Số hiệu
|
11/2011/DS-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự về "Tranh chấp đòi lại nhà, đất cho ở nhờ" của bà Lâm Thị Sáu
|
Ngày ban hành
|
22/03/2011
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Dân sự
|
......
Ngày 22-03-2011, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự về “tranh chấp đòi lại nhà, đất cho ở nhờ” giữa:
Nguyên đơn:
1/ Bà Lâm Thị Sáu sinh năm 1943, trú tại nhà số 628/85 đường Hậu Giang, phường 12, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh.
2/ Bà Lâm Thị Túc sinh năm 1940; trú tại nhà số 96/65 đường Sơn Hùng, phường 12, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.
3/ Bà Lâm Kim Anh sinh năm 1950; trú tại ấp 1, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An.
4/ Chị Lâm Thị Mỹ Phượng (người thừa kế thế vị của ông Lâm Thành Xung) sinh năm 1970; trú tại nhà số 628/85 đường Hậu Giang, phường 12, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh.
5/ Ông Lâm Hữu Châu sinh năm 1947; định cư tại Mỹ.
6/ Ông Lâm Thành Chung sinh năm 1931; định cư tại Mỹ.
Các đồng nguyên đơn ủy quyền cho bà Lâm Thị Sáu đại diện.
Bị đơn: Bà Diệp Thị Đẹt sinh năm 1921.
Bà Đẹt ủy quyền cho chị Nguyễn Thị Ngọc Hường, sinh năm 1962 đại diện.
Bà Đẹt và chị Hường cùng trú tại nhà số 50 (số mới 88) Điện Biên Phủ, khóm 3, phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1/ Bà Dương Thị Mỹ Dung (vợ của ông Lâm Thành Xung), sinh năm 1948; trú tại nhà số 98 đường 3/2, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Bà Dung ủy quyền cho bà Lâm Thị Sáu đại diện.
2/ Chị Nguyễn Thị Ngọc Hường sinh năm 1962 (con của bà Đẹt).
3/ Nguyễn Quốc Thông sinh năm 1986 (con của chị Hường).
4/ Nguyễn Quốc Thanh sinh năm 1990 (con của bà Hường).
5/ Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết sinh năm 1956 (con của bà Đẹt).
6/ Anh Nhâm Muối sinh năm 1953 (chồng của chị Tuyết).
7/ Nhâm Nguyễn Hoàng Tuấn sinh năm 1979 (con của chị Tuyết) .
8/ Nhâm Nguyễn Khánh Trang sinh năm 1981 (con của chị Tuyết) .
9/ Nhâm Nguyễn Hoàng Tấn sinh năm 1984 (con của chị Tuyết) .
10/ Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh sinh năm 1951 (con của bà Đẹt).
11/ Anh Nguyễn Hoàng Minh sinh năm 1973 (con của bà Đẹt).
12/ Chị Lê Thị Thu Cúc sinh năm 1982 (con dâu của bà Đẹt).
Cùng trú tại nhà số 50 (số mới 88) Điện Biên Phủ, khóm 3, phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
13/ Anh Nguyễn Việt Bình (chồng của chị Hường) sinh năm 1956; trú tại nhà số 1/1 Ngô Gia Tự, khóm 3, phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Các anh chị Nhâm Muối, Tuyết, Ngọc Anh, Hoàng Minh, Bình, Thông, Thanh, Tuấn, Trang, Tấn, Cúc đều ủy quyền cho chị Hường đại diện.
NHẬN THẤY:
Theo đơn khởi kiện ngày 25-01-1994, ngày 09-3-2008 và quá trình giải quyết vụ án bà Lâm Thị Sáu đại diện cho các đồng nguyên đơn trình bày:
Nguồn gốc nhà đất tại số 50 Điện Biên Phủ, thị xã Sóc Trăng, (nay là thành phố Sóc Trăng), tỉnh Sóc Trăng là của cha mẹ bà là cụ Lâm Xạ Hương (chết năm 1981) và cụ Trương Thị Lý (chết năm 1990) nhận chuyển nhượng từ các ông Đội Nho, Ba Chúa, Bếp Bỗn, Hai Lục Lộ (giấy tờ nhà đất hiện đã bị mất).
Cụ Hương và cụ Lý có 6 con chung gồm các ông bà: Lâm Thành Chung, Lâm Thành Xung (chết năm 1980, có con là Lâm Thị Mỹ Phượng), Lâm Thị Túc, Lâm Thị Sáu, Lâm Hữu Châu, Lâm Kim Anh.
Năm 1954, cụ Hương, cụ Lý cho cụ Trương Thị Đạo (em ruột của cụ Lý) ở để chăm sóc cố Nguyễn Thị phúc (cố Phúc là mẹ của cụ Lý và cụ Đạo) đến năm 1960 cố Phúc chết, cụ Đạo vẫn ở đây.
