớn của xã hội (đội ngũ lao động vừa thừa, vừa thiếu), cho nên việc đào tạo hàng loạt sinh viên ĐH, CĐ sẽ càng đặt ra nhiều thách thức cho các huyện nghèo nói riêng và xã hội nói chung trong giải quyết việc làm (trong 62 huyện 30a, ước tính mỗi năm có khoảng hơn 10 nghìn học sinh lớp 12. Như vậy, số học sinh thuộc diện được xét tuyển, kể cả các em tốt nghiệp THPT 2 hoặc 3 năm về trước sẽ rất lớn). Những sinh viên này ra trường sẽ rất khó xin việc trong khu vực tư nhân (nếu các cơ quan nhà nước không nhận), do tâm lý cho rằng “sinh viên các huyện 30a đi học ĐH, CĐ không phải thi, không có chất lượng”.
    Hiện nay, giải quyết việc tại các huyện 30a rất khó khăn, hằng năm chỉ có khoảng 5-7% học sinh thi đỗ ĐH, CĐ, vài học sinh học theo hệ cử tuyển, học theo địa chỉ nhưng giải quyết việc làm cho số sinh viên này ra trường đã là một vấn đề khó giải quyết.
     
    Chúng ta đều biết rằng, đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện 30a có điều kiện kinh tế rất khó khăn, đào tạo cho con cái đi học chủ yếu là vay Ngân hàng chính sách xã hội theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Trong khi đó, nhận thức của người dân những địa phương này vẫn còn những hạn chế. Vì vậy, con cái của họ học xong ĐH, CĐ nhưng không xin được việc làm do không có tài chính, do học không chất lượng…. thì sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy xấu cho xã hội như: thất nghiệp, lãng phí nguồn nhân lực, các gia đình không có khả năng trả nợ Ngân hàng, việc thuyết phục đồng bào tiếp tục đầu tư cho con em của họ đi học lại trở thành một vấn đề phức tạp…..
     
    Mục tiêu của Đảng, Nhà nước là đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân. Việc đưa ra những chính sách ưu tiên cho các em học sinh ở các huyện 30a cũng không nằm ngoài mục tiêu trên. Do đó, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, đưa ra các chính sách toàn diện hơn trong việc đào tạo nguôn nhân lực cho khu vực nông thôn, miền núi. Theo tôi, trong giai đoạn hiện nay cần:
    • Thay vì xét tuyển, hãy nới rộng điểm ưu tiên (tăng thêm) trong xét tuyển sau khi thi ĐH, CĐ đối với các thí sinh ở các huyện 30a. Chính sách ưu tiên này sẽ đảm bảo công bằng (vì đã qua thi tuyển, chọn lọc minh bạch), đảm bảo đào tạo đúng người tài, giỏi, có chất lượng; đồng thời tránh được những vấn đề phức tạp như đã phân tích ở trên.
    • Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ học tập cho các trường ở tất cả các cấp của các huyện 30a đạt chuẩn quốc gia (kể cả nhà ở nội trú, bán trú dân nuôi cho học sinh).
    • Tăng cường đội ngũ giáo viên có chất lượng chuyên môn cao cho các trường ở các địa phương trên.
    • Chuyển hướng đào tạo nguồn nhân lực theo hướng đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho thanh niên người dân tộc thiểu số tại các huyện 30a. Hỗ trợ học bổng, miễn học phí ở tất cả các cấp học cho các em học sinh là người dân tộc thiểu số nghèo theo chuẩn nghèo mới.
    • Hỗ trợ đầu tư phát triển các dịch vụ phục vụ học tập, vui chơi, giải trí cho các em học sinh các huyện 30a.
    • Trường ĐH Ngoại thương năm nay chỉ dành 1% chỉ tiêu xét tuyển thí sinh thuộc 62 huyện nghèo, kèm theo đó là các điều kiện: thí sinh phải có kết quả học tập giỏi cả 3 năm THPT và có bằng tốt nghiệp THPT loại giỏi. Theo đại diện nhà trường, những điều kiện đó đã là khá thuận lợi cho thí sinh, bởi qua thực tế tuyển sinh nhiều năm, nhà trường nhận thấy có nhiều thí sinh ở các huyện này có kết quả học tập rất tốt nhưng vẫn không thi đậu vào Trường ĐH Ngoại thương” (Theo báo hanoimoi).

    Chúng ta không nên nhận xét các em học sinh ở các huyện 30a như vậy. Loại giỏi ở mỗi vùng, miền, mỗi địa phương đã khác nhau. Việc cho học sinh giỏi hay không là việc của giáo viên-các nhà giáo; bản thân học sinh không như vậy? Mặt khác, nếu các em dân tộc thiểu số ở các huyện 30a được ăn học đầy đủ từ nhỏ, điều kiện học tập, tiếp xúc xã hội tương đương với các huyện đồng bằng thì tôi tin rằng kết quả học tập chưa chắc đã thua kém các em ở đồng bằng (mặt dù bất đồng về ngôn ngữ khi đi học).

    Chúng ta nên hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh, điều kiện của các em khó khăn đến mức nào để hỗ trợ, ưu tiên cho họ một cách phù hợp, đúng đắn.
     
    3331 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận