Số hiệu
|
14/2010/DS-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự "tranh chấp chia tài sản khi ly hôn" giữa ông Lê Văn Ngọc Thành và bà Võ Thị Kim Liên
|
Ngày ban hành
|
06/04/2010
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Dân sự
|
….
Ngày 06 tháng 4 năm 2010, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp chia tài sản khi ly hôn” giữa các đương sự:
Nguyên đơn: ông Lê Văn Ngọc Thành, sinh năm 1950; trú tại: 52 Phan Chu Trinh, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.
Bị đơn: Bà Võ Thị Kim Liên, sinh năm 1954; trú tại: 48 Phan Chu Trinh, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.
NHẬN THẤY:
Theo đơn khởi kiện ngày 18/10/2000 và các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án do nguyên đơn trình bày thì:
Ông Lê Văn Ngọc Thành kết hôn với bà Võ Thị Kim Liên năm 1980, có đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Năm 1996 ông Thành, bà Liên thuận tình ly hôn, tại Quyết định số 81/QĐTTLH ngày 04/11/1996, Toà án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk đã công nhận sự thỏa thuận của ông Thành, bà Liên về việc thuận tình ly hôn, xác định nghĩa vụ nuôi con chung và phân chia tài sản chung. Tuy nhiên, do ông Thành, bà Liên chỉ thỏa thuận về chia tải sản chung mà không thỏa thuận về trách nhiệm trả các khoản nợ, nên tại Quyết định số03/QĐKN-LH ngày 16/5/1998, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk đã kháng nghị phần chia tài sản chung của Quyết định công nhận sự thỏa thuận nêu trên. Tại Quyết định giám đốc thẩm số04/GĐT-LH ngày 24/6/1998, Ủy ban Thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh Đăk Lăk hủy phần chia tài sản chung của Quyết định công nhận sự thỏa thuận nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột giải quyết lại từ giai đoạn sơ thẩm về phần tài sản.
- Ngày 18/10/2000, ông Thành khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung của vợ chồng. Theo ông Thành thì trong thời kỳ hôn nhân ông và bà Liên có tạo lập được các tài sản chung gồm: căn nhà số 40, 42 (nay là nhà số 48, 52) Phan Chu Trinh; nhà số 12/29 (nay là nhà số 69) Lê Đại Hành; nhà số 14D (nay là nhà số 116) Hai Bà Trưng; 8140m2 đất rẫy cà phê tại khối 5, phường Thắng Lợi; 100.000.000 đồng bà Liên giữ; số tiền bán 02 xe ủi DT55 và chiếc xe Jeep hiện ông đang giữ; ngoài ra, vợ chồng còn tạo lập được một số vật dụng gia đình, nhưng vợ chồng có nợ vợ chồng ông Phùng Văn Bửu 23 chỉ vàng; nợ bà Lê Thị Đào 22.000.000 đồng; nợ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phan Chu Trinh 130.000.000đ.
Bà Liên không thừa nhận căn nhà 52 Phan Chu Trinh và căn nhà 116 Hai Bà Trưng là tài sản chung của vợ chồng mà cho rằng căn nhà 52 Phan Chu Trinh là tài sản của mẹ bà là cụ Võ Thị Tuyết Sâm mua của cụ Mai Thị Khoát; còn căn nhà 116 Hai Bà Trưng vợ chồng đã bán trong thời kỳ hôn nhân. Về nợ chung, bà Liên thừa nhận vợ chồng có nợ vợ chồng ông Bửu và bà Đào như ông Thành trình bày; riêng khoản nợ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phan Chu Trinh là 320.000.000 đồng, chứ không phải 130.000.000 đồng; ngoài ra, còn nợ bà Trần Thị Thảo 55.000.000 đồng, nợ ông Nguyễn Văn Ngữ 350.000.000 đồng, nợ bà Nguyễn Thị Ngọc Lan 250.000.000 đồng, nợ bà Phan Thị Khương 220.000.000 đồng, nợ ông Nguyễn Văn Thái 140.000.000 đồng, nợ bà Nguyễn Thị Thanh 180.000.000 đồng, nợ bà Võ Thế Thị Tường Vi 50.000.000 đồng, bà Liên yêu cầu ông Thành trả nợ chung. Ngoài ra, sau khi ly hôn (tháng 11/1996) bà là người thác tiếp nuôi dưỡng 3 con là Lê Vũ Trường Giang, sinh 1981; Lê Vũ Trường An, sinh 1984 và Lê Vũ Diễm Thư, sinh 1987 cho đến nay, nên đề nghị Tòa buộc ông Thành phải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con kể từ tháng 11/1996 cho đến khi các cháu trưởng thành.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 10/2005/HNGĐST ngày 14-12-2005, Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk quyết định:
1- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia tài sản sau khi ly hôn của ông Lê Văn Ngọc Thành. Ông Lê Văn Ngọc Thành được quyền sở hữu sử dụng những tài sản sau đây:
- Nhà + đất mang số 52 Phan Chu Trinh, phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột (diện tích 255m2).
