Hiện nay, khi truy cập vào một số trang mạng xã hội lớn như Facebook hay Tiktok người dùng có thể bắt gặp nhiều trang, nhóm có đưa tin liên quan đến cơ quan, chính quyền nhà nước. Trong số đó dễ dàng bắt gặp nhiều trang không chính thống gây thông tin thất thiệt cho người dùng, làm ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng chức năng.
Theo đó, người dùng cần thận trọng và lựa chọn thông tin chính thống trên các trang mạng xã hội. Việc cá nhân, tổ chức có hành vi lợi dụng, sử dụng logo hay hình ảnh của cơ quan có thẩm quyền qua đó trục lợi có thể bị xử phạt nặng.
Sử dụng logo của cơ quan chức năng là hành vi bị nghiêm cấm
Những cá nhân, tổ chức có hành vi lợi dụng logo, hình ảnh của cơ quan nhà nước nhằm mục đích trục lợi hoặc mục đích khác được xem là hành vi bị nghiêm cấm. Theo đó, tại khoản 3 Điều 12 Luật Công nghệ thông tin 2006 quy định như sau:
Nghiêm cấm người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động công nghệ thông tin; sản xuất, lưu hành sản phẩm công nghệ thông tin trái pháp luật; giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác; tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền của tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp tên miền đó.
Ngoài ra, tại điểm b khoản 3 Điều 14 Luật An ninh mạng 2018 còn quy định nghiêm cấm và sẽ xử lý người có hành vi cung cấp thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên không gian mạng.
Như vậy, việc các cá nhân, tổ chức có hành vi sử dụng logo của cơ quan nhà nước làm fanpage là bị cấm vì có thể gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và lợi ích của nhà nước. Qua đó, nếu cung cấp thông tin sai sự thật gây thất thiệt đến người dân có thể lực lượng chức năng truy cứu xử lý.
Xử lý hành vi giả mạo trang thông tin điện tử
Trường hợp tổ chức sử dụng trang Facebook hoặc các mạng xã hội khác có tên logo, có huy hiệu cơ quan nhà nước, dù phần thông tin giới thiệu không nhận thuộc tổ chức nào thì cũng bị xử phạt hành chính đối với hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác được quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP có thể bị phạt tiền 20 - 30 triệu đồng.
Lưu ý: đối với cá nhân có hành vi vi phạm tương tự như trên thì mức phạt tiền bằng ½.
Đối với hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan chính quyền thực hiện cho mục đích cá nhân mà vi phạm ngoài phạm vi xử phạt hành chính thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại điểm e khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào giả mạo cá nhân, tổ chức khác mà có hành vi làm nhục bằng việc sử dụng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Như vậy, việc giả mạo, sử dụng logo của cơ quan nhà nước trên mạng xã hội có thể bị phạt tiền lên đến 30 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự khi có dấu hiệu. Qua đó, người dân khi tham gia các trang mạng xã hội cần lưu ý và đọc kỹ các thông tin chính thống, không được chia sẻ các thông tin chưa được xác thực có thể bị xử phạt, khi có dấu hiệu người dân có thể báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xử lý.