Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự "Tranh chấp thừa kế và hủy hợp đồng tặng cho nhà" giữa ông Trương Trung Hiếu và cụ Nguyễn Thị Tiết

Chủ đề   RSS   
  • #265492 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự "Tranh chấp thừa kế và hủy hợp đồng tặng cho nhà" giữa ông Trương Trung Hiếu và cụ Nguyễn Thị Tiết

    Số hiệu

    29/2010/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự "Tranh chấp thừa kế và hủy hợp đồng tặng cho nhà" giữa ông Trương Trung Hiếu và cụ Nguyễn Thị Tiết

    Ngày ban hành

    09/07/2010

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    Ngày 09-7-2010, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp thừa kế và hủy hợp đồng tặng cho nhà” giữa:

    Nguyên đơn: 1. Ông Trương Trung Hiếu sinh năm 1950; trú tại 22/19 Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

    2. Bà Trương Thị Xuân Hương, sinh năm 1952; trú tại ấp Mỹ Thuận, xã Tân Hội, thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

    3. Ông Trương Ngọc Lễ, sinh năm 1955; trú tại ấp Tân Thạnh, xã Tân Hội, thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

    Bị đơn: 1. Cụ Nguyễn Thị Tiết (chết ngày 6/5/2006);

    2. Bà Trương Thị Mỹ Lan, sinh năm 1961;

    3 . Ông Nguyễn Hoàng Đức, sinh năm 1968;

    Bà Lan, ông Đức cùng trú tại số 04, đường Phong Phú, phường 11, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh;

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Ông Trương Trung Thành, sinh năm 1953 (chết năm 1995);

    2. Ông Nguyễn Hoàng Long, sinh năm 1950 (chết năm 1989);

    3. Bà Trương Thị Xuân Hoa, sinh năm 1951;

    4. Bà Trương Thị Mỹ Dung, sinh năm 1955;

    5. Bà Trương Thị Mỹ Hạnh, sinh năm 1956;

    6. Ông Trương Trung Chánh, sinh năm 1959;

    7. Bà Trương Thị Mỹ Phượng, sinh năm 1960 (chết năm 1994);

    8. Bà Trương Thị Mỹ Lan sinh năm 1961;

    9. Bà Trương Thị Hồng Hoa, sinh năm 1963;

    10. Ông Nguyễn Hữu Hoàng, sinh năm 1965;

    11. Ông Nguyễn Hoàng Đức, sinh năm 1968;

    12. Bà Nguyễn Thị Băng Tâm, sinh năm 1973;

    13. Ngân hàng Công thương, chi nhánh số 5 thành phố Hồ Chí Minh; đại diện theo ủy quyền là bà Nguyễn Thị Kim Hạnh, sinh năm 1960; trụ sở: 218 Trần Hưng Đạo B, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh;

    NHẬN THẤY

    Cụ Trương Văn Kiệm (chết năm 2002) và cụ Nguyễn Thị Tâm (chết năm 1998) chung sống với nhau, sinh được 03 người con là: ông Trương Trung Hiếu, bà Trương Thị Xuân Hương, ông Trương Ngọc Lễ.

    Khoảng năm 1949 cụ Kiệm chung sống với cụ Nguyễn Thị Tiết sinh được 12 người con, gồm :

    1. Ông Trương Trung Thành (chết năm 1995); có vợ là bà Phạm Thị Anh, có 04 người con là: anh Nguyễn Hoàng Danh, anh Nguyễn Hoàng Duyên, anh Nguyễn Hoàng Duy, anh Nguyễn Hoàng Dinh.

    2. Ông Nguyễn Hoàng Long (chết năm 1989); có vợ là bà Trịnh Nữ Vân, có 04 người con là: chị Trương Thị Thanh Hằng, chị Trương Thị Thanh Nguyệt, anh Trương Đình Thanh, anh Trương Đình Duệ.

    3. Bà Trương Thị Xuân Hoa;

    4. Bà Trương Thị Mỹ Dung;

    5. Bà Trương Thị Mỹ Hạnh;

    6. Ông Trương Trung Chánh;

    7. Bà Trương Thị Mỹ Phượng, (chết năm 1994); có chồng là ông Lâm Hoàng Hải, có 03 người con là: Chị Lâm Mỹ Yến, anh Lâm Hồng Phúc, anh Lâm Kim Long.

    8. Bà Trương Thị Mỹ Lan;

    9. Bà Trương Thị Hồng Hoa;

    10. Ông Nguyễn Hữu Hoàng;

    11. Ông Nguyễn Hoàng Đức;

    12. Bà Nguyễn Thị Băng Tâm;

    Năm 1957 cụ Tâm không sống chung với cụ Kiệm nữa, cụ Tâm và 3 người con của cụ Tâm về sống tại Tiền Giang. Năm 1972 cụ Kiệm mua căn nhà số 4, đường Phong Phú, phường 12, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh và sống chung với cụ Tiết cho đến khi chết (năm 2002).

    Ngày 15/11/2002, các con của cụ Kiệm và cụ Tiết làm “Đơn ưng thuận” có nội dung: con thuộc dòng sau, cam kết nhượng phần di sản của họ cho mẹ là cụ Nguyễn Thị Tiết được trọn quyền quyết định căn nhà trên.

    Ngày 08/1/2003, nhà đất nêu trên được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên cụ Nguyễn Thị Tiết và cụ Trương Văn Kiệm. Ngày 20/2/2003, cụ Tiết lập “Hợp đồng tặng cho nhà” có nội dung cho bà Trương Thị Mỹ Lan và ông Nguyễn Hoàng Đức nhà đất trên, hợp đồng tặng cho được công chứng cùng ngày tại phòng công chứng số 2, thành phố Hồ Chí Minh.

    - Tại đơn khởi kiện ngày 20/6/2005 và các lời khai nguyên đơn là ông Hiếu, bà Hương, ông Lễ trình bày: Nhà đất tại số 04, đường Phong Phú, phường 11, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, các ông bà phải được hưởng thừa kế di sản của cụ Kiệm, nhưng cụ Tiết và các con cụ Tiết lại cho bà Lan, ông Đức là xâm phạm quyền lợi của các ông bà. Nay các ông, bà yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho nhà đất giữa cụ Tiết với bà Lan, ông Đức và yêu cầu Tòa án chia thừa kế di sản của cụ Kiệm theo pháp luật. Các ông, bà đồng ý bán phát mãi căn nhà để trả khoản nợ do ông Đức vay Ngân hàng, trả tiền sửa nhà, chi phí lo ma chay cho cụ Tiết, còn lại chia theo pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Lễ vẫn nhất trí y án sơ thẩm.

    - Bị đơn cụ Nguyễn Thị Tiết, khi còn sống đã tham gia tố tụng và trình bày: Cụ Kiệm (chết năm 2002) không để lại di chúc. Vì cụ muốn giúp đỡ các con nên có nhờ ông Đức và bà Lan làm thủ tục thế chấp nhà để vay dùm cụ tiền Ngân hàng. Nhưng do không hiểu biết pháp luật nên cụ và các con cụ đã bị ông Đức và bà Lan lừa gạt làm giấy tặng cho nhà. Cụ yêu cần Tòa án hủy hợp đồng tặng cho nhà giữa cụ với ông Đức, bà Lan để chia thừa kế theo pháp luật. Tiền sửa nhà 120 triệu là tiền của cụ đưa cho bà Lan nhưng không có giấy tờ, cụ không tranh chấp số tiền này và không đồng ý trừ khoản tiền này cho bà Lan.

    Tại biên bản hòa giải ngày 11/4/2006, cụ Tiết trình bày: nếu Tòa hủy hợp đồng tặng cho nhà thì cụ đồng ý lấy tài sản của cụ trả nợ Ngân hàng cho ông Đức. Ngày 18/4/2006, cụ Tiết làm giấy ủy quyền cho bà Hồng Hoa tham gia tố tụng thay cụ tại Tòa án. Ngày 6/5/2006 cụ Tiết chết không để lại di chúc.

