Số hiệu
|
20/2007/DS-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về hợp đồng vay tài sản"
|
Ngày ban hành
|
09/07/2007
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Dân sự
|
……..
Ngày 09 tháng 7 năm 2007, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “tranh chấp về hợp đồng vay tài sản” giữa:
Nguyên đơn: Công ty Du lịch Phú Yên có trụ sở tại nhà số 149X/B25 Tô Hiến Thành, phường 13, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh, do ông Lê Quang Bính đại diện theo ủy quyền theo giấy ủy quyền ngày 19-11-1999.
Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại Thịnh Phúc có trụ sở tại nhà số 153 Nguyễn Thông, phường 9, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, do ông Vưu Út-Giám đốc đại diện (sau đó đã bỏ trốn).
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Mạc Hữu Mẫn sinh năm 1940;
2. Bà Lê Thị Phấn sinh năm 1938;
Ông Mẫn và bà Phấn cùng trú tại nhà số 62 Dạ Nam, phường 2, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh.
NHẬN THẤY:
Tại đơn khởi kiện ngày 06-4-1998 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, Công ty Du lịch Phú Yên trình bày:
Ngày 10-8-1995, Công ty Du lịch Phú Yên (sau đây gọi tắt là Công ty Phú Yên) ký hợp đồng nhận ủy thác nhập khẩu hàng hóa số 29/HĐUT của Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Thịnh Phúc (sau đây gọi tắt là Công ty Thịnh Phúc) nhập khẩu 11 xe ô tô tải chuyên dùng (đã qua sử dụng) với giá 90.000 USD. Công ty Phú Yên đã nhập về 06 xe ô tô do Hàn Quốc sản xuất, trị giá 50.000 USD và giao cho Công ty Thịnh Phúc. Công ty Thịnh Phúc đã ký quỹ trước 5.000 USD, số tiền còn lại là 45.000 USD sẽ phải thanh toán trong thời hạn 180 ngày.
Ngày 27-11-1995, tại Phòng công chứng số 2 thành phố Hồ Chí Minh, ông Mạc Hữu Mẫn và bà Lê Thị Phấn ký cam kết thế chấp căn nhà số 62 Dạ Nam, phường 2, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh (thuộc quyền sở hữu của ông Mẫn, bà Phấn) để bảo lãnh cho Công ty Thịnh Phúc do ông Vưu Út đại diện, thực hiện hợp đồng ủy thác nhập khẩu số 29/HĐUT nêu trên. Ông Út (bên được bảo lãnh) với ông Mẫn và bà Phấn (người thế chấp) cam kết: “Trường hợp đáo hạn mà Công ty Thịnh Phúc không trả đủ nợ, lãi cho Công ty Phú Yên để thanh lý hợp đồng trên, chúng tôi đồng ý cho Công ty Phú Yên phát mãi nhà nói trên để trừ nợ, lãi và chi phí liên quan đến lô hàng mà không tranh chấp, khiếu nại gì”.
Tại “Biên bản đối chiếu và xác nhận công nợ” ngày 31-01-1998 giữa Công ty Phú Yên với Công ty Thịnh Phúc, Công ty Thịnh Phúc xác nhận đến ngày 31-01-1998 còn nợ Công ty Phú Yên tổng số tiền là 1.015.814.000 đồng (bao gồm 45.000 USD nợ của hợp đồng ủy thác số 29/HĐUT ngày 10-8-1998, lãi của tiền nợ do chậm trả tính từ tháng 4/1996 đến tháng 01/1998 là 14.850 USD và nợ tiền hàng cũ là 238.841.300 đồng) và đồng ý để Công ty Phú Yên tiến hành lập thủ tục phát mãi nhà số 62 Dạ Nam để thu hồi nợ.
Ngày 06-4-1998, Công ty Phú Yên khởi kiện tại Tòa kinh tế Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Công ty Thịnh Phúc thanh toán số nợ và lãi theo biên bản xác nhận công nợ nêu trên, tổng cộng là 1.015.814.000 đồng; trường hợp Công ty Thịnh Phúc không có khả năng thanh toán số nợ trên thì đề nghị Tòa án phát mãi căn nhà số 62 Dạ Nam để thanh toán nợ gốc và lãi theo luật định.
Bị đơn là Công ty Thịnh Phúc do ông Vưu Út-Giám đốc có lời khai duy nhất tại Tòa án ngày 20-5-1998 xác nhận: Công ty Thịnh Phúc còn nợ Công ty Phú Yên 45.000USD từ 01-4-1996 đến nay chưa thanh toán, Công ty Phú Yên áp dụng mức lãi suất quá cao, đề nghị thương lượng lại. Hợp đồng số 29/HĐUT ngày 10-8-1998 được đảm bảo bằng tài sản là nhà số 62 Dạ Nam, phường 2, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh; cam kết thanh toán trong hạn 3 tháng, quá hạn không trả được thì phát mãi nhà số 62 Dạ Nam. Ngoài ra, Công ty Thịnh Phúc còn nợ Công ty Phú Yên 238.841.300 đồng (số nợ này không có đảm bảo), Công ty Thịnh Phúc sẽ thanh toán trong hạn 18 tháng.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Lê Thị Phấn trình bày: Vợ chồng bà có bảo lãnh cho ông Út thực hiện hợp đồng ủy thác số 29/HĐUT ngày 10-8-1998 để nhập 6 chiếc xe ô tô chứ không bảo lãnh các việc khác. Vợ chồng bà không nợ Công ty Phú Yên, nên không có trách nhiệm gì về số nợ của ông Út đối với Công ty Phú Yên.
Tại quyết định chuyển vụ án số14/CH-KT ngày 26-8-1999, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xác định thỏa thuận ngày 31-01-1998 giữa hai bên ký kết với nhau nhằm xác định công nợ, mang tính dân sự, không phải là tranh chấp hợp đồng kinh tế mà là tranh chấp dân sự và được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 1588/DSST ngày 21-8-2001, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:
1- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Du lịch tỉnh Phú Yên.
Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại Thịnh Phúc. Do ông Vưu Út làm Giám đốc, trả cho Công ty Du lịch tỉnh Phú Yên số nợ còn thiếu của hợp đồng ủy thác số 29/HĐUT ngày 10-8-1995 là 989.086.247 đồng (chín trăm tám mươi chín triệu, tám mươi sáu ngàn, hai trăm bốn mươi bảy đồng) ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.
2- Kê biên căn nhà số 62 Dạ Nam, phường 2, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh thuộc sở hữu của ông Mạc Hữu Mẫn và bà Lê Thị Phấn, là tài sản thế chấp, để đảm bảo thi hành số tiền ở Điều 1 ở trên. Số tiền còn lại trong quá trình phát mãi nhà thì ông Mẫn và bà Phấn được nhận.
Nếu ông Mạc Hữu Mẫn và bà Lê Thị Phấn trả nợ cho Công ty Du lịch Phú Yên, thay Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại Thịnh Phúc, số tiền 989.086.247 đồng theo Điều 1 ở trên thì Công ty Du lịch Phú Yên phải trả giấy tờ nhà 62 Dạ Nam, phường 2, quận 8 cho ông Mẫn- bà Phấn, các giấy tờ bản chính gồm:
- Giấy phép mua bán, chuyển dịch nhà cửa số172/GP-UB ngày 01-3-1989.
- Bản vẽ hiện trạng nhà.
- Tờ khai chuyển dịch tài sản nộp thuế trước bạ ngày 18-3-1993.
- Biên lai thu lệ phí trước bạ số 004777 ngày 25-3-1993.
3- Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại Thịnh Phúc phải trả cho Công ty du lịch Phú Yên số tiền 238.841.300 đồng (hai trăm ba mươi tám triệu, tám trăm bốn mươi mốt ngàn, ba trăm đồng chẵn) ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, điều kiện thi hành án và tuyên quyền kháng cáo.
Ngày 27-8-2001, bà Phấn kháng cáo đề nghị xem xét, giải quyết lại vụ án và yêu cầu xét xử phải có bị đơn là Công ty Thịnh Phúc vì ông Vưu Út bỏ trốn thì còn các thành viên khác; Công ty Phú Yên phải đòi nợ họ, để vợ chồng bà không bị thiệt thòi.
Tại bản án dân sự phúc thẩm số 91/DSPT ngày 31-3-2003, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:
1- Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 1588/DSST ngày 21-8-2001 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
2- Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết lại từ đầu theo thủ tục chung.
Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.
Tại Quyết định tạm đình chỉ giải quyết sơ thẩm vụ án số32/2005/QĐ-TĐCDS ngày 20-4-2005, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:
1- Tạm đình chỉ xét xử sơ thẩm vụ án đã thụ lý số 1249/DSST ngày 04-7-2003 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc “Đòi nợ” giữa:
Nguyên đơn: Công ty Du lịch tỉnh Phú Yên
Địa chỉ: 149X/B25 Tô Hiến Thành, phường 13, quận 10.
Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại Thịnh Phúc
Địa chỉ: 153 Nguyễn Thông, phường 9, quận 3.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Ông Mạc Hữu Mẫn sinh năm 1940;
- Bà Lê Thị Phấn sinh năm 1938;
Trú tại: 62 Dạ Nam, phường 2, quận 8.
2- Tòa án sẽ tiếp tục giải quyết vụ kiện và tính án phí khi lý do tạm đình chỉ không còn.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo.
Ngày 05-9-2005, bà Phấn kháng cáo cho rằng Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh không xét xử mà ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết sơ thẩm vụ án là không thỏa đáng, là thiệt thòi cho vợ chồng bà.
Tại Quyết định phúc thẩm số 506/2005/DSPT ngày 30-12-2005, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:
1- Hủy quyết định tạm đình chỉ giải quyết sơ thẩm vụ án số32/2005/QĐ-TĐCDS ngày 20-4-2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giữa:
Nguyên đơn: Công ty Du lịch tỉnh Phú Yên.
Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại Thịnh Phúc.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Ông Mạc Hữu Mẫn sinh năm 1940;
- Bà Lê Thị Phấn sinh năm 1938.
2- Giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết vụ án theo trình tự sơ thẩm và theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.
Tại Công văn số363/CV-TDS ngày 27-02-2006, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị quyết định phúc thẩm số 506/2005/DSPT nêu trên.
Tại Quyết định kháng nghị số95/2007/KN-DS ngày 25-5-2007, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị Quyết định phúc thẩm số 506/2005/DSPT ngày 30-12-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ Quyết định phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật với nhận định:
Ngày 21-8-2001, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm (bản án dân sự sơ thẩm số 1588/DSST ngày 21-8-2001). Ngày 27-8-2001, bà Phấn có đơn kháng cáo đối với toàn bộ bản án sơ thẩm. Tại bản án phúc thẩm số 91/PTDS ngày 31-3-2003, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định hủy bản án dân sự sơ thẩm số 1588/DSST ngày 21-8-2001 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết lại theo thủ tục chung (Tham gia Hội đồng xét xử phúc thẩm có Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hồ Trung Hiếu).
Tại Quyết định số32/2005/QĐ-TĐCDS ngày 20-4-2005, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, với nhận định là nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ của bị đơn. Ngày 05-9-2005, bà Phấn, ông Mẫn kháng cáo. Tại Quyết định phúc thẩm số 506/2005/DSPT ngày 30-12-2005, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định hủy Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án số32/2005/QĐ-TĐCDS ngày 20-4-2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật (Tham gia Hội đồng xét xử phúc thẩm có Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hồ Trung Hiếu).
Như vậy, Thẩm phán Hồ Trung Hiếu đã tham gia Hội đồng xét xử phúc thẩm để xét xử vụ án này vào ngày 31-3-2003; sau đó, Thẩm phán Hồ Trung Hiếu lại tham gia Hội đồng xét xử phúc thẩm để xét xử lại vụ án vào ngày 30-12-2005, là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Bộ luật tố tụng dân sự.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận Kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
XÉT THẤY:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Bộ luật tố tụng dân sự thì Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu họ đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ án đó.
Thẩm phán Hồ Trung Hiếu đã tham gia xét xử phúc thẩm vụ án vào ngày 31-3-2003 và ngày 30-12-2005 lại tham gia xét xử phúc thẩm về cùng một vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là Công ty Du lịch Phú Yên với bị đơn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại Thịnh Phúc; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Mạc Hữu Mẫn và bà Lê Thị Phấn, là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Vì lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297, khoản 3 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự.
QUYẾT ĐỊNH:
1. Hủy Quyết định phúc thẩm số 506/2005/DSPT ngày 30-12-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh về vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là Công ty Du lịch Phú Yên với bị đơn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại Thịnh Phúc.
2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Lý do quyết định phúc thẩm bị hủy:
Thẩm phán đã tham gia xét xử phúc thẩm hai lần đối với cùng một vụ án.