Bộ Quốc phòng vừa bạn hành Dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường trong Quân đội để lấy ý kiến rộng rãi khắp nhân dân. Trong đó có một số nội dung đáng chú ý như sau:
1. Bổ sung đối tượng tuyển sinh với hệ đại học chính quy:
- Nam thanh niên ngoài Quân đội là công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia công an nhân dân.
-Nữ thanh niên ngoài Quân đội và nữ quân nhân: tuyển không quá 10% chỉ tiêu đào tạo ngành Tài chính vào đào tạo ngành Tài chính tại Học viện Hậu cần
2. Tiêu chuẩn tuyển sinh:
2.1. Tiêu chuẩn chính trị:
- Thực hiện theo Thông tư số 05/2019/TT-BQP ngày 16/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn chính trị của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng trong Quân đội nhân dân Việt Nam;
- Phẩm chất đạo đức tốt, là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
2.2. Tiêu chuẩn về sức khỏe:
- Thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên thuộc khu vực 1, hải đảo và thí sinh là người dân tộc thiểu số, dự tuyển vào các trường: Được tuyển thí sinh (cả nam và nữ) có thể lực đạt Điểm 1 và Điểm 2 theo quy định tại Mục I Phụ lục 1 Phân loại sức khoẻ theo thể lực và bệnh tật, ban hành kèm theo
Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP, riêng thí sinh nam phải đạt chiều cao từ 1,62 m trở lên
3. Tổ chức khám sức khỏe:
- Hằng năm, các đơn vị, địa phương tổ chức khám sức khỏe cho thí sinh đăng ký dự tuyển vào 2 đợt:
a) Đợt 1: Vào tuần 3 và tuần 4 tháng 3;
b) Đợt 2: Vào tuần 2 tháng 4.
Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh lịch công tác tuyển sinh, Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng hướng dẫn các đơn vị, địa phương về thời gian tổ chức khám sức khỏe cho thí sinh dự tuyển.
- Đối với thí sinh trúng tuyển nhập học, các trường phối hợp với các bệnh viện Quân đội tổ chức khám phúc tra sức khỏe theo quy định tại Điều 32 Thông tư này; thí sinh đủ tiêu chuẩn sức khỏe được vào học chính thức; thí sinh không đủ tiêu chuẩn sức khỏe, các trường làm thủ tục trả thí sinh về địa phương, đơn vị.
4. Tỉ lệ chỉ tiêu tuyển sinh và điểm chuẩn:
4.1. Theo tổ hợp môn xét tuyển:
- Số lượng tuyển sinh của từng tổ hợp xét tuyển thi tại Học viện Quân y: Chỉ tiêu tổ hợp B00: 75%; chỉ tiêu tổ hợp A00: 25%, Trường Sĩ quan Chính trị: Chỉ tiêu tổ hợp C00: 60%, chỉ tiêu tổ hợp A00: 30%, chỉ tiêu tổ hợp D01: 10% so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm;
- Các học viện, trường có xét tuyển đồng thời 02 Tổ hợp xét tuyển: A00 và A01: Thực hiện một điểm chuẩn chung cho cả 2 tổ hợp xét tuyển A00 và A01;
- Chỉ tiêu tuyển sinh của Học viện Biên phòng theo tổ hợp xét tuyển A01: Không quá 25% tổng chỉ tiêu.
- Học viện Khoa học quân sự: Thực hiện một điểm chuẩn chung cho cùng một đối tượng thí sinh nam hoặc đối tượng thí sinh nữ đối với các ngành xét tuyển đồng thời các tổ hợp sau: Tổ hợp D01 và D02 vào đào tạo ngành Ngôn ngữ Nga; tổ hợp D01 và D04 vào đào tạo ngành Ngôn ngữ Trung Quốc.
4.2. Theo 2 miền Bắc - Nam hoặc theo từng quân khu:
- Học viện Biên phòng tuyển 45% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Bắc (từ tỉnh Quảng Bình trở ra), thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh phía Nam được xác định đến từng quân khu: Quân khu 4 (tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế): 04 %, Quân khu 5: 14%, Quân khu 7: 17%, Quân khu 9: 20%;
- Trường Sĩ quan Lục quân 2 xác định điểm chuẩn đến từng quân khu phía Nam theo tỷ lệ: Quân khu 4 (tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế): 03%, Quân khu 5: 37%, Quân khu 7: 35%, Quân khu 9: 25%;
- Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự (Vin - Hem Pích) tuyển 40% thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Bắc, 60% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Nam;
- Các học viện: Quân y, Hậu cần, Hải quân, Phòng không - Không quân và các trường sĩ quan: Chính trị, Pháo binh, Tăng - Thiết giáp, Phòng hóa, Đặc công, Công binh, Thông tin tuyển 65% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Bắc, 35% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Nam;
- Học viện Kỹ thuật quân sự tuyển 75% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Bắc, 25% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Nam;
- Học viện Khoa học quân sự:
+ Ngành Trinh sát kỹ thuật tuyển 75% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Bắc, 25% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Nam;
+ Ngành Quan hệ quốc tế về quốc phòng và các ngành đào tạo ngoại ngữ: Thực hiện một điểm chuẩn chung cho cùng một đối tượng thí sinh nam hoặc đối tượng thí sinh nữ trong cả nước.
- Trường Sĩ quan Không quân thực hiện một điểm chuẩn chung cho thí sinh trong cả nước.
5. . Khám phúc tra sức khỏe cho thí sinh trúng tuyển nhập học:
5.1. Tổ chức khám phúc tra sức khỏe cho số thí sinh trúng tuyển ngay trong tuần đầu về trường nhập học. Việc khám phúc tra sức khoẻ do Hội đồng khám sức khoẻ tuyển sinh quân sự các bệnh viện Quân đội thực hiện theo sự phân công của Cục Quân y/Tổng cục Hậu cần.
5.2. Nội dung, quy trình khám, phân loại sức khỏe thực hiện theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 7 Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự và làm đủ các xét nghiệm cận lâm sàng, gồm: Xét nghiệm công thức máu; nhóm máu, chức năng gan: AST, ALT); chức năng thận (Ure, Creatinin); đường máu; nước tiểu 10 thông số; điện tim; siêu âm tổng quát; X-quang tim phổi thẳng; xét nghiệm sàng lọc HIV, ma túy. Trường hợp cần thiết, có thể thực hiện thêm các kỹ thuật chẩn đoán hoặc các xét nghiệm cận lâm sàng khác để kết luận phân loại sức khỏe chính xác.
5.3. Kết luận phúc tra sức khỏe
Sau 10 ngày, kể từ ngày thí sinh nhập học (theo thời gian quy định trong giấy báo nhập học), các trường phải thông báo kết luận về phân loại tiêu chuẩn sức khỏe đến thí sinh đã nhập học biết, làm thủ tục trả về địa phương đối với các thí sinh không đủ tiêu chuẩn sức khỏe.
Ngoài ra Dự thảo thông tư cũng quy định điều kiện tuyển sinh với các bậc Dự bị Đại học, Cao Đẳng, Trung cấp Chuyên nghiệp, Sau đại học...
Thông tư này dự tính sẽ thay thế Thông tư số 17/2016/TT-BQP, Thông tư số 42/2017/TT-BQP, Thông tư số 24/2018/TT-BQP.
>>> Xem toàn văn Dự thảo Thông tư tại file đính kèm bên dưới