    - Bị đơn bà Trương Thị Mỹ Lan và ông Nguyễn Hoàng Đức trình bày: Sau khi cụ Kiệm qua đời, ngày 15/11/2002 tất cả các anh em đã tự nguyện làm đơn ưng thuận cho cụ Tiết được trọn quyền quyết định căn nhà, có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường 12. Ngày 20/2/2003, cụ Tiết đã tự nguyện ký hợp đồng tặng cho đứt hai chị em bà và ông Đức căn nhà này. Riêng 03 người con của cụ Kiệm là ông Hiếu, ông Lễ, bà Hương và ông Hoàng (bệnh tâm thần) không ký vào tờ ưng thuận. Ngày 14/3/2003, ông, bà được Ủy ban nhân dân phường 12 cấp phép sửa chữa nhà, ông bà đã chi phí sửa chữa hết 120.000.000đ. Ngày 1/4/2004, ông Đức đã thế chấp căn nhà trên cho Ngân hàng Công thương Việt Nam, chi nhánh số 5, thành phố Hồ Chí Minh vay 300.000.000đ. Do khó khăn, không còn khả năng trả nợ nên ông Đức, bà Lan có ý định bán nhà để thanh toán nợ, xảy ra tranh chấp. Ông, bà không đồng ý hủy hợp đồng tặng cho nhà vì cụ Tiết đã đồng ý cho ông, bà. Ông, bà đề nghị bán căn nhà trên để thanh toán nợ Ngân hàng và đồng ý trả lại phần thừa kế cho những người không ký vào đơn ưng thuận, sau khi khấu trừ tiền sửa chữa nhà và tiền lo ma chay mai táng cụ Tiết do bà Hồng Hoa chi 44.615.000đ, ông Đức chi 15.000.000đ.

    - Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm: bà Hồng Hoa, bà Dung, bà Hạnh, ông Chánh, bà Xuân Hoa, thừa kế thế vị của ông Long, thừa kế thế vị của ông Thành, thừa kế thế vị của bà Phượng trình bày: đồng ý với ý kiến của cụ Tiết là phát mãi căn nhà, thanh toán nợ gốc và lãi cho Ngân hàng do ông Đức vay, trả tiền cho bà Hồng Hoa và ông Đức lo ma chay cho cụ Tiết; chia thừa kế theo pháp luật; trường hợp phần thừa kế của cụ Tiết trả nợ không đủ, các đồng thừa kế đồng ý trích phần thừa kế của mình để trả đủ nợ gốc và lãi mà ông Đức đã vay.

    - Bà Nguyễn Thị Kim Hạnh, đại diện theo ủy quyền của Ngân hàng Công thương, chi nhánh số 5, thành phố Hồ Chí Minh trình bày: Ngày 1/4/2004, ông Đức đã thế chấp nhà đất tranh chấp để vay của Ngân hàng 300.000.000đ, tính đến ngày xét xử sơ thẩm, tiền lãi là 14.393.000đ, yêu cầu ông Đức trả nợ gốc và lãi; nếu không trả được nợ, đề nghị phát mãi căn nhà đã thế chấp để trả nợ.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 487/2006/DSST ngày 25/5/2006, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    1. Chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn.

    2. Không chấp nhận yêu cầu của bà Trương Thị Mỹ Lan và ông Nguyễn Hoàng Đức về việc chỉ trả lại 07 suất thừa kế không ký vào tờ ưng thuận ngày 15/11/2002 là ông Trương Trung Hiếu, bà Trương Thị Xuân Hương, ông Trương Ngọc Lễ và các thừa kế thế vị của ông Trương Trung Thành, ông Nguyễn Hoàng Long và bà Trương Thị Mỹ Phượng.

    3. Hủy hợp đồng tặng cho nhà số00968/HĐ-TCN ngày 20/2/2003 được ký kết giữa cụ Nguyễn Thị Tiết với bà Trương Thị Mỹ Lan và ông Nguyễn Hoàng Đức ngày 20/2/2003 được lập tại Phòng Công chứng số 2.

    4. Ghi nhận sự thỏa thuận của các đồng thừa kế và Ngân hàng Công thương do bà Nguyễn Thị Kim Hạnh làm đại diện đồng ý phát mãi căn nhà số 4, đường Phong Phú, phường 12, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh để thanh toán số nợ vốn 300.000.000đ và lãi 14.393.000đ, tổng cộng là 314.393.000đ

    5. Ghi nhận sự thỏa thuận của các đồng thừa kế cùng chịu trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng số tiền 314.393.000đ, tiền sửa chữa nhà cho bà Trương Thị Mỹ Lan 120.000.000đ, tiền chi phí đám tang của cụ Tiết 44.615.000đ (do bà Hồng Hoa chi); tiền chi phí đám tang cụ Tiết 15.000.000đ (do ông Đức chi); tổng cộng là 496.008.000đ mỗi thừa kế phải chịu 32.933.866đ.

    + Riêng bà Trương Thị Hồng Hoa được nhận lại 11.681.134đ

    + Ông Nguyễn Hoàng Đức chỉ phải nộp 17.681.134đ

    + Bà Trương Thị Mỹ Lan được nhận lại 87.066.134đ

    6. Sau khi phát mãi căn nhà nói trên, các thừa kế của cụ Kiệm gồm: ông Trương Trung Hiếu, bà Trương Thị Xuân Hương, ông Trương Ngọc Lễ, mỗi kỷ phần được hưởng 3% giá trị căn nhà.

    Các thừa kế của cụ Kiệm và cụ Tiết gồm: bà Trương Thị Xuân Hoa, bà Trương Thị Mỹ Dung, bà Trương Thị Mỹ Hạnh, ông Trương Trung Chánh, ông Nguyễn Hữu Hoàng, bà Trương Thị Hồng Hoa, bà Nguyễn Thị Băng Tâm, các thừa kế thế vị của ông Thành, thừa kế thế vị của ông Long, thừa kế thế vị của bà Phượng, mỗi kỷ phần được hưởng 7% giá trị căn nhà.

    Sau khi nhận tiền các thừa kế phải nộp các khoản: Chí phí đám tang, thanh toán nợ cho Ngân hàng, chi phí sửa chữa theo như thỏa thuận đã tính ở trên. (5)

    - Duy trì Quyết định số03/2005/OĐ-BPKCTT ngày 3/8/2005 của Tòa án nhân dân quận 8, thành phố Hồ Chí Minh về việc cấm chuyển dịch quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với căn nhà số 04 Phong Phú, phường 12, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh để bảo đảm việc thi hành án.

    - Sau khi thi hành án xong, bà Trương Thị Hồng Hoa được nhận lại sổ chứng nhận tiền gởi có kỳ hạn “dành cho cá nhân” số TA 0432423 do bà Hoa đứng tên (bản chính) số tiền gửi trong sổ là 83.000.000đ, ngày gửi 26/7/2005 do ông Trương Trung Hiếu nộp để bảo đảm cho yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với hình thức cấm chuyển quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp là căn nhà nói trên.

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí.

    Ngày 5/6/2006 bà Trương Thị Mỹ Lan và ông Nguyễn Hoàng Đức kháng cáo yêu cầu không hủy hợp đồng tặng cho nhà và bác yêu cầu chia thừa kế của các đương sự.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 358/2006/DSPT ngày 31/8/2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

    Cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh có công văn số 4357/THA ngày 22/11/2006 đề nghị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh giải thích bản án nêu trên với các nội dung: bản án phúc thẩm quyết định, sau khi phát mãi căn nhà thì ông Hiếu, bà Hương, ông Lễ mỗi người hưởng 3% trị giá căn nhà; bà Xuân Hoa, bà Mỹ Dung, bà Mỹ Hạnh, bà Hồng Hoa, bà Băng Tâm, ông Chánh, ông Hoàng, các thừa kế thế vị của ông Thành, ông Long, bà Phượng mỗi kỷ phần hưởng 7% trị giá căn nhà. Tổng cộng tất cả lại chỉ là 79% giá trị căn nhà, còn thừa 21% giá trị căn nhà thì giải quyết như thế nào.

    Ngày 13/11/2006, bà Lan và ông Đức khiếu nại đề nghị hợp đồng tặng cho nhà đất với cụ Tiết chỉ bị vô hiệu một phần chứ không vô hiệu toàn bộ.

    Tại Quyết định số426/2009/KN-DS ngày 14 tháng 8 năm 2009, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm nêu trên, với nhận định (trích kháng nghị).

    Về tố tụng: Ông Thành (chết năm 1995), ông Long (chết năm 1989) và bà Phượng (chết năm 1994) đều là con của cụ Kiệm và cụ Tiết. Tòa án các cấp chia di sản của cụ Kiệm, cụ Tiết cho những người thừa kế nhưng lại không đưa bà Vân (vợ ông Thành), bà Anh (vợ ông Long) và ông Hải (chồng bà Phượng) tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm thủ tục tố tụng.

    Về nội dung: Căn nhà số 4 đường Phong Phú là tài sản chung của cụ Trương Văn Kiệm (chết năm 2002) và cụ Nguyễn Thị Tiết (chết năm 2006). Hai cụ chết đều không để lại di chúc. Khi giải quyết vụ án, Tòa án các cấp đã chia thừa kế theo pháp luật, nhưng không chia tài sản thừa kế của cụ Kiệm, cụ Tiết cho bà Lan, ông Đức (con cụ Tiết, cụ Kiệm) và không đưa phần thừa kế của cụ Tiết được hưởng của cụ Kiệm để chia thừa kế cho các con cụ Tiết là thiếu sót. Mặt khác, Tòa án các cấp đều tuyên phát mãi căn nhà số 4 đường Phong Phú và chia giá trị căn nhà theo tỷ lệ, tổng cộng là 79% giá trị căn nhà; như vậy còn 21% giá trị căn nhà chưa được Tòa án các cấp đề cập đến, là không hợp lý.

    Ngoài ra, khi còn sống, cụ Tiết đã có ý kiến là “nếu Tòa án xét xử hay bỏ hợp đồng tặng cho nhà và chia thừa kế căn nhà số 4 đường Phong phú thì phần thừa kế của tôi, tôi đồng ý trả toàn bộ số tiền nợ vay vốn cộng lãi cho Ngân hàng mà ông Nguyễn Hoàng Đức đã vay” (Biên bản hòa giải không thành ngày 11/4/2006), nhưng Tòa án chưa làm rõ ý nguyện này của cụ Tiết để giải quyết vụ án, là thiếu sót.

    Vì vậy, đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án phúc thẩm nêu trên và huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 478/2006/DSST ngày 25/5/2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Về tố tụng: Vấn đề kháng nghị nêu ra chưa đưa bà Vân (vợ ông Thành), bà Anh (vợ ông Long), ông Hải (chồng bà Phượng) tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, thấy rằng ông Thành, ông Long, bà Phượng đều chết trước cụ Kiệm, cụ Tiết nên khi chia thừa kế di sản của 2 cụ để lại thì các con của 3 người này được hưởng thừa kế thế vị thay suất của cha mẹ họ và các con của ông Thành, ông Long, bà Phượng đã được Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm đưa vào tham gia tố tụng là đúng theo quy định tại Điều 677 của Bộ Luật dân sự năm 2005. Còn bà Vân, bà Anh, ông Hải không phải là người thuộc diện hưởng thừa kế của 2 cụ nên không cần thiết phải đưa vào tham gia tố tụng.

    Cụ Nguyễn Thị Tiết chết ngày 6/5/2006, vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 25/5/2006 (tức là cụ Tiết chết trước khi xét xử sơ thẩm). Trong trường hợp này, các nguyên đơn vẫn tiếp tục yêu cầu giải quyết vụ án thì Tòa án phải đưa những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cụ Tiết tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn nếu họ đồng ý, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm vẫn xác định cụ Tiết là bị đơn là không đúng.

    Về nội dung: Nhà đất tại số 4 đường Phong phú đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dựng đất ở đứng tên cụ Kiệm, cụ Tiết, các đương sự đều thừa nhận là tài sản của 2 cụ nên toàn bộ khối tài sản này là di sản thừa kế của cụ Kiệm, cụ Tiết để lại. Cụ Kiệm chết năm 2002 không để lại di chúc, nên phần di sản của cụ Kiệm được chia thừa kế theo pháp luật cho cụ Tiết và các con cụ Kiệm, nhưng ngày 20/2/2003 cụ Tiết lại ký hợp đồng tặng cho toàn bộ nhà đất cho con là ông Đức, bà Lan không có sự đồng ý của các con cụ Kiệm là ông Hiếu, bà Hương, ông Lễ, ông Hoàng, các thừa kế thế vị của con ông Thành, ông Long, bà Phượng là trái pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm quyết định hủy hợp đồng tặng cho nhà giữa cụ Tiết với ông Đức, bà Lan là đúng.

    Hồ sơ vụ án không có tài liệu nào đề cập đến việc truất quyền hưởng di sản thừa kế của bà Lan và ông Đức đối với di sản của cụ Kiệm, cụ Tiết; Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm buộc ông Đức, bà Lan phải có nghĩa vụ trả các khoản nợ như các thừa kế khác, nhưng lại không quyết định cho ông Đức, bà Lan được hưởng di sản thừa kế của 2 cụ là chưa đảm bảo được quyền lợi của ông Đức, bà Lan.

    Đối với di sản của cụ Kiệm là 1/¬2 giá trị nhà đất là 1.626.900.000đ, chia 16 suất (gồm cụ Tiết và 15 người con cụ Kiệm), mỗi suất hưởng 101.681.250đ tương đương 3,125% giá trị căn nhà, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm chỉ xác định mỗi kỷ phần là 3% giá trị căn nhà.

    Đối với di sản của cụ Tiết là 1/¬2 giá trị nhà đất và một kỷ phần thừa kế cụ Tiết hưởng của cụ Kiệm, tổng di sản của cụ Tiết là 1.728.581.250đ chia 12 suất (con chung của cụ Kiệm, cụ Tiết), mỗi kỷ phần được hưởng là 144.048.437đ tương đương 4,427% giá trị căn nhà nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ tính di sản của cụ Tiết là 1/¬2 giá trị căn nhà là bỏ sót 1 kỷ phần thừa kế của cụ Tiết được hưởng của cụ Kiệm và tính tỷ lệ % của mỗi kỷ phần chỉ có 4% giá trị căn nhà.

    Vì Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm không quyết định cho ông Đức, bà Lan được hưởng thừa kế của cụ Kiệm, cụ Tiết nên đã bỏ sót 2 kỷ phần này và cách tính di sản như nêu trên không đúng dẫn đến khi cộng toàn bộ các kỷ phần được hưởng theo tỷ lệ % chi là 79% giá trị căn nhà là không chính xác.

    Vì các lẽ trên, căn cứ khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    1 Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 358/2006/DSPT ngày 31/8/2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và huỷ bản án dân sự sơ thẩm số487/2006/DS-ST ngày 25/5/2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về vụ án “tranh chấp về thừa kế và hủy hợp đồng tặng cho nhà” giữa nguyên đơn là ông Trương Trung Hiếu, bà Trương Thị Xuân Hương, ông Trương Ngọc Lễ với bị đơn là cụ Nguyễn Thị Tiết, bà Trương Thị Mỹ Lan, ông Nguyễn Hoàng Đức; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 13 người và cơ quan.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

     

     
    33562 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn phamthanhhuu vì bài viết hữu ích
    satna123nguyennhienan (12/11/2013)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #274621   11/07/2013

    lechikhang
    lechikhang

    Sơ sinh

    Lâm Đồng, Việt Nam
    Tham gia:04/07/2013
    Tổng số bài viết (4)
    Số điểm: 20
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 1 lần


    Bản án giám đốc thẩm chuẩn xác không còn gì tranh cải, Tuy nhiên trong phần xét thấy ghi: "Trong trường hợp này, các nguyên đơn vẫn tiếp tục yêu cầu giải quyết vụ án thì Tòa án phải đưa những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cụ Tiết tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn nếu họ đồng ý,"

    Theo tôi thì phải ghi: "Trong trường hợp này, các nguyên đơn vẫn tiếp tục yêu cầu giải quyết vụ án thì Tòa án phải đưa những người thừa kế  quyền và nghĩa vụ của bị đơn tham gia tố tụng"  (Điều 62 BLTTDS năm 2004); Bởi vì người thừa kế quyền và nghĩa vụ của bị đơn không hội đủ tư cách bị đơn (khoản 3 Điều 56 BLTTDS năm 2004)

    Kính chào.

     

     

     
    Báo quản trị |