Phong tỏa tài khoản là một trong các biện pháp cưỡng chế trong hoạt động tố tụng hình sự. Tài khoản sẽ bị phong tỏa khi vi phạm các tội có hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bồi thường thiệt hại, trong trường hợp tội phạm có chuyển tiền cho người thân nhằm tẩu tán, che giấu tài sản thì có được quyền tiếp tục phong tỏa tài khoản của người thân không?
(1) Biện pháp cưỡng chế phong tỏa tài khoản là gì?
Phong tỏa tài khoản là một biện pháp cưỡng chế trong Tố tụng hình sự, là việc chỉ số tiền gửi thanh toán vào các tổ chức tín dụng hoặc Ngân hàng Nhà nước bị tổ chức có thẩm quyền cấm chuyển dịch, sử dụng một hoặc toàn phần khi vi phạm quy định do Nhà nước ban hành.
(2) Các trường hợp bị áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản
Theo quy định tại khoản 1 Điều 129 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015, biện pháp phong tỏa tài khoản được áp dụng khi:
- Người bị buộc tội mà vi phạm các tội được quy định trong Bộ Luật Hình sự 2015 có hình phạt phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm việc bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước.
- Phong tỏa tài khoản của người liên quan với người bị buộc tội khi có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó có liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội.
Như vậy, nếu người thân của người bị buộc tội có liên quan đến số tiền vi phạm thì cũng sẽ bị áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản cùng với người bị buộc tội. Trường hợp các cơ quan chức năng không chứng minh được số tiền trong tài khoản người thân của người bị buộc tội là có liên quan đến hành vi phạm pháp của người bị buộc tội thì không được áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản.
(3) Nguyên tắc của biện pháp phong tỏa tài khoản
Căn cứ vào khoản 2 và 3 Điều 129 Bộ Luật Tố tụng hình sự, việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản cần phải tuân thủ theo nguyên tắc sau:
- Những người có quyền ra lệnh phong tỏa tài khoản là những người được quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật Tố tụng và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.
- Lệnh phong tỏa của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp sẽ phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.
- Chỉ phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại.
- Người được giao thực hiện lệnh phong tỏa, quản lý tài khoản bị phong tỏa mà giải tỏa việc phong tỏa tài khoản thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
(3) Tiến hành phong tỏa tài khoản
Việc tiến hành phong tỏa tài khoản được thực hiện theo các bước sau:
- Đầu tiên,cơ quan tiến hành tố tụng phải giao quyết định phong tỏa tài khoản cho tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước đang quản lý tài khoản của người bị buộc tội hoặc tài khoản của người khác có liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội. Việc giao, nhận lệnh phong tỏa tài khoản phải được lập thành biên bản
- Ngay sau khi nhận được lệnh phong tỏa tài khoản, tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước đang quản lý tài khoản của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc tài khoản của người khác có liên quan đến hành vi phạm tội của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo phải thực hiện ngay việc phong tỏa tài khoản và lập biên bản về việc phong tỏa tài khoản.
Biên bản về việc phong tỏa tài khoản được lập thành 05 bản, trong đó:
- Người bị buộc tội giữ 01 bản
- Người khác có liên quan đến người buộc tội giữ 01 bản
- Viện kiểm sát cùng cấp giữ 01 bản
- Tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc nhà nước lưu 01 bản
- 01 bản đưa vào hồ sơ vụ án
Như vậy, các cơ quan chức năng hoàn toàn có quyền phong tỏa tài khoản người thân của người bị buộc tội nếu có căn cứ xác định số tiền trong tài khoản đó có liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội. Do đó, chúng ta cần cảnh giác khi được nhận hoặc được nhờ giữ tiền tiền từ người quen mà không biết rõ nguồn gốc số tiền để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.