Đây là một trong những nội dung được nêu tại Nghị quyết 48/NQ-CP của Chính phủ về việc tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025
Theo đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần triển khai các nội dung để thực hiện nghị quyết như sau:
a) Xây dựng Kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025 và kế hoạch triển khai, dự toán ngân sách thực hiện hàng năm trình Hội đồng nhân dân thông qua để thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; sử dụng nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông cho nhiệm vụ bảo đàm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông;
b) Tiếp tục xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tẳc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông vận tải là một trong các mục tiêu quan trọng khi triển khai, thực hiện các quy hoạch của địa phương; đảm bảo nguồn lực cho công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó tập trung xóa bỏ kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông;
c) Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, phổ biến quy định pháp luật về an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc, các công cụ truyền thông hiện đại để tạo chuyển biến tích cực trong hành vi của người tham gia giao thông;
d) Chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông; sử dụng kết quả thu được từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; quản lý an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nội địa; tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, áp dụng công nghệ hiện đại đối với thiết bị cân, trạm kiểm tra tải trọng xe;
đ) Ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý điều hành giao thông nhằm tối ưu hóa khả năng thông hành của phương tiện; trong đó tập trung phát triển giao thông thông minh trong thành phố, thị xã, thị trấn, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường;
e) Chỉ đạo kiểm tra thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng, xử lý các vi phạm về hành lang an toàn giao thông theo thẩm quyền; đối với đường bộ đi song song với đường sắt qua khu vực dân cư cần phải xây dựng đường gom, hạn chế đấu nối; xây dựng lộ trình thực hiện để hoàn thành việc xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt trước năm 2030; tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống tự động giám sát giao thông tại các giao cắt đường bộ với đường sắt;
g) Tổ chức, triển khai xây dựng các trạm dừng nghỉ theo quy hoạch để phục vụ nhu cầu thiết yếu của lái xe, hành khách, phương tiện dọc các tuyến đường quốc lộ và đường tỉnh, đảm bảo người lái xe không quá 04 giờ là được dừng nghỉ theo quy định;
h) Đẩy nhanh phát triển mạng lưới giao thông tỉnh (bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận, các đầu mối giao thông công cộng...) theo quy hoạch; tăng cường công tác giám sát đầu tư và ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư bến, bãi đỗ xe sử dụng công nghệ đỗ xe thông minh, hiện đại;
i) Tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; hợp lý hóa quy trình, phương pháp và nội dung đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, đảm bảo công khai, minh bạch.
Ngoài các mục trên thì Ủy ban nhân dân các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh Ngoài triển khai các nội dung để thực hiện nghị quyết như sau:
a) Trên cơ sở thực tế của từng thành phố, rà soát, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu cho Hội đông nhân dân thành phố ban hành các Nghị quyết về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30%-35%; áp dụng công nghệ giao thông thông minh trong tổ chức, quản lý, điều hành giao thông đô thị; tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố;
b) Nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030;
c) Nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào;
d) Triển khai rà soát, bố trí các vị trí đỗ xe tĩnh trong nội đô và trên địa bàn các quận; đầu tư xây dựng hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi tại các đô thị, các công trình bảo đảm an toàn giao thông cho các đối tượng tham gia giao thông dễ bị tổn thương; nghiên cứu thí điểm làn đường dành cho xe đạp;
đ) Tăng cường quản lý trật tự vỉa hè, lòng đường để đảm bảo quyền ưu tiên dành cho người đi bộ; quản lý chặt chẽ hoạt động sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường làm điểm trông giữ xe, trung chuyển vật liệu xây dựng..thực hiện nghiêm quy định về hành lang an toàn giao thông, không để tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh gây cản trở giao thông;
e) Tập trung các nguồn lực xử lý ngay các điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc giao thông; không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; chỉ phê duyệt đầu tư các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu, quy định về bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối giao thông với các trục đường chỉnh trong đô thị.
Tôi yêu Việt Nam! "Từ bao lâu tôi đã yêu nụ cười của bạn Từ bao lâu tôi đã yêu quê hương Việt Nam Những con đường nên thơ và những dòng sông ước mơ Từ trái tim xin 1 lời Tôi yêu Việt Nam"