Chào bạn, về vấn đề của bạn có thể tham khảo giải đáp như sau:
1) Có bắt buộc vợ và chồng cùng đứng tên trên sổ đỏ không?
Theo điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT (Được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT) quy định về việc thể hiện thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất tại trang 1 của Giấy chứng nhận như sau:
- Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.
- Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.
- Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).
Theo đó, quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì khi làm thủ tục xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì sẽ ghi nhận là “Hộ gia đình, gồm ông” hoặc “Hộ gia đình, gồm bà” sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình.
Đồng thời, Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung như sau:
-Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
- Trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện theo quy định tại Điều 26 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; nếu có tranh chấp về tài sản đó thì được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Như vậy, trường hợp của bạn nếu như cả 2 vợ chồng thỏa thuận được với nhau thì có thể chọn chỉ ghi tên 1 người trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chứ không bắt buộc lúc nào cũng phải ghi tên của cả hai vợ chồng lên trên giấy chứng nhận.
2) Sổ đỏ cấp sai diện tích thì đính chính hay cấp lại?
Theo Điều 106 Luật Đất đai 2013 quy định về việc đính chính, thu hồi sổ đỏ đã cấp như sau:
- Cơ quan có thẩm quyền cấp sổ đỏ có trách nhiệm đính chính sổ đỏ đã cấp có sai sót trong các trường hợp sau đây:
+ Có sai sót thông tin về tên gọi, giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân, địa chỉ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất so với giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân tại thời điểm cấp sổ đỏ của người đó;
+ Có sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan đăng ký đất đai kiểm tra xác nhận.
Theo đó, trường hợp sổ đỏ đã cấp cho người sử dụng đất không đúng diện tích đất thì thuộc trường hợp phải thu hồi, cấp đổi sổ đỏ cho người sử dụng đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai 2013 và Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Về thủ tục cấp đổi sổ đỏ, bạn tham khảo tại bài viết sau: Hướng dẫn thủ tục cấp đổi sổ đỏ theo diện tích thực tế chênh lệch
Lưu ý: Luật Đất đai 2013 sẽ hết hiệu lực và được thay thế bởi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025.
Theo đó, từ ngày 01/02/2025 bạn tham khảo bài viết sau: Thủ tục đăng ký biến động đất đai khi thay đổi diện tích đất năm 2024?