Tình thế cấp thiết trong Bộ luật Hình sự 2015 chính vì tính hợp lý mà về mặt xã hội, chúng ta coi việc hành động trong tình thế đó là hành động có ích. Còn về mặt hình sự hành động này không bị coi là tội phạm.
Trong xã hội, việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, xã hội, của bản thân mình cũng như của người khác luôn luôn được đặt trong mối quan hệ khăng khít giữa lợi ích chung và lợi ích riêng; giữa cái cần thiết và cái có thể và cần phải hy sinh để bảo vệ cái cần thiết đó.
Cơ sở pháp lý làm phát sinh quyền được hành động trong tình thế cấp thiết chính là sự nguy hiểm đang đe doạ những lợi ích được pháp luật bảo vệ. Sự nguy hiểm này là thực tế, đang gây ra hoặc đe doạ gây ra những thiệt hại nhất định cho lợi ích chính đáng của bản thân người hành động trong tình thế cấp thiết hoặc cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức hoặc lợi ích chính đáng của người khác.
Cần lưu ý rằng, trong phòng vệ chính đáng, nguồn nguy hiểm chỉ có thể là do con ngươi đưa lại, do con người chủ động gây ra. Còn trong tình thế cấp thiết, nguồn nguy hiểm có thể là do con người, do súc vật, do các sức mạnh tự nhiên hoặc do những nguyên nhân khác gây ra. Bộ luật Hình sự 2015 không quy định cụ thể nguồn phát sinh nguy hiểm. Nguồn nguy hiểm trong tình thế cấp thiết là tất cả những gì làm phát sinh gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho những lợi ích được pháp luật bảo vệ.
Theo Bộ luật này, sự nguy hiểm đang xảy ra là sự nguy hiểm đang diễn ra một cách thực tế, đã bắt đầu và chưa kết thúc. Và cũng được coi là tình thế cấp thiết, nếu sự nguy hiểm tuy chưa xảy ra nhưng chỉ sau khoảnh khắc nhất định nó sẽ xảy ra một cách thực tế.
Tóm lại, sự nguy hiểm nói trên phải thật sự gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại trực tiếp đến những lợi ích cần được bảo vệ. Nếu sự nguy hiểm chưa xảy ra hoặc xảy ra ở mức độ không đáng kể thì không phải là tình thế cấp thiết.
Nếu sự nguy hiểm đã qua hoặc sự thiệt hại đã xảy ra thì tình thế cấp thiết cũng không còn nữa.
Lưu ý: Nếu thực tế không có sự nguy hiểm cấp bách mà tưởng lầm là tình thế cấp thiết thì người có hành vi gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự như trường hợp sai lầm về sự việc.