Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó một số nội dung được sửa đổi như sau:
1. Các loại công việc thực hiện ký kết hợp đồng lao động
Bổ sung theo tinh thần Nghị quyết 102/NQ-CP về hợp đồng lao động làm chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực y tế và giáo dục; đồng thời bổ sung cho phép ký hợp đồng làm chuyên môn nghiệp vụ đối với các lĩnh vực khác để thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, giảm số lượng người hưởng lương từ NSNN
2. Hình thức hợp đồng và các loại hợp đồng
- Hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng thuê khoán tài sản, hợp đồng mượn tài sản, hợp đồng dịch vụ và các loại hợp đồng khác theo quy định của pháp luật về dân sự hoặc pháp luật về thương mại. Liệt kê các loại hợp đồng thông dụng theo quy định của pháp luật.
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn theo quy định của pháp luật về lao động.
3. Các loại hợp đồng thực hiện công việc thừa hành, phục vụ
Xác định rõ mức độ ưu tiên, theo đó các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp công lập có số lượng lao động làm công việc thừa hành phục vụ số lượng lớn sẽ phải thực hiện việc ký kết hợp đồng với tổ chức cung cấp dịch vụ; chỉ đối với các trường hợp cụ thể mới ký hợp đồng lao động với cá nhân.
Khuyến khích ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ để giảm số lượng người hưởng lương từ NSNN, tiếp tục thực hiện chủ trương tinh giản biên chế; đồng thời bổ sung cơ chế tài chính để thực hiện quy định này.
Chỉ đối với những nơi không có đơn vị cung cấp dịch vụ hoặc số lượng người ít hoặc do tính chất đặc thù của đối tượng phục vụ thì mới ký hợp đồng lao động trực tiếp.
4. Tiêu chuẩn, điều kiện, quyền, nghĩa vụ của người ký kết hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ
- Bảo đảm đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm và tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp chuyên ngành.
- Tiền lương và các chế độ khác thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng. Mức tiền lương có thể áp dụng theo bảng lương của viên chức nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật lao động. Các loại phụ cấp được hưởng (nếu có) được tính vào tiền lương; thời hạn
tăng lương, mức tăng lương được thỏa thuận trong hợp đồng, có thể thỏa thuận áp dụng như chế độ đối với viên chức.
- Chế độ đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật được thực hiện như viên chức.
- Trường hợp ký hợp đồng lao động nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì được quy hoạch vào chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý. Trường hợp được bổ nhiệm thì thực hiện tiếp nhận vào làm viên chức để bổ nhiệm.
-Thời gian ký kết hợp đồng lao động (không kể thời gian thử việc) được tính làm căn cứ xếp lương theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm trong trường hợp được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức. Việc xếp lương theo chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận thực hiện theo quy định của pháp luật.
Nghị định này thay thế Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, Điều 3 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP
>>> Xem toàn văn Dự thảo Nghị định tại file đính kèm bên dưới