Căn cứ Điều 25 Luật cư trú 2020 quy định về tách hộ như sau:
“Điều 25. Tách hộ
1. Thành viên hộ gia đình được tách hộ để đăng ký thường trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; trường hợp có nhiều thành viên cùng đăng ký tách hộ để lập thành một hộ gia đình mới thì trong số các thành viên đó có ít nhất một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý, trừ trường hợp thành viên hộ gia đình đăng ký tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn mà vẫn được cùng sử dụng chỗ ở hợp pháp đó;
c) Nơi thường trú của hộ gia đình không thuộc trường hợp quy định tại Điều 23 của Luật này.
2. Hồ sơ tách hộ bao gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho tách hộ của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.
Trường hợp tách hộ sau ly hôn quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì hồ sơ tách hộ bao gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc ly hôn và việc tiếp tục được sử dụng chỗ ở hợp pháp đó.
3. Thủ tục tách hộ được thực hiện như sau:
a) Người đăng ký tách hộ nộp hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan đăng ký cư trú;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về hộ gia đình liên quan đến việc tách hộ vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin; trường hợp từ chối giải quyết tách hộ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
=> Như vậy, theo quy định trên thì trường hợp sau ly hôn mà vợ chồng vẫn sống chung nhà. Thì một trong các bên có thể thực hiện tách khẩu nếu muốn mà không cần sự đồng ý của bên còn lại.