Năm 1968 bà Diệp Thị Đẹt (con dâu của cụ Đạo) vào ở nhà của cụ Hương, cụ Lý cùng cụ Đạo để buôn bán và bà Đẹt cùng gia đình ở trong nhà số 50 đường Điện Biên Phủ từ đó cho đến nay. Năm 1991, bà Đẹt dỡ nhà cũ để xây dựng nhà thì ông Lâm Thành Chung đã khiếu nại ra Ủy ban nhân dân xã nhưng không được giải quyết.
Nay bà đại diện cho các anh em khởi kiện yêu cầu bà Đẹt trả lại nhà, đất của cha mẹ bà để lại. Sau đó, bà Sáu yêu cầu bà Đẹt trả nhà trên diện tích đo thực tế là 640,79m2 hoặc trả giá trị quyền sử dụng đất theo giá của Trung tâm thẩm định giá Miền nam với số tiền là 3 .783.865.000 đồng.
Đại diện cho bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Nguyễn Thị Ngọc Hường trình bày:
Năm 1950, cụ Trương Thị Đạo (bà nội của chị) được vợ chồng cụ Lý, cụ Hương cho căn nhà số 50 Điện Biên Phủ, tỉnh Sóc Trăng để ở và chăm sóc cố Nguyễn Thị Phúc (tại biên bản hòa giải ngày 07-4-1994 bà Đẹt khai nhà số 50 Điện Biên Phủ là của cụ Hương cho cụ Đạo ở nhờ). Năm 1960, cụ Đạo cùng con trai Nguyễn Văn Đức và con dâu là bà Đẹt sống trong căn nhà này và quản lý diện tích đất xung quanh cho đến nay. Năm 1991, căn nhà số 50 Điện Biên Phủ đã bị sập hết, bà Đẹt làm đơn xin chính quyền địa phương sửa chữa toàn bộ. Ngày 13-4-1991, Ủy ban nhân dân thị xã Sóc Trăng có giấy xác nhận chủ quyền căn nhà số 50 Điện Biên Phủ là của bà Đẹt, ông Đức. Nay chị đại diện cho bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không đồng ý với yêu cầu trả lại nhà và đất cho các nguyên đơn vì gia đình chị đã ở trên đất này hơn 50 năm, căn nhà đã được xây dựng mới.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 07/2009/DSST ngày 24-4-2009, Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng quyết định:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các đồng nguyên đơn về việc đòi bà Diệp Thị Đẹt trả lại nhà số 50 (số mới 88) đường Điện Biên Phủ, khóm 3, phường 6, thành phố Sóc Trăng và diện tích đất xung quanh 640,79m2 hoặc trả giá trị quyền sử dụng đất trị giá 3.783.865.000 đồng.
Bản án còn quyết định về án phí và chi phí định giá tài sản.
Ngày 06-5-2009, bà Lâm Thị Sáu kháng cáo với nội dung nhà đất tại số 50 đường Điện Biên Phủ là của cha mẹ bà để lại, yêu cầu gia đình bà Đẹt phải trả cho các anh chị em bà.
Tại bản án dân sự phúc thẩm số 253/2009/DSPT ngày 25-8-2009 và thông báo sửa chữa bản án ngày 08-9-2009, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao lại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các đồng nguyên đơn bà Lâm Thị Sáu, Lâm Thị Túc, Lâm Kim Anh, Lâm Thị Mỹ Phương, ông Lâm Hữu Châu, Lâm Thành Chung do bà Lâm Thị Sáu đại diện về việc đòi bà Diệp Thị Đẹt trả lại giá trị quyền sử dụng đất tại số 50 (số mới 88) Điện Biên Phủ, khóm 3, phường 6, thành phố Sóc Trăng.
Ghi nhận sự tự nguyện của các đồng nguyên đơn để lại diện tích đất 72.60m2 cho bị đơn Diệp Thị Đẹt sử dụng.
Buộc bà Đẹt phải trả cho các đồng nguyên đơn do bà Lâm Thị Sáu đại diện số tiền 3.355.161.950 đồng.
Bà Diệp Thị Đẹt có quyền liên hệ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Bản án còn quyết định về án phí và chi phí định giá.
Sau khi xét xử phúc thẩm, chị Nguyễn Thị Ngọc Hường đại diện cho bà Đẹt có đơn khiếu nại.
Tại Quyết định số11/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 27-01-2010, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xử hủy bản án phúc thẩm nêu trên và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 07/2009/DSST ngày 24-4-2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng; giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm lại vụ án.
XÉT THẤY:
Bà Lâm Thị Sáu cho rằng nhà, đất tại số 50 đường Điện Biên Phủ khóm 3, phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng do cha mẹ bà là cụ Lâm Xạ Hương và Trương Thị Lý tạo lập từ năm 1936, giấy tờ mua bán với chủ cũ đã bị thất lạc. Theo đơn “Cớ mất giấy chủ quyền bất động sản” do cụ Lý viết ngày 02-6-1988, có xác nhận của chính quyền, với nội dung: năm 1936, vợ chồng cụ Lý đã tạo lập nhà đất tại số 50 Điện Biên Phủ, năm 1950 cụ Lý ủy quyền cho cụ Đạo là chị ruột sử dụng toàn bộ nhà đất, năm 1985 cụ Đạo chết và hiện do bà Diệp Thị Đẹt (con dâu cụ Đạo) tiếp tục coi sóc; mọi giấy tờ liên quan đến căn nhà này do Ủy ban quân quản thị xã Sóc Trăng thu giữ năm 1975, không lập biên bản giao cho gia đình, sự việc có ông Lê Kim Hòa, bà Đẹt biết rõ. Đơn của cụ Lý có chữ ký làm chứng của ông Hòa, bà Đẹt (BL 31). Bà Đẹt cũng thừa nhận nhà đất tranh chấp là của cụ Hương cụ Lý.
Như vậy, có cơ sở xác định nhà đất tranh chấp thuộc quyền sở hữu và sử dụng của cụ Hương cụ Lý, cụ Lý chỉ cho cụ Đạo sau này là bà Đẹt được sử dụng và tiếp tục quản lý. Bà Đẹt cho rằng cụ Đạo được cụ Lý cho nhà, đất đó tù năm 1950 nhưng không có giấy tờ chứng minh.
Theo nội dung “Thơ phúc đáp” ngày 15-11-1991 của Công ty Quản lý công trình đô thị thị xã Sóc Trăng gửi ông Lâm Thành Chung (con cụ Lý) thì đất của cụ Lý không bị Nhà nước quản lý (BL 32). Do đó, nhà, đất tranh chấp vẫn thuộc quyền sở hữu và sử dụng của cụ Lý, cụ Hương chưa chuyển dịch sở hữu cho cụ Đạo, bà Đẹt. Nay căn nhà của cụ Hương, cụ Lý do bà Đẹt tháo dỡ năm 1991, nhưng ngay khi đó ông Chung đã có đơn ngăn chặn nên đất tranh chấp không phải do nguyên đơn đã từ bỏ quyền sử dụng. Tuy nhiên, hồ sơ chưa xác minh tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có ý kiến như thế nào về việc nếu không có gia đình bà Đẹt ở đây nhà, đất có bị quản lý trong quá trình Nhà nước thực hiện chính sách cải tạo nhà đất không?
Mặt khác, theo đơn khởi kiện bà Sáu yêu cầu trả 500m2 đất; trong đơn “Cớ mất giấy chủ quyền bất động sản” cụ Lý xác định đất có diện tích 8m x 40m; theo sơ đồ thẩm định ngày 22-8-2008 (BL 210) thì bà Đẹt quản lý 625,60m2 “phần đất tự khai của chủ tranh chấp 15,19m2”. Chị Hường (con bà Đẹt) khai diện tích đất 15,19m2 chị Tuyết (con bà Đẹt) nhận chuyển nhượng từ người khác. Lẽ ra trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án các cấp phải xác minh làm rõ có việc chị Tuyết nhận chuyển nhượng thêm đất hay không? Tứ cận lô đất do cụ Hương, cụ Lý tạo lập và hiện tại có thay đổi không? Diện tích đất chênh lệch do đâu mà có?
Khi chưa làm rõ những nội dung nêu trên Tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu của nguyên đơn, còn Tòa án cấp phúc thẩm xác định toàn bộ đất tranh chấp là di sản của cụ Hương, cụ Lý chỉ trừ 72,60m2 đất tương đương giá trị công sức quản lý nhà đất cho bà Đẹt và buộc gia đình bà Đẹt phải trả cho nguyên đơn giá trị diện tích đất 568,19m2 đều là chưa đủ căn cứ.
Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và khoản 1 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,
QUYẾT ĐỊNH:
1. Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 253/2009/DSPT ngày 25-8-2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 07/2009/DSST ngày 24-4-2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng về vụ án “tranh chấp đòi lại nhà, đất cho ở nhờ” giữa nguyên đơn là các ông, bà Lâm Thị Sáu, Lâm Thị Túc, Lâm Kim Anh, Lâm Thị Mỹ Phượng, Lâm Hữu Châu, Lâm Thành Chung với bị đơn là bà Diệp Thị Đẹt; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các ông, bà Dương Thị Mỹ Dung, Nguyễn Thị Ngọc Hường, Nguyễn Quốc Thông, Nguyễn Quốc Thanh, Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, Nhâm Muối, Nhâm Nguyễn Hoàng Tuấn, Nhâm Nguyễn Khánh Trang, Nhâm Nguyễn Hoàng Tấn, Nguyễn Thị Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Minh, Lê Thị Thu Cúc.
2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.