Chào bạn,
Vấn để bạn hỏi đã được các luật sư tư vấn, Luật sư Đào Thị Liên – Công ty Luật Tiền Phong xtư vấn bổ sung thêm cho bạn như sau:
1. Quyền thành lập đơn vị trực thuộc doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 45, Luật Doanh nghiệp 2014: phụ thuộc vào mục đích kinh doanh, ngoài việc tiến hành hoạt động kinh doanh tại trụ sở chính, doanh nghiệp được lựa chọn thành lập thêm chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh. Trong đó:
- Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
- Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó.
- Địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể. Doanh nghiệp chỉ được đặt địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh.
Trong trường hợp của công ty bạn muốn thực hiện các hoạt động tại địa điểm kinh doanh thì bạn nên lựa chọn thành lập chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh vì văn phòng đại diện không có chức năng kinh doanh.
Công ty bạn gửi hồ sơ đăng ký hoạt động của chi nhánh, thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền nơi doanh nghiệp đặt chi nhánh, địa điểm kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh trong thời gian 3 ngày làm việc.
Như vậy, hoạt động kinh doanh tại địa điểm B của công ty bạn hợp pháp kể từ thời điểm nhận được giấy đăng ký hoạt động chi nhánh hoặc ghi bổ sung địa điểm kinh doanh vào Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2.Các hoạt động liên quan đến thuế
2.1.Đăng ký thuế hoặc thay đổi thông tin đăng ký thuế
Thủ tục đăng ký doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định 43/2014/NĐ - CP bao gồm nội dung về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.
Như vậy, từ thời điểm có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc nhận được giấy đăng ký hoạt động chi nhánh hoặc ghi bổ sung địa điểm kinh doanh vào Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh thì công ty bạn đã hoàn tất thủ tục đăng ký thuế.
2.2. Khai và nộp thuế
Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế, phí, lệ phí và khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp (Cục thuế hoặc Chi cục thuế). Phụ thuộc vào từng loại thuế mà quy định về khai thuê và địa điểm khai thuế được quy định chi tiết khác nhau, bạn có thể tham khảo tại Khoản 6, Điều 10, Thông tư 156/2013/TT – BTC hướng dẫn Luật quản lý thuế.
- Đối với doanh nghiệp, chi nhánh hoạch toán toán phụ thuộc, địa điểm kinh doanh thì bạn tiến hành khai thuế tại cơ quan quản lý thuế trực tiếp nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
- Chi nhánh hoạch toán độc lập thì khai thuế độc lập tại cơ quan quản lý thuế trực tiếp nơi chi nhánh chi nhánh đặt trụ sở.
Về địa điểm nộp thuế (Mục 3 Phần C Thông tư 60/2007/TT-BTC) quy định về như sau:
1. Người nộp thuế thực hiện nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước:
1.1. Tại Kho bạc Nhà nước;
1.2. Tại cơ quan thuế nơi tiếp nhận hồ sơ khai thuế;
1.3. Thông qua tổ chức, cá nhân được cơ quan thuế uỷ nhiệm thu thuế;
1.4. Thông qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Kho bạc Nhà nước, cơ quan thuế, tổ chức được uỷ nhiệm thu có trách nhiệm bố trí địa điểm, phương tiện, cán bộ thu tiền thuế, bảo đảm cho người nộp thuế nộp tiền thuế vào Ngân sách Nhà nước thuận lợi và kịp thời.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm, vui lòng điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 hoặc 1900 2118 để được trợ giúp.
Thân chúc bạn sức khỏe và thành công.
Trân trọng./.