Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, luật sư Đào Thị Liên - Công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
1. Quyền thành lập doanh nghiệp của cá nhân:
Theo Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2005, Điều 94 Luật Phá sản năm 2004, cá nhân Việt Nam có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, trừ các trường hợp sau:
-
Cán bộ, công chức;
-
Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam;
-
Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo uỷ quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
-
Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự;
-
Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị Toà án cấm hành nghề kinh doanh;
-
Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, Giám đốc (Tổng giám đốc), Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp, Chủ nhiệm, các thành viên Ban quản trị hợp tác xã bị tuyên bố phá sản không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, không được làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn từ một đến ba năm, kể từ ngày doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản.
Nếu chồng bạn không thuộc các trường hợp trên, chồng bạn có quyền thành lập và quản lý Công ty thương mại của chồng bạn.
2. Điều kiện kinh doanh ngành nghề Buôn bán khí công nghiệp không bao gồm gas, hướng dẫn nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy cho các cơ sở kinh doanh, cung cấp dịch vụ sửa chữa bảo trì hệ thống phòng cháy chữa cháy, bảo trì bảo dưỡng các loại bình chữa cháy:
Theo quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2005, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Đối với ngành, nghề mà pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan quy định phải có điều kiện thì doanh nghiệp chỉ được kinh doanh ngành, nghề đó khi có đủ điều kiện theo quy định.
a. Đối với ngành nghề cung cấp dịch vụ sửa chữa bảo trì hệ thống phòng cháy chữa cháy, bảo trì bảo dưỡng các loại bình chữa cháy; tư vấn hướng dẫn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy: pháp luật hiện nay không quy định các điều kiện được phép kinh doanh các dịch vụ trên. Vì vậy, Công ty bạn được tự do kinh doanh các ngành nghề trên.
b. Đối với ngành nghề buôn bán khí công nghiệp không bao gồm gas: theo quy định tại Phụ lục 2 Nghị định số 46/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 35/2003/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy quy định cơ sở kinh doanh khí đốt hóa lỏng phải có văn bản thông báo cam kết bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa vào hoạt động.
Vì vậy, nếu Công ty bạn kinh doanh khí công nghiệp không bao gồm gas (khí dầu mỏ hóa lỏng) nhưng lại bao gồm các khí đốt hóa lỏng khác (như CH4…) thì Công ty bạn phải đáp ứng các điều kiện phòng cháy và chữa cháy và có văn bản thông báo cam kết bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa vào hoạt động.
Trong trường hợp không thực hiện việc thông báo cam kết bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa vào hoạt động, Công ty bạn có thể bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng theo quy định tại khoản 4 Điều 28 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa chay; phòng chống bạo lực gia đình.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm, vui lòng điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 để được trợ giúp.
Thân chúc bạn và gia đình sức khỏe.
Trân trọng./.