Siết chặt quy định về bên nước ngoài trong liên kết giáo dục từ 20/11/2024

Chủ đề   RSS   
  • #617687 19/10/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 494 lần
    SMod

    Siết chặt quy định về bên nước ngoài trong liên kết giáo dục từ 20/11/2024

    Vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 124/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 86/2018/NĐ-CP về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

    Nghị định 124/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 20/11/2024

    Siết chặt quy định về bên nước ngoài trong liên kết giáo dục từ 20/11/2024

    Theo quy định hiện hành tại Điều 6 Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về đối tượng liên kết giáo dục như sau:

    Cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục của Việt Nam và cơ sở giáo dục hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục.

    Tuy nhiên, khoản 4 Điều 1 Nghị định 124/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung quy định trên như sau:

    Đối tượng liên kết giáo dục

    - Bên Việt Nam: Cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục do nhà đầu tư trong nước đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động, được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

    - Bên nước ngoài:

    + Cơ sở giáo dục được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, có thời gian hoạt động ít nhất 05 năm ở nước ngoài tính đến ngày nộp hồ sơ và không vi phạm pháp luật của nước sở tại trong thời gian hoạt động, có giảng dạy trực tiếp, có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục còn hiệu lực hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục;

    + Tổ chức cung cấp chương trình giáo dục được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, có thời gian hoạt động cung cấp chương trình giáo dục mầm non hoặc phổ thông ít nhất là 05 năm tính đến ngày nộp hồ sơ xin thực hiện liên kết giáo dục.

    Như vậy, từ 20/11/2024 thì quy định về đối tượng liên kết giáo dục được siết chặt hơn. Đặc biệt đổi với bên nước ngoài phải đáp ứng điều kiện cụ thể là hoạt động ít nhất 5 năm ở nước ngoài, không vi phạm pháp luật, có giảng dạy trực tiếp, giấy chứng nhận,...

    Chương trình giáo dục tích hợp phải đáp ứng những yêu cầu nào?

    Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 86/2018/NĐ-CP (trong đó điểm b khoản 1 Điều 7 được bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 124/2024/NĐ-CP) quy định về chương trình giáo dục như sau:

    - Chương trình giáo dục của nước ngoài đưa vào tích hợp phải là chương trình đã được kiểm định chất lượng giáo dục ở nước sở tại hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước sở tại công nhận về chất lượng giáo dục;

    - Chương trình giáo dục tích hợp phải bảo đảm mục tiêu của chương trình giáo dục của Việt Nam và đáp ứng các yêu cầu bảo đảm chất lượng của chương trình giáo dục nước ngoài; không bắt buộc người học phải học lại cùng một nội dung kiến thức, bảo đảm tính ổn định đến hết cấp học và liên thông giữa các cấp học vì quyền lợi của học sinh, bảo đảm tính tự nguyện tham gia và không gây quá tải cho học sinh;

    - Chương trình giáo dục tích hợp phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể việc tích hợp chương trình giáo dục của Việt Nam với chương trình giáo dục của nước ngoài.

    Như vậy, từ 20/11/2024 thì chương trình giáo dục tích hợp phải đáp ứng các yêu cầu như trên.

    Đội ngũ nhà giáo giảng dạy chương trình tích hợp có yêu cầu thế nào?

    Theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về đội ngũ nhà giáo như sau:

    - Giáo viên Việt Nam giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp phải đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo của cấp học theo quy định của pháp luật Việt Nam;

    - Giáo viên nước ngoài giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp phải có trình độ đại học phù hợp với chuyên môn giảng dạy và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hoặc tương đương;

    - Giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp bằng ngoại ngữ phải có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của chương trình tích hợp và không thấp hơn Bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.

    Như vậy, quy định về đội ngũ nhà giáo giảng dạy chương trình tích hợp vẫn được giữ nguyên. Theo đó, đội ngũ nhà giáo giảng dạy chương trình tích hợp phải đáp ứng các yêu cầu quy định trên.

     
    50 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận