Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, luật sư Đào Thị Liên - Công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
1. Điều kiện để một công ty được coi là công ty mẹ:
Khoản 15 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp có quy định: “Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông đã phát hành của công ty đó; b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó; c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó”.
Như vậy, yếu tố sở hữu vốn trên 50% là một trong các yếu tố mà có nó doanh nghiệp của bạn đã đủ điều kiện được coi là công ty mẹ rồi.
2. Điều kiện của người là giám đốc công ty con
Như bạn trao đổi, nếu công ty bạn hiện nay đang là công ty trách nhiệm hữu hạn thì không hạn chế việc giám đốc công ty mẹ làm giám đốc của công ty con ngoại trừ trường hợp đối với công ty con của công ty có phần vốn góp, cổ phần của Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ thì ngoài các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của luật doanh nghiệp, Giám đốc (hoặc Tổng giám đốc) không được là vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột của người quản lý và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý của công ty mẹ.
3. Công ty con là công ty cổ phần thì Giám đốc không được đồng thời là giám đốc của doanh nghiệp khác
Điều 116 Luật Doanh nghiệp quy định: Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty cổ phần không được đồng thời làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác. Do vậy, nếu công ty con là công ty cổ phần thì giám đốc công ty mẹ không thể đồng thời làm giám đốc công ty con (công ty cổ phần).
4. Việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp là cổ phần hoặc trách nhiệm hữu hạn:
Tùy quy mô kinh doanh, khả năng mở rộng hoạt động, nhu cầu vốn điều lệ… mà bạn có thể lựa chọn loại hình công ty là trách nhiệm hữu hạn hay cổ phần. Mỗi loại đều có những điểm ưu/khuyết tùy theo đánh giá của người sáng lập dựa trên nhu cầu của mỗi người. Chúng tôi xin đưa ra một vài ý kiến so sánh cơ bản sau đây để bạn có thêm thông tin tham khảo:
- Về số lượng thành viên: công ty trách nhiệm hữu hạn giới hạn số lượng tối đa người tham gia góp vốn không quá 50, còn công ty cổ phần thì không hạn chế.
- Khả năng huy động vốn: công ty trách nhiệm hữu hạn chỉ được phát hành trái phiếu, còn công ty cổ phần có thể phát hành cả trái phiếu và chứng khoán để huy động vốn.
- Về chuyển nhượng vốn:
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được giảm vốn và không được chuyển nhượng một phần vốn góp trừ khi xin chuyển đổi sang công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên. Về thủ tục chuyển nhượng, thành viên chuyển nhượng phải ưu tiên chào bán cho thành viên khác trước khi chào bán ra bên ngoài.
Công ty cổ phần thì cổ đông được chuyển nhượng cổ phần tự do trừ trường hợp trong thời hạn 3 năm kể từ ngày công ty được cấp đăng ký kinh doanh thì cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cho người ngoài khi được đại hội đồng cổ đông chấp thuận.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm, vui lòng điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 để được trợ giúp.
Thân chúc bạn sức khỏe, thành công.
Trân trọng./.