Rà soát pháp luật: Bất cập Luật Công chứng 2014

Chủ đề   RSS   
  • #575414 13/09/2021

    hiesutran159
    Top 100
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:12/10/2020
    Tổng số bài viết (692)
    Số điểm: 11623
    Cảm ơn: 29
    Được cảm ơn 759 lần


    Rà soát pháp luật: Bất cập Luật Công chứng 2014

    Mặc dù được đánh giá đã tạo ra những dấu ấn tích cực cho hoạt động công chứng, thế nhưng, sau hơn 6 năm có hiệu lực thi hành, Luật Công chứng 2014 sửa đổi, bổ sung 2018 đã bộc lộ nhiều bất cập…

    Bất cập trong quy định của Luật Công chứng - Minh họa

    Bất cập trong quy định của Luật Công chứng - Minh họa

    Được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2014 và có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2015 thay thế Luật Công chứng 2006, Luật Công chứng 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2018 được đánh giá đã tao hành lang pháp lý mới cho hoạt động công chứng và thu về những kết quả nhất định trong thực hiện, thế nhưng, sau hơn 6 năm áp dụng vào thực tiễn, Luật Công chứng đã bắt đầu bộc lộ nhiều bất cập. 

    Cụ thể, khoản 3 Điều 11 Luật Công chứng năm 2014 quy định “công chứng viên bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề công chứng thì sau 12 tháng kể từ ngày chấp hành xong quyết định kỷ luật, quyết định xử phạt vi phạm hành chính mới được hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng”.

    Theo các chuyên gia, quy định này cho thấy sự mâu thuẫn với quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính nên dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng trong trường hợp người hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng bị xử phạt cảnh cáo, bởi theo khoản 1 Điều 7 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính được xác định là nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo mà không tái phạm.

    “Do đó, việc quy định công chứng viên sau 12 tháng kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính mới được hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng là chưa thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính”, các chuyên gia chia sẻ.

    Cũng theo các chuyên gia, để khắc phục sự mâu thuẫn giữa Luật Công chứng năm 2014 với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Công chứng nên được sửa lại theo hướng sau: Công chứng viên bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề công chứng thì sau khi hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính mới được hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng.

    Bên cạnh đó, về những trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên theo khoản 3 Điều 13 Luật Công chứng khi quy định không bổ nhiệm đối với trường hợp “người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự” mà không đề cập đến trường hợp có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cũng được cho là một trong những quy định chưa phù hợp với Điều 46 Bộ luật Dân sự năm 2015 bởi theo khoản 1 Điều 46 quy định, việc giám hộ được thực hiện đối với “người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”.

    Đồng thời, khoản 1 Điều 23 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định: “Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ”. 

    Theo Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi không thể là đối tượng để xem xét, bổ nhiệm công chứng viên được.

    Do đó, Luật sư Hiệp kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 13 Luật Công chứng năm 2014 theo hướng sau: “Không bổ nhiệm công chứng viên đối với người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”.

    Ngoài ra, quy định về điều kiện miễn nhiệm công chứng viên cũng là một trong những bất cập cần được xem xét, cân nhắc.

    Cụ thể, điểm e khoản 2 Điều 15 Luật Công chứng quy định, công chứng viên “đã bị xử phạt vi phạm hành chính đến lần thứ hai trong hoạt động hành nghề công chứng mà còn tiếp tục vi phạm” thì bị miễn nhiệm công chứng viên. Như vậy, bất kỳ trường hợp nào bị xử phạt vi phạm hành chính đến hai lần mà vi phạm lần thứ ba trong hoạt động hành nghề công chứng là bị miễn nhiệm công chứng viên.

    Các chuyên gia cho rằng, quy định này mâu thuẫn với khoản 1 Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính về thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo mà không tái phạm hoặc trong một năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm.

    Để bảo đảm phù hợp với tinh thần của Luật Xử lý vi phạm hành chính và tăng cường tính thượng tôn pháp luật của các chủ thể trong quá trình hành nghề công chứng, cần có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp công chứng viên vi phạm pháp luật, các chuyên gia kiến nghị sửa đổi Luật Công chứng năm 2014 theo hướng quy định: Công chứng viên bị miễn nhiệm khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề công chứng và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm.

    Về cấp lại thẻ công chứng viên, khoản 2 Điều 36 Luật Công chứng năm 2014 quy định, công chứng viên được cấp lại thẻ trong trường hợp “thẻ đã được cấp bị mất, bị hỏng”.

    Luật sư Phạm Văn Phát – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, quy định nêu trên chưa điều chỉnh hết quan hệ phát sinh trong hoạt động công chứng khi có yêu cầu cấp lại thẻ công chứng viên trong trường hợp tên gọi văn phòng công chứng thay đổi hoặc công chứng viên chuyển đổi làm việc sang tổ chức hành nghề công chứng khác.

    Để khắc phục bất cập đã nêu, Luật sư Phát kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 36 Luật Công chứng năm 2014 theo hướng: Công chứng viên được cấp lại thẻ công chứng viên trong trường hợp thẻ đã được cấp bị mất, bị hỏng hoặc tổ chức hành nghề công chứng nơi công chứng viên đang hành nghề thay đổi tên gọi hoặc công chứng viên chuyển đổi hành nghề tại tổ chức hành nghề công chứng khác.

    GIA NGUYỄN

    Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp

     
    1230 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận