Suy nghĩ như một Luật sư

Chủ đề   RSS   
  • #412597 08/01/2016

    trang_u
    Top 25
    Female
    Đại học

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:18/11/2015
    Tổng số bài viết (2972)
    Số điểm: 44888
    Cảm ơn: 1413
    Được cảm ơn 1721 lần


    Suy nghĩ như một Luật sư

    Gửi đến các bạn Dân Luật có ý định sẽ làm luật sư:

    “Suy nghĩ như một luật sư, tức là suy nghĩ như một con người – một con người khoan dung, tinh tế, thực dụng, có khả năng phản biện, và dấn thân – Anne-Marie Slaughter”

    Một trong những vấn đề mà sinh viên luật và cả giới luật sư trăn trở nhất là làm thế nào để tiếp cận một vấn đề pháp lý, một hồ sơ vụ việc một cách toàn diện nhất và hiệu quả nhất. Mục đích của việc tìm kiếm một phương pháp tư duy không hẳn chỉ là để giành chiến thắng ở tòa án, giải quyết xong một vụ việc, mà còn là để thấu hiểu bản chất của vấn đề và ý nghĩa của nghề luật sư. Luật Khoa tạp chí xin giới thiệu tới bạn đọc bài nói chuyện của bà Anne-Marie Slaughter, một luật sư và giáo sư luật người Mỹ, để phần nào giải đáp câu hỏi về cách tư duy của một luật sư. 

    Bà Anne-Marie Slaughter (sinh năm 1958) là một học giả, nhà phân tích về chính sách đối ngoại, Giám đốc ban Hoạch định Chính sách cho Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 2009 đến năm 2011 dưới thời Ngoại trưởng Hillary Clinton. Bà còn là một luật sư quốc tế, từng dạy ở Đại học Princeton, Chicago và Harvard, cựu chủ tịch Hiệp hội Công pháp Quốc tế Mỹ. Bài nói chuyện dưới đây của bà với các sinh viên năm thứ nhất trường luật là những lời của một người đi trước với các thế hệ luật sư kế tiếp trong tương lai.

    Trần Hà Linh (dịch)

    Các bạn bây giờ đang đi rất đúng hướng để đến một giai đoạn kỳ diệu; giai đoạn ấy là kết quả của năm đầu tiên của các bạn ở trường luật: suy nghĩ như một luật sư. Vậy chúng tôi đã dạy được gì cho các bạn?

    Trước tiên, suy nghĩ như một luật sư là các bạn suy nghĩ với một sự lưu tâm và chính xác, các bạn đọc và nói với một sự chú ý đến các sắc thái và chi tiết. Có nghĩa là, chú ý đến ngôn ngữ, nhưng cũng hiểu rằng câu chữ có vô vàn ý nghĩa và thường xuyên có thể bị nhào nặn. Vì vậy, điều ấy cũng có nghĩa là phải lưu tâm đến bối cảnh hiện tại và tương lai của ngôn ngữ. Tất cả những cái đó đều là một phần trong các kỹ năng, hay là nghệ thuật, của luật sư – vốn dĩ rất quan trọng, tự nó quan trọng, cũng như nó quan trọng với tư cách là phương tiện để đi đến một mục đích lớn hơn.

    Suy nghĩ như một luật sư còn có nghĩa là bạn có thể lập luận về bất cứ khía cạnh nào của vấn đề. Nhiều bạn phản đối lối dạy đó, cho rằng chúng tôi đang tước đi của các bạn các nguyên tắc và niềm tin cá nhân, biến bạn thành một khẩu súng bắn thuê. Ngược lại, học cách lập luận về những khía cạnh khác nhau của một vấn đề là học rằng cả hai bên tranh luận đều có những lập luận riêng, và học cách lắng nghe các lập luận đó. Đấy là cốt lõi của sự khoan dung – một giá trị mang tính khai phóng – và còn là điều kiện tiên quyết để có trật tự trong một xã hội đã lựa chọn dùng lời nói thay vì dùng súng đạn khi dính líu đến mâu thuẫn, xung đột. Niềm hy vọng tốt đẹp nhất của chúng ta là có được sự suy xét duy lý, là có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề không phải bằng cách xóa bỏ hết mâu thuẫn, mà bằng cách chuyển hóa nó một cách hữu hiệu và hợp tác với nhau khi nào có thể.

    Suy nghĩ như một luật sư cũng có nghĩa là phải thực hiện việc đánh giá, phân biệt các lập luận kia, chọn lọc giữa lập luận tốt và lập luận tồi. Rồi đây các bạn sẽ hiểu được rằng có những lập luận được đưa ra một cách chân thành từ các bên đang đối đầu nhau, nhưng khi ấy, các bạn cũng phải biết cách bác bỏ một số lập luận, hay ít nhất, biết chọn lọc chúng. Các lập luận có thể kém bởi vì chúng không logic, vì chúng không đúng với thực tế hay không đúng với pháp luật, vì chúng dốt hay vì chúng vụn vặt. Lập luận cũng có thể tồi vì chúng thúc đẩy những chính sách dở, hoặc vì chúng phản ánh những thứ mà chúng ta lên án: phân biệt chủng tộc, hạ thấp nhân phẩm, tham lam… mời các bạn điền thêm vào chỗ trống. Học cách suy nghĩ như một luật sư, nghĩa là các bạn học cách bác bỏ một số lập luận và chấp nhận một số lập luận khác; và các bạn hiểu và có khả năng trình bày được tại sao lại như thế.

    Suy nghĩ như một luật sư nghĩa là các bạn kết hợp hiện thực với lý tưởng. Nghĩa là các bạn tin vào khả năng có được trật tự và công lý, tin vào niềm khao khát có được trật tự và công lý, và tin rằng luật pháp có thể giúp chúng ta đạt được hai thứ đó. Nhưng suy nghĩ như một luật sư lại cũng có nghĩa là hiểu được toàn bộ cái dải rộng của đạo đức con người, hiểu rằng những nguyên tắc to lớn sẽ vẫn chỉ là nguyên tắc trên giấy tờ trừ phi chúng được thực thi vì những động cơ nhân bản. Tuy nhiên, suy cho cùng, khái niệm luật pháp và những lý tưởng mà nó thúc đẩy chính là những gì luật sư đại diện. Là một người sống theo lý tưởng [idealist – người có lý tưởng và sống theo lý tưởng] khó hơn nhiều so với khi bạn có đầy đủ lý do để làm một kẻ ghét đời [cynic – trong triết học nghĩa là “khuyển nho”, tức là người hoài nghi, yếm thế, hay nghi ngờ và chỉ trích cay độc].

    Một trong các đồng nghiệp của tôi ở Chicago kết luận khi bế giảng năm đầu tiên của một lớp học về tố tụng dân sự: “Vào năm đầu tiên ở trường luật, đôi khi người ta học cách nghĩ như một luật sư, nhưng không hẳn như một con người. Các bạn đã học được điều đầu tiên trong mọi điều. Các bạn không nên để chúng tôi dạy tiếp các bạn năm thứ hai”. Tôi không đồng ý. Không có sự phân biệt năm nào ở đây cả. Suy nghĩ như một luật sư, tức là suy nghĩ như một con người – một con người khoan dung, tinh tế, thực dụng, có khả năng phản biện, và dấn thân. Nghĩa là kết hợp giữa niềm đam mê và những nguyên tắc, giữa suy luận và phán đoán.

    Tất cả các bạn đều đang đi đúng hướng trên con đường vươn tới việc suy nghĩ như những luật sư. Thật là một niềm vui sướng và cũng là một đặc ân khi được giúp các bạn đạt tới cái đích đó.

    Nguồn: Luật Khoa

     
    6055 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận