Vật liệu nổ công nghiệp là một công cụ hữu ích trong nhiều lĩnh vực, vậy việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp có phải báo cáo lên UBND cấp xã hay không?
(1) Vật liệu cháy nổ công nghiệp là gì?
Vật liệu cháy nổ công nghiệp là những chất hoặc hỗn hợp chất có khả năng tự cháy hoặc phát nổ khi tiếp xúc với nguồn nhiệt, tia lửa hoặc tác động cơ học. Chúng được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động sản xuất, xây dựng, khai thác mỏ... nhằm tạo ra năng lượng hoặc phá vỡ các vật liệu cứng.
Theo Điều 3 Thông tư 13/2018/TT-BCT, vật liệu cháy nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam được quy định tại Danh mục vật liệu nổ công nghiệp tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 13/2018/TT-BCT.
>>> Xem Danh mục vật liệu nổ công nghiệp tại đâyhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/8/02/PH%E1%BB%A4%20L%E1%BB%A4C%20I.doc
(2) Sử dụng vật liệu nổ công nghiệp có phải báo cáo UBND cấp xã không?
Theo quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều 18 Thông tư 13/2018/TT-BCT, tổ chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện việc báo cáo định kỳ với Sở Công Thương về tình hình sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trước ngày 05 tháng 7 đối với báo cáo sáu tháng, trước ngày 05 tháng 01 đối với báo cáo năm.
Đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện báo cáo theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 18 Thông tư 13/2018/TT-BCT và cơ quan được Bộ Quốc phòng giao quản lý vật liệu nổ công nghiệp.
Theo quy định trên, tổ chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho Sở Công Thương hoặc cơ quan được Bộ Quốc phòng giao quản lý vật liệu (nếu tổ chức sử dụng vật liệu nổ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng).
Như vậy, việc tổ sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không phải báo cáo cho UBND cấp xã mà chỉ thực hiện báo cáo định kỳ đối với Sở Công Thương hoặc cơ quan được Bộ Quốc Phòng giao quản lý vật liệu nổ công nghiệp.
(3) Việc báo cáo định kỳ khi sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thực hiện thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Thông tư 13/2018/TT-BCT, tổ chức sử dụng vật liệu cháy nổ phải thực hiện việc báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động sử dụng chất nổ công nghiệp tại tổ chức cho Bộ Công Thương.
Theo đó, tổ chức sử dụng vật liệu cháy nổ thực hiện việc báo cáo theo mẫu 2 tại Phụ lục IX được ban hành kèm theo Thông tư 13/2018/TT-BCT (mẫu này đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 31/2020/TT-BCT)
>>> Tải Mẫu 2 (đã sửa đổi, bổ sung theo quy định mới nhất) tại đâyhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/8/02/PH%E1%BB%A4%20L%E1%BB%A4C%20IX%20-%20M%E1%BA%ABu%20s%E1%BB%91%2002.doc
Hạn chót phải thực hiện việc báo cáo định kỳ là trước ngày 05/7 hằng năm nếu thực hiện báo cáo 06 tháng, trước ngày 05/01 hằng năm nếu thực hiện báo cáo theo năm.
Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 18 Thông tư 13/2018/TT-BCT (được bổ sung bởi khoản 1 Điều 12 Thông tư 42/2019/TT-BCT), chế độ báo cáo định kỳ trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp được thực hiện thông qua phương thức trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính.
(4) Một số trường hợp phải báo cáo đột xuất trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp
Việc sử dụng và tàng trữ vật liệu nổ công nghiệp trong các hoạt động sản xuất, xây dựng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro như mất cắp, thất thoát, xảy ra sự cố,...nếu không được quản lý chặt chẽ, nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Do đó, để hạn chế những hậu quả đáng tiếc, Nhà nước ta đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ về quản lý và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Theo quy định tại Điều 19 Thông tư 13/2018/TT-BCT, tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp báo cáo đột xuất với cơ quan có thẩm quyền trong các trường hợp sau:
- Báo cáo Công an cấp huyện và Sở Công Thương nơi tiến hành hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện:
+ Có xâm nhập trái phép khu vực tồn trữ vật liệu nổ công nghiệp
+ Mất cắp, thất thoát hoặc xảy ra tai nạn, sự cố trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp
- Báo cáo Sở Công Thương nơi tiến hành hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trong vòng 48 giờ khi chấm dứt hoạt động vật liệu nổ công nghiệp
- Thực hiện báo cáo theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền
Có thể thấy, việc báo cáo đột xuất về hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp là một yêu cầu bắt buộc và hết sức quan trọng. Nó không chỉ giúp các cơ quan chức năng nắm bắt tình hình, kịp thời có biện pháp phòng ngừa và xử lý các sự cố có thể xảy ra, mà còn đảm bảo an toàn cho cộng đồng khi chấm dứt hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.