Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp thừa kế tài sản"

Chủ đề   RSS   
  • #265439 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp thừa kế tài sản"

    Số hiệu

    23/2009/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp thừa kế tài sản"

    Ngày ban hành

    04/09/2009

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ……..

    Ngày 04 tháng 9 năm 2009, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “tranh chấp thừa kế tài sản” giữa:

    Nguyên đơn: Ông Đặng Chí Long, sinh năm 1949; trú tại số 20 Lý Thường Kiệt, phường 2, thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre; tạm trú tại số 15 đường Quang Trung, thị trấn Trảng Bảng, huyện Trảng Bảng, tỉnh Tây Ninh.

    Bị đơn:

    1. Bà Đặng Thị Yến, sinh năm 1960;

    2. Ông Võ Văn Đực, sinh năm 1953;

    Cùng trú tại số 0912 tổ 6, ấp Phước Đức, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Bà Nguyễn Thị Lang, sinh năm 1945; trú tại số 6409 Stanjort St, Arlington, Texas, USA.

    2. Ông Đặng Chí Tài, sinh năm 1951; trú tại số 0912 tổ 6, ấp Phước Đức, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

    3. Bà Đặng Thị Cúc, sinh năm 1956; trú tại tổ 6, ấp Chợ, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.

    4. Bà Đặng Thị Mỹ Châu, sinh năm 1962;

    5. Ông Đặng Văn Thượng, sinh năm 1964;

    6. Bà Đặng Thị Mỹ Ngọc, sinh năm 1968;

    Cùng trú tại số 15 đường Quang Trung, ấp Lộc Thành, thị trấn Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

    7. Bà Đặng Thị Nham, sinh năm 1964;

    8. Chị Đặng Thị Gái, sinh năm 1981;

    Cùng trú tại Ô Bàu Tre, ấp Lộc Trát, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

    9. Chị Võ Đặng Kiều Oanh, sinh năm 1979; Trú tại tổ 6, ấp Phước Đức, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

    NHẬN THẤY:

    Tại đơn khởi kiện năm 2001 và trong quá trình giải quyết, nguyên đơn là ông Đặng Chí Long trình bày: Vợ chồng cụ Đặng Văn Thiệp (chết năm 1967), cụ Nguyễn Thị Vốn (chết năm 1994) có 9 người con chung là các ông bà Nguyễn Thị Lang, Đặng Chí Long, Đặng Chí Tài, Đặng Thị Cúc, Đặng Thị Yến, Đặng Thị Mỹ Ngọc, Đặng Văn Nhơn (ông Nhơn bị tâm thần, đã giết chết mẹ vợ cùng con gái, sau đó bỏ đi từ 1988, có vợ là Đặng Thị Nham và con là Đặng Thị Gái), Đặng Thị Mỹ Châu, Đặng Văn Thượng. Về tài sản vợ chồng cụ Thiệp tạo lập được căn nhà số 15 đường Quang Trung, ấp Lộc Thành, thị trấn Trảng Bảng (hiện do ông Thượng quản lý sử dụng) và diện tích 6.930 m2 (số đo thực tế 6.270,5 m2) đất vườn tại ấp Phước Đức, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh (hiện vợ chồng bà Yến đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 3.400 m2, phần còn lại do ông Tài sử dụng nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Ông Long yêu cầu chia thừa kế toàn bộ diện tích đất nêu trên cho các thừa kế của hai cụ; riêng căn nhà số 15 Quang Trung để cho ông Thượng quản lý làm nơi thờ cúng, không yêu cầu chia.

    Bị đơn là bà Đặng Thị Yến trình bày thống nhất với nguyên đơn về quan hệ huyết thống; về nguồn gốc nhà, đất là của cha mẹ, nhưng cho rằng khi còn sống cụ Vốn đã cho bà diện tích 3.400m2 đất và chồng của bà đã kê khai, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, nên không đồng ý chia thừa kế phần đất này (bà Yến không yêu cầu chia nhà số 15 đường Quang Trung). Ngoài ra, bà Yến còn cho rằng cha mẹ còn để lại một phần đất gần kênh Sáng thuộc ấp An Thành, xã An Tịnh nhưng bà Nham (vợ ông Nhơn) đã bán nên bà không yêu cầu chia.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các ông bà Đặng Chí Tài, Đặng Thị Cúc, Đặng Thị Mỹ Châu, Đặng Văn Thượng, Đặng Thị Mỹ Ngọc, Đặng Thị Nham và Đặng Thị Gái thống nhất yêu cầu của nguyên đơn, riêng ông Tài xác định phần đất 3.240m2 hiện ông đang quản lý, sử dụng (chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng) là di sản của cha mẹ và đồng ý chia cho những người thừa kế của vợ chồng cụ Vốn.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Võ Đặng Kiều Oanh cho rằng đã làm nhà và trồng cây trên phần đất đang tranh chấp; chị Oanh cam kết chấp hành theo quyết định của Tòa án và xin được bồi thường nhà, cây theo quy định của pháp luật.

    Tại Quyết định tạm đình chỉ số26/QĐ-TĐC ngày 24-9-2002, Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh quyết định:

    Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự “tranh chấp di sản thừa kế” đã thụ lý số 43/DSST ngày 25-6-2002 giữa ông Đặng Chí Long và bà Đặng Thị Yến.

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

    Tại Quyết định số126/QĐ-KN-DS ngày 07-10-2002, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh kháng nghị Quyết định tạm đình chỉ số26/QĐ-TĐC ngày 24-9-2002 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh; đề nghị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm hủy quyết định tạm đình chỉ nêu; giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh để xét xử sơ thẩm.

    Tại Quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án số 71/PTDS ngày 19-3-2003, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    Hủy Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án số26/QĐ-TĐC ngày 24-9-2002 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh.

    Giao toàn bộ hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh để tiếp tục thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

    Ông Đặng Chí Long, bà Đặng Thị Cúc không phải nộp án phí phúc thẩm.

    Tại Quyết định số22/QĐ-TĐC ngày 27-11-2003, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh quyết định:

    Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự đã thụ lý số26/ST-DS ngày       10-6-2003 về việc tranh chấp di sản thừa kế giữa nguyên đơn là ông Đặng Chí Long và bị đơn là bà Đặng Thị Yến; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các ông bà Nguyễn Thị Lang, Đặng Chí Tài, Đặng Thị Cúc, Đặng Mỹ Châu, Đặng Văn Thượng, Đặng Mỹ Ngọc, Võ Văn Đực, Đặng Thị Nham và các anh chị Võ Đặng Kiều Oanh, Nguyễn Kim Long, Đặng Thị Gái.

    Vụ án sẽ được tiếp tục giải quyết khi lý do tạm đình chỉ không còn.

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo.

    Ngày 10-12-2003, ông Long có đơn kháng cáo. Ngày 18-12-2003, ông Long rút đơn kháng cáo.

    Tại Quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm số 44/DSPT ngày 25-02-2004, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

    Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm đối với Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án số22/QĐ-TĐC ngày 27-11-2003 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh.

    Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án số22/QĐ-TĐC ngày 27-11-2003 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh có hiệu lực pháp luật.

    Ông Đặng Chí Long không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

    Giao hồ sơ vụ án về cho Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh thụ lý và giải quyết, khi lý do tạm đình chỉ không còn.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 17/2005/DSST ngày 23-8­-2005, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã quyết định:

    1- Chấp nhận yêu cầu chia thừa kế di sản của ông Đặng Chí Long.

    Ông Long được quyền sử dụng phần di sản là quyền sử dụng đất có diện tich 681 m2 có tứ cận: Đông giáp đất ông Thuyền (dài 6 m); Tây giáp đường 784 (dài 6 m); Nam giáp đường đất (dài 113,5 m); Bắc giáp đất bà Yến (dài 113,5 m).

    Bà Đặng Thị Yến được quyền sử dụng phần đất có diện tích 986,58m2 có tứ cận: Đông giáp đất ông Thuyền (dài 7,4 m); Tây giáp đường 784 (dài 10m); Nam giáp đất ông Long (dài 113,5 m); Bắc giáp đất bà Ngọc (dài 113,5 m).

    Bà Đặng Thị Mỹ Ngọc được quyền sử dụng phần đất có  diện tích 681m2 có tứ cận: Đông giáp đất ông Thuyền ( dài 6 m); Tây giáp đường 784 (dài 6m); Nam giáp đất bà Yến (dài 113,5m); Bắc giáp đất bà Châu (dài 113,5m).

    Bà Đặng Thị Mỹ Châu được quyền sử dụng phần đất có  diện tích 618m2 có tứ cận: Đông giáp đất ông Thuyền ( dài 6m); Tây giáp đường 784 (dài 6m); Nam giáp đất bà Ngọc (dài 113,5m); Bắc giáp đất ông Tài (dài 113,5m).

    Ông Long giao lại cho bà Cúc 44.500.000 đồng, giao cho ông Thượng  1.100.000 đồng.

    Bà Châu giao lại cho bà Nguyễn Thị Lang do chị Nguyễn Thị Thùy Dương đại diện nhận 44.500.000 đồng, giao cho ông Thượng 1.100.000 đồng.

    Bà Ngọc giao lại cho vợ con ông Nhơn là bà Đặng Thị Nham và chị Đặng Thị Gái  số tiền 44.500.000 đồng, giao lại cho ông Thượng 1.100.000 đồng.

    Bà Yến giao lại cho ông Đặng Chí Tài 44.500.000 đồng, giao lại cho ông Thượng 41.500.000 đồng.

    2- Bà Châu được sở hữu căn nhà do chị Võ Đặng Kiều Oanh xây có diện tích 36m2, lợp tôn, nền gạch bông, gạch tàu, tường gạch. Ghi nhận bà Châu hoàn trả giá trị nhà cho chị Oanh là 10 triệu đồng, chị Oanh có trách nhiệm dọn quán cà phê giao lại nhà, đất cho bà Châu.

    3- Ông Long được sở hữu cây vú sữa trên phần đất được chia do bà Yến trồng trên 10 năm tuổi nên ông Long có trách nhiệm bồi thường cho bà Yến 80.000 đồng giá trị cây.

    Bà Ngọc được sở hữu 1 cây mít, 1 cây me, 1 cây hồng quân do bà Yến trồng trên 10 năm tuổi và bà Ngọc có trách nhiệm bồi thường cho bà Yến 240.000 đồng giá trị cây.

    Bà Châu được sở hữu một cây hồng quân do bà Yến trồng trên mười năm tuổi, bà Ngọc hoàn trả cho bà Yến 80.000 đồng giá trị cây.

    Bà Yến được thu hoạch toàn bộ cây tràm trên phần đất giao cho người khác.

    4- Phần đất ông Tài đang quản lý thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân huyện Gò Dầu.

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, điều kiện thi hành và quyền kháng cáo.

    Ngày 01-9-2005, bà Yến có kháng cáo cho rằng diện tích đất do vợ chồng bà đang sử dụng đã được cụ Vốn cho; vợ chồng bà đã kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không đồng ý chia theo yêu cầu của nguyên đơn mà yêu cầu chia thừa kế căn nhà số 15 Quang Trung, ấp Lộc Thành, thị trấn Trảng Bàng.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 127/2006/DSPT ngày 10-4-2006, Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

    Không chấp nhận kháng cáo của bà Yến xin không chia di sản thừa kế phần đất ông Đực (chồng bà Yến) đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sửa một phần bản án sơ thẩm về phần phân chia thừa kế bằng hiện vật như sau:

    1- Chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Đặng Chí Long như sau:

    - Ông Long được sử dụng phần di sản thừa kế là quyền sử dụng đất có kích thước và tứ cận như sau: phía Đông dài 6m giáp đất ông Thuyền; phía Tây dài 6m giáp đường 784; phía Nam dài 113,5m giáp đường đất; phía Bắc dài 113,5m giáp đất bà Yến.

    - Bà Đặng Thị Yến được sử dụng phần đất có kích thước và tứ cận như sau: phía Đông dài 7,4m giáp đất ông Thuyền; phía Tây dài 10 m giáp đường 784; phía Nam dài 113,5m giáp đất ông Long; phía Bắc dài 113,5m giáp đất bà Ngọc.

    - Bà Đặng Thị Mỹ Ngọc được quyền sử dụng phần đất có kích thước và tứ cận như sau: phía Đông dài 6m giáp đất ông Thuyền; phía Tây dài 6m giáp đường 784; phía Nam dài 113,5m giáp đất bà Yến; phía Bắc dài 113,5m giáp đất bà Châu.

    - Bà Đặng Thị Mỹ Châu được quyền sử dụng phần đất có kích thước và tứ cận như sau: phía Đông dài 6m giáp đất ông Thuyền; phía Tây dài 6m giáp đường 784; phía Nam dài 113,5m giáp đất bà Ngọc; phía Bắc dài 113,5m giáp đất ông Tài.

    - Các đương sự Đặng Chí Long, Đặng Thị Yến, Đặng Thị Mỹ Ngọc, Đặng Thị Mỹ Châu được quyền liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền xin được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất được phân chia chia theo kích thước và tứ cận nêu trên đối với diện tích tương ứng cho từng lô đất sau khi phân chia theo bản án này và theo quy định của pháp luật.

    - Ông Long phải trả cho bà Cúc số tiền 44.500.000 đồng và trả cho ông Đặng Văn Thượng 1.100.000 đồng.

    - Bà Châu phải giao lại cho bà Nguyễn Thị Lang do chị Nguyễn Thị Thùy Dương đại diện nhận số tiền 44.500.000 đồng và giao cho ông Thượng 1.100.000 đồng.

    - Bà Ngọc phải giao cho ông Nhơn do bà Đặng Thị Nham và chị Đặng Thị Gái đại diện nhận số tiền 44.500.000 đồng, giao lại cho ông Thượng 1.100.000 đồng.

    - Bà Yến phải giao lại cho ông Đặng Chí Tài số tiền 44.500.000 đồng và giao cho ông Thượng 41.500.000 đồng.

    2- Giành quyền khởi kiện về chia di sản thừa kế căn nhà thuộc ấp Thạnh An, xã An Tịnh, huyện Trảng Bảng cho bà Yến và các đương sự xin được chia di sản thừa kế bằng một vụ kiện dân sự khác khi các yêu cầu đó phù hợp với pháp luật.

    3- Các đương sự được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét và giải quyết việc phân lô đất do ông Tài quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật.

    - Bà Yến không phải nộp án phí dân sự theo quy định của pháp luật.

    - Các quyết định khác của bản án sơ thẩm dân sự số 17/2005/DSST ngày   24-8-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh không có kháng cáo kháng nghị có hiệu lực pháp luật.

    Ngày 29-4-2006, bà Yến có đơn khiếu nại.

    Tại Quyết định số124/2009/KN-DS ngày 03-4-2009, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 127/2006/DSPT ngày 10-4-2006 của Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 17/2005/DSST ngày 23-8-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận Kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì quá trình giải quyết vụ án, các đương sự đều thừa nhận vợ chồng cụ Thiệp, cụ Vốn tạo lập được căn nhà số 15 đường Quang Trung, ấp Lộc Thành, thị trấn Trảng Bảng (hiện do ông Thượng quản lý sử dụng) và diện tích 6.270,5m2 đất vườn tại ấp Phước Đức, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh (hiện tại vợ chồng bà Yến quản lý sử dụng 3.030,5m2 đất và đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ông Tài quản lý sử dụng 3.240m2 chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Ông Long và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu chia thừa kế diện tích 6.270,5m2 đất nêu trên, không yêu cầu cầu chia căn nhà số 15 đường Quang Trung. Riêng bà Yến cho rằng khi còn sống cụ Vốn đã cho vợ chồng bà diện tích đất mà vợ chồng bà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không đồng ý chia thừa kế phần đất này).

    Theo lời khai của các ông bà Long, Cúc, Châu, Thượng, Ngọc thì sau khi giải phóng miền Nam, cụ Vốn có cất nhà lá, vách đất trên diện tích đất đang có tranh chấp để cụ Vốn, bà Yến, ông Nhơn ở; khi bà Yến đi xây dựng gia đình thì ông Nhơn sử dụng căn nhà trên; do nhà cũ bị hư hỏng, năm 1979 vợ chồng bà Yến và năm 1985 vợ chồng ông Tài về cất nhà mới trên diện tích đất nêu trên để ở. Riêng ông Long cho rằng vợ chồng bà Yến chỉ sửa lại căn nhà do cụ Vốn cất thành nhà xây tường, lợp tôn. Trong khi đó, vợ chồng bà Yến xác định khoảng năm 1975, ông Nhơn cất nhà lợp lá, vách đất để ở và khi ông Nhơn không ở thì nhà này bị hư; vợ chồng bà Yến cất nhà khác bên cạnh, sau đó cụ Vốn đưa vợ chồng ông Tài về cất nhà ở trên đất này. Tuy nhiên, tại phiên Tòa phúc thẩm ngày 10-4-2006, bà Yến, ông Tài lại xác định nhà, đất ông Tài đang quản lý là của vợ chồng cụ Vốn và các đương sự đều có yêu cầu chia nhà đất này (riêng bà Yến chỉ yêu cầu chia nhà, không yêu cầu chia đất). Ngoài ra, theo lời khai của bà Yến, ông Tài và các biên bản đo đạc, định giá ngày 11-6-2004, Biên bản xác minh ngày 21-3-2006 thì trên phần đất ông Tài đang quản lý sử dụng có 2 bụi tre tàu (hiện đã lụi tàn, chỉ còn khoảng 3-4 cây) do cụ Vốn trồng. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh, làm rõ căn nhà do cụ Vốn xây cất có phải là nhà do vợ chồng bà Yến sửa chữa lại hay là căn nhà do ông Tài đang ở hiện nay cũng như phần đất do ông Tài đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ được quy định tại các khoản 1, 2, 5 Điều 50 Luật đất đai năm 2003 và các đương sự có tranh chấp 2 bụi tre tàu nêu trên hay không, nhưng đã giải quyết vụ án là chưa đủ căn cứ. Mặt khác, phần đất hiện ông Tài đang quản lý sử dụng là một phần liền thửa trong diện tích 6.270,5m2  của vợ chồng cụ Vốn và ông Tài thừa nhận đất này của vợ chồng cụ Vốn để lại nên đồng ý chia thừa kế. Lẽ ra, phải xác định diện tích đất do ông Tài quản lý sử dụng là di sản của vợ chồng cụ Vốn để chia thừa kế mới đúng. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào xác nhận của cán bộ địa chính xã Phước Đông về việc ông Tài chưa đăng ký nên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác định phần đất hiện do ông Tài đang quản lý sử dụng không có một trong các giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2, 5 Điều 50 Luật đất đai và trên đất không có tài sản của vợ chồng cụ Vốn, từ đó cho rằng không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là không đúng. Thực tế, phần đất do bà Yến quản lý sử dụng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Võ Văn Đực (chồng của bà Yến) từ khi cụ Vốn còn sống. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh làm rõ việc đăng ký kê khai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên có đúng các quy định của pháp luật đất đai và trên cơ sở xem xét đánh giá cùng các chứng cứ khác để xác định phần đất này có còn là di sản thừa kế của vợ chồng cụ Vốn hay không, mà đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để chia thừa kế là chưa đủ căn cứ vững chắc.

    Mặt khác, trong quá trình giải quyết vụ án, chị Nguyễn Thị Thùy Dương xuất trình giấy ủy quyền đề ngày 25-11-2003 mang tên bà Nguyễn Thị Lang (cư trú tại số 6409 Stanford St, Arlington, Texas, USA) để cho rằng bà Lang ủy quyền cho chị Dương được “quyền cư ngụ trên diện tích 6.930 m2 đất, nhưng không được quyền chuyển nhượng”. Giấy ủy quyền nêu trên không có nội dung bà Lang ủy quyền cho chị Dương tham gia tố tụng và chưa được hợp pháp hóa lãnh sự nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm vẫn chấp nhận là trái với quy định tại điều 26 Pháp lệnh lãnh sự.

    Do đó, cần phải huỷ bản án dân sự và sơ thẩm và bản án dân sự phúc thẩm nêu trên để xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và giải quyết sơ thẩm lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của các đương sự.

    Thực tế, sau khi xét xử sơ thẩm, bà Yến có yêu cầu xin chia thừa kế căn nhà số 15 đường Quang Trung nhưng Tòa án cấp phúc thẩm tách ra để giải quyết bằng vụ án khác. Hơn nữa, tại đơn khiếu nại ngày 05-5-2009, ông Long cho rằng đã chuyển nhượng 690,6m2 đất được chia theo bản án phúc thẩm nêu trên cho vợ chồng ông Huỳnh Giang Hải, sau đó vợ chồng ông Hải đã chuyển nhượng 330 m2/690,6m2 cho vợ chồng ông Nguyễn Anh Mỹ, còn bà Yến đã chuyển nhượng 204m2 đất cho bà Nguyễn Ngọc Tâm, ông Nguyễn Văn Hưởng. Vì vậy, khi giải quyết lại vụ án, cần phải xem xét giải quyết yêu cầu của bà Yến và đưa những người đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Long, bà Yến tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để đảm bảo quyền lợi của họ.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297, khoản 1 và 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự.

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 127/2006/DSPT ngày 10-4-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 17/2005/DSST ngày 23-8­-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh về vụ án “tranh chấp thừa kế tài sản” giữa nguyên đơn là ông Đặng Chí Long với bị đơn là bà Đặng Thị Yến, ông Võ Văn Đực; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các ông bà Nguyễn Thị Lang, Đặng Chí Tài, Đặng Thị Cúc, Đặng Thị Mỹ Châu, Đặng Văn Thượng, Đặng Thị Mỹ Ngọc, Đặng Thị Nham và các chị Đặng Thị Gái, Võ Đặng Kiều  Oanh.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác định rõ đất đang tranh chấp có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án không, đất tranh chấp có còn là di sản thừa kế không, và cần đưa những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia vụ án.

     
    6082 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận