Sự tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đến Sở hữu trí tuệ?

Chủ đề   RSS   
  • #611014 26/04/2024

    minhpham1995
    Top 50
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/10/2017
    Tổng số bài viết (1446)
    Số điểm: 12229
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 211 lần


    Sự tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đến Sở hữu trí tuệ?

    Chương Sở hữu trí tuệ (SHTT) trong Hiệp định CPTPP cũng chính là Chương SHTT trong Hiệp định TPP, gồm có 83 Điều, 6 Phụ lục, trong đó có 11 Điều (là lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ) đã được tạm hoãn thi hành.

    Ngay sau khi gia nhập CPTPP, Việt Nam đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14/06/2019 sửa đổi một số quy định của Luật Sở hữu trí tuệ liên quan tới:

    - Xác lập quyền SHCN đối với nhãn hiệu nổi tiếng và chỉ dẫn địa lý

    - Về tính mới và tính sáng tạo của sáng chế

    - Đơn/đề nghị quốc tế về chỉ dẫn địa lý

    - Về nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu

    - Về đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp

    - Về một số khía cạnh trong tố tụng giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới.

    Đây là các cam kết CPTPP mà pháp luật Việt Nam chưa tương thích và phải thực hiện ngay khi CPTPP có hiệu lực với Việt Nam. Văn bản sửa đổi này chưa bao gồm việc nội luật hóa các cam kết CPTPP về sở hữu trí tuệ có lộ trình thực hiện muộn hơn thời điểm Hiệp định CPTPP có hiệu lực.

    Nhãn hiệu:

    Đối tượng được bảo hộ: Ngoài các đối tượng truyền thống mà pháp luật Việt Nam đang bảo hộ (như chữ, ký hiệu, từ ngữ, hình ảnh), CPTPP còn mở rộng ra cả âm thanh, và khuyến khích các nước bảo hộ cả mùi; đối với tất cả các đối tượng được bảo hộ, không bắt buộc phải “nhìn thấy được”. Về việc phải bảo hộ nhãn hiệu thương mại dưới hình thức âm thanh, Việt Nam chỉ phải thực hiện nghĩa vụ này sau 3 năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực.

    Đối với trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng, CPTPP yêu cầu các nước không được lấy tiêu chí số lượng các quốc gia đã bảo hộ nhãn hiệu, đã công nhận nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đã nằm trong danh mục nhãn hiệu nổi tiếng để quyết định bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng. Pháp luật Việt Nam hiện vẫn còn một số tiêu chí dạng này, và vì vậy sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp.

    Đối với tên miền Internet trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, mỗi Bên phải có cơ chế giải quyết tranh chấp theo hoặc mô phỏng theo nguyên tắc cơ bản trong Chính sách thống nhất giải quyết tranh chấp tên miền của ICANN hoặc mô hình đáp ứng các yêu cầu nhất định và chế tài chống đăng ký tên miền nhằm thu lợi bất chính.

    Đồng thời hiệp định quy định các bên phải có hệ thống điện tử đối với đơn đăng ký và duy trì hiệu lực của nhãn hiệu cũng như phải có hệ thống thông tin điện tử có thể truy cập, bao gồm dữ liệu trực tuyến về đơn và đăng ký nhãn hiệu.

    Về thời gian bảo hộ: Các nước phải bảo hộ nhãn hiệu thương mại tối thiểu là 10 năm và có thể được gia hạn nhiều lần.

    Chỉ dẫn địa lý:

    Hiệp định CPTPP không bắt buộc các Bên tham gia phải có hệ thống đăng ký chỉ dẫn địa lý riêng, nhưng nếu có thì phải đáp ứng các yêu cầu như hệ thống đăng ký nhãn hiệu phải có cả thủ tục phản đối đơn, thủ tục hủy bỏ đăng ký; không bảo hộ chỉ dẫn địa lý hoặc yếu tố cấu thành chỉ dẫn địa lý đã trở thành tên gọi chung; không được loại trừ hoàn toàn khả năng hủy bỏ/chấm dứt hiệu lực đăng ký.

    Hiệp định này cũng quy định nếu bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo điều ước quốc tế thì phải áp dụng trình tự, thủ tục như đối với bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo hệ thống quốc gia (phải công bố thông tin trong một thời gian hợp lý để cho phép người có lợi ích liên quan phản đối dự định bảo hộ trước khi ký kết điều ước; không bắt buộc phải có thủ tục hủy bỏ hiệu lực đăng ký, nhưng không được loại trừ hoàn toàn khả năng chấm dứt hiệu lực đăng ký.

    Sáng chế (Patents):

    Hiệp định CPTPP đã tạm hoãn thực thi quy định trong Hiệp định TPP về việc vấn đề bảo hộ cho sáng chế đã công bố công khai, nếu việc công bố đó là do người nộp đơn sáng chế hoặc người có được thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp từ người nộp đơn sáng chế, và nếu việc công bố đó thực hiện trong vòng 12 tháng ngay trước thời điểm nộp đơn đăng ký, và tạm hoãn một số các nghĩa vụ khác.

    Dữ liệu thử nghiệm:

    Đối với dữ liệu thử nghiệm liên quan đến tính an toàn hoặc tính hiệu quả của nông hóa phẩm mới (chứa thành phần hóa học mới) mà các Bên yêu cầu phải nộp trong thủ tục đăng ký lưu hành nông hóa phẩm, Hiệp định quy định cơ chế độc quyền tuyệt đối thay vì cơ chế bảo mật thông tin như Hiệp định TRIPS.

    Theo đó, cơ quan nhà nước không được cho phép người khác lưu hành nông hóa phẩm trùng hoặc tương tự với nông hóa phẩm của người nộp dữ liệu nếu không được phép của người nộp dữ liệu, trên cơ sở dựa vào dữ liệu đó hoặc chính việc cấp phép lưu hành cho người nộp dữ liệu đó hoặc thông tin về việc cấp phép lưu hành nông hóa phẩm đó ở nước khác nếu việc cấp phép ở nước khác dựa vào dữ liệu của người được cấp phép. Thời hạn độc quyền là 10 năm tính từ ngày cấp phép lưu hành. Tuy nhiên, nghĩa vụ này đối với Việt Nam có thời gian chuyển tiếp 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực và thêm 5 năm ân hạn không kiện tụng sau khi hết thời hạn chuyển tiếp.

    Kiểu dáng công nghiệp:

    Hiệp định CPTPP quy định các Bên phải bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của một trong hai đối tượng:

    (i) Kiểu dáng công nghiệp của một bộ phận của sản phẩm (kiểu dáng riêng phần); hoặc

    (ii) Kiểu dáng có điểm nhấn là một bộ phận trong tổng thể sản phẩm (các đặc điểm tạo dáng cơ bản nằm ở một bộ phận trên sản phẩm) nếu thích hợp.

    Nghĩa vụ về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trong Hiệp định khá linh hoạt, trong đó các Bên có thể chọn thực hiện một trong hai nghĩa vụ và đặc biệt, việc thực hiện nghĩa vụ (ii) còn tùy vào thực tiễn của các nước.

    Quyền tác giả và các quyền liên quan:

    + Quyền của các chủ sở hữu: Các nước CPTPP phải bảo hộ quyền độc quyền của tác giả, người biểu diễn, người sản xuất trong việc cho phép hoặc cấm sao chép, truyền đạt tới công chúng, phân phối và phát sóng các tác phẩm, cuộc biểu diễn và bản ghi âm của họ trong bất kỳ cách thức hoặc hình thức nào, kể cả dưới dạng điện tử.

    + Thời hạn bảo hộ: Đối với trường hợp chủ sở hữu quyền là cá nhân, thời hạn bảo hộ là cả cuộc đời cá nhân đó cộng thêm 70 năm kể từ ngày mất. Đối với trường hợp không phải cá nhân, thời hạn bảo hộ là 70 năm kể từ thời điểm công bố lần đầu tác phẩm. Nếu tác phẩm không được công bố trong vòng 25 năm kể từ ngày được tạo ra thì thời hạn này là 70 năm kể từ ngày tác phẩm được tạo ra. Việt Nam cam kết thực hiện nghĩa vụ này sau 5 năm kể từ khi TPP có hiệu lực. Tuy nhiên các nghĩa vụ này đã được tạm hoãn trong Hiệp định CPTPP.

    + Biện pháp bảo vệ công nghệ: Biện pháp bảo vệ công nghệ trong chương SHTT được hiểu là bất kỳ công nghệ, thiết bị hoặc linh kiện hiệu quả nào, được sử dụng, vận hành để kiểm soát truy cập vào một tác phẩm, cuộc biểu diễn, hoặc bản ghi âm đã được bảo hộ, hoặc quyền liên quan đến chúng. Các nước được yêu cầu phải có các quy định, các thủ tục tố tụng hình sự và hình phạt để xử lý các trường hợp cố ý vi phạm.

    (Bài viết này được tham khảo từ các nguồn có liên quan, nhằm mục đích cung cấp cho người đọc những thông tin về sự tác động của CPTPP đến quyền sở hữu trí tuệ – một trong những nội dung quan trọng mà CPTPP đề cập đến).

     
    106 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận