Đền bù sau đào tạo khi NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ?

Chủ đề   RSS   
  • #571982 01/06/2021

    Đền bù sau đào tạo khi NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ?

    Em là cán bộ mới làm công tác tổ chức hành chính! 

    Đơn vị (Bệnh viện đa khoa tuyến huyện) em có 01 trường hợp được đơn vị cử đi học Bác sỹ chuyên khoa Cấp I Từ tháng 10/2017 tốt nghiệp tháng 09/2019. Trước khi đi học có cam kết phục vụ lâu dài tài đơn vị (Trên 6 năm) đến nay 01/6/2021) cán bộ đó xin bỏ việc. Trong cam kết có điều khoản ghi rõ

    - Cam kết công tác lâu dài từ 6 năm trở lên sau khi hoàn thành khóa học.

    - Nếu không thực hiện đứng cam kết sẽ bồi hoàn mọi kinh phí đào tạo theo quy định ( và có ghi cụ thể: Lương và phụ cấp lương, Lương tăng thêm, Học phí, nhà ở, Công tác phí)

    Vậy nay đơn vị yêu cầu cá nhân trên bồi thường tất cả các khoản nêu trên trong thời gian đi đào tạo (từ tháng 10/2017 tốt nghiệp tháng 09/2019) bao gồm các khoản (Lương và phụ cấp lương, Lương tăng thêm, Học phí, nhà ở, Công tác phí). Như vậy có đúng hay không ạ?

    (Có bản scan bản cam kết gủi kèm)

    Xin tư vấn của luật sư!

    Trân trọng cảm ơn

     
    1343 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn doangiap123 vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (13/06/2021)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #572237   11/06/2021

    thanhtungrcc
    thanhtungrcc
    Top 50
    Male
    Luật sư quốc gia

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:28/08/2008
    Tổng số bài viết (1518)
    Số điểm: 8647
    Cảm ơn: 8
    Được cảm ơn 1066 lần
    Lawyer

    Trong quá trình làm việc, để nâng cao trình độ, tay nghề, người sử dụng lao động có thể cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài. Khi đó, các bên phải ký hợp đồng đào tạo nghề và giao cho mỗi bên giữ 01 bản theo khoản 1 Điều 62 Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019.

    Hợp đồng đào tạo nghề do các bên tự thỏa thuận nhưng phải đảm bảo các nội dung chủ yếu sau:

    Nghề đào tạo;

    Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo;

    Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo;

    Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;

    Trách nhiệm của người sử dụng lao động;

    Trách nhiệm của người lao động.

    Với việc ký hợp đồng đào tạo, người lao động sẽ được cử đi học để nâng cao tay nghề trên kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.

    Khi đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 62 BLLĐ năm 2019, người lao động sẽ được người sử dụng lao động chi trả các khoản sau:

    - Chi phí cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học trong thời gian học;

    - Tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học;

    - Chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo (nếu người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài).

    Như vậy, có thể thấy, người lao động khi được cử đi học nghề vừa có thể nâng cao tay nghề không mất chi phí mà còn được hưởng nhiều quyền lợi nêu trên.

    Người lao động sau khi được đào tạo phải làm việc cho người lao động theo đúng thời gian đã cam kết trong hợp đồng đào tạo. Sau đó, không thiếu trường hợp người lao động tự ý bỏ việc , khiến cho các đơn vị sử dụng lao động không những bị khủng hoảng về nhân sự mà còn bị thiệt hại do mất kinh phí đào tạo. Trong trường hợp này người lao động có thể sẽ phải hoàn trả chi phí đào tạo nghề cho người sử dụng lao động.

    Do hợp đồng đào tạo nghề là sự thỏa thuận của các bên nên nếu trong hợp đồng đã nêu rõ trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo thì việc trả lại chi phí sẽ thực hiện theo thỏa thuận. Nếu có quy định về miễn trách nhiệm bồi thường chi phí đào tạo thì người lao động thuộc trường hợp đó sẽ không phải trả lại chi phí này.

    Nếu giữa người lao động và người sử dụng lao động không thỏa thuận một cách rõ ràng về trách nhiệm hoàn trả chi phí đào thì việc hoàn trả chi phí được thực hiện như sau:

    Trường hợp 1: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp

    BLLĐ năm 2019 không đặt ra trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo nếu người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp.

    Tuy nhiên, khoản 2 Điều 61 Luật Giáo dục và nghề nghiệp 2014 lại quy định: “Người tốt nghiệp các khoá đào tạo do ngư­ời sử dụng lao động cấp học bổng, chi phí đào tạo phải làm việc cho người sử dụng lao động theo thời hạn đã cam kết trong hợp đồng đào tạo; trường hợp không thực hiện đúng cam kết thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.”

    Theo đó, người lao động vẫn có trách nhiệm bồi hoàn chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động nếu không làm việc theo đúng thời gian đã cam kết.

    Trường hợp 2: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

    Theo quy định tại Điều 40 BLLĐ năm 2019, người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật:

    - Không được trợ cấp thôi việc;

    - Phải bồi thường nửa tháng tiền lương và một khoản tiền tương ứng với những ngày không báo trước;

    - Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo.

    Do đó, trong trường hợp này, người lao động cũng phải bồi thường chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động.

    Có thể thấy, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải có trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo dù đúng luật hay trái luật.

    Bởi vậy, để tránh tranh chấp xảy ra sau này, các bên khi ký hợp đồng đào tạo nghề cần thỏa thuận rõ các điều kiện phải hoàn trả chi phí đào tạo và trường hợp được miễn trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo.

    Có được phạt vi phạm gấp nhiều lần chi phí đào tạo?

    Bên cạnh việc hoàn trả chi phí đào tạo, người lao động có thể còn phải bồi thường thêm khoản tiền do vi phạm hợp đồng nếu trước đó các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm.

    Các bên khi ký hợp đồng đào tạp nghề thường thỏa thuận người lao động sau khi được đào tạo phải cam kết làm việc cho người sử dụng lao động trong thời gian nhất định, nếu vi phạm sẽ phải bồi thường gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp nhiều lần chi phí đào tạo nghề.

    Việc yêu cầu bồi thường do vi phạm dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng cho phép các bên tự do thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng. Vậy doanh nghiệp được yêu cầu bồi thường tối đa là bao nhiêu?

    Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 không đặt ra mức tối đa đối với phạt vi phạm mà sẽ do các bên tự thoả thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Trong khi đó, Bộ luật Lao động cũng không có quy định nào về vấn đề này. Vì vậy, việc áp dụng mức nào sẽ do sự thỏa thuận của các bên.

    Như vậy, doanh nghiệp có thể thỏa thuận với người lao động về việc phạt vi phạm hợp đồng đào tạo nghề gấp nhiều lần chi phí đào tạo cũng không trái pháp luật. Tuy nhiên, nếu có tranh chấp tại Tòa án, với sự xem xét, cân bằng lợi ích giữa các bên thì mức phạt vi phạm được Tòa án áp dụng có thể thấp hơn so với mức các bên thỏa thuận trước đó.

    Luật sư: Nguyễn Thanh Tùng; Điện thoại: 0913586658

    Văn phòng luật sự Phạm Hồng Hải và Cộng sự - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội;

    Email: luatsuthanhtung@gmail.com;

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn thanhtungrcc vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (13/06/2021)

Tư vấn của Luật sư có tính chất tham khảo, bạn có thể liên hệ trực tiếp với Luật sư theo thông tin sau:

Luật sư: Nguyễn Thanh Tùng; Điện thoại: 0913586658

Văn phòng luật sự Phạm Hồng Hải và Cộng sự - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội;

Email: luatsuthanhtung@gmail.com;