Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản giữa ông Trịnh Văn Vui và bà Nguyễn Thị Biểu

Chủ đề   RSS   
  • #265498 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản giữa ông Trịnh Văn Vui và bà Nguyễn Thị Biểu

    Số hiệu

    31/2010/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản giữa ông Trịnh Văn Vui và bà Nguyễn Thị Biểu

    Ngày ban hành

    12/07/2010

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    Ngày 12-7-2010, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản giữa:

    Nguyên đơn: Ông Trịnh Văn Vui (đã chết ngày 28-02-2008);

    Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Biếu sinh năm 1930;

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Bà Nguyễn Tuyết sinh năm 1949;

    2. Chị Trịnh Thị Lệ Phương sinh năm 1953;

    3. Anh Trịnh Thanh Dũng sinh năm 1956;

    4. Anh Trịnh Thanh Hoàng;

    Ông Vui (khi còn sống), bà Biếu, bà Tuyết, chị Phương, anh Dũng và anh Hoàng cùng trú tại ấp Long Thuận A, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

    5. Bà Trịnh Thị Lệ Thanh sinh năm 1929; trú tại Hoa Kỳ;

    6. Bà Trịnh Thị Lệ Minh sinh năm 1938; trú tại ấp Long Lợi, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

    7. Anh Trịnh Văn Nhịn sinh năm 1959;

    8. Anh Trịnh Thanh Hùng sinh năm 1959;

    Anh Nhịn và anh Hùng cùng trú tại 40/19 cư xá Lư Gia, phường 15, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh.

    9. Chị Trịnh Thị Thùy Dương sinh năm 1969; trú tại 360 Trần Hưng Đạo, phường 4, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

    NHẬN THẤY:

    Tại đơn khởi kiện đề ngày 28-5-1994 và trong quá trình tố tụng, nguyên đơn là ông Trịnh Văn Vui trình bày:

    Cụ Trịnh Văn Tý (chết năm 1962), có vợ là cụ Phan Thị Tình (chết năm 1977), có 5 người con chung là: ông Trịnh Văn Năm (chết không rõ năm, có vợ là bà Nguyễn Thị Năm đã chết không rõ năm), có 1 người con là chị Nguyễn Tuyết; ông Trịnh Văn Ngò (chết năm 1992), có vợ là bà Nguyễn Thị Biếu và có 6 người con chung là chị Trịnh Thị Lệ Phương, anh Trịnh Thanh Dũng, anh Trịnh Thanh Hoàng, anh Trịnh Văn Nhịn, anh Trịnh Thanh Hùng và chị Trịnh Thị Thùy Dương; bà Trịnh Thị Lệ Thanh; ông Trịnh Văn Vui và bà Trịnh Thị Lệ Minh (Mừng).

    Tài sản của cụ Tý, cụ Tình có 31 công đất tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang gồm hai mảnh đất: Mảnh thứ nhất diện tích 13 công đất vườn (có nguồn gốc là của cụ Tý được chia thừa kế); mảnh thứ hai diện tích 18 công đất vườn (do các cụ mua năm 1939) trên đất có căn nhà của các cụ.

    Sau khi cụ Tý chết thì ông Ngò quản lý, sử dụng mảnh đất 13 công, ông Ngò chết bà Biếu quản lý và bà Biếu đã chia cho 3 người con của bà là anh Dũng, chị Phương và anh Hoàng mỗi người một phần.

    Riêng mảnh đất 18 công: Khi còn sống cụ Tý, cụ Tình đã chia cho ông Vui 3000 m2, chị Tuyết 3000 m2, bà Thanh 3000 m2, bà Minh 3000 m2, còn lại căn nhà dưới cột thao lao, mái lá, vách tre, nền gạch tàu trên khoảng 6000 m2 cụ Tý và ông Vui bỏ tiền ra xây cất vào năm 1954 do anh Hoàng (con bà Biếu) quản lý, sử dụng.

    Ông Vui đề nghị phần đất vườn 13 công thì giữ nguyên hiện trạng, còn 6000 m2 trong mảnh đất 18 công thì giao cho ông được trọn quyền sử dụng. Nếu không được chấp nhận thì ông đề nghị chia thừa kế căn nhà và 31 công đất theo qui định của pháp luật.

    Bị đơn là bà Nguyễn Thị Biếu trình bày:

    Bà thừa nhận quan hệ huyết thống, nguồn gốc tài sản của cụ Tý và cụ Tình như ông Vui trình bày, nhưng cho rằng phần đất 18 công cha, mẹ chồng của bà đã chia cho ông Vui, bà Thanh, bà Minh, chị Tuyết mỗi người 3 công, các con bà được 3 công, còn lại 3 công (đo thực tế là 4 công) gia đình bà quản lý, sử dụng. Như vậy, gia đình bà quản lý 7 công đất, quá trình quản lý, sử dụng bà đã chia cho anh Nhịn 2.660m2, anh Hùng 2.390m2, chị Dương 2.930m2 đất còn anh Hoàng chỉ hương khói trong nhà thờ.

    Riêng mảnh đất 13 công trước đây cha, mẹ của chồng bà thuê của ông Hồ Quang Ninh, năm 1954, ông Ngò có làm giấy mướn trực tiếp với ông Ninh. Sau khi giải phóng thì vợ chồng bà chiếm dụng luôn nên phần đất này không phải là di sản thừa kế của cha, mẹ chồng của bà nên bà không đồng ý theo yêu cầu của ông Vui.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trịnh Thị Lệ Minh không yêu cầu chia thừa kế.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trịnh Thị Lệ Thanh có tờ cam kết lập ngày 25-9-1999 là không nhận tài sản (bản photocopy) (Trong hồ sơ không có lời khai hoặc giấy tờ khác thể hiện quan điểm của bà Thanh). Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Nguyễn Tuyết yêu cầu chia thừa kế tài sản của cụ Tý, cụ Tình và xin nhận kỷ phần của cha chị là ông Năm.

    Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Trịnh Thị Lệ Phương, anh Trịnh Văn Nhịn, anh Trịnh Thanh Dũng, chị Trịnh Thị Thùy Dương, anh Trịnh Thanh Hùng và anh Trịnh Thanh Hoàng (là các con của ông Ngò, bà Biếu) nhất trí với ý kiến trình bày và quan điểm giải quyết của bà Biếu.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 35/DSST ngày 27-11-1996, Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang quyết định: Bác yêu cầu của ông Trịnh Văn Vui đòi bà Nguyễn Thị Biếu chia di sản thừa kế của cụ Tý, cụ Tình để lại.

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.

    Ngày 29-11-1996, ông Vui kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm vì cho rằng ông không ký vào “tờ hoán đổi đất hương quả”.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 439/2006/DSPT ngày 24-10-2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định: Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

    Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

    Sau khi xét xử phúc thẩm ông Vui khiếu nại cho rằng di sản thừa kế của cha, mẹ ông là 31 công đất, trong đó mảnh đất 13 công cha, mẹ ông đã để cho ông Ngò sử dụng, còn mảnh đất 18 công cha, mẹ ông chia cho 4 người con là ông, chị Tuyết, bà Thanh và bà Minh mỗi người 3 công. Như vậy, cha, mẹ có 5 người con hiện 4 người con mỗi người chỉ được 3 công còn ông Ngò (vợ là bà Biếu) quản lý, sử dụng 19 công là chưa công bằng. Ông yêu cầu được chia thừa kế theo pháp luật, nhưng Tòa án lại bác yêu cầu của ông là không đúng.

    Tại Quyết định số595/2009/KN-DS ngày 16-10-2009, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 439/2006/DSPT ngày 24-10-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 35/DSST ngày 27-11-1996 của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử sơ thẩm lại theo đúng qui định của pháp luật, với nhận định:

    “Tài sản chung của vợ chồng cụ Tý và cụ Tình gồm có: 13 công đất vườn (của cha, mẹ cụ Tý chia cho cụ Tý) và 18 công đất vườn do cụ Tý, cụ Tình mua năm 1939.

    Đối với 13 công đất vườn: Năm 1953, cụ Tý giao cho ông Ngò quản lý, sử dụng; ông Ngò chết bà Biếu quản lý và đã chia cho 3 con của bà là anh Nhịn diện tích 2.422 m2, anh Hùng diện tích 2.714m2, chị Dương diện tích 2.544 m2 (anh Nhịn, anh Hùng và chị Dương đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1990).

    Đối với 18 công đất vườn: Các cụ đã chia cho ông Vui 3.000 m2, chị Tuyết 3.000 m2, bà Thanh 3.000m2, bà Minh 3.000 m2 còn lại 6.000 m2 trên có 01 căn nhà dưới cột thao lao, mái lá, vách tre, nền gạch tàu do ông Ngò và bà Biếu quản lý, sử dụng và hiện đang do anh Hoàng quản lý.

    Ông Vui khởi kiện yêu cầu phần đất vườn 13 công giữ nguyên hiện trạng cũ, còn lại 6.000m2 trong phần đất vườn 18 công đề nghị giao cho ông quản lý. Nếu Tòa không chấp nhận yêu cầu này thì ông đề nghị chia thừa kế theo pháp luật toàn bộ di sản thừa kế của cụ Tý, cụ Tình là 31 công vườn.

    Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Biếu có xuất trình “Tờ đổi đất hương quả” đề năm 1977 có dấu vân tay của cụ Phan Thị Tình, có chữ ký của ông Ngò, bà Thanh, bà Minh và chị Tuyết và có xác nhận của UBND xã Long Hưng ngày 15-7-1977 có nội dung: “Số là tôi đang ở trên phần đất có diện tích là 3 công luôn cả nền nhà (má tôi nói: đó là đất hương quả) nhưng em tôi là Vui muốn chia đôi phần đất nói trên sau khi má tôi là Phan Thị Tình qua đời.

    Hôm nay, tôi muốn đổi phần đất của tôi mới lên vườn nằm cập với vườn và ruộng của em Vui. Đổi 1 công rưỡi của phần hương quả và cho luôn 2 công rưỡi còn lại để em dễ dàng trồng trọt.

    Vậy kể từ hôm nay, Trịnh Văn Vui là sở hữu của miếng vườn nói trên, và phần đất hương hỏa kể như đã chia xong”.

    Bà Biếu cho từng giấy này do ông Ngò viết, cụ Tình và các anh, chị, em gia đình chồng ký tên và bà đem đến UBND xã Long Hưng thị thực; thời gian đó ông Vui đồng ý nên ông Ngò đưa tiền cho ông Vui có sự chứng kiến của mẹ chồng. Ông Vui cho rằng ông không biết nội dung giấy đổi đất hương hỏa và ông không ký vào biên bản này. Lẽ ra, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm phải xác minh làm rõ về việc ký kết “Tờ đổi đất hương quả”. Nếu không có căn cứ xác định được các đồng thừa kế của cụ Tý đã thống nhất ý chí như nội dung tờ đổi đất thì phải chia thừa kế theo quy định của pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm lại cho rằng việc đổi đất giữa ông Ngò và ông Vui đã xong, di sản của cụ Tý và cụ Tình không còn nên bác yêu cầu chia thừa kế của ông Vui là chưa có căn cứ vững chắc”.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; hủy bản án dân sự phúc thẩm số 439/2006/DSPT ngày 24-10-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 35/DSST ngày 27-11-1996 của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử sơ thẩm lại theo đúng qui định của pháp luật.

    XÉT THẤY:

    Cụ Trịnh Văn Tý (chết năm 1962) và cụ Phan Thị Tình (chết năm 1977) có 5 người con chung là: ông Trịnh Văn Năm chết không rõ năm (có vợ là bà Nguyễn Thị Năm đã chết không rõ năm và có 1 người con là có Nguyễn Tuyết); ông Trịnh Văn Ngò chết năm 1992 (có vợ là bà Nguyễn Thị Biếu và có 6 người con chung là chị Trịnh Thị Lệ Phương, anh Trịnh Thanh Dũng, anh Trịnh Thanh Hoàng, anh Trịnh Văn Nhịn, anh Trịnh Thanh Hùng và chị Trịnh Thị Thùy Dương); bà Trịnh Thị Lệ Thanh; ông Trịnh Văn Vui và bà Trịnh Thị Lệ Minh (Mừng).

    Về tài sản: Năm 1939 cụ Tý, cụ Tình mua 18 công đất vườn, ngoài ra cụ Tý còn được cha, mẹ chia cho thửa đất vườn 13 công.

    Quá trình giải quyết vụ án các đương sự đều thừa nhận năm 1953 cụ Tý, cụ Tình đã giao cho ông Ngò sử dụng riêng thửa đất 13 công. Sau khi ông Ngò chết mẹ con bà Biếu sử dụng và bà Biếu đã chia cho các con của bà là anh Nhịn, anh Hùng, chị Dương mỗi người một phần. Sau khi được cho anh Nhịn, anh Hùng và chị Dương đã sử dụng ổn định và đăng ký kê khai, năm 1990 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

    Đối với thửa đất 18 công: Trong quá trình giải quyết vụ án ông Vui cho rằng do ông Ngò đã được cụ Tý, cụ Tình cho 13 công đất, nên hai cụ chỉ chia cho ông, chị Tuyết (phần của ông Năm), bà Thanh, bà Minh mỗi người 3000m2, còn lại căn nhà trên 6000m2 đất hai cụ trực tiếp quản lý, sử dụng. Sau khi hai cụ chết thì vợ chồng ông Ngò quản lý, sử dụng căn nhà trên 6.000m2 đất trên. Do đó, ông Vui yêu cầu bà Biếu giao cho ông quản lý, sử dụng 6.000m2 đất nêu trên, nếu không được chấp nhận thì ông yêu cầu xác định toàn bộ 31 công đất là tài sản của cụ Tý, cụ Tình để chia thừa kế theo qui định của pháp luật.

    Trong khi đó bà Biếu lại cho rằng cụ Tý, cụ Tình chia cho mỗi người con (trong đó có ông Ngò) 3.000m2 đất trong diện tích 18 công, chỉ còn lại căn nhà trên đất 3.000m2 hai cụ quản lý, sử dụng. Năm 1977 có sự đồng ý của các con cụ Tình đã phân chia phần đất còn lại cho ông Ngò và ông Vui, đồng thời có sự chứng kiến của cụ Tình, bà Thanh, bà Minh, chị Tuyết ông Ngò đã đã thỏa thuận đổi phần đất “hương quả” cho ông Vui. Bà Biếu xuất trình “Tờ đổi đất hương quả” đề năm 1977. Xem xét “Tờ đổi đất hương quả” thấy rằng tuy có xác nhận của UBND xã đề ngày 15-7-1977, có dấu vân tay đề tên cụ Tình, có chữ ký đề tên bà Thanh, bà Minh và chị Tuyết, nhưng không có chữ ký của ông Vui và giấy do ông Ngò viết, còn bà Biếu thừa nhận tự xin xác nhận của UBND xã.

    Trong khi đó ông Vui ông không thừa nhận giấy trên, còn bà Minh, chị Tuyết vẫn xác định nhà đất của cụ Tý, cụ Tình chưa chia và có yêu cầu chia thừa kế. Trường hợp này, lẽ ra xác minh làm rõ đối với thửa đất 18 công thì cụ Tý, cụ Tình đã đưa cho những ai, căn nhà và diện tích đất còn lại của hai cụ là 3.000m2 hay 6.000m2, có hay không năm 1977 cụ Tình phân chia nhà đất còn lại cho ông Ngò, ông Vui và có việc hoán đổi đất giữa ông Ngò với ông Vui. Khi lập ký “Tờ đổi đất hương quả” thì ông Vui có tham gia hay không? Nếu có tham gia thỏa thuận thì lý do nào ông Vui không ký văn bản trên đồng thời xác minh làm rõ về chữ ký của cụ Tình, bà Thanh, bà Minh tại văn bản trên thì mới có căn cứ giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh làm rõ các vấn đề nêu trên nhưng lại căn cứ vào lời khai của bà Biếu trên cơ sở đó xác định có việc cụ Tình đã phân chia “hương hỏa” cho các con vào năm 1977 và ông Ngò đã hoán đổi đất cho ông Vui từ đó xác định di sản của hai cụ không còn để bác yêu cầu chia thừa kế của ông Vui, bà Minh, chị Tuyết là không đủ căn cứ.

    Mặt khác, bà Thanh đang định cư ở Mỹ nhưng hồ sơ vụ án chỉ có bản photocopy “tờ cam kết” đề tên bà Thanh lập ngày 25-9-1999 và “tờ cam kết” trên chưa được hợp pháp hóa lãnh sự nên chưa đủ căn cứ xác định ý chí của bà Thanh nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm lại căn cứ vào bản photocopy “tờ cam kết” nêu trên để cho rằng bà Thanh khước từ hưởng thừa kế là không chính xác.

    Hơn nữa, sau khi xét xử phúc thẩm trong thời gian khiếu nại ông Vui đã chết ngày 28-02-2008, nên khi giải quyết lại vụ án thì đưa những người thừa kế của ông Vui tham gia tố tụng thì mới giải quyết đúng vụ án.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 439/2006/DSPT ngày 24-10-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 35/DSST ngày 27-11-1996 của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang;

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử sơ thẩm lại theo đúng qui định của pháp luật.

     

     
    4405 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận