Sẽ công khai danh tính, địa chỉ người bán hàng online lừa dối khách hàng

Chủ đề   RSS   
  • #612115 30/05/2024

    lamtuyet9366
    Top 500
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:04/05/2024
    Tổng số bài viết (265)
    Số điểm: 3374
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 142 lần


    Sẽ công khai danh tính, địa chỉ người bán hàng online lừa dối khách hàng

    Trong thời đại công nghệ số hiện nay, mua sắm trực tuyến đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người.

    Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, sẽ công khai danh tính, địa chỉ của người bán hàng online nếu lừa dối khách hàng.

    Bên cạnh những tiện ích, việc mua hàng online cũng gặp nhiều rủi ro về chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

    Chính vì vậy, Nghị định 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được Chính phủ chính thức ban hành đã thêm điều luật về công khai danh tính khi người bán hàng lừa dối khách hàng.

    (1) Từ ngày 01/07/2024 sẽ công khai danh tính người bán hàng online nếu lừa dối khách hàng

    Cụ thể khoản 1 Điều 24 Nghị định 55/2024/NĐ-CP quy định về công khai, gỡ bỏ thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng như sau:

    Danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

    Các nội dung sẽ công khai công bố theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 55/2024/NĐ-CP bao gồm: 

    - Tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

    - Hành vi, địa bàn vi phạm

    -  Cơ quan ban hành, số, ngày, tháng, năm quyết định xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

    Thời hạn công bố tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm là 30 ngày kể từ ngày công bố. 

    Hết thời hạn nêu trên, cơ quan đăng tải thông tin sẽ dừng hoặc gỡ bỏ thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

    Như vậy, khi người bán hàng có hành vi lừa dối khách hàng thì sẽ bị công khai danh tính, địa chỉ trên phương tiện thông tin đại chúng và trên cổng thông tin điện tử.

    (2) Lừa dối khách hàng trong mua, bán hàng hoá sẽ bị xử phạt thế nào?

    Tùy theo tính chất và mức độ mà hành vi lừa dối khách hàng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

     Xử phạt hành chính:

    Theo điểm b khoản 1 Điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 500 nghìn - 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị dưới 5 triệu đồng:

    - Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng do nhầm lẫn.

    - Đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung ứng dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng.

    - Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại hàng hóa, dịch vụ bị đánh tráo, gian lận cho khách hàng, người tiêu dùng.

    - Tự ý bớt lại bao bì, phụ tùng, linh kiện thay thế, hàng khuyến mại, tài liệu kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng kèm theo khi bán hàng, cung cấp dịch vụ.

    - Thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, đề nghị giao dịch trực tiếp với đối tượng là người không có năng lực hành vi dân sự hoặc người mất năng lực hành vi dân sự.

    Mức phạt cao nhất đối với hành vi lừa dối khách hàng  trong mua bán hàng hóa có thể bị phạt lên đến 20 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

    Ngoài ra, người vi phạm bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo khoản 8 Điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

    Truy cứu trách nhiệm hình sự:

    Hành vi lừa dối khách hàng trong mua, bán hàng hóa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 về tội lừa dối khách hàng như sau:

    Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

    - Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm

    - Thu lợi bất chính từ 05 - 50 triệu đồng

    Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 - 05 năm: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; dùng thủ đoạn xảo quyệt; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.

    Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01- 05 năm.

    Như vậy, đối với hành vi lừa dối khách hàng, mức xử phạt hành chính cao nhất lên đến 20 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

    Tóm lại, người bán hàng có hành vi lừa dối khách hàng thì sẽ bị công khai danh tính, địa chỉ trên phương tiện thông tin đại chúng và trên cổng thông tin điện tử.  

    Thời gian công công bố người bán hàng vi phạm là 30 ngày, hết thời hạn này cơ quan đăng tải thông tin sẽ dừng hoặc gỡ bỏ thông tin về người bán hàng trên không gian mạng. 

    Ngoài ra, tùy theo tính chất và mức độ mà hành vi lừa dối khách hàng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Nghị định 55/2024/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 01/7/2024.

     
    141 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn lamtuyet9366 vì bài viết hữu ích
    admin (09/08/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận