Cáo trạng sơ sài, không phản ánh đầy đủ tình tiết của vụ án, trong khi lại mô tả quá chi tiết hành vi hiếp dâm trong vụ án có người phạm tội dưới 18 tuổi.
Rút kinh nghiệm vụ án mô tả chi tiết hành vi hiếp dâm - Minh họa
VKSND TP.HCM vừa ban hành thông báo rút kinh nghiệm việc tổ chức một phiên tòa rút kinh nghiệm với hàng loạt sai sót được chỉ ra. Đây là vụ án mà Pháp Luật TP.HCM từng có bài phản ánh.
Hiếp không được thì cướp
Vụ án này, bị cáo Nguyễn Thành Trung bị đưa ra xét xử về tội hiếp dâm, cướp tài sản. Hai bị cáo dưới 18 tuổi là PHTT (sinh năm 2003) và HNH (sinh năm 2005) bị xét xử về tội cướp tài sản. Bạn gái của Trung là Nguyễn Thị Lý bị xét xử về hai tội không tố giác tội phạm và chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có.
Tại phiên tòa, Trung thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng truy tố. Theo đó, thông qua mạng xã hội, Trung làm quen chị H và nói với chị rằng Trung có phòng cho thuê. Tối 18-9-2020, Trung dụ chị H vào khách sạn ở phường Tân Thới Nhất, quận 12 để Trung cho thuê phòng. Khi chị H đang xem nhà vệ sinh thì Trung tấn công chị rồi thực hiện hành vi hiếp dâm nhưng không thành.
Sau đó Trung kêu PHTT mang dây, khăn đến để cột tay chân và nhét khăn vào miệng chị, rồi nhốt chị trong tủ quần áo. Thực hiện xong các hành vi trên, Trung về nhà trọ của bạn gái ở đường Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp. Trung nói: “Mới lấy được xe và điện thoại di động ở An Sương”. Trung không nói mới hiếp dâm và cướp tài sản...
Còn HNH, luật sư cho rằng chỉ đi cùng và nghe câu chuyện qua việc PHTT mở loa điện thoại khi nói chuyện với Trung chứ không tham gia.
Là vụ án được chọn để đưa ra xét xử rút kinh nghiệm nhưng TAND quận 12 (TP.HCM) đã phải trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ nhiều vấn đề.
Bị cáo dưới 18 tuổi nhưng không xử kín
Trong thông báo rút kinh nghiệm, VKSND TP.HCM chỉ ra một số thiếu sót cần khắc phục trong việc tổ chức phiên tòa xét xử người dưới 18 tuổi.
Cụ thể, theo Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, khoản 1 Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015, Hướng dẫn 136 ngày 30-3-2017 của TAND Tối cao thì nguyên tắc là xét xử kín để bảo vệ bí mật cá nhân, bảo vệ người dưới 18 tuổi... Do đó, việc tòa chỉ căn cứ đơn yêu cầu xét xử vắng mặt của bị hại để mở phiên tòa xét xử công khai mà không giải thích cho bị hại về quyền được yêu cầu xét xử kín và lập biên bản ghi nhận ý kiến của họ trước khi quyết định mở phiên tòa xét xử công khai hay xử kín là có thiếu sót.
Căn cứ Điều 6 Thông tư 01/2017 ngày 28-7-2017 của TAND Tối cao thì phòng xử án không vành móng ngựa, thẩm phán không mặc áo choàng khi xét xử là đúng quy định. Tuy nhiên, việc bố trí chỗ ngồi của hai bị cáo dưới 18 tuổi cách xa chỗ ngồi của người đại diện và người bào chữa của họ là không đúng quy định, cần lưu ý khắc phục.
Ngoài ra, VKSND TP.HCM cũng chỉ ra rằng việc thu thập chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội cũng không được thu thập đầy đủ trong quá trình điều tra, không xác minh về số lượng, thời gian, nội dung cuộc gọi đi - đến của các bị cáo trao đổi với nhau trong thời gian diễn ra hành vi phạm tội. Mâu thuẫn trong một số lời khai không được giải quyết... dẫn đến việc xây dựng cáo trạng sơ sài, không phản ánh đầy đủ tình tiết, diễn biến của vụ án. Trong khi đó, cáo trạng lại mô tả quá chi tiết các hành vi thực hiện tội hiếp dâm trong vụ án có người phạm tội là người dưới 18 tuổi.
Thủ tục tố tụng liên quan đến việc giữ người, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp cũng còn thiếu sót.
Về hình phạt, VKSND TP.HCM cho rằng VKS đề nghị cho bị cáo đủ 18 tuổi hưởng án treo bị xét xử về hai tội không tố giác tội phạm và chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có là vi phạm quy định không cho hưởng án treo đối với người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội theo khoản 4 Điều 3 Nghị quyết 02/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
TAND Tối cao nhắc nhở
Liên quan vụ án này, TAND Tối cao có văn bản gửi TAND TP.HCM, yêu cầu rút kinh nghiệm đối với TAND quận 12 nói riêng và tòa hai cấp tại TP.HCM nói chung khi xét xử các vụ án có người phạm tội là người dưới 18 tuổi.
Theo TAND Tối cao, TAND quận 12 có thể lựa chọn và đưa vụ án hiếp dâm ra làm phiên tòa rút kinh nghiệm nhưng việc xét xử công khai là không đúng quy định vì có bị cáo là người dưới 18 tuổi. Theo Thông tư 02/2018 của chánh án TAND Tối cao, phiên tòa có người phạm tội là người dưới 18 tuổi phải xử ở phòng xử thân thiện.
Trước đó, Pháp Luật TP.HCM ngày 13-5-2021 có bài “Vụ án giả chủ khách sạn hiếp, cướp khách nữ”. Bài báo cho rằng việc đưa vụ án về tội phạm hiếp dâm, lại có người phạm tội là người dưới 18 tuổi, trong đó có bị cáo ở độ tuổi trẻ em khi phạm tội (dưới 16 tuổi) ra xử công khai là không phù hợp quy định pháp luật. Cụ thể, xét xử người phạm tội là người dưới 18 tuổi phải xét xử ở phòng xử thân thiện, nguyên tắc xét xử kín khi cần bảo vệ bí mật cá nhân, giữ thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi...
Ở vụ án này, cáo trạng mô tả tỉ mỉ từng hành vi của bị cáo khi thực hiện hành vi hiếp dâm. Tuy nhiên, phiên tòa lại được xét xử công khai, có sự chứng kiến của nhiều người, với sự tham dự của đại diện các VKS và người dân, người thân của bị cáo. Không chỉ cáo trạng được đọc công khai mà quá trình xét hỏi cũng diễn ra công khai trước nhiều người…
PHƯƠNG LOAN
Nguồn: PLO