Quyết định giám đốc thẩm xét xử về việc tranh chấp đòi lại di sản thừa kế của ông Phạm Văn Cư

Chủ đề   RSS   
  • #265476 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4353 lần


    Quyết định giám đốc thẩm xét xử về việc tranh chấp đòi lại di sản thừa kế của ông Phạm Văn Cư

    Số hiệu

    22/2010/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm xét xử về việc tranh chấp đòi lại di sản thừa kế của ông Phạm Văn Cư

    Ngày ban hành

    05/05/2010

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    Ngày 05 tháng 5 năm 2010, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp đòi lại di sản thừa kế giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Ông Phan Văn Cư, sinh năm 1948, Quốc tịch Mỹ; trú tại 4012 Oceanview BL Montrose CA 91020 USA (ông Cư uỷ quyền cho bà Hoàng Thị Ngọc Thuỷ, trú tại 323 Cách Mạng Tháng 8, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương theo văn  bản uỷ quyển ngày 22-3-2002).

    Bị đơn: Ông Phan Văn Đấu, sinh năm 1933, trú tại 31/6, tổ 6, khu 7, phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương (ông Đấu uỷ quyền cho ông Nguyễn Minh Trí, trú tại 100/5 Lê Quang Định, phường 14, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

     

    NHẬN THẤY:

    Theo đơn khởi kiện ngày 02-4-2002 và các lời khai tại Tòa án, nguyên đơn ông Phan Văn Cư trình bày: Cha mẹ ông là cụ Phan Văn Đờn và cụ Nguyễn Thị Kẻo có 01 người con chung là ông. Năm 1975, ông sang định cư tại Mỹ cụ Đờn và cụ Kẻo ở lại Việt Nam được các cháu trông nom, chủ yếu là ông Phan Văn Đấu. Cụ Đờn và cụ Kẻo tạo lập được căn nhà trên thửa đất có diện tích l.442,6m2 tại 23/5 Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương. Ngày 25-12-1993, cụ Đờn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 883,2m2 bao gồm 300m2 đất thổ cư và 583,2m2 đất nông nghiệp. Ngày 14-3-1996, cụ Đờn lập di chúc giao nhà đất nêu trên cho ông Đấu sử dụng, bảo quản ngôi nhà và đất, không được bán, chuyển nhượng, trao đổi cho người khác.

    Tháng 2-1997 cụ Kẻo chết không có di chúc, tháng 10-1997 cụ Đờn chết. Ngày 19-7-2000 Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở đối với 300m2 đất thổ cư cho vợ chồng ông Đấu, bà Võ Thị Quế.

    Ông yêu cầu được thừa kế toàn bộ nhà, đất của cha mẹ của ông vì cụ Đờn chỉ giao cho ông Đấu giữ hộ nhà, đất. Ông đồng ý trả công chăm sóc cha mẹ của ông cho ông Đấu tử 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng và đồng ý thanh toán giá trị các công trình ông Đấu đã xây dựng trên đất.

    Bị đơn, ông Phan Văn Đấu không đồng ý trả nhà, đất cho ông Cư vì cho rằng cụ Đờn đã di chúc cho ông toàn bộ nhà, đất và ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà vào năm 2000.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 07/DSST ngày 12-6-2003, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương quyết định:

    1. Chấp nhận một phần yêu cầu kiện của nguyên đơn ông Phan Văn Cư

    2. Hủy một phần nội dung di chúc do ông Phan Văn Đờn lập ngày 14-3-1996.

    3. Công nhận di sản thừa kế của bà Kẻo để lại được xác định trong khối tài sản chung của ông Đờn, bà Kẻo tri giá là 819.987.400đ/1.639.974.800đ.

    Phân chia khối di sản trên cho hai đồng thừa kế mỗi người một kỷ phần = 409.993.700đ

    4. Tuyên xử ông Phan Văn Cư được sở hữu giá tri 1/2 di sản thừa kế của bà Kẻo là 409.993.700đ do ông Đấu giao lại rằng giá trị.

    Ông Đấu được thừa hưởng di sản thừa kế của ông Đờn theo ý chí di chúc lập ngày 14-3-1996 có tổng tri giá là 1.229.981.100đ ông Đấu được sơ hữu quản lý, sử dụng toàn bộ tài sản bao gồm nhà + diện tích đất + cây trồng toạ lạc tại ấp Phú Thuận, Phú Hoà. Và ông Đấu có trách nhiệm thanh toán cho ông Cư 409.993.700đ.

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.

    Ngày 15-6-2003, ông Cư kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm.

    Ngày 21-6-2003, ông Đấu kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 281/DSPT ngày 25-8-2003, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định sửa bản án sơ thẩm như sau:

    - Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phan Văn Cư. Ông Phan Văn Cư được hưởng toàn bộ khối di sản do ông Phan Văn Đờn và bà Nguyễn Thị Kẻo để lại gồm: Căn nhà số 23/5 Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương trên phần diện tích đất. 1.442.6m2 gồm: 300m2 đất thổ cư và 1.142m2 đất nông nghiệp. Tổng trị giá: l.639.974.800đ.

    Ông Phan Văn Cư có quyền lập ủy quyền cho người đại diện nhận toàn bộ khối di sản trên do ông Đấu giao lại. Ông Cư được quyền liên hệ với chính quyền địa phương và cơ quan thi hành án để thực hiện việc nhận thừa kế khối di sản trên theo quy định tại Nghị định số81/2001/NĐ-CP ngày 05-1l-2001 của Chính phủ.

    - Buộc ông than Văn Đấu phải giao lại toàn bộ khối di sản do ông Phan Văn Đờn và bà Nguyễn Thị Kẻo để lại cho đại diện của ông Phan Văn Cư nhận cả phần diện tích nhà, vật kiến trúc khác mà ông Đấu đã xây dựng nguyên trạng theo biên bản định giá ngày 23-10-2002.

    - Buộc ông Phan Văn Cư phải hoàn lại cho ông Phan Văn Đấu phần giá trị nhà, vật kiến trúc khác trên đất với tổng số tiền là 131.664.000đ.

    - Hủy giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 295/GCN/2000 ngày 19-7-2000 do UBND tỉnh Bình Dương đã cấp cho ông Phan Văn Đấu và bà Võ Thị Quế về sở hữu nhà số 23/5 đường Lê Hồng Phong, phường Phú Hoà, thị xã Thủ Dầu Một và 300m2 đất ở và các loại giấy tờ khác đã cấp cho ông Phan Văn Dấu có nguồn gốc từ di sản của ông Phan Văn Đờn và bà Nguyễn Thị Kẻo để lại

    Các giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà số23986/XD-SH ngày 24-4-1993 và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số1381/GCN-SB ngày 25-2-1993 đã cấp cho ông Phan Văn Đờn có giá trị pháp luật.

    Ngoài ra, Toà án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Đấu khiếu nại không đồng ý với bản án phúc thẩm.

    Tại Quyết định số 33/KNDS ngày 17-5-2004, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy án sơ thẩm, phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm lại. Tại Quyết định giám đốc thẩm số10/HĐTP-DS ngày 06-8-2004, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao quyết định:

    Hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Bình Dương điều tra, xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Tại bản án dân sự sơ thẩm số 14/2006/DSST ngày 7-6-2006, Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương quyết định:

    1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Phan Văn Cư về việc chia di sản thừa kế của ông Phan Văn Đờn và bà Nguyễn Thị Kẻo.

    Ông Phan Văn Cư được hưởng 1/2 khối di sản do ông Phan Văn Đờn và bà Nguyễn Thị Kẻo để lại gồm căn nhà số 23/5 đường Lê Hồng Phong phường Phú Hòa, nay là phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương gắn liền diện tích 670,2m2 thuộc khu 2 (có bản vẽ kèm theo).

    Buộc ông Phan Văn Cư phải hoàn lại cho ông Đấu phần giá trị nhà mái lá bên cạnh nhà chính và nhà tole trước nhà chính với số tiền là 20.920.000đ.

    Tạm giao cho ông Phan Văn Đấu quản lý sử dụng 670,2m2 thuộc khu 1 (sơ đồ bản vẽ kèm theo) cho đến khi ông Đấu chết.

    Buộc ông Phan Văn Đấu phải giao lại căn nhà chính, nhà mái lá bên hông, nhà tole trước nhà chính gắn liền diện tích 670,2m2 thuộc khu 2 (có sơ đồ bản vẽ kèm theo) là di sản do bà Nguyễn Thị Kẻo để lại cho ông Phan Văn Cư.

    2. Kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương thu hồi, hủy giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 295/GCN/2000 ngày 19-7-2000 do Uỷ ban nhân dân tỉnh Binh Dương đã cấp cho ông Phan Văn Đấu và bà Võ Thị Quế.

    Các giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở số23986/XD-SH ngày 24-4-1993 và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số1381/GCN-SB ngày 25-2-1993 đã cấp cho ông Phan Văn Đờn có giá trì pháp luật.

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, chi phí đo đạc, định giá và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.

    Ngày 12-6-2006, ông Đấu kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm.

    Ngày 14-6-2006, ông Cư kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 430/2006/DSPT ngày 09-10-2006, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    - Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Phan Văn Cư.

    Hủy một phần nội dung di chúc của ông Phan Văn Đờn lập ngày 14-3-1996. Công nhận di sản của bà Nguyễn Thị Kẻo để lại được xác định trong khối tài sản chung cha ông Đờn, bà Kẻo trị giá là 1.425.014.918đ được phân chia cho hai thừa kế, mỗi phần được hưởng 712.507.459đ.

    - Ông Phan Văn Cư được sở hữu giá trị 1/2 di sản của bà Nguyễn Thị Kẻo là 712.507.459đ

    - Ông Phan Văn Đấu được thừa kế theo di chúc do ông Phan Văn Đờn lập ngày 14-3-1996 có tổng giá trị tài sản và 2.137.522.377đ ông Phan Văn đấu được sơ hữu quản lý, sử dụng toàn bộ tài bản gồm nhà, đất, cây trồng toạ lạc tại ấp Phú Thuận, Phú Hòa và có trách nhiệm thanh toán cho ông Phan Văn Cư 712.507.459đ

    Ngoài ra, Toà án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí, chi phí đo đạc.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Phan Văn Cư có đơn khiếu nại không đồng ý với bản án phúc thẩm.

    Tại Quyết định số482/2009/KN-DS ngày 04-9-2009, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm số 430/2006/DSST ngày 09-10- 2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ chí Minh; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và bản án dân sự sơ thẩm số 14/2006/DSST ngày 07-6-2006 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương; giao hổ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

     

    XÉT THẤY:

    Cụ Phan Văn Đờn và cụ Nguyễn Thị Kẻo có 01 người con chúng là ông Phan Văn Cư. Tài sản do hai cụ tạo lập là căn nhà nằm trên l.446,5m2 đất (trong đó có 106,lm2 thuộc hành lang bảo vệ đường bộ) tại 23/5 Lê Hồng Phong, phường Phú Hoà (nay là phường Phú Lợi), thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, trong hồ sơ vụ án không thể hiện cụ Đờn, cụ Kẻo còn có tài sản nào khác và có việc hai cụ phân chia tài sản. Cụ Kẻo chế tháng 02-1997 không để lại di chúc.

    Ngày 14-3-1996, cụ Đờn lập "Tờ di chúc" có nội dung xác định ngôi nhà trên đất thổ cư và đất nông nghiệp có diện tích 883,2m2 nêu trên là của cụ, cụ cho ông Phan Văn Đấu được toàn quyền sử dựng, bảo quản ngôi nhà và diện tích đất để ở, không được bán, chuyển nhượng, trao đổi cho người khác (văn bản này cụ Đờn ký, điểm chỉ và có xác nhận của chính quyền địa phương). Tháng 10-1997 cụ Đờn chết Như vậy, theo văn bản nêu trên thì ông Đấu chỉ là người quản lý, sử dụng di sản của cụ Đờn theo quy định tại khoản 1 Điều 641 Bộ luật dân sự năm 1995. vì vậy, khi ông Cư là người thừa kế duy nhất của cụ Kẻo, cụ Đờn có yêu cầu thì ông Đấu phải giao lại di sản của cụ Kẻo, cụ Đờn theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 642 Bộ luật dân sự năm 1995.

    Về việc xác định tài sản của cụ Đờn, cụ Kẻo: Ngày 25-12-1993 cụ Đờn chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với diện tích đất là 883,2m2 (trong đó bao gồm 300m2 đất thổ cư và 583,2m2 đất nông nghiệp); còn theo kết quả đo đạc thực tế ngày 10-02-2006 thì tổng diện tích đất tranh chấp là l.446,5m2 (trong đó có l06,lm2 thuộc hành lang bảo vệ đường bộ). Như vậy, diện tích đất dư là 457,2m2 so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà cụ Đờn được cấp, tại thời điểm cụ Đờn kê khai để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì diện tích đất này Nhà nước quy hoạch hành lang đường bộ, nên cụ Đờn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Trên thực tế, đến nay diện tích đất này vẫn chưa bị quy hoạch, mà hiện tại vợ chồng ông Đấu, bà Võ Thị Quế đang quản lý, sử dụng. Do đó, chỉ có căn cứ xác định căn nhà trên 883,2m2 đất là tài sản của cụ Đờn, cụ Kẻo, phần đất 457,2m2 ông Đấu bà Quế đang quản ly, sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân, trong trường hợp ông Đấu có yêu cầu sử dụng diện tích đất này, thì ông Đấu, bà Quế có thể liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục đăng ký kê khai quyền sử dựng diện tích 457,2m2 đất trên theo đúng quy định của pháp luật.

    Xét về quyền thừa kế nhà, đất của ông Cư thấy rằng trong thực tế ông Cư là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, ông Cư khai có góp vốn thành lập Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu A & H, được Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 07-02-2002. Trong trường hợp này, lẽ ra phải xác minh làm rõ hình thức ông Cư đầu tư tại Việt Nam; ông Cư có đủ điều kiện để sở hữu nhà ở gắn liền quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hay không? Sau khi xác minh nếu có đủ căn cứ xác định ông Cư thuộc đối tượng là người định cư ở nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở gắn liền quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật Việt Nam thì phải xác định ông Cư chỉ được thừa kế căn nhà gắn liền diện tích đất thổ cư 300m2 mà cha mẹ của ông để lại. Trường hợp ông Cư không đủ điều kiện sở hữu nhà ở gắn liền quyền sử dụng đất ở thì ông Cư chỉ được nhận giá trị căn nhà, giá trị quyền sử dụng 300m2 đất thổ cư, hoặc nếu có yêu cầu thì ông có thể chuyển giao cho người khác có đủ điều kiện sở hữu, sử dụng nhà, đất tại Việt Nam. Đối với 583,2m2 đất nông nghiệp, hiện tại ông Đấu bà Quế đang trực tiếp quản lý, sử dựng thì phải xác định ông Đấu, bà Quế có quyền tiếp tục được sử dụng nhưng phải thanh toán giá trị cho ông Cư sau khi trừ công sức chăm sóc cụ Đờn, cụ Kẻo và công sức duy trì, bảo quản tài sản cho vợ chồng ông Đấu, bà Quế mới đúng.

    Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm chưa xác minh về điều kiện sở hữu nhà ở gắn liền quyền sử dụng đất ở của ông Cư, chưa xem xét công sức của vợ chồng ông Đấu, bà Quế nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại chia thừa kế tài sản của cụ Đờn cụ Kẻo và giao cho ông Cư sử dụng căn nhà gắn liền 670,2m2 đất (bao gồm cả đất nông nghiệp do ông Đấu đang quản lý, sử dụng) là không đúng pháp luật; còn Toà án cấp phúc thẩm lại xác định ông Đấu có quyền sở hữu, quản lý, sử dụng, toàn bộ tài sản gồm nhà, đất, cây trồng" là trái với ý chí của cụ Đờn tại "Tờ di chúc" do cụ lập ngày 14-3-1996. Đồng thời Toà án cấp phúc thẩm quyết định "huỷ một phần nội dung di chúc của cụ Đờn" là không chính xác (vì Toà án chỉ có quyền xem xét xác định di chúc của cụ Đờn hợp pháp đối với phần tài sản của cụ, còn phần di chúc của cụ Đờn đối với phần tài sản của cụ Kẻo là không hợp pháp).

    Ngoài ra, như đã nêu trên vợ chồng ông Đấu, bà Quế là người trực tiếp quản lý sử dụng nhà, đất tranh chấp và có công sức chăm sóc cụ Đờn, cụ Kẻo khi hai cụ còn sống và mai táng khi hai cụ chết, nhưng Tòa án các cấp không đưa bà Quế tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là thiếu sót.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297 Bộ luật tố tụng dân sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    Huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 430/2006/DSPT ngày 09-10-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án dân sự sơ thẩm số 14/2006/DSST ngày 07-6-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương về vụ án dân sự tranh chấp đòi lại di sản thừa kế giữa nguyên đơn là ông Phan Văn Cư với bị đơn là ông Phan Văn Đấu;

    Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

     

     
    5171 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận