Nhằm hiện thực hoá quy định tại Khoản 2 Điều 84 Luật trẻ em 2016 đó là hướng dẫn việc lập hồ sơ theo dõi sức khoẻ, khám sức khoẻ định kỳ theo độ tuổi, chăm sóc và tư vấn sức khoẻ…cho phụ nữ mang thai và trẻ em, Bộ Y tế vừa qua đã ra mắt Dự thảo Thông tư quy định cụ thể về vấn đề này.
Theo đó, Dự thảo Thông tư này quy định chế độ chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ mang thai và trẻ em. Chi tiết như sau:
Đối với trẻ em từ 0 tuổi đến 16 tuổi:
- Được khám, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, bệnh tật cho trẻ trên địa bàn tối thiểu 06 tháng/1 lần
- Trẻ từ 0 đến 6 tuổi: được khám sức khoẻ, đo chiều cao, cân nặng, vòng đầu đối với trẻ dưới 24 tháng để đánh giá tình trạng dinh dưỡng, đánh giá phát triển tinh thần, vận động, kiểm tra lịch tiêm chủng và được tư vấn, giáo dục sức khoẻ và nuôi dưỡng trẻ…
- Trẻ từ 7 đến 16 tuổi: được lập hồ sơ quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ học sinh theo Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT.
Đối với phụ nữ mang thai:
- Được theo dõi, chăm sóc tình trạng sức khoẻ của phụ nữ mang thai từ khi bắt đầu có thai đến khi sinh.
- Được khám thai, quản lý thai cho phụ nữ mang thai ít nhất 03 lần trong 03 thời kỳ (03 tháng đầu, 03 tháng giữa và 03 tháng cuối)
- Được tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai trong mỗi lần khám thai.
Và một điều không kém phần quan trọng nữa, đó là nguồn kinh phí để thực hiện hoạt động này được trích từ:
- Ngân sách nhà nước.
- Bảo hiểm y tế.
- Nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.
Mời các bạn xem chi tiết tại Dự thảo Thông tư quy định về việc lập hồ sơ theo dõi sức khoẻ, khám sức khoẻ định kỳ theo độ tuổi, chăm sóc và tư vấn sức khoẻ, tư vấn dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em tại file đính kèm.