Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án Hồ Ngọc Tịnh và 2 bị cáo khác về tội "Mua bán trái phép chất ma túy"

Chủ đề   RSS   
  • #265475 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án Hồ Ngọc Tịnh và 2 bị cáo khác về tội "Mua bán trái phép chất ma túy"

    Số hiệu

    21/2010/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án Hồ Ngọc Tịnh và 2 bị cáo khác về tội "Mua bán trái phép chất ma túy"

    Ngày ban hành

    06/07/2010

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    Ngày 06-7-2010, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm đối với:

    1. Hồ Ngọc Tịnh (còn có tên gọi khác là Sơn) sinh năm 1983; đăng ký nhân khẩu thường trú tại thôn Thanh Dương, xã Phú Diễn, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, tạm trú tại nhà số 503-B2-Chung cư Nhiêu Lộc C, phường Tân Quý, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh; văn hóa lớp 5/12; là thợ xây; con ông Hồ Văn Hà và bà Hoàng Thị Tới; có vợ (không đăng ký kết hôn); bị Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xử phạt 09 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, tại bản án hình sự sơ thẩm số 111/HSST ngày 11-4-2007; bị bắt giam ngày 28-9-2006.

    2. Quang Văn Phiện sinh năm 1980; trú tại bản Cù, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An; văn hóa lớp 4/12; làm rẫy; con ông Quang Văn Tuấn (đã chết) và bà Lô Thị Mai; có vợ và 01 con; bị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xử phạt 07 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” tại bản án hình sự sơ thẩm số 104/2007/HSST ngày 13-6-2007; bị bắt giam ngày 12-1l-2006.

    3. Ngô Viết Chiến sinh năm 1973; trú tại Khe Choăng, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An; văn hóa lớp 8/12; làm nghề lái xe, con ông Ngô Viết Lai và bà Nguyễn Thị Hồ; có vợ và 01 con; bị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xử phạt 15 năm tù về các tội “Mua bán trái phép chất ma túy” và “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” tại bản án hình sự phúc thẩm số 1063/2007/HSPT ngày 26-9-2006; bị bắt giam ngày 24-12-2005.

    NHẬN THẤY:

    Ngày 25-02-2007, Quang Văn Phiện là phạm nhân bị kết án 07 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” (đang chấp hành hình phạt tại Trại tạm giam thuộc Công an tỉnh Nghệ An) có đơn tố giác về việc đã dẫn đường cho một số đối tượng mua hêrôin vào khoảng thời gian cuối tháng 10 (âm lịch) năm 2005. Căn cứ vào nội dung nêu trong “Đơn xin tố giác tội phạm” của Phiện, Công an tỉnh Nghệ An đã điều tra vụ án. Theo Bản kết luận điều tra thì nội dung vụ án như sau:

    Hồ Ngọc Tịnh có quan hệ như vợ chồng với Lô Thị Nhơ (là em vợ của Quang Văn Phiện) ở bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An nên Tịnh biết Phiện vẫn thường xuyên có hành vi mua bán ma túy.

    Theo lời khai của Quang Văn Phiện thì vào buổi chiều một ngày cuối tháng 10 (âm lịch) năm 2005, Phiện đang ở nhà Lô Thị Nhơ thì Hồ Ngọc Tịnh đi cùng một người khác (theo Tịnh nói là bạn Tịnh ở Sài Gòn) đến gặp Phiện và nhờ Phiện dẫn đường đi mua hêrôin. Tịnh hứa sẽ cho Phiện hêrôin để sử dụng. Phiện gọi Ngô Viết Chiến (là người quen của Phiện) đến và nói với Chiến: “có quân Sài Gòn ra lấy hàng, mi có dẫn đường kiếm ít tiền mà tiêu”. Chiến đồng ý đi cùng Phiện để dẫn đường cho Tịnh.

    Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, Phiện, Chiến dẫn Tịnh và bạn Tịnh đi qua cầu treo Xốp Mạt rồi lên đồi C5 thuộc xã Lượng Minh. Đến đồi C5, cả nhóm vào lán nương của ông Vi Văn Việt chơi rồi sang lán của một người Lào có tên là Và. Tịnh và bạn Tịnh đặt vấn đề mua hêrôin thì Và nói “nếu mua nhiều thì tôi sẽ gọi người mang tới”. Cả nhóm ngồi đợi tại lán của Và. Đến 8 giờ sáng ngày hôm sau thì Và cùng hai người Lào mang hêrôin đến. Tịnh và bạn Tịnh dùng dao thử chất lượng hêrôin và đã mua 11,5 bánh hêrôin với giá là 4.500 USD/bánh rồi cho hêrôin vào một túi màu đen đã đem theo từ trước. Sau đó, Phiện và Chiến dẫn Tịnh và bạn Tịnh về nhà Lô Thị Nhơ theo một đường khác. Khi còn cách nhà khoảng 100m, Tịnh giấu túi hêrôin vào một bụi cây để bạn Tịnh đứng canh giữ còn Tịnh, Phiện, Chiến về nhà Nhơ. Tịnh nhờ Phiện ra Trạm bưu điện xã Lượng Minh gặp một người có tên là Cường, bảo Cường đưa xe ôm vào chở hêrôin. Khi xe ôm đến, Tịnh và bạn Tịnh đưa hêrôin lên xe đi.

    Công an tỉnh Nghệ An đã điều tra, xác minh đối tượng đi cùng Hồ Ngọc Tịnh và người có tên là Cường (là người điều khiển xe ôm vào chở hêrôin) nhưng chưa có cơ sở xác định.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 02/2008/HSST ngày 15-01-2008, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An áp dụng điểm b khoản 4 và khoản 5 Điều 194; Điều 51 Bộ luật hình sự; xử phạt Hồ Ngọc Tịnh tử hình về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”; tổng hợp với hình phạt 09 năm tù tại bản án số 111/2007/HSST ngày 11-4-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã xử phạt đối với bị cáo; buộc Hồ Ngọc Tịnh chấp hành hình phạt chung của cả hai bản án là tử hình.

    Áp dụng điểm b khoản 4 Điều 194; các điểm a, p khoản 1 Điều 46; Điều 51 Bộ luật hình sự; xử phạt Quang Văn Phiện tù chung thân về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”; tổng hợp với hình phạt 07 năm tù tại bản án hình sự sơ thẩm số 104/2007/HSST ngày 13-6-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã xử phạt đối với bị cáo; buộc Quang Vãn Phiện phải chấp hành hình phạt chung của cả hai bản án là tù chung thân.

    Áp dụng điểm b khoản 4 Điều 194; các điểm p, q khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 51 Bộ luật hình sự; xử phạt Ngô Viết Chiến tù chung thân về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”; tổng hợp với hình phạt 15 năm tù tại bản án hình sự phúc thẩm số 1063/2006/HSPT ngày 26-9-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã xử phạt đối với bị cáo; buộc Ngô Viết Chiến phải chấp hành hình phạt chung của cả hai bản án là tù chung thân.

    Ngày 30-01-2008, Hồ Ngọc Tịnh kháng cáo kêu oan.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 363/2008/HSPT ngày 27-5-2008, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với Hồ Ngọc Tịnh.

    Tại Kháng nghị số37/HS-TK ngày 30-9-2009, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 363/2008/HSPT ngày 27-5-2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 02/2008/HSST ngày 15-01-2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ Anh đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy các bản án hình sự nêu trên để điều tra lại theo thủ tục chung.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với Kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Trong quá trình điều tra, xét xử vụ án và trong đơn khiếu nại Hồ Ngọc Tịnh đều kêu oan, với lý do: vào thời điểm xảy ra vụ án Tịnh không có mặt tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An và vì thế không thực hiện hành vi phạm tội như các Cơ quan tiến hành tố tụng đã quy kết.

    Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án Hồ Ngọc Tịnh căn cứ vào đơn tố giác tội phạm của Quang Vãn Phiện; các lời khai nhận tội của Quang Văn Phiện và Ngô Viết Chiến về việc vào cuối tháng 10 (âm lịch) năm 2005 Phiện và Chiến có dẫn đường cho Hồ Ngọc Tịnh lên đồi C5 thuộc xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An mua 11,5 bánh hêrôin; lời khai của những người làm chứng về việc Hồ Ngọc Tịnh có mặt tại xã Lượng Minh vào thời điểm tháng 10 (âm lịch) năm 2005. Ngoài ra, một trong các căn cứ để Tòa án cấp phúc thẩm kết án Hồ Ngọc Tịnh là việc Quang Văn Phiện và Ngô Viết Chiến bị Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt tù chung thân, nhưng các bị cáo không kháng cáo bản án sơ thẩm.

