Theo quy định của pháp luật, quyền sử dụng đất là một loại tài sản, và việc bạn được tặng cho quyền sử dụng đất đó thì đây chính là giao dịch dân sự có tên “hợp đồng tặng- cho tài sản”. Điều 457- Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng tặng- cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng- cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận”.
Đặc điểm “hợp đồng tặng- cho tài sản” luôn có yếu tố thực tế. Nếu hai bên đã thỏa thuận cụ thể về đối tượng tặng- cho (là tiền hoặc tài sản), điều kiện và thời hạn giao tài sản tặng- cho, nhưng nếu bên tặng- cho chưa giao tài sản cho người được nhận thì hợp đồng tặng- cho tài sản chưa được xác lập. Các bên không có quyền yêu cầu đối với nhau trong việc thực hiện hợp đồng. Việc hứa tặng- cho không làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng tặng- cho tài sản. Bên được tặng- cho không có quyền yêu cầu bên tặng- cho phải giao tài sản đã hứa hẹn.
Như vậy, việc bạn được tặng- cho căn quyền sử dụng đất, đồng thời đã sang tên bạn thì giao dịch đã có hiệu lực pháp luật và bố mẹ bạn không còn quyền định đoạt tài sản này, trừ khi việc tặng- cho tài sản này có điều kiện và người nhận tặng- cho tài sản phải thực hiện nghĩa vụ sau khi nhận tài sản mà không thực hiện thì bên tặng- cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường theo quy định tại Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015. Do đó, kể từ thời điểm bạn được cấp sổ đỏ đứng tên bạn thì bạn đã trở thành chủ sở hữu đối và chủ sử dụng đối với mảnh đất trống được tặng cho đó. Khi đó hợp đồng tặng cho bất động sản đã có hiệu lực pháp luật, ba mẹ bạn không có quyền đòi lại nhà và đất đã tặng cho bạn. Lúc này bạn có toàn quyền định đoạt đối với nhà đất của mình. Các anh, chị của bạn không thể nào làm sổ đỏ khi quyền sử dụng đất đang đứng tên bạn.
Luật sư: Vũ Văn Toàn - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; Điện thoại: 0978 99 4377
Website: https://myskincare.vn ; https://tplgiabinh.blogspot.com ; Email: luatsuvutoan@gmail.com.