Sui gia có kết hôn với nhau được không?

Chủ đề   RSS   
  • #613202 24/06/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 451 lần


    Sui gia có kết hôn với nhau được không?

    “Sui gia có thể kết hôn với nhau được hay không?” là một chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm và tranh luận bởi nó đan xen giữa những khía cạnh pháp lý, đạo đức, và quan niệm xã hội.

    (1) Sui gia có kết hôn với nhau được không?

    Luật Hôn nhân và Gia đình của Việt Nam quy định rằng, mọi công dân đều có quyền tự do kết hôn và được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp kết hôn đều được pháp luật công nhận. Vậy, sui gia có thể kết hôn với nhau được hay không? Đây là một câu hỏi thú vị và cần được giải đáp một cách thấu đáo trên cả khía cạnh pháp lý và đạo đức.

    Về khía cạnh pháp luật, theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, điều kiện để hai người được kết hôn là:

    - Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

    - Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

    - Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

    - Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014

    Theo đó, điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định cấm việc kết hôn khi có các dấu hiệu sau:

    -  Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

    - Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

    - Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

    - Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng

    Thông thường, hai người sui gia sẽ bị ràng buộc với quy định cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc sống như vợ chồng với người khác vì cả hai đều phải có vợ/chồng thì mới có con để trở thành sui gia với nhau.

    Nhưng như vậy cũng mở ra một trường hợp khác đó là cả hai ông bà sui đều không có (còn) vợ, chồng do vợ, chồng của hai người sui gia đã mất thì sẽ không bị ràng buộc bởi quy định trên nữa. Do đó, khi rơi vào trường hợp này, giả sử cả hai bên đều có năng lực hành vi dân sự, tự nguyện đến với nhau và không vi phạm các điều cấm trong hôn nhân thì hai ông bà sui gia hoàn toàn có thể kết hôn với nhau mà không vi phạm bất kỳ quy định pháp luật nào.

    Tuy nhiên, việc sui gia kết hôn với nhau có thể dẫn đến những vấn đề về đạo đức, quan hệ gia đình và xã hội. Do đó, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định kết hôn.

    Dù việc sui gia kết hôn tự nguyện không bị pháp luật ngăn cấm nhưng trước khi quyết định kết hôn, hai bên nên tham khảo ý kiến của các thành viên trong gia đình, bạn bè và chuyên gia tư vấn để có được lựa chọn phù hợp nhất.

    Ngoài ra, có một câu hỏi khá thú vị được đặt ra đó là, nếu trường hợp 2 ông bà sui gia thật sự lấy nhau thì các cháu trong nhà sẽ phải xưng hô như thế nào? Có lẽ sẽ vẫn xưng hô là cha, mẹ và ông, bà nhưng sẽ có một số điểm rắc rối, phức tạp nhất định. Tuy nhiên nếu tình cảm đó là thật, và con cháu trong gia đình không phản đối, việc kết hôn cũng không sai với quy định của pháp luật thì vấn đề xưng hô trong gia đình có thể thỏa thuận để thống nhất cách xưng hô phù hợp.

    (2) Con cháu có được yêu cầu hủy việc kết hôn của ông bà sui gia không?

    Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, người có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái phép bao gồm:

    Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật

    Như vậy, trong trường hợp việc kết hôn là trái phép, vi phạm pháp luật về hôn nhân (đang có vợ, chồng mà kết hôn với nhau, hôn nhân lừa dối, có dấu hiệu bị cưỡng ép…) thì con, cháu trong nhà có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn của hai ông bà sui gia.

    Tổng kết lại, sui gia có thể kết hôn với nhau nếu đáp ứng các điều kiện mà pháp luật yêu cầu. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định kết hôn và giải quyết những vấn đề tiềm ẩn có thể xảy ra. Và nếu việc kết hôn đó là trái pháp luật thì con cháu trong nhà có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn của hai người.

     
    1284 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn motchutmoingay24 vì bài viết hữu ích
    ntdieu (25/06/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận