So sánh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa BLDS 2005 và BLDS 2015

Chủ đề   RSS   
  • #515244 13/03/2019

    lanbkd
    Top 150
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/08/2017
    Tổng số bài viết (518)
    Số điểm: 8260
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 488 lần


    So sánh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa BLDS 2005 và BLDS 2015

     

    Trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) ngoài hợp đồng hiểu một cách đơn giản là loại trách nhiệm bồi thường không phát sinh từ quan hệ hợp đồng; người nào có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền lợi hợp pháp  của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

    Dưới đây là bảng so sánh một số điểm mới giữa Bộ luật dân sự (BLDS) 2015 so với BLDS 2005 về chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

    TIÊU CHÍ

    BỘ LUẬT DÂN SỰ 2005

    BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015

    CĂN CỨ PHÁT SINH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG

    Điều 604. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

    1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

    2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.

     

    Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

    1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

    2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

    3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

     

    Theo đó, BLDS 2015 có những điểm mới sau:

    - Thứ nhất: Loại bỏ yếu tố “Lỗi”:

     Nếu như trong BLDS 2005, yếu tố lỗi (kể cả lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý) được sử dụng như là căn cứ đầu tiên để xác định TNBTTH ngoài hợp đồng thì trong BLDS 2015, căn cứ xác định TNBTTH đầu tiên lại là hành vi xâm phạm của  người gây thiệt hại.

    Thay đổi này được hiểu là BLDS 2015 đã quy định theo hướng người bị thiệt hại không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên gây thiệt hại nữa, họ chỉ cần xác định được hành vi xâm phạm của người gây thiệt hại là đã có thể yêu cầu bồi thường (Trách nhiệm chứng minh lỗi giờ đây sẽ thuộc về người gây thiệt hại trong trường hợp muốn được miễn trách nhiệm BTTH (Khoản 2 Điều 585 BLDS 2015) hoặc được giảm mức bồi thường (Khoản 2, 4 Điều 586 BLDS 2015).

    - Thứ hai: Bổ sung căn cứ “tài sản gây thiệt hại”

    BLDS 2015 đã bổ sung thêm căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH là “tài sản gây thiệt hại”. Cụ thể, theo Khoản 3 Điều 584 BLDS 2015: Chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản của mình gây ra. Đây là  một sự bổ sung hoàn toàn hợp lý bởi trên thực tế, trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng cũng có thể phát sinh khi có sự kiện tài sản gây ra thiệt hại.

    Ví dụ như: Điều 605 quy định về Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác....

     - Thứ ba: Bao quát định nghĩa về chủ thể được bồi thường

    Khi xác định chủ thể được BTTH, BLDS 2015 đã quy định theo hướng khái quát hơn, không còn chia ra trường hợp cá nhân và pháp nhân hoặc chủ thể khác như BLDS 2005 nữa. Khoản 1 Điều 584 BLDS 2015 chỉ quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. “Người khác” ở đây có thể được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác và như vậy đã bao hàm được tất cả các loại chủ thể được BTTH như quy định tại BLDS 2005 trước đây.

    - Thứ tư: Mở rộng chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường

    BLDS 2005 quy định người nào thực hiện hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, BLDS 2015 lại quy định thêm trường hợp ngoại lệ, đó là “trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Đây là một quy định rất phù hợp, bởi vì trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng về nguyên tắc là được đặt ra cho chính chủ thể có hành vi gây thiệt hại, nhưng có khi lại là người khác.

    Ví dụ như: Điều 586 về Năng lực chịu trách nhiệm BTTH của cá nhân, trong trường hợp này, người gây ra thiệt hại là con nhưng người chịu trách nhiệm bồi thường lại là cha mẹ hay người giám hộ; Điều 598 quy định về BTTH do người thi hành công vụ gây ra, trong trường hợp này, người gây thiệt hại là người thi hành công vụ nhưng người chịu trách nhiệm bồi thường là cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức…

     

    NGUYÊN TẮC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

    Điều 605. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

    1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

    2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.

    3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

     

    Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

    1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

    2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

    3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

    4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

    5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

    So với nguyên tắc BTTH tại BLDS 2005, BLDS 2015 đã có một số thay đổi như sau:

    >>>VỀ NGUYÊN TẮC BỒI THƯỜNG TOÀN BỘ: Quy định rõ loại thiệt hại được bồi thường

    BLDS 2015 bổ sung thêm từ “thực tế” vào phía sau cụm từ “thiệt hại” để tạo thành nguyên tắc: “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời....”. Theo đó, loại thiệt hại được bồi thường là “thiệt hại thực tế”.

    Như vậy, BLDS 2015 đã xác định rõ ràng hơn loại thiệt hại được bồi thường chứ không quy định chung chung như Khoản 1 Điều 605 BLDS 2005 nữa. Việc quy định rõ loại thiệt hại được bồi thường phải là thiệt hại thực tế sẽ giúp cho Tòa án dễ dàng hơn trong việc xác định thiệt hại để bồi thường, cũng như tránh đi những cách hiểu và cách áp dụng có thể khiến bất lợi cho người bị thiệt hại.

    >>>NGUYÊN TẮC GIẢM MỨC BỒI THƯỜNG:

    - Thứ nhất: Bổ sung chủ thể được giảm mức bồi thường

    Nếu như BLDS 2005 quy định chủ thể được giảm mức bồi thường là “người gây thiệt hại” thì BLDS 2015 đã xác định là “người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại”. Việc thay đổi thuật ngữ “người gây thiệt hại” thành “người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại”. Thay đổi này xuất phát từ việc BLDS 2015 quy định người chịu trách nhiệm BTTH không chỉ có người gây thiệt hại mà còn có thể là chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản có tài sản gây ra thiệt hại hoặc có thể là chủ thể khác như cha, mẹ chịu trách nhiệm BTTH cho con chưa thành niên,...

    Do vậy, việc áp dụng nguyên tắc giảm mức bồi thường cho “người chịu trách nhiệm BTTH” là phù hợp hơn vì nó đảm bảo tính thống nhất và chính xác trong việc áp dụng pháp luật, đảm bảo sự công bằng giữa các chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thông qua việc xem xét nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế cho tất cả những người chịu trách nhiệm BTTH, qua đó đảm bảo tính khả thi của bản án trên thực tế.

    - Thứ hai: Thay đổi điều kiện để được giảm mức bồi thường

    Khoản 2 Điều 605 BLDS 2005 quy định người gây thiệt hại phải đáp ứng đủ hai điều kiện sau thì mới được giảm nhẹ trách nhiệm bồi thường: (1) do lỗi vô ý mà gây thiệt hại; và (2) thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại.

    Đến BLDS 2015, hai điều kiện này đã có sự chỉnh sửa, bổ sung như sau:

    (1) Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại không có lỗi hoặc lỗi vô ý;

    Ở điều kiện này, BLDS 2015 đã bỏ đi cụm từ “mà gây thiệt hại” và bổ sung thêm điều kiện người chịu trách nhiệm BTTH “không có lỗi”. Sự sửa đổi này là hợp lý và phù hợp với thực tiễn hơn, bởi lẽ có những trường hợp một người phải chịu trách nhiệm BTTH nhưng thực sự họ không có lỗi. Ví dụ như trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra...

    Hơn nữa, trước đây khi một người gây thiệt hại do lỗi vô ý, pháp luật đã cho phép giảm mức bồi thường nếu hoàn cảnh kinh tế của họ gặp khó khăn, thì không có lý do gì trong trường hợp một người phải chịu trách nhiệm bồi thường do hành vi của người khác hay do tài sản gây ra và họ không có lỗi lại không được xem xét giảm  mức bồi thường. Điểm bổ sung này nhằm đảm bảo tính công bằng cho các bên.

    (2) Thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

    Ở điều kiện thứ hai này, BLDS 2015 đã có quy định khác so với quy định này của BLDS 2005. Cụ thể là, nếu như BLDS 2005 quy định điều kiện thứ hai là khi“thiệt hại ảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại” thì BLDS 2015 đã bỏ đi cụm từ “trước mắt và lâu dài”. Như vậy, theo BLDS 2015 thì điều kiện thứ hai là “thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế” của người chịu trách nhiệm BTTH. Cách xem xét mức BTTH dựa trên khả năng kinh tế theo quy định ở BLDS 2015 rõ ràng là hợp lý và dễ dàng hơn, bởi lẽ để xác định được thiệt hại đó là có quá lớn hay không ở khoảng thời gian cả “trước mắt” lẫn “lâu dài” thực sự điều khó khăn và khó lòng chính xác.

    >>>NGUYÊN TẮC TRÁCH NHIỆM HẠN CHẾ THIỆT HẠI:

    Trước đây, BLDS 2005 không có quy định về trách nhiệm hạn chế thiệt hại của chủ thể gây thiệt hại. Đến BLDS 2015 đã bổ sung nguyên tắc này vào Khoản 5 Điều 585: “Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được  bồi thường nếu thiệt hại  xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”.

    Rõ ràng, có thể đánh giá đây là một bổ sung tiến bộ và rất có giá trị. Việc thừa nhận trách nhiệm phải hạn chế thiệt hại này của bên có quyền và lợi ích bị xâm phạm là hợp lý, bởi lẽ, nếu trong khả năng của mình, bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm có thể hạn chế thiệt hại xảy ra cho chính mình nhưng họ không làm, thì về mặt lý họ sẽ không thể yêu cầu bồi thường phần thiệt hại đó.

     

    THỜI HIỆU KHỞI KIỆN

    Điều 607. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

    Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm.

     

    Điều 588. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

    Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

     

    BLDS 2015 đã có thay đổi khi quy định về thời hiệu khởi kiện bồi thường thiệt hại như sau:

    + Kéo dài thời hiệu: Thời hiệu khởi kiện yêu cầu BTTH ở BLDS 2015 được kéo dài hơn 01 năm so với BLDS 2005.

    + Thay đổi thời điểm được dùng để tính thời hiệu: sẽ được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thay vì “kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm” theo quy định cũ.  Có thể thấy, mốc thời gian để tính thời hiệu khởi kiện được xác định “biết hoặc phải biết” hợp lý hơn cũng như bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho bên bị thiệt hại so với quy định của BLDS 2005. Bởi lẽ, quy định tại BLDS 2005 là không hợp lý, không phù hợp với thực tiễn, không bảo vệ được quyền, lợi ích của bên có thiện chí, ngay tình trong quan hệ dân sự cũng như không đảm bảo lẽ công bằng trong giải quyết vụ việc dân sự. Vì trên thực tế, việc xác định thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, chủ thể khác bị xâm phạm là rất khó khăn, có hành vi gây thiệt hại xảy ra một thời điểm nhưng thiệt hại lại không xảy ra ngay hoặc chưa xác định được ngay thiệt hại.

     

     

    Cập nhật bởi lanbkd ngày 13/03/2019 03:25:55 SA
     
    22245 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn lanbkd vì bài viết hữu ích
    thoangnet (13/03/2019)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận