Chào bạn,
Câu hỏi của bạn liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng đất, đã được luật sư Mai tư vấn, luật sư Đào Liên – công ty Luật Tiền Phong tư vấn bổ sung cho bạn như sau:
1. Về quyền chuyển nhượng, tặng cho đất
Luật Đất đai quy định, đất có giấy chứng nhận mới đủ điều kiện để thực hiện các giao dịch tặng cho, chuyển nhượng…. Riêng việc thừa kế, đất chưa được cấp giấy chứng nhận nhưng được công nhận đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận thì nhà nước vẫn cho phép thực hiện giao dịch thừa kế.
Như vậy, việc tặng cho đất giữa bố mẹ bạn và các con chỉ được thực hiện khi đất đã được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới có hiệu lực pháp luật.
Như bạn trao đổi, có thể bạn đánh máy nhầm, căn cứ diễn tiến thời gian chúng tôi hiểu rằng năm 2006 gia đình bạn họp phân chia quyền sử dụng đất, năm 2007 em bạn đã kê khai xin cấp giấy chứng nhận, diện tích đất còn lại đứng tên bố mẹ bạn. Năm 2008 bố bạn mất không để lại di chúc, như vậy, diện tích đất thuộc phần sử dụng của bố bạn được coi là di sản thừa kế. Nay bạn hỏi nếu em gái bạn (người đã được chia đất, đã kê khai và được cấp giấy chứng nhận có được quyền hưởng thừa kế nữa không), bạn tham khảo phần trả lời dưới đây.
2. Về quyền thừa kế
Nếu đất đã được kê khai đứng tên bố mẹ bạn trên giấy chứng nhận thì khi bố bạn chết không để lại di chúc thì phần đất của bố bạn được coi là di sản và tất cả những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn gồm: cha, mẹ nếu còn sống, vợ, con sẽ được hưởng thừa kế với kỷ phần bằng nhau.
Nghĩa là em gái bạn vẫn được hưởng thừa kế từ bố của bạn.
Để công bằng, bạn và các thành viên trong gia đình có thể căn cứ vào ý chí của bố bạn lúc còn sống, thực tế em bạn đã có đất (được bố mẹ cho) để trao đổi với em gái sao cho hài hòa lợi ích, tránh tranh chấp không đáng có. Tin rằng, nếu em bạn hiểu sự việc và tôn trọng cha mẹ, tôn trọng quyền lợi của anh em thì sẽ không có tranh chấp nào xảy ra.
3. Về thủ tục khai nhận thừa kế
Hồ sơ bạn cần chuẩn bị:
1/ Bản sao chứng minh nhân dân/hộ khẩu của các đồng thừa kế; (nếu ông bà nội đã chết trước bố bạn thì phải có văn bản xác nhận của UBND cấp xã)
2/ Giấy khai sinh của các con
3/ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của bố mẹ bạn;
4/ Giấy chứng tử của bố bạn
5/ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
Thủ tục thực hiện:
1/ Liên hệ với văn phòng công chứng để lập văn bản khai nhận thừa kế;
2/ Niêm yết văn bản khai nhận thừa kế tại UBND xã nơi có đất;
3/ Công chứng văn bản khai nhận/văn bản phân chia thừa kế
4/ Nộp hồ sơ sang tên tại cơ quan thẩm quyền.
Việc thừa kế tài sản giữa cha mẹ con, vợ chồng; ông bà và cháu không phải nộp thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ.
Bạn có thể tham khảo bài tư vấn chi tiết về thủ tục khai nhận thừa kế tài sản là quyền sử dụng đất của công ty Luật Tiền Phong tại đây.
Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm vui lòng kết nối tổng đài tư vấn pháp luật số 1900 6289 của Luật Tiền Phong để được các luật sư uy tín trợ giúp.
Thân chúc bạn và gia đình sức khỏe, bình an.
Trân trọng./.