Đó là nội dung tại dự thảo Luật hoạt động giám sát Quôc hội, Hội đồng nhân dân đang được dự thảo và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ 10 khóa XIII. Theo đó, Luật này sẽ thay thế Luật hoạt động giám sát Quốc hội 2003 và chương III Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân 2003.
Luật hoạt động giám sát Quốc hội và HĐND có một số nội dung nổi bật, cụ thể như sau:
1. Xem xét văn bản pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, Luật và Nghị quyết của Quốc hội
Có 2 phương án:
- Phương án 1: vẫn giữ nguyên quy định tại các trường hợp trái với Hiến pháp, Luật, Nghị quyết.
- Phương án 2: Tách ra từng trường hợp trái với Hiến pháp riêng, trái với Luật, Nghị quyết riêng.
Theo ý kiến của mình, nên chọn phương án 2 vì cơ quan có trách nhiệm yêu cầu, kiến nghị các văn bản pháp luật này trái với Hiến pháp, Luật, Nghị quyết là khác nhau.
2. Hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội
Bổ sung quy định nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, hiệu quả của hoạt động chất vấn như: Quy định cụ thể về trách nhiệm báo cáo của người trả lời chất vấn, việc đánh giá việc thực hiện nghị quyết sau chất vấn nhằm khắc phục những tồn tại trong giám sát “hậu chất vấn” thời gian qua.
3. Hoạt động chất vấn tại phiên họp UBTVQH
Bổ sung quy định phiên họp chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp và truyền hình trực tuyến đến các tỉnh, thành phố để các đại biểu Quốc hội tham gia nhằm thể hiện nguyên tắc công khai trong hoạt động giám sát của Quốc hội, đồng thời bảo đảm quyền của các đại biểu Quốc hội trong việc tham gia phiên chất vấn của UBTVQH
4. Quy định hoạt động giám sát văn bản pháp luật của Hội đồng nhân dân
- Ban của Hội đồng nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thường xuyên theo dõi việc ban hành văn bản pháp luật của Uỷ ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp.
- Trong trường hợp phát hiện văn bản pháp luật, nghị quyết quy định trên có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, các văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp thì các Ban của Hội đồng nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản đó.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thông báo cho Ban của Hội đồng nhân dân biết việc giải quyết; quá thời hạn nói trên mà không trả lời hoặc giải quyết không đáp ứng với yêu cầu thì Ban của Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định.
Xem chi tiết nội dung tại dự thảo Luật hoạt động giám sát Quốc hội, HĐND.