Sẽ xem xét bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu
Tại dự thảo Luật Giá sửa đổi này, Bộ Tài chính đã sửa hàng hoá, dịch vụ bình ổn giá. Cụ thể, khoản 1 Điều 16 dự thảo nêu rõ:
Hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc Danh mục do Chính phủ quy định. Trường hợp phát sinh phải điều chỉnh Danh mục, trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét điều chỉnh Danh mục.
Trong khi đó, Điều 15 Luật Giá năm 2012 hiện đang có hiệu lực đang quy định cụ thể danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống. Trong đó, có thể kể đến: Xăng, dầu, điện, muối ăn, sữa cho trẻ dưới 06 tuổi, thóc, gạo tẻ thường…
Và dự thảo đưa ra các trường hợp xem xét, quyết định hàng hoá dịch vụ không thuộc danh mục bình ổn giá trong một thời gian nhất định gồm:
- Trường hợp khẩn cấp do thiên tai, dịch bệnh.
- Trường hợp cơ quan có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp.
Sau khi xem xét các trường hợp nêu trên kết hợp với đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính, Chính phủ sẽ xem xét và quyết định.
Quy định hiện nay, khoản 3 Điều 15 Luật Giá năm 2012 đang quy định khi cần thiết phải điều chỉnh danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Chính phủ phải trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Hiện nay, thực tế chỉ tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu và quỹ này được lập tại doanh nghiệp đã được Bộ Công Thương cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 103/2021/TT-BTC).
Đây là quỹ không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước, có nhiệm vụ điều tiết, hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu trong nước theo các phiên điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường xăng dầu nước ta biến động không ngừng. Do đó, có nhiều ý kiến cho rằng nên đưa giá xăng dầu theo cơ chế thị trường nên bỏ trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Ngoài ra, khi phát sinh những mặt hàng cần phải bình ổn như giá thịt lợn khi xảy ra dịch lợn châu Phi… thì do danh mục mặt hàng cần bình ổn giá đã được thể hiện cụ thể trong Luật Giá hiện nay gây hạn chế cũng như khó thực hiện điều chỉnh theo đúng quy định, gây ảnh hưởng lớn đến giá cả trên thị trường.
Bổ sung nhiều trường hợp phải niêm yết giá
Không chỉ đề xuất về danh mục bình ổn giá, Luật Giá sửa đổi còn bổ sung thêm nhiều quy định mới trong đó phải đề cập đến quy định tổ chức, cá nhân phải niêm yết giá.
Theo giải thích tại khoản 16 Điều 4 dự thảo, niêm yết giá là hình thức công khai giá mua bán hàng hoá đến người tiêu dùng bằng đồng Việt Nam. Theo đó, các tổ chức, cá nhân phải niêm yết giá được đề xuất tại khoản 1 Điều 35 dự thảo gồm:
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh có quầy giao dịch và bán sản phẩm.
- Siêu thị, trung tâm thương mại, chợ.
- Cửa hàng, cửa hiệu, ki ốt, quầy hàng, nơi giao dịch bán hàng, cung ứng dịch vụ.
- Tổ chức, cá nhân khác.
Hiện nay, theo Điều 17 Nghị định 177/2013/NĐ-CP, địa điểm thực hiện niêm yết giá còn bao gồm cả hội chợ triển lãm có bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.
Đồng thời, dự thảo bổ sung thêm quy định, nếu có thoả thuận với người tiêu dùng hoặc khách hàng thì cũng không được bán giá cao hơn giá đã niêm yết (quy định mới được đề xuất mà hiện Luật Giá năm 2012 không quy định).