    Sau khi xem xét toàn bộ những tài liệu có trong hồ sơ vụ án, xét thấy:

    1. Quang Văn Phiện là người trước sau đều khai nhận đã dẫn đường cho Hồ Ngọc Tịnh đi mua ma túy, nhưng lời khai của bị cáo có những điểm mâu thuẫn về diễn biến của sự việc, những người trực tiếp giao dịch, mua bán hêrôin, trọng lượng, giá cả hêrôin; cụ thể là:

    - Tại những lời khai ban đầu, Phiện khai là khi lên đồi C5 thì cả nhóm vào lán của một người Lào tên là Và để mua hêrôin, nhưng đến lời khai sau cùng thì Phiện lại khai là cả nhóm có vào lán nương của ông Vi Văn Việt chơi, sau đó mới sang lán của người Lào.

    - Phiện khai là có cùng Tịnh giao dịch mua bán hêrôin, nhưng có lúc lại khai là chỉ có Tịnh và bạn Tịnh trực tiếp mua bán hêrôin với Và.

    Có lúc Phiện khai là Tịnh mua 11,5 bánh hêrôin, nhưng có lúc lại khai là không biết Tịnh và bạn Tịnh mua bao nhiêu hêrôin.

    - Về việc Ngô Viết Chiến có chứng kiến việc mua bán hêrôin hay không, Phiện khai cũng không thống nhất. Có lúc Phiện khai là Chiến có chứng kiến việc mua bán, có lúc lại khai là lúc đó Chiến không có mặt.

    2. Trong tất cả các lời khai của mình, Ngô Viết Chiến đều nhận có cùng Quang Văn Phiện dẫn đường cho Hồ Ngọc Tịnh đi mua hêrôin tại đồi C5 thuộc xã Lượng Minh, nhưng lời khai của bị cáo cũng có nhiều điểm mâu thuẫn.

    Đặc biệt là, ngày 12-11-2007, khi được giao Cáo trạng, Ngô Viết Chiến ghi vào Biên bản là thực tế không cùng Quang Văn Phiện dẫn đường cho Hồ Ngọc Tịnh lên đồi C5 mua ma túy; việc tố giác tội phạm là do nghe Quang Văn Phiện kể lại và do cán bộ điều tra dụ dỗ nhận tội. Lời khai này của Ngô Viết Chiến đã phủ nhận toàn bộ các lời khai nhận tội trong quá trình điều tra nên nếu không được điều tra, xác định lại thì không thể sử dụng làm căn cứ kết tội Hồ Ngọc Tịnh.

    3. Ngoài ra, nhiều vấn đề liên quan đến vụ án chưa được điều tra làm rõ; cụ thể là:

    - Theo lời khai của Quang Văn Phiện, Ngô Viết Chiến và theo kết luận của các Cơ quan tiến hành tố tụng thì người bán hêrôin cho Hồ Ngọc Tịnh có tên là Và, việc mua bán diễn ra tại lán nương của Và tại đồi C5 thuộc xã Lượng Minh nhưng Cơ quan điều tra không điều tra, xác minh về đối tượng này.

    Quang Văn Phiện và Ngô Viết Chiến đều có lời khai về việc Hồ Ngọc Tịnh trả tiền mua hêrôin, nhưng mỗi bị cáo lại khai một khác. Phiện khai là Tịnh thanh toán tiền mua hêrôin bằng đô la Mỹ, còn Chiến lại khai là Tịnh thanh toán bằng cả tiền đô la Mỹ và tiền Việt Nam. Mặc dù lời khai của các bị cáo mâu thuẫn với nhau về cùng một sự việc nhưng cũng chưa được điều tra, làm rõ.

    - Lô Thị Mây (là vợ của Quang Văn Phiện) cũng có mặt tại nhà Lô Thị Nhơ khi Hồ Ngọc Tịnh và bạn Tịnh đến nhờ Phiện dẫn đường đi mua ma túy, nhưng Cơ quan điều tra không lấy lời khai của Lô Thị Mây để củng cố chứng cứ chứng minh về việc Hồ Ngọc Tịnh có mặt tại xã Lượng Minh vào thời điểm cuối tháng 10 (âm lịch) năm 2005.

    - Theo lời khai của Ngô Viết Chiến thì sau khi Tịnh và đồng bọn đã mua được hêrôin đem về cất giấu gần nhà Lô Thị Nhơ, Chiến đi mua thuốc lá thì gặp hai đối tượng tên là Kiên (ở xã Nghi Thái) và Thái (ở Pa Mát) ngồi tại quán nước. Thái hỏi Chiến có nhận được tín hiệu xe ôm vào chở hêrôin không. Khi xe ôtô vào chở hêrôin thì Kiên và Thái đi xe máy bám sát theo xe ôtô. Cơ quan điều tra chưa điều tra, xác minh về các đối tượng này.

    4. Khi xét xử vụ án Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm có những sai lầm, thiếu sót như sau:

    - Không triệu tập người làm chứng tham gia tố tụng:

    Hồ Ngọc Tịnh không nhận tội. Căn cứ để kết án bị cáo chủ yếu dựa vào lời khai của Ngô Viết Chiến, Quang Văn Phiện và lời khai của một số người làm chứng (khai về việc Hồ Ngọc Tịnh có mặt tại xã Lượng Minh vào khoảng thời gian cuối tháng l0-2005). Trong khi lời khai của các bị cáo Phiện và Chiến còn có nhiều điểm mâu thuẫn, nhưng cả Toà án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều không triệu tập người làm chứng nào đến phiên tòa.

    - Xác định sai lý lịch tư pháp của bị cáo:

    Theo xác định của các Cơ quan tiến hành tố tụng thì Hồ Ngọc Tịnh, Quang Văn Phiện và Ngô Viết Chiến thực hiện hành vi phạm tội vào khoảng thời gian cuối tháng 10-2005. Như vậy, hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án này được thực hiện trước khi các bị cáo bị kết án tại các bản án sau này (vào các năm 2006 và 2007). Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định các bị cáo có tiền án là không đúng.

    Hồ Ngọc Tịnh tạm trú tại: P503-B2-Chung cư Nhiêu Lộc C, phường Tân Quý, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh nhưng tại bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm lại ghi địa chỉ tạm trú của bị cáo là P503-B2-Chung cư Như lộc C là không chính xác.

    - Vi phạm thủ tục tố tụng trong khi nghị án:

    Khi nghị án, Hội đồng xét xử sơ thẩm chỉ biểu quyết một lần về tất cả các vấn đề của vụ án là vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 222 Bộ luật tố tụng hình sự Biên bản nghị án còn thể hiện sự cẩu thả như: gạch xóa, thêm bớt câu chữ một cách tùy tiện.

    - Trong hồ sơ vụ án có tài liệu có dấu hiệu bị tẩy xóa, làm sai lệch nội dung; có tài liệu không đảm bảo thủ tục pháp lý, cụ thể là:

    Tại Biên bản giao nhận Cáo trạng, Ngô Viết Chiến có viết vào Biên bản với nội dung không nhận tội, nhưng chữ viết của Ngô Viết Chiến có chỗ bị tẩy xóa theo hướng bị can nhận tội.

    Khi xét xử sơ thẩm, Ngô Viết Chiến có đơn xin xử vắng mặt với lý do bị bệnh nặng (HIV- giai đoạn 3), không đủ sức khỏe để tham gia phiên tòa, mặc dù đơn có chữ ký xác nhận của cán bộ Trại tạm giam và bác sỹ nhưng không đóng dấu nên không đảm bảo tính xác thực của tài liệu.

    Đây là một vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, có bị cáo bị xử phạt với mức hình phạt cao nhất, nhưng các Cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã có những sai lầm nghiêm trọng như đã nêu trên; do đó, cần hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án từ giai đoạn điều tra.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào Điều 284, Điều 285, Điều 287 và Điều 289 Bộ luật tố tụng hình sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 363/2008/HSPT ngày 27-5-2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 02/2008/HSST ngày 15-01-2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An; chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra lại theo thủ tục chung.

     

     
    5359 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận