Theo thông tin bạn cho biết, Bố bạn A có mua 1 mảnh đất; sau khi bố của A mất muốn chia mảnh đất đó cho em trai tức chú của A một nửa. Hiện tại bìa đỏ đang mang tên A. Vì lời hứa của bố nên A chia chú một nửa nhưng do không đủ diện tích nên không làm được bìa. Do đó, trong trường hợp phần diện tích đất A cho chú nhỏ hơn diện tích tối thiểu để được tách thì A sẽ không được phép tách thửa phần đất đó.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau: “3. Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đồng thời với việc xin được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho thửa đất mới.”
Như vậy, căn cứ quy định trên, trong trường hợp nếu phần đất A tặng cho chú mình không đủ diện tích đất để tách thửa thì nếu muốn tách thửa khu đất đó, bạn A và chú A buộc phải tách thửa khu đất đồng thời với việc hợp thửa đất đó với thửa đất liền kề tạo thành khu đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đó ban hành thì mới được quyền tách thửa khu đất. Như vậy A buộc phải mua thêm thửa đất liền kề khu đất đó để được tách thửa.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 98 Luật Đất đai 2013 một thửa đất có thể có nhiều người cùng đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, trong trường hợp thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng, thì phải ghi đầy đủ tên của những người này trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp cho mỗi người 1 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.
Những người này có đầy đủ quyền lợi của một người sử dụng đất theo quy định của pháp luật, bao gồm quyền chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, cho thuê lại quyền sử dụng đất...
Nghĩa là trường hợp này bạn cũng làm thủ tục hợp thửa nhưng hợp với thửa đất liền kề của những chủ sử dụng đất khác và cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Như vậy, theo quy định trên, bạn có thể làm thủ tục đứng tên đồng sở hữu đối với một gia đình có thửa đất liền kề. Tuy nhiên, đối với trường hợp đồng sở hữu quyền sử dụng đất, thì những người đồng sở hữu có quyền ngang nhau đối với phần đất này, do đó, nếu sau này bạn muốn bán, tặng cho... phần đất này, thì bắt buộc phải có sự đồng ý của người đồng sở hữu còn lại.
Việc A tính sang tên Sổ đỏ theo con đường kiện tụng như chú sẽ đâm đơn ra toà kiện A viết tay bán cho chú nửa đất nhưng giờ A không thực hiện. Để cho toà phân xử thì mới làm được bìa đất cho chú. Việc kiện tụng là không khả thi vì bản án chia tách đất cũng phải theo điều kiện để được tách thửa là phần diện tích đất mà bạn có nhu cầu tách phải đáp ứng diện tích tối thiểu được phép tách thửa theo quy định tại địa phương.
Luật sư: Vũ Văn Toàn - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; Điện thoại: 0978 99 4377
Website: https://myskincare.vn ; https://tplgiabinh.blogspot.com ; Email: luatsuvutoan@gmail.com.