Phạt tù, phạt hành chính đối với hành vi Sử dụng ma túy - Ảnh minh họa
Sử dụng ma túy là một tệ nạn đáng lên án và gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự của cả xã hội. Cùng phân tích những quy định của pháp luật Việt Nam về hành vi này để nắm được hình thức xử phạt mà người sử dụng ma túy phải đối mặt.
Trước hết theo Khoản 3 Điều 3 Luật phòng, chống ma túy 2000, việc sự dụng và tổ chức sử dụng ma túy là hành vị bị pháp luật nghiêm cấm. Danh mục các chất được xem là ma túy và tiền chất của ma túy được quy định tại Văn bản hợp nhất 08/VBHN-BCA.
Theo đó, hình thức xử phạt của người chỉ sử dụng ma túy (qua các hình thức hút, chích,…) là phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Ngoài ra, không có quy định xử phạt nào khác liên quan tới hành vi “Sử dụng trái phép chất ma túy”
Tuy nhiên, việc sử dụng ma túy luôn đi kèm với “Tàng trữ” ma túy, vì phần lớn những người sử dụng ma túy đều mang theo một lượng ma túy bên mình. Đối với hành vi tàng trữ này, quy định pháp luật xử lý như sau:
- Xử phạt hành chính: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt chất ma túy trái phép;
b) Tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy;
- Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Căn cứ vào Điều 249 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), hành vi này bị truy cứu cơ bản như sau:
"1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
..."
Tùy vào mức độ vi phạm, tại các Khoản 2, 3, 4, 5 Điều này, hình phạt tù cao nhất có thể là tù chung thân, phạt tối đa 500 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy có thể thấy, riêng với hành vi Sử dụng trái phép chất ma túy thì chỉ bị phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên tùy vào mức độ tàng trữ ma túy mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Tàng trữ trái pháp chất ma túy.
Cập nhật bởi hiesutran159 ngày 17/10/2020 11:04:04 SA