Để không xảy ra vụ việc xe cứu thương bị cản trở tại bệnh viện Nhi Trung ương lần thứ 2 cũng như những thứ gọi là “luật ngầm xe cứu thương”, Bộ Y tế sau khi có Công văn chỉ đạo về việc vận chuyển người ra, vào tại cơ sở khám chữa bệnh đã luật hóa thành quy định tại Dự thảo Thông tư quy định việc quản lý, sử dụng xe ô tô cứu thương sẽ thay thế Thông tư 16/1998/TT-BYT
Theo đó, Dự thảo Thông tư có 1 số điểm quan trọng như sau:
Mở rộng phạm vi được sử dụng xe cứu thương
Đó là các cơ sở khám chữa bệnh có nhu cầu sử dụng xe cứu thương, Trung tâm cấp cứu 115, cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh.
Một số quy định về xe cứu thương khi đi làm nhiệm vụ
- Được quyền sử dụng đèn, còi ưu tiên.
- Trường hợp người bệnh đang cấp cứu: ngoài người bệnh ở trên xe cần có nhân viên y tế hỗ trợ cho người bệnh
- Trường hợp chuyển viện cấp cứu thì cơ sở y tế có trách nhiệm thực hiện theo Thông tư 14/2014/TT-BYT.
- Trường hợp người bệnh chuyển tuyến mà người nhà tự liên hệ xe cứu thương để chuyển viện, ra viện, xin về do quá nặng thì người nhà bệnh nhân tự quyết định lựa chọn phương tiện vận chuyển, hỗ trợ cấp cứu theo nhu cầu, khả năng và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
- Khi xe ô tô cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, các cá nhân, tổ chức, cơ sở y tế có trách nhiệm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để xe cứu thương có thể vận chuyển người bệnh đến địa điểm theo lộ trình nhanh nhất có thể và thực hiện đúng các quy định của Luật giao thông đường bộ.
- Mọi hành vi gây khó khăn làm chậm lộ trình hoạt động của xe cứu thương khi làm nhiệm vụ đều không được thực hiện.
Các hành vi bị nghiêm cấm
- Sử dụng xe ô tô cứu thương để chuyên chở hàng hoá, hành khách và dịch vụ kinh doanh khác.
- Tự thực hiện việc cải tạo, thay đổi kết cấu, nội dung của xe để phục vụ cho mục đích khác.
- Sử dụng xe ô tô cứu thương không đúng theo mục đích, yêu cầu và các quy định của pháp luật.
Xem chi tiết nội dung Dự thảo Thông tư quy định việc quản lý, sử dụng xe ô tô cứu thương tại file đính kèm.