- 02 máy ủi (ông Thành đã bán).
- 02 lốc máy xe Jeep (ông Thành đã bán).
- 01 xe jeep (ông Thành đã bán).
- 01 giường gỗ nhóm 1.
- 01 tủ lạnh và 01 máy nước nóng (đã hư hỏng) .
Tổng giá bị tài sản là 2.024.270.107 đồng
Ông Thành phải thanh toán cho bà Liên giá bị chênh lệch tài sản là 53.899.457đ và phải hoàn trả lại cho bà Liên 19.400.000đ và 10 chỉ vàng 24K (trước đây ông Thành đã nhận của và Liên).
Ông Thành chịu trách nhiệm trả nợ riêng cho vợ chồng bà Trương Thị Chanh, ông Phùng Văn Bửu 23 chỉ vàng 24K.
* Bà Võ Thị Kim Liên được quyền sử dụng những tài sản gồm.
- Nhà + đất mang số 48 Phan Chu Trinh, phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột (diện tích 291m2).
- Nhà + đất mang số 116 Hai Bà Trưng, phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột (bà Liên đã bán).
- Nhà + đất mang số 69 Lê Đại Hành, phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột (bà Liên đã bán).
- 8140m2 rẫy cà phê (bà Liên đã bán).
- 01 máy Cassess hiệu HILIX.
- 01 dàn máy CD.
- 01 đi văng gỗ nhóm 1
- 02 bộ bàn ghế sa lon
- 02 tủ bích phê.
- 02 tủ đứng.
- 01 tủ trang trí lớn bằng phoóc mê ka.
- 01 tủ lớn bằng phoóc mê ka.
- 01 tủ áo bằng gỗ nhóm 1
- 01 két sắt.
- 01 tủ đựng ly chén bằng gỗ.
- 01 tủ đựng thức ăn bằng gỗ.
- 01ỏi tủ đựng thức ăn bằng phoóc mê ka.
- 01máy xay sinh tố.
- 01m3 gỗ nhóm 1.
- 01 bếp ga lớn và 01 bếp ga nhỏ.
Số tiền 53.899.457 đồng do ông Thành thanh toán giá trị chênh lệch tài sản.
Tổng giá trị tài sản bà Liên được hưởng là 2.293.985.540đ và bà Liên nhận lại 19.400.000đ + 10 chỉ hàng 24K do ông Thành hoàn trả.
2- Công nhận sự tự nguyện của ông Lê Văn Ngọc Thành và bà Võ Thị Kim Liên trích trong phần tài sản được hưởng của ông Thành, bà Liên mỗi người 30.000.000đ cho cháu Lê Vũ Diễm Thư.
3- Tách các khoản nợ của bà Nguyễn Thị Kim Thuận, ông Nguyễn Văn Thái để giải quyết bằng một vụ kiện dân sự khác khi đương sự có đơn khởi kiện và nộp tạm ứng án phí.
4- Bác yêu cầu của ông Thành về số tiền 130.000.000đ ông vay Ngân hàng Phan Chu Trinh đưa bà Liên; 100.000.000đ tài sản chung bà Liên giữ.
- Bác yêu cầu của bà Liên về nợ chung ông Thái 140.000.000đ, bà Lan 200.000.000đ, bà Thanh 180.000.000đ, bà Thuận 350.000.000đ và 100.000.000 đồng tài sản giao cho ông Thành: 130.000.000 vay Ngân hàng giao cho ông Thành.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về chi phí giám định, định giá, án phí, biện pháp khẩn cấp tạm thời và nghĩa vụ do chậm thi hành án.
Ngày 23/12/2005, ông Thành và bà Liên kháng cáo.
Tại bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 47 ngày 24/7/2006 Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Liên khiếu nại cho rằng: Tòa án xác định 2 căn nhà 42 Phan Chu Trinh và 116 Hai Bà Trưng là tài sản chung của ông Thành và bà là không đúng vì căn nhà 42 Phan Chu Trinh cụ Võ Thị Tuyết Sâm mua của cụ Mai Thị Khoát; còn căn nhà 116 Hai Bà Trưng đã bán để trừ nợ chung của vợ chồng và người mua đã hoàn thành thủ tục sang tên từ trước. Về nợ: vợ chồng có vay của bà Nguyễn Thị Ngọc Lan 250.000.000 đồng; vay của bà Nguyễn Thị Tường Vi 50.000.000 đồng, nhưng Tòa án cấp sơ, phúc thẩm xác định chỉ vay mỗi người 50.000.000 đồng là không đúng; đề nghị xác định khoản nợ 140.000.000 đồng của ông Thái là nợ chung để giải quyết; riêng khoản nợ bà Nguyễn Thị Kim Thuận Tòa án tách ra chưa giải quyết là gây thiệt hại đến quyền lợi của bà.
Tại Quyết định số365/2009/KN-DS ngày 20/7/2009, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm nêu trên; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm nêu trên và hủy bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 10/2005/HNGĐST ngày 14/12/2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk xét xử sơ thẩm lại với nhận định.
Về căn nhà 52 Phan Chu Trinh: Có nguồn gốc là tài sản của cụ Mai Thị Khoát. Ông Thành cho rằng căn nhà này ông và bà Liên mua của cụ Khoát, đồng thời xuất trình “Đơn xin mua bán nhà” ngày 07/07/1990 có nội dung cụ Khoát bán căn nhà cho ông Thành, bà Liên trong khi đó, và Liên xuất trình “Đơn xin mua bán nhà” cùng ngày 07/07/1990 và một “Đơn xin mua bán nhà” ngày 06/11/990 có nội dung cụ Khoát bán căn nhà cho cụ Sâm.
Các “Đơn xin mua bán nhà” do là Liên xuất trình được một số cơ quan Nhà nước như Ngân hàng Công thương tỉnh Thuận Hải, Chi cục thuế thị xã Phan Thiết (nơi cụ Khoát sinh sống) và Ủy ban nhân dân phường Thắng Lợi xác nhận cho phép hai bên mua bán nhà, còn “Đơn xin mua bán nhà” do ông Thành xuất trình chỉ là giấy viết tay, tuy có chữ ký của cụ Khoát và ông Thành nhưng không có chữ ký của bà Liên; hơn nữa, ngày 23/11/1999 cụ Khoát đã có đơn tuyên bố hủy bỏ các giấy tờ mà cụ đã xác lập với ông Thành trước đây với lý do các giấy tờ này ông Thành làm sẵn đem đến nhà cụ ký sau này (Đơn của cụ Khoát được Ủy ban nhân dân phường Thắng Lợi xác nhận). Đơn trên của cụ Khoát phù hợp với kết luận giám định số 2755/C21B ngày 01/10/2005 của Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an là: “Thời điểm xác lập tài liệu A1 (Đơn xin mua bán nhà giữa bà Mai Thị Khoát và bà Võ Thị Tuyết Sâm đề ngày 07/7/1990) với tài liệu A3 (Đơn xin mua bán nhà giữa bà Mai Thị Khoát và ông Lê Văn Ngọc Thành - bà Võ Thị Kim Liên đề ngày 07/7/1990) là không cùng một thời gian. Tài liệu ký hiệu A1 có trước tài liệu ký hiệu A3 có sau. Tài liệu ký hiệu A3 được phô tô ra từ bản phô tô của tài liệu ký hiệu A1 đã bị xoá phần nội dung chữ viết và hình dấu”. Như vậy, có cơ sở xác định ông Thành đã giả mạo chứng cứ để chứng minh ông và bà Liên là người mua căn nhà của cụ Khoát. Ngoài ra, ông Thành còn xuất trình bản photocopy “Giấy ủy quyền” ngày 20/12/1994 có nội dung cụ Sâm thừa nhận toàn bộ số tiền mua và sửa chữa căn nhà là của vợ chồng ông Thành, bà Liên; trong khi bà Liên cho rằng ông Thành giả mạo “Giấy ủy quyền” trên, nhưng ông Thành cũng không xuất trình được bản chính và các chứng cứ khác để chứng minh “Giấy ủy quyền” trên do cụ Sâm lập.
Trên thực tế, sau khi cụ Sâm chết thì ông Thành và bà Liên là người quản lý sử dụng căn nhà 52 Phan Chu Trinh; do đó việc ngày 01/7/1998 ông Thành, bà Liên ký “Hợp đồng cho thuê” căn nhà này, không phải là căn cứ để xác định căn nhà thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Thành, bà Liên. Trong trường hợp này, lẽ ra phải xác minh làm rõ cụ Sâm hay vợ chồng ông Thành và Liên là người mua căn nhà của cụ Khoát, có việc cụ Sâm cho ông Thành, bà Liên quyền sở hữu căn nhà hay chỉ giao quyền sử dụng căn nhà thì mới đủ căn cứ giải quyết tranh chấp về căn nhà này (vì ngoài và Liên, cụ Sâm còn có những người con khác). Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của ông Thành; “Giấy nhận tiền cọc bán nhà” đề ngày 05/7/1990 có nội dung cụ Khoát ký nhận tiền bán nhà (trong khi cụ Khoát đã hủy các giấy tờ mà cụ đã ký cho ông Thành, trong đó có “Giấy nhận tiền cọc bán nhà”); “Hợp đồng cho thuê nhà” ngày 01/7/1998 đứng tên ông Thành, bà Liên (sau khi cụ Sâm chết và duy nhất lời khai ngày 16/10/1996 (khi thuận tình ly hôn) của bà Liên trong đó có nội dung xác định căn nhà là tài sản chung, để xác định căn nhà có tranh chấp là của ông Thành, bà Liên để chia là không đủ căn cứ.
Về căn nhà số 116 Hai Bà Trưng (số cũ là 14D): Căn cứ trình bày của bà Liên và những người có liên quan thì nguồn gốc căn nhà này là tài sản của ông Phan Quang Trung. Ngày 19/10/1993, ông Trung ký hợp đồng bán căn nhà cho vợ chồng ông Thành, bà Liên, hợp đồng đã được công chứng xác nhận, nhưng sau đó hai bên chưa làm thủ tục sang tên, trước bạ theo quy định của pháp luật. Sau đó, ông Thành, bà Liên đồng ý cho ông Trung thuê lại căn nhà này để ở. Do cần tiền trả nợ khoản vay 100.000.000 đồng của bà Nguyễn Thị Hiền, nên ngày 28/11/1994, ông Thành, bà Liên bán căn nhà lại cho ông Trung với giá 23 cây vàng, ông Trung trả trước 4 cây (việc mua bán chỉ viết giấy tay). Do ông Trung không thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận, nên bà Liên đã khởi kiện yêu cầu ông Trung trả số tiền mua nhà còn thiếu. Tại Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, cụ Đào (là mẹ và là người đại diện cho ông Trung) cam kết thực hiện nghĩa vụ thay ông Trung, bà Liên đồng ý. Tại Quyết định số 26/QĐ ngày 09/07/1996, Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột công nhận sự thỏa thuận của các đương sự “ Về việc vợ chồng chị Võ Thị Kim Liên tiếp tục bán căn nhà cho anh Phan Quang Trung.. chấp nhận sự thỏa thuận giữa hai bên đương sự là bà Đào là người thay mặt anh Trung tiếp tục thực hiện cam kết”. Do cụ Đào và ông Trung không có tiền thanh toán cho bà Liên, nên năm 1997 bà Liên, mẹ con cụ Đào và bà Hiền đã thỏa thuận: bà Hiền nhận căn nhà để bù số nợ 100.000.000 đồng bà Liên đã vay; bà Liên trả lại ông Trung, cụ Đào 4 cây vàng; mẹ con cụ Đào giao căn nhà cho bà Hiền. Quá trình giải quyết vụ án, ông Thành thừa nhận: “trước đây năm 1995 bán cho anh Trung, nhưng mua bán không thành, đã kiện ra Tòa án thành phố Buôn Ma Thuột hòa giải thành cho anh Trung mua trả góp theo từng giai đoạn, nhưng anh Trung không thực hiện và xin lại tiền cọc, sau đó ai mua anh Trung ký bán giúp cho vì giấy vợ chồng tôi mua giấy tay. Thực tế, cuối năm 1997 cô Liên mới bán cho anh Hoàng Thành (chồng bà Nguyễn Thị Hiền) nhờ nguyên chủ cũ anh Trung ký bán giúp”.
Do ông Trung vẫn đứng tên sở hữu căn nhà, nên các đương sự thỏa thuận để ông Trung ký các giấy tờ làm thủ tục sang tên căn nhà cho bà Hiền và trên thực tế, căn nhà đã được sang tên cho bà Hiền từ năm 2002 (trước khi Tòa án cấp sơ thẩm xét xử sơ thẩm vụ kiện ngày 14/12/2005). Như vậy, có đủ cơ sở để xác định vợ chồng bà Hiền là người có quyền sở hữu căn nhà trên, nên việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm vẫn xác định căn nhà 116 Hai Bà Trưng là tài sản chồng của vợ chồng ông Thành, bà Liên để chia là không đúng.
Đối với khoản nợ bà Nguyễn Thị Ngọc Lan và bà Nguyễn Thị Tường Vi: bà Lan cho rằng vợ chồng ông Thành, bà Liên còn nợ bà tiền gốc là 250.000.000 đồng, khi vay có thế chấp rằng giấy tờ căn nhà 40 Phan Chu Trình; còn bà Vi thì cho rằng vợ chồng ông Thành, bà Liên còn nợ bà 50.000.000 đồng. Mặc dù, ông Thành không thừa nhận vay bà Lan và bà Vi, nhưng tại “Phiếu chi” ngày 09/3/1995 thể hiện ông Thành đã trả bà Lan và bà Vi 50.000.000 đồng là tiền lãi các tháng 11+12+1+2 “kèm theo 296.000.000 đồng chứng từ gốc”. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm xác định ông Thành, bà Liên có vay bà Lan và bà Vi là có cơ sở; tuy nhiên, cần phải xác minh làm rõ số nợ gốc ông Thành, bà Liên còn nợ bà Lan, bà Vi là bao nhiêu (vì số tiền lãi trong 4 tháng ông Thành đã phải trả bà Lan, bà Vi là 50.000.000 đồng) thì mới có cơ sở giải quyết khoản nợ của bà Lan, bà Vi. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không xác minh làm rõ vấn đề trên, nhưng xác định ông Thành, bà Liên chỉ nợ bà Lan 50.000.000 đồng, nợ bà Vi 50.000.000 đồng để buộc ông Thành, bà Liên trả nợ là không đủ căn cứ.
Đối với khoản nợ ông Nguyễn Văn Thái: Ngày 23/10/1996 ông Thành, bà Liên ký khế ước số 180/KD vay Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Phan Chu Trinh, thành phố Buôn Ma Thuột 130.000.000 đồng, thời hạn vay 2,5 tháng, lãi suất 1,25%/tháng. Theo bà Liên thì đến hạn trả nợ ngân hàng, bà đã phải vay ông Nguyễn Văn Thái 140.000.000 đồng, đưa ông Thành đi trả nợ ngân hàng. Lời khai của bà Liên phù hợp với lời khai cha ông Thái “ Cuối năm 1996, chị Liên vay tôi 140.000.000 đồng để trả nợ ngân hàng, khi tôi giao tiền cho chị Liên thì có mặt anh Thành ở nhà”. Thực tế, ngày 12/1997 ông Thành là người trực tiếp đến Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phan Chu Trinh trả 140.000.000 đồng. Quá trình giải quyết vụ án ông Thành không thừa nhận có nợ ông Thái, nhưng ông Thành không có chứng cứ chứng minh về nguồn gốc số tiền mà ông đã đem đến trả nợ Ngân hàng ngày 12/3/1997. Do đó trong trường hợp này phải xác định khoản nợ ông Thái là nợ chung của ông Thành và bà Liên, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ lời khai của ông Thành để xác định số tiền nợ ông Thái là nợ riêng của bà Liên là không đúng.
Đối với khoản nợ bà Nguyễn Thị Kim Thuận: bà Liên trình này có vay bà Thuận 350.000.000 đồng để đáo hạn các khoản vay khác khi doanh nghiệp của vợ chồng bà đang hoạt động (khi còn sống chung ông Thành và bà Liên có lập Công ty chuyên kinh doanh xuất khẩu gỗ), việc vay có thế chấp giấy tờ căn nhà 40 Phan Chu Trinh và lập thành hợp đồng được Ủy ban nhân dân phường Thắng Lợi xác nhận; và Thuận cũng có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc vợ chồng ông Thành, bà Liên trả nợ. Trong trường hợp này lẽ ra, phải xác minh làm rõ ông Thành có biết việc bà Liên thế chấp nhà để vay tiền của bà Thuận hay không, mục đích sử dụng khoản tiền vay này thì mới đó cơ sở xác định là nợ chung hay nợ riêng và phải giải quyết trong cùng vụ án mới đúng. Tòa án sơ thẩm chưa xác định làm rõ vấn đề trên, nhưng lại căn cứ vào lời khai của ông Thành để xác định khoản nợ bà Thuận là nợ riêng của bà Liên và tách việc vay nợ giữa bà Liên với và Thuận ra để giải quyết thành một vụ kiện khác là không có cơ sở và chưa giải quyết hết yêu cầu của đương sự.
Ngoài ra, việc giải quyết tranh chấp về các căn nhà và nợ có liên quan đến quyền lợi của nhiều người, như: nhưng người thừa kế của cụ Sâm (do cụ Sâm đã chết); mẹ con ông Trung, vợ chồng bà Hiền và các chủ nợ, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chưa đưa đủ, còn Toà án cấp phúc thẩm không đưa những người này tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
XÉT THẤY:
Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì nguồn gốc căn nhà số 52 Phan Chu Trinh là tài sản của cụ Mai Thị Khoát. Quá trình giải quyết vụ án, ông Thành cho rằng ông mua căn nhà này của cụ Khoát đồng thời xuất trình “Đơn xin mua bán nhà” đề ngày 07/07/1990 có nội dung cụ Khoát bán căn nhà cho ông và bà Liên và giấy nhận tiền cọc bán nhà đề ngày 05/7/1990 có nội dung cụ Khoát ký nhận tiền bán nhà do ông Thành giao. Trong khi đó, bà Liên cho rằng cụ Sâm (là mẹ của bà Liên) là người mua căn nhà của cụ Khoát, đồng thời bà Liên xuất trình “Đơn xin mua bán nhà” đề ngày 07/07/1990 và “Đơn xin mua bán” nhà đề ngày 06/11/1990 cùng có nội dung cụ Khoát bán căn nhà cho cụ Sâm.
Xem xét các tài liệu do các đương sự xuất trình thấy rằng “Đơn xin mua bán nhà” được một số cơ quan Nhà nước như Ngân hàng Công thương tỉnh Thuận Hải, Chi cục thuế thị xã Phan Thiết (nơi cụ Khoát sinh sống) và Ủy ban nhân dân phường Thắng Lợi xác nhận, còn “Đơn xin mua bán” và “Giấy nhận tiền cọc bán nhà” do ông Thành xuất trình tuy có chữ ký của cụ Khoát, nhưng không có chữ ký của bà Liên. Hơn nữa, ngày 23/11/1999 cụ Khoát đã có đơn tuyên bố hủy bỏ các giấy tờ mà cụ đã xác lập với ông Thành trước đây với lý do các giấy tờ này ông Thành làm sẵn đem đến nhờ cụ ký sau này và khẳng định cụ sâm là người mua căn nhà của cụ (Đơn của cụ Khoát được Ủy ban nhân dân phường Thắng Lợi xác nhận). Mặt khác tại kết luận giám định số 2755/C21B ngày 01/10/2005, Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an xác định: “Thời điểm xác lập tài liệu A1 (đơn xin mua bán nhà giữa bà Mai Thị Khoát và và Võ Thị Tuyết Sâm đề ngày 07/7/1990) với tài liệu A3 (Đơn xin mua bán nhà giữa bà Mai Thị Khoát và ông Lê Văn Ngọc Thành - bà Võ Thị Kim Liên đề ngày 07/7/1990) là không cùng một thời gian. Tài liệu ký hiệu A1 có trước, tài liệu ký hiệu A3 có sau. Tài liệu ký hiệu A3 được phô tô ra từ bản phô tô của tài liệu ký hiệu A1 đã bị xoá phần nội dung chữ viết và hình dấu”.
Như vậy, các đương sự có lời khai và xuất trình chứng cứ về người trực tiếp mua nhà. Tuy nhiên, các tài liệu do ông Thành xuất trình có dấu hiệu của sự giả mạo, sao chép và không phù hợp với diễn biến thực tế của việc mua bán nhà. Mặt khác, quá trình giải quyết vụ án các đương sự có lời khai mâu thuẫn về việc quản lý, sửa chữa căn nhà và đăng ký kê khai, đồng thời ông Thành xuất trình bản photocopy “Giấy ủy quyền” đề ngày 20/12/1994 có nội dung cụ Sâm thừa nhận vợ chồng ông Thành, bà Liên bỏ tiền mua và sửa chữa căn nhà nêu trên. Lẽ ra, phải xác minh làm rõ về người đứng tên kê khai, sửa chữa căn nhà (vì cụ Khoát là người đứng tên xin sửa chữa căn nhà); xem xét điều kiện, hoàn cảnh và đánh giá đúng về lời khai ngày 16/10/1996 của bà Liên (lời khai khi ly hôn bà Liên thừa nhận căn nhà trên là tài sản chung của vợ chồng bà), đồng thời yêu cầu ông Thành xuất trình bản chính “Giấy ủy quyền” đề ngày 20/12/1994 nêu trên thì mới đủ căn cứ xác định người có quyền sở hữu căn nhà và công sức của từng người trong việc sửa chữa căn nhà. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh đánh giá đầy đủ về các vấn đề nêu trên mà chỉ căn cứ vào lời khai của ông Thành và các tài liệu do ông Thành xuất trình để xác định căn nhà nêu trên là tài sản chung của ông Thành, bà Liên là chưa đủ căn cứ.
Nguồn gốc căn nhà 116 Hai Bà Trưng là của ông Phan Quang Trung, ngày 19/10/1993, ông Trung bán căn nhà cho vợ chồng ông Thành, bà Liên, nhưng chưa sang tên trước bạ. Do cần 100.000.000 đồng để trả khoản vay trước đó của bà Nguyễn Thị Hiền nên ngày 28/11/1994 ông Thành, bà Liên bán lại căn nhà cho ông Trung với giá 23 cây vàng, việc mua bán chỉ viết giấy tay ông Trung đã trả trước 4 cây. Sau đó, do ông Trung không trả đủ tiền, nên bà Liên khởi kiện và tại Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, cụ Đào (là mẹ và là người đại diện cho ông Trung) cam kết thực hiện nghĩa vụ thay ông Trung và bà Liên chấp nhận sự tự nguyện trên của cụ Đào, nên tại Quyết định số 26/QĐ ngày 09/7/1996, Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Nhưng cụ Đào cũng không có khả năng thanh toán cho vợ chồng ông Thành, bà Liên, nên năm 1997 bà Liên, mẹ con cụ Đào và bà Hiền đã thỏa thuận: bà Hiền nhận căn nhà để trừ 100.000.000 đồng bà Liên vay của bà Hiền, bà Liên trả lại ông Trung 4 cây vàng, ông Trung giao căn nhà lại cho bà Hiền. Vì ông Trung vẫn đứng tên chủ sở hữu căn nhà, nên năm 2002 ông Trung ký hợp đồng chuyển nhượng căn nhà nêu trên cho bà Hiền và bà Hiền đã hoàn thành thủ tục sang tên. Quá trình giải quyết vụ án, ông Thành cũng thừa nhận: “trước đây năm 1995 bán cho anh Trung, nhưng mua bán không thành, đã kiện ra Tòa án thành phố Buôn Ma Thuột hòa giải thành cho anh Trung mua trả góp theo từng giai đoạn, nhưng anh Trung không thực hiện và xin lại tiền cọc, sau đó ai mua anh Trung ký bán giúp cho vì giấy vợ chồng tôi mua giấy vay. Thực tế cuối năm 1997 cô Liên mới bán cho anh Hoàng Thành (chồng bà Nguyễn Thị Hiền) nhờ nguyên chủ cũ anh Trung bán giúp”. Như vậy, có cơ sở xác định vợ chồng ông Thành, bà Liên đã chuyển nhượng căn nhà này cho bà Hiền, nên bà Hiền là người có quyền sở hữu căn nhà. Do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm vẫn xác định căn nhà 116 Hai Bà Trưng là tài sản chung của vợ chồng ông Thành, bà Liên để chia là không đúng.
Đối với khoản nợ bà Nguyễn Thị Ngọc Lan và bà Nguyễn Thị Tường Vi: bà Liên trình bày vợ chồng bà còn nợ bà Lan 250.000.000 đồng tiền gốc, nợ bà Vi 50.000.000 đồng tiền gốc; ông Thành không thừa nhận trình bày của bà Liên, nhưng tại “Phiếu chi” ngày 09/3/1995 thể hiện ông Thành đã trả bà Lan và bà Vi 50.000.000 đồng là “tiền lãi các tháng 11+12+1+2..kèm theo 296.000.000 đồng chứng từ gốc”. Do đó, trong trường hợp này, lẽ ra phải xác minh làm rõ số tiền mà ông Thành, bà Liên vay của bà Lan bà Vi là bao nhiêu; số tiền đã trả lãi và gốc thì mới đủ cơ sở giải quyết khoản nợ của bà Lan, bà Vi. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh làm rõ vấn đề trên, nhưng đã xác định ông Thành, bà Liên chỉ nợ bà Lan 50.000.000 đồng, nợ bà Vi 50.000.000 đồng là không đủ căn cứ.
Đối với khoản vay của ông Nguyễn Văn Thái 140.000.000 đồng và khoản vay bà Nguyễn Thị Kim Thuận 350.000.000 đồng: Bà Liên trình bày ngày 23/10/1996 ông Thành và bà ký khế ước số 186/KD vay Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phan Chu Trinh, thành phố Buôn Ma Thuột là 130.000.000 đồng, thời hạn vay 2,5 tháng, lãi suất l,25%/tháng; đến hạn trả nợ bà Liên phải vay ông Thái 140.000.000 đồng để giao cho ông Thành trả nợ ngân hàng; bà cũng đã vay bà Thuận 350.000.000 đồng (thế chấp bằng giấy tờ căn nhà 40 Phan Chu Trinh, được Ủy ban nhân dân phường Thắng Lợi xác nhận) để đáo hạn các khoản nợ khác vì trong thời gian chung sống vợ chồng bà có lập Công ty kinh doanh xuất khẩu gỗ, nên cần vốn để kinh doanh. ông Thành không thừa nội dung trình bày của bà Liên; tuy nhiên, trong thực tế ngày 12/3/1997 ông Thành là người trực tiếp trả nợ Ngân hàng 140.000.000 đồng. Do đó, cần xác minh làm rõ nguồn gốc số tiền ông Thành đem trả Ngân hàng; xác minh, làm rõ khi bà Liên thế chấp giấy tờ nhà 40 Phan Chu Trinh để vay tiền của bà Thuận thì ông Thành có biết hay không, nếu biết thì ông Thành có ý kiến gì thì mới đủ cơ sở giải quyết 2 khoản vay này. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh làm rõ những vấn đề trên, nhưng đã xác định khoản vay của ông Thái, bà Thuận là nợ riêng của bà Liên là không đủ căn cứ và tách khoản vay bà Thuận ra để giải quyết thành một vụ kiện khác (trong khi bà Thuận đã có yêu cầu Tòa án giải quyết) là chưa giải quyết hết yêu cầu của đương sự.
Ngoài ra, việc giải quyết tranh chấp các căn nhà vay có liên quan đến quyền lợi của nhiều người, như: những người thừa kế của cụ Sâm (do cụ Sâm đã chết và những người thừa kế của cụ cũng đã có yêu cầu giải quyết); mẹ con ông Trung; vợ chồng bà Hiền và các chủ nợ, nhưng Tòa án cấp sơ thẩn chưa đưa đủ, còn Tòa án cấp phúc thẩm không đưa những người này tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Bởi các lẽ trên, căn cứ khoản 3 Điều 291; khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự.
QUYẾT ĐỊNH:
1- Hủy bỏ án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 47 ngày 24/7/2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng, hủy bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 10/2005/HNGĐST ngày 14/12/2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk về vụ án “Tranh chấp về chia tài sản khi ly hôn” giữa nguyên đơn là ông Lê Văn Ngọc Thành với bị đơn là bà Võ Thị Kim Liên.
2- Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk xét xử sơ thẩm tại theo đúng qui định của pháp luật.