Quyết định số 27/2003/hđtp-ds ngày 26-08-2003 về vụ án tranh chấp chia thừa kế

Chủ đề   RSS   
  • #264717 28/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định số 27/2003/hđtp-ds ngày 26-08-2003 về vụ án tranh chấp chia thừa kế

    Số hiệu

    27/2003/HĐTP-DS

    Tiêu đề

    Quyết định số27/2003/hđtp-ds ngày 26-08-2003 về vụ án tranh chấp chia thừa kế

    Ngày ban hành

    26/08/2003

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    QUYẾT ĐỊNH SỐ27/2003/HĐTP-DS NGÀY 26-08-2003
    VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    .......................

    Tại phiên toà ngày 26-08-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế giữa các đương sự :

    Nguyên đơn:

    1. Cụ Nguyễn Văn Lạc 81 tuổi; trú tại số 69 Ái Mộ, Gia Lâm, Hà Nội.

    2. Bà Ngô Thị Sửu, 49 tuổi; trú tại số 63 Hàng Buồm, Hà Nội.

    Bị đơn: Ông Nguyễn Quang 64 tuổi; trú tại số 39B, tổ 2, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Cụ Nguyễn Thị Tính; trú tại số 307 đường Tiền Phong, phường Năng Tĩnh, thành phố Nam Định.

    2. Cụ Nguyễn Thị Toán (chết năm 1991) có chồng là cụ Ngô Văn Trụ và 7 con, do cụ Trụ đại diện; trú tại số 58 Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội.

    3. Ông Nguyễn Tuyến; trú tại số 39B tổ 2, Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

    4. Ông Nguyễn Khánh; trú tại số 39B, tổ 2, Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

    5. Bà Nguyễn Thị Khánh Vân; trú tại số 68 phố Quan Nhân, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

    6. Bà Nguyễn Thị Hiền (chết năm 1962) có chồng là ông Đinh Quang Vinh và 4 con; trú tại số 95 Võ Thị Sáu, phường 6, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh do bà Ngô Thị Sửu đại diện.

    7. Bà Nguyễn Thị Thảo (chết năm 1982) có chồng là ông Trần Chu Miên và 6 con, uỷ quyền cho anh Trần Chu Thịnh đại diện.

    8. Anh Đỗ Kim Tiến, 44 tuổi; trú tại số 39B, tổ 2, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

    9. Anh Đỗ Quang Thành 46 tuổi; trú tại số 39B tổ 2, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

    10. Ông Nguyễn Ngọc Mỡi 58 tuổi; trú tại phòng 101, V4 tập thể Đại học giao thông, Hà Nội.

    11. Bà Trần Thị Minh Hải 41 tuổi; trú tại số 12B nhà 4B tập thể Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội.

    12. Ông Lê Tòng 58 tuổi; trú tại số dãy B, phòng 2, tập thể Viện công nghệ thực phẩm, Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

    13. Bà Hoàng Kim Tuyến 51 tuổi; trú tại phòng 5 ngõ 25 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội.

    14. Ông Trịnh Đông A 52 tuổi; trú tại số 62 A3 tập thể Thành Công, quận Đống Đa, Hà Nội.

    15. Ông Nguyễn Đức Quy 42 tuổi; trú tại số 106 phố Quan Nhân, Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

    16. Ông Nguyễn Xuân Mai 52 tuổi; trú tại phòng 2, B14 tập thể Yên Lãng, quận Đống Đa, Hà Nội.

    17. Ông Vũ Hữu Nghị; trú tại số 20 Đặng Dung, Hà Nội.

    18. Bà Đào Thị Lợi;  trú tại số 131B, Tiền An, thị xã Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

    19. Ông Bùi Văn Thuyết;  trú tại số 376 đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

    20. Ông Hà Thế Truyền, trú tại số 292 phố Huế, Hà Nội.

    21. Ông Đặng Văn Nghĩa; trú tại tổ 2 Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

    22. Bà Đoàn Thị Tuyết; trú tại số 39B, tổ 2 Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

    23. Anh Nguyễn Anh Bảo; trú tại số 39B, tổ 2 Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

    24. Ông Nguyễn Huy Phúc; trú tại số 140 phố Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

    25. Ông Trần Đức Minh; trú tại tổ 1 phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

    NHẬN THẤY:

    Cố Nguyễn Văn Lộc (chết 1942), có 2 vợ: vợ cả là cố Nguyễn Thị Ngọ (chết 1917), vợ hai là cố Quan Thị Thìu (chết 1960).

    Cố Lộc và cố Ngọ có 3 người con chung là: Cụ Tộ, cụ Tính, cụ Toán.

    Cụ Tộ (chết năm 1988), có vợ là cụ Bính (chết 1952)  có 6 con là : ông Quang, ông Tuyến, ông Khánh,  bà Vân, bà Thảo (chết năm 1982) và bà Hiền (chết 1962). Bà Hiền có chồng là ông Vinh, có 4 người con là: anh Hiền, anh Hùng, chị Hạnh, chị Bích. Bà Thảo có chồng là ông Miên, có 6 con là chị Thanh, chị Bình, chị Dung, anh Miêng, anh Đạt, anh Thịnh.

    Cụ Toán (chết 1991), có chồng là cụ Trụ, có 7 con là: Ông Kha, bà Mùi, ông Hoè, bà Sửu, ông Hùng, ông Khiêm, ông Dũng.

    Cố Lộc và cố Thìu có một con là cụ Lạc.

    Về tài sản: Cố Lộc được tổ tiên để lại cho thửa đất số 19 và số 16 tại 39B tổ 2 phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Trên thửa đất số 16 có một nhà thờ 5 gian, vườn, ao diện tích thực tế là 2.516,57m2. Năm 1946 cả gia đình cố Lộc đi tản cư, năm 1952 trở về thì nhà đã bị phá hỏng chỉ còn lại móng nhà. Khi trở về không có ai ở lại trên đất này. Cụ Tộ đại diện cho gia đình thuê ông Cai Minh trông coi. Ngoài 2 thửa đất số 19 và 16 cố Lộc còn có một số đất ruộng, năm 1952- cụ Tộ được 2 ông chú trong dòng họ đồng ý cho bán 2.140m2ruộng để lấy tiền sửa nhà thờ, nhưng cụ Tộ chưa sửa nhà mà sử dụng tiền bán đất ruộng để trả dần tiền thuê ông Cai Minh trông coi đất vườn. Trong thời gian trông coi, ông Cai Minh đã cậy gạch ở móng nhà bán và cho con là anh Tiến, anh Thành làm nhà ở trên nền nhà cũ của cố Lộc. Năm 1960 cụ Tộ kê khai đứng tên trong sổ địa chính. Năm 1976 cụ Tộ về làm 4 gian nhà thờ bằng tiền bán ruộng của dòng họ còn lại và tiền cụ Tộ bán tiếp thửa đất số 19. Năm 1985- 1987 cụ Tộ gọi cụ Lạc, cụ Toán về ở, nhưng chỉ có cụ Toán về bồi thường hoa màu cho anh Thành, anh Tiến 400.000đ để lấy 200m2 đất làm nhà, hiện anh Hùng con cụ Toán đang ở. Năm 1988 cụ Tộ chết, phần lớn nhà đất do ông Quang quản lý. Năm 1991 ông Quang bán 550m2 ao cho anh Quy được 7 lạng vàng, ông Quang cho cụ Lạc 6 chỉ vàng, ông Khánh 1 lạng 6 chỉ, bà Vân 3 chỉ, ông Tuyến 5 chỉ. Năm 1993 ông Quang bán tiếp 485m2 đất vườn cho bà Tuyến, ông Nghiên, ông Nghị được 63 lạng vàng, ông Quang cho cụ Lạc 1 lạng vàng, ông Tuyến 9 lạng, ông Khánh 8 lạng, bà Vân 4 lạng 5 chỉ.

    Năm 1994 cụ Lạc, cụ Tính, cụ Trụ (chồng cụ Toán) và ông Vinh (chồng bà Hiền) khởi kiện xin chia thừa kế di sản của cố Lộc tại thửa đất số 16 do bà Sửu đại diện cho các đồng nguyên đơn. Ông Quang cho rằng năm 1960 cụ Tộ đã đứng tên trong sổ địa chính nên tài sản trên là của cụ Tộ, năm 1985 cụ Tộ đã di chúc cho ông nhà đất, không đồng ý chia thừa kế.

    Ngày 09-6-1994 Toà án nhân dân quận Đống Đa thụ lý vụ kiện xin chia thừa kế giữa nguyên đơn là cụ Lạc, bà Sửu với bị đơn là ông Quang. Do vụ án có nhân tố nước ngoài nên Toà án Đống Đa chuyển vụ việc cho Toà án Hà Nội giải quyết.

    Sau khi Toà án điều tra nhận thấy diện tích đất ông Quang bán cho ông Quy, ông Quy đã bán lại cho ông Minh. Ông Minh đã san lấp và bán lại cho ông Nguyễn Xuân Mai 74m2 và bán cho ông Trần Đức Minh (con ông Xương) 70m2. Sau đó ông Minh lại bán lại số đất trên cho ông Nguyễn Ngọc Mỡi. Số đất còn lại từ nhà bà Hải đến hết ao ông bán cho ông Lê Tòng.

    Sau khi mua đất của ông Quy thì ông Tòng lại bán lại đất cho bà Trần Thị Minh Hải và ông Hà Thế Truyền. Để rút ngắn thủ tục giấy tờ, ông Tòng đề nghị ông Minh viết giúp giấy đứng tên ông Minh trực tiếp bán cho bà Hải và ông Truyền, còn tiền thì ông Tòng thu. Ông minh chỉ viết giấy bán cho ông Tòng 300m2.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ông Lê Tòng trình bày:

    Ngày 21-10-1999 ông mua của ông Quy 300m2 đất ao. Khi mua ông có được xem giấy tờ nguồn gốc đất có chữ ký của anh em ông Quang và xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã Nhân Chính, giá mua là 1 chỉ vàng/2,6m2. Sau đó ông đã bán lại cho bà Hải 160m2 và ông Truyền 85m2, ông thu tiền của bà Hải, ông Truyền, còn thủ tục giấy tờ thì do ông Quy viết. Nay gia đình ông Quang có việc kiện chia thừa kế liên quan đến 300m2 đất ông đã mua bán. Nếu đất này ông Quy bán không hợp pháp thì ông yêu cầu ông Quy phải thanh toán trả ông số tiền ông đã bỏ ra mua. Ngoài ra ông còn cùng với anh Tiến, anh Thành xây chung kè ven ao làm lối đi, ông yêu cầu được thanh toán.

    Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, ông Hà Thế Truyền cho biết: Ngày 29-12-1992 vợ chồng ông có mua của ông Tòng 85m2 đất ở đường trục chính xã Nhân Chính. Ông Tòng nói đất này mua của ông Quy, ông Tòng bán lại cho ông Truyền nhưng giấy tờ bán đất lại đứng tên ông Quy bán cho ông Truyền, còn tiền trả cho ông Tòng. Đầu năm 1994 ông Truyền lại bán lại mảnh đất này cho vợ chồng ông Nguyễn Huy Phúc và bà Nguyễn Thị Yến.

    Bà Nguyễn Thị Yến trình bày: Bà mua 85m2 đất của ông Truyền vào ngày 25-01-1994 với giá 4 chỉ vàng/1m2. Đến tháng 3 năm 1994 bà lại bán lại diện tích đất trên cho bà Đào Thị Lợi ở 131 Tiền An, thị xã Bắc Ninh với giá 35 cây vàng.

    Bà Đào Thị Lợi trình bày: Ngày 05-03-1994 bà có mua của vợ chồng ông Phúc, bà Yến 85m2 đất với giá 4 chỉ/1m2. Đến đầu năm 1995 bà đã bán lại diện tích đất trên cho ông Bùi Văn Thuyết với giá 8 chỉ vàng/1m2.

    Ông Bùi Văn Thuyết trình bày: Vì nhà ông nằm ở vùng mở đường theo quy hoạch nên có nhu cầu mua đất làm nhà. Ông đã cùng em trai là Minh giao dịch và mua của bà Lợi 85m2 đất ở 39B tổ 2 phường Thượng Đình. Ông không hề biết đất có tranh chấp vì ông xem giấy tờ bà Lợi đã mua đất có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã Nhân Chính. Ông đề nghị Toà án xem xét bảo vệ quyền lợi cho ông.

    Ông Nguyễn Ngọc Mỡi trình bày: Do nhu cầu làm nhà ở nên ông đã mua 76m2 đất  và nhà của ông Trần Đức Minh ở 39 tổ 2 phường Thượng Đình. Trước khi mua ông đã tìm hiểu được biết đất này ông Quang bán cho ông Quy có giấy tờ được Uỷ ban nhân dân xã Nhân Chính xác nhận. Việc ông mua lại mảnh đất này là ngay thẳng nên ông đề nghị được hợp pháp hoá việc mua bán và sử dụng để xây dựng nhà ở.

    Ông Nguyễn Xuân Mai trình bày: Do có nhu cầu làm nhà ở nên tháng 2 năm 1993 ông có mua của ông Quy 80m2 đất (thực đo là 76m2) với giá 2,5 chỉ/m2. Ông đề nghị được hợp pháp hóa việc mua bán và sử dụng đất để xây dựng nhà ở.

    Ông Trần Đức Minh trình bày: Ông và ông Quy coi nhau như anh em nuôi. Khoảng năm 1989 - 1990 ông Quy có cho ông khoảng 60m2đất tại tổ 2 phường Thượng Đình. Ông đã xây nhà 2 tầng trên đất ấy và bán lại cho ông Nguyễn Ngọc Mỡi. Việc ông Quy cho đất ông chỉ nói miệng, không làm giấy tờ gì.

    Bà Trần Thị Minh Hải trình bày: Tháng 2 năm 1993 bà mua của ông Quy 160m2 đất tại 39B tổ 2 phường Thượng Đình với giá 2,65 chỉ vàng/m2, tính ra đô la Mỹ là 16.700USD. Nếu ông Quy không có quyền bán đất này thì ông Quy phải trả lại cho bà số tiền trên, có tính lãi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

    Ông Đặng Xuân Ngự là bố anh Đặng Xuân Nghĩa trình bày: Năm 1992 ông và anh Nghĩa có mua 1 nhà mái bằng diện tích 20m2 của ông Ngọc. Trước đó ông Ngọc mua đất của ông Tuyến làm nhà này. Ông còn mua thêm đất ngõ của ông Quang. Tổng diện tích khoảng 100m2. Nay có việc tranh chấp thừa kế ông đề nghị bảo vệ quyền lợi để anh Nghĩa có chỗ ở.

    Theo bà Hoàng Thị Kim Tuyến trình bày: Tháng 3 năm 1993 do có nhu cầu chỗ ở nên bà mua của ông Quang 100m2 đất vườn và nhờ anh trai là ông Nghiên đứng tên mua hộ bà 100m2 nữa. Tổng giá trị mua 200m2 đất của ông Quang là 31,5 lạng vàng. Nay có việc tranh chấp thừa kế đất trong gia đình ông Quang, bà đề nghị Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bà.

    Ông Vũ Hữu Nghị trình bày: Khoảng tháng 05 năm 1993, do có nhu cầu về chỗ ở, qua sự giới thiệu của bà Ánh là chị ruột, ông có mua của ông Quang 200m2 đất vườn với giá 31,5 lạng vàng. Do mẹ ông không đồng ý đến đó ở nên ông phải nhượng lại cho ông Trịnh Đông A diện tích đất trên với giá 2,8 chỉ vàng/m2.

    Ông Trịnh Đông A thừa nhận có mua mảnh đất nói trên của ông Nghị với giá 2,8 chỉ vàng/m2. Ông đề nghị được hợp pháp hoá việc mua bán để ông sử dụng đất làm nhà ở.

    Anh Đỗ Kim Tiến và anh Đỗ Quang Thành thừa nhận hiện nay đã làm nhà trên diện tích đất khoảng 200m2 của gia đình cụ Nguyễn Tộ. Nay các anh không còn chỗ ở nào khác nên đề nghị được tiếp tục ở tại nhà các anh đã làm.

    - Tại Quyết định số 70 ngày 28-12-1995, Toà án Hà Nội đình chỉ giải quyết vụ án vì tại phiên toà sơ thẩm cụ Lạc, bà Sửu rút đơn khởi kiện.

    Ngày 08-01-1996, bà Sửu kháng cáo vì nghe tiền án phí quá lớn nên rút đơn chứ thực lòng không muốn rút đơn và các nguyên đơn khác không đồng ý rút đơn.

    - Tại Bản án phúc thẩm số 123/PTDS ngày 09-10-1996, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định: Huỷ Quyết định số 70 ngày 28-12-1995 của Toà án Hà Nội, giao cho Toà án Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung.

    - Tại Bản án sơ thẩm số 5/DSST ngày 11-03-1998, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:

    Chấp nhận đơn xin chia thừa kế của cụ Lạc và bà Sửu do bà Sửu đại diện.

    Xác định cố Nguyễn Văn Lộc (chết năm 1942) có 2 vợ; vợ cả là cố Nguyễn Thị Ngọ (chết năm 1917), vợ hai là cố Quan Thị Thìu (chết năm 1960).

    Xác định thửa đất số 16, 19 tờ bản đồ số 1 thôn Cự Chính, xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm nay là số nhà 39B, tổ 2 phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội có diện tích thửa đất số 16 theo sổ sách là 2.800m2 (đo thực tế là 2.516,57m2) có giá trị quyền sử dụng đất là 3.645.695.200đ và thửa số 19 diện tích 595m2 là tài sản của cố Lộc và là di sản thừa kế của cố Lộc để lại. Xác định thời điểm mở thừa kế của cố Lộc là năm 1942.

    Xác định cố Ngọ mất khoảng năm 1917 (mất trước cố Lộc) nên không được hưởng thừa kế di sản của cố Lộc.

    Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cố Lộc gồm:

    1. Cố Quan Thị Thìu (chết năm 1960) do cụ Lạc được thừa kế.

    2. Cụ Tộ (chết năm 1988) do ông Nguyễn Quang, ông Nguyễn Khanh, ông Nguyễn Tuyến, bà Nguyễn Thị Khánh Vân, ông Đinh Quang Vinh và 4 con Đinh Minh Hiền, Đinh Quang Hùng, Đinh Thị Bích Hạnh, Đinh Thị Ngọc Bích (thừa kế của bà Hiền) ông Trần Chu Miên và 6 con là Trần Thị Thanh, Trần Thị Bình, Trần Chu Thịnh, Trần Chu Miên, Trần Chu Đạt, Trần Thị Dung (thừa kế của bà Thảo) được thừa hưởng.

    3. Cụ Nguyễn Thị Toán chết năm 1991 (do chồng là Ngô Văn Trụ và 7 con là Ngô Viết Kha, Ngô Thị Mùi, Ngô Viết Hoè, Ngô Thị Sửu, Ngô Việt Hùng, Ngô Thị Khiêm, Ngô Quốc Dũng được thừa hưởng).

    4. Cụ Nguyễn Thị Tính.

    5. Cụ Nguyễn Văn Lạc.

    Ghi nhận sự tự nguyện của cụ Lạc, bà Sửu, (do bà Sửu đại diện),không yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất thửa số 19 và diện tích đất nhà bà Đoàn Thị Tuyết (Thỉnh) đang ở.

    Ghi nhận sự tự nguyện của ông Lạc, bà Sửu (do bà Sửu đại diện), cụ Tính, ông Quang, ông Khánh, ông Tuyến, bà Vân, ông Thịnh không yêu cầu chia thừa kế vào diện tích đất anh Đặng Văn Nghĩa đang ở.

    Xác định di sản của cố Lộc còn phải chia sau khi đã trừ các diện tích đất của ông Nghĩa, bà Tuyết (Thỉnh) có tổng giá trị quyền sử dụng đất là 3.448.044.400 đồng. Chia thừa kế theo luật cho 5 kỷ phần. Mỗi kỷ phần được chia là 689.608.880 đồng.

    Trích 1/2 kỷ phần để thanh toán công sức cho cụ Tộ là 344.804.440 đồng.

    Mỗi kỷ phần thực tế được chia là 620.647.992 đồng. Cụ Toán, cụ Tính mỗi người được hưởng một kỷ phần là 620.647.992 đồng. Cụ Lạc hưởng 2 kỷ phần bằng 1.241.295.948 đồng. Cụ Tộ được hưởng 1 kỷ phần và tiền thanh toán công sức là 965.452.432 đồng.

    Ghi nhận sự tự nguyện của cụ Lạc, bà Sửu (do bà Sửu đại diện) không yêu cầu chia số tiền cụ Tộ đã bán ruộng năm 1952.

    Ghi nhận sự tự nguyện của bà Sửu không yêu cầu thanh toán 400.000 đồng tiền thanh toán trả hoa màu cho ông Tiến, anh Thành.

    Chia hiện vật:

    Chia cho cụ Tộ do ông Quang, Khánh, Tuyến, bà Vân, chồng con bà Hiền (bà Sửu đại diện); chồng con bà Thảo (anh Thịnh đại diện) được thừa hưởng vào các diện tích đất hiện ông Quang, ông Khánh, ông Tuyến và ông Bảo đang quản lý sử dụng, có diện tích là 791,26m2, có tổng giá trị là 1.036.244.520 đồng. So với kỷ phần còn thừa 70.792.088 đồng.

    Chia cho cụ Toán (do bà Sửu đại diện cho bố và anh chị em) vào các diện tích đất anh Hùng đang ở cộng với diện tích đất của bà Hải, ông Mỡi và 1/2 ngõ đi vào nhà anh Hùng (phần ngõ bên trong đối diện nhà anh Hùng) có diện tích là 397,7m2 có giá trị là 676.818.720 đồng. So với kỷ phần còn thừa 56.170.720 đồng.

    Chia cho cụ Lạc (do bà Sửu đại diện) vào các diện tích đất nhà anh Tiến, anh Thành đang ở cộng với diện tích ao ông Tòng mua, đất vườn ông Trịnh Đông A mua và 1/2 ngõ đi (phần bên ngoài đối diện với nhà anh Tiến, anh Thành) có tổng diện tích là 776,88m2 có giá trị là 1.161.394.960 đồng. So với kỷ phần còn thiếu 79.901.024 đồng.

    Chia cho cụ Tính vào các diện tích của bà Tuyến, ông Thuyết, ông Mai đã mua có tổng diện tích 378,35m2 có giá trị là 573.586.200 đồng. So với kỷ phần còn thiếu 47.061.792 đồng.

    Bà Sửu đại diện cho các thừa kế của cụ Toán phải thanh toán chênh lệch cho kỷ phần còn thiếu của cụ Tính là 56.170.728 đồng và thanh toán chênh lệch cho kỷ phần cụ Lạc còn thiếu 9.108.936 đồng.

    Phần thừa kế của cụ Nguyễn Tộ: Xác định di sản của cụ Tộ để lại gồm kỷ phần thừa kế của cụ Lộc và 1/2 kỷ phần tiền công sức duy trì bảo quản di sản có tổng trị giá là 965.452.432 đồng.

    Xác định di chúc của cụ Tộ là không hợp pháp.

    Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Tộ gồm:

    Ông Quang, ông Tuyến, ông Khánh, bà Vân, bà Hiền (do bà Sửu đại diện cho chồng con bà Hiền), bà Thảo (do ông Thịnh đại diện cho bố và anh chị em).

    Chia thừa kế theo luật làm 6 kỷ phần:

    Mỗi thừa kế của cụ Tộ được chia theo giá trị 1 kỷ phần là 160.908.738 đồng.

    Ghi nhận sự tự nguyện của bà Vân và các thừa kế của bà Hiền (do bà Sửu đại diện) chỉ xin hưởng thừa kế bằng 1/2 của kỷ phần là 80.454.369 đồng.

    Chia cụ thể: Các thừa kế của bà Hiền, do bà Sửu đại diện tự nguyện xin hưởng bằng giá trị là 80.454.369 đồng.

    Chia cho bà Vân bằng giá trị là 80.454.369 đồng.

    Các thừa kế của bà Thảo do anh Thịnh đại diện được chia bằng giá trị một kỷ phần là 160.908.738 đồng.

    Ghi nhận sự tự nguyện của ông Tuyến chỉ xin hưởng thừa kế bằng đúng diện tích đất ông đang ở có giá trị 101.080.080 đồng nhưng ông Tuyến phải chịu 1/3 giá trị ngõ đi chung là 29.397.960 đồng. Kỷ phần của ông Tuyến được hưởng có giá trị là 130.478.640 đồng. So với kỷ phần còn thiếu 30.430.698 đồng.

    Ghi nhận sự tự nguyện của ông Khánh chỉ xin hưởng thừa kế bằng đúng diện tích đất ông đang ở có giá trị 93.960.000 đồng nhưng ông phải chịu 1/3 giá trị ngõ đi chung là 29.397.960 đồng. Nên kỷ phần của ông Khánh được hưởng có giá trị là 123.357.960 đồng. So với kỷ phần còn thiếu 36.550.778 đồng.

    Ghi nhận sự tự nguyện của ông Tuyến, ông Khánh không yêu cầu ông Quang thanh toán tiền còn thiếu theo kỷ phần.

    Ông Quang được hưởng 2 kỷ phần (1 kỷ phần của ông và 1 kỷ phần của bà Vân và các thừa kế của bà Hiền tự nguyện nhường cho ông) cộng với số tiền còn thiếu của kỷ phần ông Tuyến, ông Khánh không yêu cầu thanh toán. Nên ông Quang được hưởng theo giá trị là 388.798.952 đồng.

    Về hiện vật: Chia cho ông Tuyến, ông Khánh được sử dụng các diện tích đất hiện các ông đang sử dụng.

    Chia cho ông Quang các diện tích đất ông Quang đã làm nhà 2 tầng, nhà ngói 4 gian, nhà cấp 4 anh Bảo ở có tổng giá trị là 782.439.840 đồng. So với kỷ phần được hưởng thừa kế là 393.640.888 đồng ông Quang phải thanh toán cho anh Thịnh (đại diện chồng con bà Thảo) là 160.808.738 đồng, thanh toán cho bà Vân, bà Sửu (đại diện cho chồng con bà Hiền) mỗi người là 80.454.369 đồng và thanh toán cho cụ Lạc kỷ phần còn thiếu là 70.792.088 đồng.

    Ghi nhận sự tự nguyện của bà Vân đồng ý trả lại ông Quang tiền bán đất ao vườn ông Quang đã cho bà là 4,8 lượng vàng.

    Ghi nhận sự tự nguyện của ông Quang không yêu cầu đòi lại ông Tuyến, ông Khánh, cụ Lạc, cụ Tính số tiền bán đất ao, vườn ông đã cho ông Tuyến, Khánh, cụ Lạc, cụ Tính.

    Về hợp đồng mua bán đất ao, vườn:

    Huỷ hợp đồng mua bán đất tại thửa 16 tờ bản đồ số 1 xã Nhân Chính, huyện Từ Liên nay là 39B, tổ 2, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân giữa ông Quang với ông Nguyễn Đức Quy, giữa ông Quang với bà Hoàng Thị Kim Tuyến và giữa ông Quang với ông Vũ Hữu Nghị.

    Huỷ tất cả các hợp đồng mua bán khác tại thửa đất 16 tờ bản đồ số 01 xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm, nay là 39B tổ 2 phường Thượng Đình của anh Nguyễn Đức Quy và anh Vũ Hữu Nghị

    Không giải quyết trong vụ kiện này đối với những trường hợp mua đi bán lại đất tại 39B, tổ 2, phường Thượng Đình như ông Mỡi mua của ông Minh, bà Hải, ông Tòng, bà Lợi mua của vợ chồng ông Phúc, bà Yến, ông Thuyết mua của bà Lợi, ông Đông A mua của ông Nghị.

    Tách để giải quyết bằng vụ kiện khác khi các đương sự có yêu cầu đòi tiền mua bán đất do bị huỷ hợp đồng.

    Buộc ông Quang phải trả lại tiền bán đất cho bà Tuyến, ông Nghị mỗi người là 31,5 lạng vàng 98%.

    Buộc ông Quang phải trả lại tiền bán đất ao cho ông Quy là 7 lạng vàng 98%.

    Buộc ông Mỡi, bà Hải, ông Thuyết, ông Tòng, ông Mai, bà Tuyến, ông Đông A phải thanh toán trả lại các diện tích đất đã mua tại thửa 16 tờ bản đồ số 1 xã Nhân Chính nay là 39B, tổ 2, phường Thượng Đình để chia thừa kế cho các con cố Lộc.

    Cụ Lạc, do bà Sửu đại diện, phải thanh toán trả ông Quy tiền san lấp ao là 11.796.000 đồng, trả ông Nghị tiền san lấp mương, xây tường là 6.140.000 đồng, trả tiền làm nhà tạm cho ông Trịnh Đông A là 1.500.000 đồng.

    Ghi nhận sự tự nguyện của cụ Lạc (do bà Sửu đại diện) chỉ xin chia thừa kế theo phần vào các diện tích đất anh Tiến, anh Thành đang ở. Việc đòi quyền sử dụng đất và thanh toán vật liệu nhà xin được tự giải quyết. Nếu giải quyết không xong sẽ xin được giải quyết ở vụ kiện khác.

    Bà Sửu đại diện cho các thừa kế của cụ Toán phải thanh toán trả tiền vật liệu nhà 2 tầng cho ông Mỡi là 81.940.000 đồng và thanh toán trả ông Quy tiền san lấp ao là 9.043.000 đồng.

    Cụ Tính phải thanh toán trả ông Quy tiền san lấp ao là 6.291.200 đồng và thanh toán trả ông Nghị tiền san lấp mương, xây tường rào là 6.140.000 đồng.

    Các bức tường lửng ngăn giữa các ô đất ao sẽ do các thừa kế và người có tường tự thoả thuận. Nếu không thoả thuận được thì người xây tường phải dỡ bỏ tường đã xây.

    Bác yêu cầu xin chia thừa kế bằng hiện vật của bà Vân.

    Bác các yêu cầu khác của các đương sự.

    Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

    Ngày 17-03-1998 bị đơn ông Nguyễn Quang kháng cáo cho rằng cụ Tộ (bố ông) là người sử dụng đất hợp pháp đã di chúc lại cho ông, việc chia thừa kế là không đúng.

    Ngày 18-03-1998 những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các ông Trịnh Đông A, Lê Tòng, Nguyễn Xuân Mai, Bùi Văn Thuyết, Nguyễn Ngọc Mỡi, Nguyễn Đức Quy, Vũ Hữu Nghị và bà Hoàng Thị Kim Tuyến cùng ký chung một đơn kháng cáo đề nghị Toà Phúc thẩm chấp nhận các hợp đồng mua bán đất tại 39B, tổ 2, phường Thượng Đình.

    Ngày 20-03-1998 những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các ông Đỗ Quang Thành, bà Đỗ Kim Tuyến kháng cáo yêu cầu xét xử lại vụ án để bảo vệ quyền lợi cho các ông, bà.

    Ngày 06-04-1998 ông Hà Thế Truyền là người có quyền, nghĩa vụ liên quan kháng cáo. Ngày 14-04-1998 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Đào Thị Lợi kháng cáo. Ngày 21-04-1998 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trần Thị Minh Hải kháng cáo. Ông Truyền, bà Lợi, bà Hải đều yêu cầu được chấp nhận các hợp đồng mua bán đất tại 39B, tổ 2, phường Thượng Đình.

    - Tại Bản án phúc thẩm số 60/DSPT ngày 12-05-1999, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định:

    Huỷ Bản án dân sự sơ thẩm số 05/ DSST ngày 11 tháng 03 năm 1998 Toà án nhân dân  thành phố Hà Nội đình chỉ việc giải quyết vụ án tranh chấp thừa kế giữa các đồng nguyên đơn là cụ Nguyễn Văn Lạc và bà Ngô Thị Sửu với bị đơn là ông Nguyễn Quang; chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Uỷ ban nhân dân quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội giải quyết theo thẩm quyền.

    - Tại Quyết định kháng nghị số5/DS-TK ngày 13-02-2001, Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị Bản án phúc thẩm số 60/DSPT ngày 12-05-1999 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội với nhận định: Có căn cứ xác nhận thửa đất số 16 bản đồ số 1 xã Nhân Chính thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cố Lộc. Năm  1952 nhà thờ còn móng, năm 1976 cụ Tộ làm lại nhà, nên cả nhà và đất là di sản của cố Lộc. Tại phiên toà sơ thẩm ngày 06-03-1999 nguyên đơn chỉ yêu cầu chia đất nhưng đơn khởi kiện và một số bản khai ở cấp phúc thẩm, đơn kháng cáo và tại phiên Toà Phúc thẩm, các nguyên đơn yêu cầu chia cả nhà và đất. Án phúc thẩm cho rằng vụ án không thuộc thẩm quyền của Toà án và đình chỉ chuyển vụ án về Uỷ ban giải quyết là sai.

    - Tại Kết luận số 118 ngày 22-05-2001, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

    - Tại Quyết định giám đốc thẩm số10/UBTP- DS ngày 18-07-2001, Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 60/DSPT ngày 12-05-1999 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.

    - Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 103/DSPT ngày 12-06-2002, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định: Giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm số 5/DSST ngày 11-03-1998 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội.

    - Tại Quyết định kháng nghị số78/KN-VKSTC- Vụ 5 ngày 13-06-2003, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm số 103/DSPT ngày 12-06-2002 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội với nhận xét: Công văn số 1642/ĐCNĐ ngày 24-04-2003 của Sở Địa chính- nhà đất Hà Nội; Công văn số149/ĐC- UBND ngày 05-05-2003 của Uỷ ban nhân dân phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội và kết quả xác minh bổ sung thì: Thửa đất số 16 và 19 tờ bản đồ số 1, làng Cự Lộc, xã Nhân Chính từ năm 1942 trở về trước đứng tên cố Lộc, có nguồn gốc do tổ tiên để lại. Thửa đất số 16 là đất thổ cư gồm có đất vườn, đất ao, trước có nhà thờ 5 gian lợp ngói. Năm 1946 gia đình cố Lộc đi tản cư, năm 1952 trở về nhà thờ 5 gian bị tàn phá, chỉ còn lại móng nhà nên cả gia đình cố Lộc không ở lại đây nữa. Năm 1952 cụ Tộ thuê ông Cai Minh trông coi tài sản trên thửa đất số 16.

    Năm 1960 cụ Tô kê khai và đứng tên trong “sổ mục kê các thửa” thôn Cự Chính, xã Nhân Chính, quận 6, Uỷ ban hành chính thành phố Hà Nội. Việc cụ Tộ Kê khai đã được chính quyền địa phương lúc đó chấp nhận và xác định hình thức sở hữu là phù hợp với chính sách quản lý đất đai của Nhà nước ta thời kỳ đó. Năm 1988 cụ Tộ chết, ông Quang quản lý. Năm 1991 và 1993 ông Quang bán một số diện tích đất ao, vườn thuộc thửa đất số 16 mang tên cụ Tộ nhưng các con cố Lộc không phản đối. Mặt khác, ông Quang còn lấy tiền bán đất chia cho cụ Lạc, cụ Tính, ông Khánh, ông Tuyến, bà Vân. Năm 1994, cụ Lạc, bà Sửu mới có đơn khởi kiện đòi chia quyền sử dụng đất.

    Trong quá trình xét xử, Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã căn cứ vào Công văn số 2859/CSNĐ ngày 11-11-1994 của Sở Địa chính nhà đất Hà Nội để xác định nguồn gốc thửa đất số 16 là di sản của cố Lộc để chia thừa kế. Nhưng theo tài liệu Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác minh bổ sung thì Sở Địa chính- Nhà đất Hà Nội lại có Công văn số 1642/ĐCNĐ ngày 24-04-2003 có nội dung không thống nhất với Công văn số 2859/CSNĐ. Mặt khác Sở Địa chính-Nhà đất và Uỷ ban nhân dân phường Nhân Chính đều xác nhận không nắm được diễn biến quản lý, sử dụng thửa đất số 16 trong thời gian từ năm 1942 đến năm 1960. Do đó, cần phải xác minh làm rõ các nội dung mâu thuẫn nêu trên để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự.

    Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ bản án phúc thẩm; giao hồ sơ cho Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội tiến hành xác minh, làm rõ các nội dung đã nêu trên và xét xử phúc thẩm lại theo thủ tục chung.

    XÉT THẤY:

    Nhà đất tại thửa số 16 có nguồn gốc là của cố Lộc, nhưng do chiến tranh tàn phá, nhiều đương sự khai là chỉ còn móng nền nhà. Tuy nhiên, cũng có đương sự khai ông Cai Minh đã cậy gạch bán. Vì vậy, cần làm rõ tài sản nguyên thuỷ, trên đất còn những gì. Mặt khác, năm 1960, cụ Tộ đứng tên trong sổ địa chính nhưng nội dung kê khai, lý do cụ Tộ đứng tên trong sổ địa chính chưa được các Toà án điều tra. Nay cần phải xác minh làm rõ những nội dung cụ Tộ kê khai, ý kiến của các thừa kế khi cụ Tộ kê khai; việc kê khai đó có gì gian dối không; cụ Tộ đứng tên trong sổ địa chính có những điểm nào không phù hợp với chính sách của Nhà nước ở thời điểm năm 1960. Đồng thời, cần thu thập thêm các tài liệu hồ sơ nhà, đất tại Sở Địa chính- Nhà đất Hà Nội hoặc tại phường, quận về việc thay đổi trong việc quản lý nhà đất từ thời điểm năm 1942 đến nay, bởi vì các tài liệu có trong hồ sơ chưa đầy đủ và còn có nhiều điểm chưa thống nhất về vấn đề này. Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa làm rõ và đầy đủ các yêu cầu nêu trên đã xác định nhà đất tranh chấp thuộc di sản của cố Lộc là chưa đủ cơ sở vững chắc.

    Năm 1991 và năm 1993 ông Quang đã bán ao, đất vườn. Ông Khánh, bà Vân, ông Tuyến và cụ Lạc có biết và được nhận tiền bán đất từ ông Quang mà không có ý kiến gì. Nay các ông, bà này yêu cầu được chia thừa kế lại, Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu của họ là chưa đủ căn cứ. Về ý chí của cụ Tính và các thừa kế của cụ Toán như thế nào; ai biết việc bán đất mà không phản đối, ai đồng ý, ai không đồng ý... cũng cần phải xác minh làm rõ để xem xét lại các yêu cầu của họ theo đúng quy định của pháp luật.

    Đối với các hợp đồng mua bán chuyển tiếp, ông Nghĩa xin được thanh toán lại tiền mua đất. Bà Hải có lời khai yêu cầu người bán trả lại tiền mua đất và xin được tính lãi. Ông Tòng yêu cầu trả tiền mua đất và tính giá trị chênh lệch theo thời giá. Toà án cấp sơ thẩm không xem xét yêu cầu của bà Hải, ông Nghĩa, ông Tòng là không đúng. Mặt khác, những người mua bán đất tham gia tố tụng là người liên quan trong vụ án, Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không giải quyết các hợp đồng mua bán trong cùng một vụ án khi họ đã có yêu cầu là không đảm bảo quyền lợi cho các đương sự.

    Về tố tụng: Khi Toà án cấp sơ thẩm xét xử, chị Dung, chị Bình là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đang ở Tiệp Khắc, không có giấy tờ uỷ quyền cho ai tham gia tố tụng, không có lời khai tại hồ sơ. Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều xác định anh Thịnh là đại diện cho chị Dung và chị Bình là không đúng. Việc chị Bình, chị Dung hiện nay đã về nước hay đang ở nước ngoài cũng cần phải làm rõ vì nếu thuộc trường hợp giao dịch về nhà ở trước ngày 01-07-1991 mà có đương sự là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì cần phải tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án. Ngoài chị Bình, chị Dung, Toà án cần điều tra xác minh xem còn ai là người tham gia tố tụng trong vụ án đang ở nước ngoài nữa hay không?.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 4 Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    - Huỷ Bản án phúc thẩm số 103/DSPT ngày 12-06-2002 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và Bản án sơ thẩm số 5/DSST ngày 11-03-1998 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội về vụ án tranh chấp  chia di sản thừa kế giữa nguyên đơn là cụ Nguyễn Văn Lạc, bà Ngô Thị Sửu với bị đơn là ông Nguyễn Quang.

    Giao hồ sơ vụ án về cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. 
     

    Lý do các Bản án sơ thẩm, phúc thẩm bị huỷ:

    Xác minh về nguồn gốc tài sản chưa đầy đủ. Thiếu căn cứ trong việc chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế lại của một số người thừa kế. Không giải quyết các hợp đồng mua bán có liên quan khi có yêu cầu là không bảo đảm quyền lợi của các đương sự. Chưa làm rõ vấn đề có đương sự ở nước ngoài.

     

     
    3156 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận