Quyết định số 04/2004/hđtp-hs ngày 23-02-2004 về vụ án võ tiến hùng phạm các tội "trốn khỏi nơi giam"; "trộm cắp tài sản của công dân"; ...

Chủ đề   RSS   
  • #264751 28/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định số 04/2004/hđtp-hs ngày 23-02-2004 về vụ án võ tiến hùng phạm các tội "trốn khỏi nơi giam"; "trộm cắp tài sản của công dân"; ...

    Số hiệu

    04/2004/HĐTP-HS

    Tiêu đề

    Quyết định số04/2004/hđtp-hs ngày 23-02-2004 về vụ án võ tiến hùng phạm các tội "trốn khỏi nơi giam"; "trộm cắp tài sản của công dân"; "trộm cắp tài sản xhcn"

    Ngày ban hành

    23/02/2004

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    QUYẾT ĐỊNH SỐ04/2004/HĐTP-HS NGÀY 23-02-2004
    VỀ VỤ ÁN VÕ TIẾN HÙNG PHẠM CÁC TỘI
    "TRỐN KHỎI NƠI GIAM"; "TRỘM CẮP TÀI SẢN
    CỦA CÔNG DÂN" ; "TRỘM CẮP TÀI SẢN XHCN"

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    .........

    Tại phiên toà ngày 23-02-2004 xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo:

    Võ Tiến Hùng, sinh ngày 13-06-1977 (khi phạm tội 1à 17 tuổi 03 tháng 06 ngày); trú quán: khu A, thị trấn Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị; nghề nghiệp: không; con ông Võ Công Xuất và bà Trần Thị Xuân; tại bản án hình sự sơ thẩm số 39/HS ngày 17-11- 1993 Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị phạt 3 năm 6 tháng tù về các tội ''Trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa'' và tội ''Trộm cắp tài sản của công dân''; bị bắt tạm giam ngày 30-09-1994.

     (Trong vụ án còn có Hoàng Văn Phương bị kết án về tội ''Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có'').

    NHẬN THẤY

    Trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại Trại cải tạo Hòn Cát, tỉnh Quảng Trị, ngày 21- 08 -1994 Võ Tiến Hùng trốn trại. Từ khi trốn trại đến khi bị bắt lại, Hùng đã gây ra 10 vụ trộm cắp, trong đó có 02 vụ trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa trên địa bàn thị xã Đông Hà và các huyện của tỉnh Quảng Trị. Giá trị tài sản của công dân bị chiếm đoạt là trên 28 triệu đồng, tài sản xã hội chủ nghĩa bị chiếm đoạt là 2.700.000 đồng, số tài sản này đã thu hồi được một phần trả lại cho những người bị hại. Những tài sản có giá trị bao gồm: 2 xe máy, 1 đầu vi deo, 4 điện thoại bàn…, Hùng bán cho Hoàng Văn Phương ở 72 Bà Triệu, thành phố Huế và một số nơi khác được 7.570.000 đồng.

    Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 04/HSST ngày 23-02-1995 Tòa án nhân tỉnh Quảng Trị, ngoài việc quyết định về tội danh, hình phạt đối với Võ Tiến Hùng, còn buộc ông Võ Công Xuất, bà Trần Thị Xuân là bố, mẹ của Võ Tiến Hùng bồi thường cho những người bị hại số tiền là 4.332.000 đồng; đồng thời buộc ông Xuất, bà Xuân phải nộp số tiền 7.570.000 đồng mà Võ Tiến Hùng thu lợi bất chính để sung quỹ Nhà nước.

    Sau khi xét xử sơ thẩm Võ Tiến Hùng kháng cáo xin giảm hình phạt.

    Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 265/HSPT ngày 06- 06-1995 Toà Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã giữ nguyên các quyết định của Bản án sơ thẩm.

    Tại Quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm số38/HS-TK ngày16-09-2003, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo quy định của pháp luật.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Võ Tiến Hùng khi phạm tội và khi xét xử chưa đủ 18 tuổi và không có tài sản riêng nên Toà án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm buộc bố mẹ bị cáo bồi thường thiệt hại cho những người bị hại là đúng. Tuy nhiên, Toà án các cấp buộc bố mẹ bị cáo phải nộp số tiền. 7.570.000 đồng do bị cáo chiếm hưởng từ việc bán tài sản trộm cắp được là không đúng quy định của pháp luật dân sự. Mặt khác, số tài sản mà bị cáo chiếm đoạt chưa được thu hồi trả cho người bị hại đã được Toà án các cấp giải quyết buộc bố mẹ bị cáo phải bồi thường.

    Vì các lẽ trên và căn cứ vào khoản 4 Điều 254, 257 Bộ luật Tố tụng Hình sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    Sửa Bản án hình sự phúc thẩm số 265/HSPT ngày 06-06-1995 của Toà Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng như sau:

    Ông Võ Công Xuất và bà Trần Thị Xuân không phải nộp 7.570.000đồng (là số tiền Võ Tiến Hùng thu lợi bất chính) để sung quỹ Nhà nước.

    Các quyết định khác của Bản án phúc thẩm nói trên không bị kháng nghị hoặc không bị Hội đồng Thẩm phán sửa có hiệu lực thi hành.

    Lý do sửa Bản án phúc thẩm:

    - Toà án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm buộc bố mẹ bị cáo phải nộp số tiền 7.570.000 đồng do bị cáo chiếm hưởng từ việc bán tài sản trộm cắp được là không đúng quy định của pháp luật dân sự. Mặt khác, số tài sản mà bị cáo chiếm đoạt chưa thu hồi trả lại cho người bị hại đã được Toà án các cấp giải quyết buộc bố mẹ bị cáo phải bồi thường.

     

     
    7900 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận