Quyết định xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Chủ đề   RSS   
  • #264218 25/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng tín dụng

    Số hiệu

    08/2003/HĐTP- KT

    Tiêu đề

    Quyết định xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng tín dụng

    Ngày ban hành

    29/05/2003

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    QUYẾT ĐỊNH SỐ08/2003/HĐTP- KT NGÀY 29-05-2003 
    VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
    ...................

    Tại phiên tòa ngày 29-05-2003, xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa:

    Nguyên đơn: Ngân hàng Công thương Việt Nam - Sở giao dịch II; có trụ sở số 79A Hàm Nghi, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh;

    Bị đơn: Công ty TNHH thương mại Lam Hồng Sơn; có trụ sở tại số 246 Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 , thành phố Hồ Chí Minh;

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Bà Trang Hồng Thu, trú tại số 146 Nguyễn Khoái, phường 2, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh;

    2. Ông Nguyễn Văn Diễn và bà Lưu Kim Anh, cùng trú tại số 35 Nguyễn Hữu Cầu, phường Tân Định, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

    NHẬN THẤY

    Căn cứ đơn xin vay vốn ngày 26-03-l996 của Công ty TNHH thương mại Lam Hồng sơn, ngày 30-03-1996 Ngân hàng Công thương Việt Nam - Sở giao dịch II đã ký hợp đồng tín dụng số 283/TD.TT cho Công ty TNHH thương mại Lam Hồng Sơn vay l .800.000.000 đồng; đáo hạn ngày 30-07-1996; lãi suất là 1,65%/tháng, lãi suất quá hạn là 2,475%/tháng; hợp đồng có hiệu lực từ ngày 30-03-1996 đến khi Công ty TNHH thương mại Lam Hồng Sơn thanh toán dứt nợ gốc và lãi cho ngân hàng.

    Các tài sản dùng để bảo đảm cho khoản vay trên bao gồm:

    - Căn nhà số 35 Nguyễn Hữu Cầu, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Văn Diễn và bà Lưu Kim Anh đứng tên chủ sở hữu bảo lãnh.

    - Căn nhà số 2 Bis Đinh Tiên Hoàng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh do bà Trang Hồng Thu đứng tên chủ sở hữu bảo lãnh.

    Thực hiện hợp đồng, Ngân hàng Công thương Việt Nam - Sở giao dịch II đã giải ngân đủ số tiền 1.800.000.000 đ cho Công ty TNHH thương mại Lam Hồng Sơn. Đến hạn thanh toán (30-07-1996), do không trả được nợ Công ty TNHH thương mại Lam Hồng Sơn đã có văn bản xin gia hạn nợ và được ngân hàng chấp nhận kéo dài thời gian trả nợ đến ngày 30-10-1996, nhưng đến hết ngày 30-10-1996 Công ty TNHH thương mại Lam Hồng Sơn vẫn không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của mình, ngân hàng đã chuyển khoản vay sang nợ quá hạn từ ngày 01-11-1996.

    Ngày 31-01-2001 Ngân hàng Công thương Việt Nam - Sở giao dịch II có đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị giải quyết buộc Công ty TNHH thương mại Lam Hồng Sơn phải trả cho ngân hàng khoản nợ tạm tính đến ngày 31-12- 2000 là 2.762.617.000 đồng, trong đó:

    + Nợ gốc là 1.320.195.000 đồng .

    + Nợ lãi là 1.442.422.000 đồng

    Tại Bản án kinh tế sơ thẩm số 141/KTST ngày 05-09-2001, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

    1. Chấp nhận một phần yêu cầu của Ngân hàng Công thương Việt Nam - Sở giao dịch II, buộc Công ty TNHH thương mại Lam Hồng Sơn phải trả cho Ngân hàng Công thương Việt Nam - Sở giao dịch II số tiền 1à 2.574. 197.553 đ, trong đó gồm:

    – Nợ gốc chưa thanh toán là 1.320.195.000đ

    - Lãi phát sinh tính đến ngày 31- 01- 2001 1à 1.254.002.553đ

    Thời hạn trả nợ trong vòng hai tháng kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật.

    Trong trường hợp Công ty TNHH thương mại Lam Hồng Sơn không trả nợ Ngân hàng Công thương Việt Nam - Sở giao dịch II thì ông Nguyễn Văn Diễn, bà Lưu Kim Anh với tư cách là người bảo lãnh có nghĩa vụ trả thay số tiền 912.797.553đ. Trong đó có nợ gốc là 420.195.000đ và lãi phát sinh là 492.602.553đ. Nếu ông Diễn và bà Anh không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì phát mại căn nhà số 35 Nguyễn Hữu Cầu, phường Tân Định, quận 1 , thành phố Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Văn Diễn và bà Lưu Kim Anh là chủ sở hữu đã thế chấp bảo lãnh cho Công ty TNHH thương mại Lam Hồng Sơn vay tiền theo hợp đồng tín dụng số 283 tại Ngân hàng Công thương Việt Nam - Sở giao dịch II, việc thế chấp này đã được Phòng Công chứng Nhà nước số 1 thành phố Hồ Chí Minh chứng nhận số 23632 ngày 28-03-1996, để trả nợ cho Ngân hàng Công thương Việt Nam - Sở giao dịch II.

    2. Bác yêu cầu của Ngân hàng Công thương Việt Nam - Sở giao dịch II trong việc yêu cầu phát mại căn nhà số 2 Bis Đinh Tiên Hoàng phường Đa Kao, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh do bà Trang Hồng Thu làm chủ sở hữu.

    Ngoài ra Bản án còn quyết định về án phí kinh tế sơ thẩm và quyền kháng cáo của các đương sự.

    Ngày 10-09-2001, Công ty TNHH thương mại Lam Hồng Sơn có đơn kháng cáo đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét lại đối với khoản tiền lãi quá hạn mà Toà án cấp sơ thẩm đã quyết định.

    Ngày 13-09-2001, ông Nguyễn Văn Diễn và bà Lưu Kim Anh có đơn kháng cáo đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét miễn, giảm đối với khoản tiền lãi quá hạn.

    Tại Bản án kinh tế phúc thẩm số 17/KT - PT ngày 14-05-2002, Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

    1. Huỷ Bản án kinh tế sơ thẩm số 141/KTST ngày 05-09-2001 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

    Đình chỉ việc giải quyết vụ án kinh tế!

    2. Dành quyền khởi kiện vụ án dân sự cho Ngân hàng Công thương Việt Nam - Sở giao dịch II.

    3. Hoàn lại án phí kinh tế sơ thẩm, phúc thẩm cho các đương sự đã nộp trong vụ án.

    Ngày 23- 10- 2002 Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có văn bản số2322/CV- KT gửi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án kinh tế phúc thẩm nêu trên, với lý do: Việc Toà án cấp phúc thẩm cho rằng thời hiệu khởi kiện vụ án đã hết trước ngày Toà án thụ lý vụ án và quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án là không đúng.

    Tại Kháng nghị số03/2003/KT- TK ngày 11-02-2003 đối với Bản án kinh tế phúc thẩm nêu trên, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhận định: Việc Toà án cấp phúc thẩm xác định ngày 30-10-1996 mà các bên thoả thuận là ngày cuối cùng của thời hạn vay (kể cả thời hạn gia hạn) là thời điểm phát sinh tranh chấp để cho rằng thời hạn khởi kiện đã hết và quyết định huỷ Bản án kinh tế sơ thẩm số 141/KTST ngày 05-09-2001 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đình chỉ việc giải quyết vụ án kinh tế; đồng thời hoàn lại án phí kinh tế sơ thẩm và án phí kinh tế phúc thẩm cho các đương sự là không đúng với qui định của pháp luật. Vì vậy, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm; tuyên huỷ Bản án kinh tế phúc thẩm số17/KT- PT ngày 14-05-2002 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Minh; giao hồ sơ vụ án cho Toà Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành Hồ Chí Minh để giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.

    Tại Kết luận số 09/KL - AKT ngày 31-03- 2003, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nhất trí với toàn bộ nội dung Kháng nghị số03/2003/KT- TK ngày 11- 02-2003 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao huỷ Bản án kinh tế phúc thẩm số17/KT- PT ngày 14-05-2002 của Toà Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Toà án cấp phúc thẩm để giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung. Song về nội dung vụ án, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng: Việc Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm khi xét xử chỉ xác nhận căn nhà số 35 Nguyễn Hữu Cầu của ông Nguyễn Văn Diễn và bà Lưu Kim Anh là tài sản thế chấp, còn căn nhà số 02 Bis Đinh Tiên Hoàng do bà Trang Hồng thu đứng tên chủ sở hữu không phải là tài sản thế chấp để bác yêu cầu của Ngân hàng Công thương Việt Nam - Sở giao dịch II về việc đề nghị phát mại căn nhà số 02 Bis Đinh Tiên Hoàng là không đúng với thực tế của vụ án.

    XÉT THẤY

    – Việc Toà án cấp phúc thẩm xác định ngày 30-10-1996 mà các bên thoả thuận là ngày cuối cùng của thời hạn vay (kể cả thời hạn gia hạn) là thời điểm phát sinh tranh chấp để cho rằng thời hạn khởi kiện đã hết và quyết định huỷ Bản án kinh tế sơ thẩm số 141/KTST ngày 05-09-2001 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đình chỉ việc giải quyết vụ án kinh tế là không đúng, bởi vì:

    Tại Điều 6 của hợp đồng tín dụng số283/TD- TT ngày 30-03-1996 các bên có thoả thuận: "Trường hợp Công ty TNHH thương mại Lam Hồng Sơn chưa trả được nợ thì Công ty phải chịu lãi suất nợ quá hạn tính trên số nợ chưa trả cho đến khi Công ty trả dứt nợ cho Ngân hàng; Ngân hàng được chuyển số nợ của Công ty sang nợ quá hạn và xử lý theo quy định của thể lệ tín dụng". Về hiệu lực của hợp đồng, tại Điều 8 các bên thoả thuận: “Hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày 30-03-1996 cho đến khi Công ty TNHH thương mại Lam Hồng Sơn trả dứt nợ (gốc và lãi) cho Ngân hàng”.

    Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty TNHH thương mại Lam Hồng Sơn xét thấy không có khả năng trả nợ đúng hạn ghi trong hợp đồng (ngày 30-07-1996), cho nên đã có đơn xin gia hạn nợ hai lần và đều được Ngân hàng Công thương Việt Nam - Sở giao dịch II chấp nhận mà theo đó ngày trả nợ là ngày 30-10-1996. Việc thoả thuận và gia hạn nợ này là gia hạn thời hạn trả nợ theo lãi suất nợ trong hạn mà không hề thay thế hoặc làm mất đi giá trị thoả thuận của các bên tại Điều 6 và Điều 8 của hợp đồng về việc chịu lãi suất nợ quá hạn khi quá thời hạn trả nợ mà không trả được nợ và hiệu lực của hợp đồng. Trong phần nhận định, Toà án cấp phúc thẩm căn cứ vào các biên bản làm việc và báo cáo kết quả làm việc (ngày 22-07-1998, ngày 06-11-1998, ngày 07-10- 1998, ngày 15-07-1999, ngày 21-12-2000) và cho rằng đến ngày 31- 01- 2001 Ngân hàng Công thương Việt Nam - Sở giao dịch II mới có đơn khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết thì thời hiệu khởi kiện đã hết; đồng thời cũng căn cứ vào các tài liệu này để cho rằng các bên đã xác nhận nợ và thống nhất việc xử lý nợ quá hạn là mâu thuẫn với nhau. Các tài liệu này đều không phải do những người có thẩm quyền của các bên xác lập và nội dung cũng chỉ ghi lại ý kiến của các bên mà không có thoả thuận với nhau. Giả sử cho rằng các tài liệu này đều do những người có thẩm quyền của các bên xác lập, có nội dung thanh lý hợp đồng, xác nhận nợ, thoả thuận thời hạn trả nợ, nhưng do Công ty TNHH thương mại Lam Hồng Sơn không trả được nợ đúng hạn và Ngân hàng Công thương Việt Nam- Sở giao dịch II có đơn khởi kiện, song Toà án cấp sơ thẩm xác định sai vụ án (xác định vụ án dân sự thành vụ án kinh tế) thì Toà án cấp phúc thẩm cũng chỉ huỷ Bản án sơ thẩm giao cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo tố tụng dân sự; nếu xác định đây là vụ án kinh tế mà thời hiệu khởi kiện đã hết, thì Toà án cấp phúc thẩm đình chỉ việc giải quyết vụ án và nguyên đơn không có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết theo tố tụng dân sự.

    – Trong vụ án này đương sự mới chỉ nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm và tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, nhưng Toà án cấp phúc thẩm lại hoàn lại án phí kinh tế sơ thẩm và án phí kinh tế phúc thẩm là không đúng. Đồng thời nếu Toà án cấp phúc thẩm căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 39 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế để quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án thì phải căn cứ vào khoản 5 Điều 30 Pháp lệnh này và điểm 3 Điều 18 Nghị định số 70/CP ngày 12-06-1997 của Chính phủ qui định về án phí, lệ phí Toà án để quyết định tiền tạm ứng án phí nộp vào ngân sách Nhà nước mới đúng.

    – Về Kết luận của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với nội dung vụ án, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thấy rằng: Việc Toà án cấp phúc thẩm khi xét xử vụ án mới chỉ xem xét về thời hiệu khởi kiện để huỷ Bản án kinh tế sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án mà chưa giải quyết đến nội dung vụ án. Vì vậy, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không xem xét đến nội dung này trong phiên toà giám đốc thẩm. Tuy nhiên khi xét xử lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm cần nghiên cứu, đánh giá đầy đủ các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án và nội dung kết luận của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để giải quyết nội dung vụ án được chính xác, đúng pháp luật.

    Bởi các lẽ trên và căn cứ khoản 3 Điều 80 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao,

    QUYẾT ĐỊNH

    Huỷ Bản án kinh tế phúc thẩm số17/KT- PT ngày 14-05-2002 của Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.

    Lý do huỷ Bản án phúc thẩm:

    – Toà án cấp phúc thẩm cho rằng thời hiệu khởi kiện đã hết và quyết định huỷ Bản án kinh tế sơ thẩm của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và đình chỉ việc giải quyết vụ án này không đúng.

    – Toà án cấp phúc thẩm cần nghiên cứu đánh giá đầy đủ các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án để giải quyết nội dung vụ án được chính xác và đúng pháp luật.

     

     
    4206 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận