Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất" của bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt

Chủ đề   RSS   
  • #265450 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4353 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất" của bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt

    Số hiệu

    07/2010/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất" của bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt

    Ngày ban hành

    10/03/2010

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    …..

    Ngày 10-03-2010, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm, xét xử vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất giữa:

    Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, sinh năm 1959; trú tại: 6/78 khu phố 3,đường Trần Phú, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

    Bị đơn: Cụ Trần Nhứt Nghệ, sinh năm 1931; trú tại: ấp An Hoà, xã An Lạc, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Cụ Nguyễn Ngọc Chẩn,sinh năm 1923

    2. Ông Nguyễn Ngọc Ẩn, sinh năm 1961

    Cụ Chẩn và ông Ẩn cùng trú tại 6/78A, khu phố 3, đường Trần Phú, phường Cái Khế,quận Ninh Kiều – Thành Phố Cần Thơ.

    NHẬN THÂY:

    Theo đơn khởi kiện đề ngày 12-3-1997, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt trình bày:

    Ngày 7-8-1984 vợ chồng cụ Trần Nhứt Nghệ, cụ Nguyễn Thị Hai chuyển nhượng cho cha của bà là cụ Nguyễn Ngọc Chẩn 2 công đất (2.600 m2) giá 100 giạ lúa nhưng để cho anh trai của bà là ông Nguyễn Ngọc Ẩn đứng tên đồng thời xuất trình tờ "Giấy tay sang đất ruộng" lập ngày 7-8-1984.

    Sau khi sang nhượng đất, gia đình bà quản lý sử dụng, đến năm 1989 thì cụ Nghệ chiếm lại đất, gia đình bà có khiếu nại đến Uỷ ban nhân dân huyện Kế Sách. Uỷ ban nhân dân huyện Kế Sách ban hành Quyết định số 60/QĐ.UBH.89 ngày 5-9-1989 thu hồi 2 công đất của gia đình cụ Nghệ để giao cho gia đình bà nhưng cụ Nghệ không chấp hành. Đến ngày 4-4-1995 Uỷ ban nhân dân huyện Kế Sách cấp giấy chứng nhận quyền sử dựng đất cho hộ gia đình bà đứng tên diện tích 2.600 m2.

    Nay bà yêu cầu cụ Nghệ trả lại đất và hoàn trả tiền nộp thuế từ năm 1989 đến năm 2003 là 14 năm tính ra lúa 1.176 kg cho gia đình bà.

    Bị đơn là Trần Nhứt Nghệ trình bày:

    Vào đầu năm 1983, cụ có vay nợ cụ Chẩn (cha bà Nguyệt) 4.000 đồng. Cuối năm 1983, cụ Chẩn tính lãi 6.000 đồng, tổng cộng cả vốn và lãi thành 10.000 đồng nên cụ cầm cố đất cho cụ Chẩn, thời hạn 5 năm. Khi cầm cố hai bên có làm giấy tờ mỗi bên giữ một bản, giấy cụ giữ đã bị mối mọt làm hỏng. Năm 1989, cụ lấy lại đất để canh tác; cụ xác định không có việc chuyển nhượng đất cho cụ Chẩn, giấy tờ chuyển nhượng bà nguyệt đưa ra là giả mạo. Về việc Uỷ ban nhân dân huyện Kế Sách có quyết định thu hồi đất cụ đang sử dụng để giao cho gia đình cụ Chẩn là không đúng quy định của pháp luật. Cụ đã có nhiều đơn khiếu nại đến Uỷ ban nhân dân và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng việc giải quyết chưa đúng theo quy định của pháp luật. Nay gia đình cụ không đồng ý giao đất theo yêu cầu của gia đình bà Nguyệt.

    Ngoài ra cụ Nghệ còn cho rằng do gia đình bà Nguyệt tố cáo cụ chiếm đoạt đất nên cụ đã bị Toà án nhân dân huyện Kế Sách xử phạt 12 tháng tù. Toà án nhân dân tỉnh Hậu Giang (cũ) đã xét xử cụ không có tội hình sự, trả tự do cho cụ đồng thời bác bỏ tờ Giấy tay sang đất ruộng. Nhưng hiện nay Toà án lại căn cứ vào tờ Giấy tay sang đất ruộng để xác định có việc cụ chuyển nhượng đất và buộc cụ trả lại đất cho gia đình bà Nguyệt là không đúng theo quy định của pháp luật.

    Cụ Nguyễn Ngọc Chẩn trình bày: Vào năm 1983, cụ có thuê mướn 4 công đất cha vợ chồng ông Nghệ để canh tác thời hạn 1 năm với giá 4.000 đồng (có làm giấy tờ thuê mướn đất). Khi mướn đất có làm giấy tờ do con của cụ là ông Nguyễn Ngọc Ẩn viết, có người làm chứng. Cụ đã trả cho cụ Nghệ 4.000 đồng. Đến năm 1984 , vợ chồng cụ Nghệ sang bán lại cho cụ 2 công đất (2.600 m2) với giá 100 giạ lúa, quy ra bằng 10.000 đồng, cụ đã trả đủ 10.000 đồng; cụ nhờ ông Tạ Quốc Thời viết giấy sang bán, sau đó ông Thời và ông Nguyễn Ngọc Thương ký làm chứng. Sau khi sang bán, hai bên đã thống nhất huỷ bỏ giấy thuê mướn đất.

    Ông Ẩn trình bày: Ngày 7-8-1984 cha ông là cụ Chẩn có sang một miếng đất của vợ chồng cụ Nghệ diện tích 2.600 mà giấy tờ sang đất đứng tên ông. Hiện nay gia đình ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông bận công tác nên uỷ quyền cho em gái là Nguyệt thay mặt ông giải quyết tại Toà án.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 22 ngày 15-5-1998, Toà án nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng quyết định:

    Buộc cụ Trần Nhứt Nghệ phải giao trả cho bà Nguyễn Thị Thu Hà số đất ruộng 2.600 m2 toạ lạc tại ấp An Hoà, xã An Lạc Tây thửa số 563 và giao cho bà Hà 226 kg lúa thuế.

    Ngày 18-5-1998 cụ Nghệ kháng cáo với nội dung Toà án cấp sơ thẩm giải quyết buộc cụ trả lại đất là không hợp lý, không đầy đủ chứng cứ cụ thể và các tình tiết trong việc tranh chấp đất giữa cụ và cụ Chẩn.

     Tại bản án dân sự phúc thẩm số 122/DSPT ngày 30-9-1998, Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng quyết định:

     Huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 22 ngày 15-5-1998 của Toà án nhân dân huyện Kế Sách về vụ án Tranh chấp quyền sử dụng đất giữa bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt với cụ Trần Nhứt Nghệ.

    Rút vụ kiện về Toà án nhân dân tỉnh sóc Trăng xem xét lại theo thủ tục chung.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 12/2005/DSST ngày 14-9-2005, Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng quyết định:

    Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt:

    Buộc cụ Trần Nhứt Nghệ và gia đình có trách nhiệm giao lại cho bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt 2.600 m2 đất (theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Uỷ ban nhân dân huyện Kế sách cấp cho hộ bà số 00164 quyền sử dụng đất ngày 4- 4-1995 tại thửa 563, bản đồ số 3) và số lúa thuế 672 kg.

    Ghi nhận tự nguyện của bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt hỗ trợ cho cụ Trần Nhứt Nghệ số cây nhãn và bưởi tổng cộng 12.100.000 đồng.

    Ngày 14-9-2005 ông Trần Tài Ba đại diện cho cụ Nghệ kháng cáo không đồng ý giao trả đất cho bà Nguyệt, đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xét xử lại.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 196/2006/DSPT ngày 7-6-2006, Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định: Bác đơn kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt.

    Buộc cụ Trần Nhứt Nghệ và gia đình có trách nhiệm giao lại cho bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt 2.600 m2 đất (theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Uỷ ban nhân dân huyện Kế sách cấp cho hộ bà số 00164 quyền sử dụng đất ngày 4- 4-1995 tại thửa 563, bản đồ số 3) và số lúa thuế 672 kg.

    Ghi nhận tự nguyện của bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt hỗ trợ cho ông Trần Nhứt Nghệ số cây nhãn và bưởi tổng cộng 12.100.000 đồng.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, cụ Trần Nhứt Nghệ khiếu nại bản án dân sự phúc thẩm nêu trên.

    Tại Quyết định số248/2009/KN-DS ngày 5-6-2009, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 196/2007/DSPT ngày 7-6-2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm nêu trên và huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 12/2005/DSST ngày 14-9- 2005 của Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm lại.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao huỷ bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 12/2005/DSST ngày 14-9-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    XÉT THÂY:

    Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt khởi kiện cho rằng nguồn gốc 2600m2 đất có tranh chấp là của vợ chồng cụ Nghệ. Nhưng khoảng 8-1984 vợ chồng cụ Nghệ thoả thuận chuyển nhượng cho cụ Chẩn diện tích đất trên với giá là 100 giạ lúa nhưng cụ Chẩn để cho con là ông Nguyễn Ngọc ẩn đứng tên, đồng thời bà Nguyệt xuất trình "giấy tay sang đất ruộng" đề ngày 7-8-1984. Giấy trên có chữ ký đề tên cụ Nghệ và vợ của cụ là cụ Nguyễn Thị Hai, đồng thời có chữ ký của 2 người làm chúng là ông Tạ Quốc Thời và ông Nguyễn Ngọc Thương. Khoảng năm 1989 cụ Nghệ bao chiếm lại đất, gia đình bà đã đề nghị chính quyền địa phương giải quyết và ủy ban nhân dân huyện đã có quyết định thu hồi 2.600m2 đất trên để giao cho gia đình bà, năm 1995, bà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích đất trên. Do không chấp hành Quyết định giải quyết của ủy ban nhân dân huyện nên cụ Nghệ đã bị xử lý về hình sự. Vì vậy bà yêu cầu vợ chồng cụ Nghệ trả lại diện tích đất trên.

    Trong khi đó cụ Nghệ chỉ thừa nhận lập giấy cố đất cho cụ Chẩn và cho rằng "giấy tay sang đất ruộng” do bà Nguyệt xuất trình là giải nên không chấp nhận yêu cầu của bà Nguyệt.

    Xem xét "giấy tay sang đất ruộng" do bà Nguyệt xuất trình thì giấy này không có chữ ký của người nhận chuyển nhượng, không có xác nhận của chính quyền địa phương. Cụ Nghệ cho rằng cụ không ký giấy trên và cụ Hai không biết chữ. Theo kết quả giám định số 101/QĐTT ngày 7-7-1991 của Trung tân khoa học hình sự phía nam, Bộ nội vụ (nay là Bộ Công an) thì không giám định được chữ ký đề tên cụ Nghệ, cụ Hai.

    Theo lời khai của ông Tạ Quốc Thời ngày 25-12-1990 thì ông là người viết đùm cụ Chẩn giấy trên, khi viết tại chòi, chỉ có ông và cụ Chẩn, sau đó có kêu ông Thương vào làm chứng. Đồng thời cả ông Thời và ông Thương đều khai khi các ông ký giấy trên thì không có mặt cụ Nghệ, cụ Hai.

    Mặt khác, tại "giấy tay sang đất ruộng" thể hiện việc cụ Nghệ, cụ Hai chuyển nhượng cho ông Ẩn 2600m2 đất với giá 100 giạ lúa. Bà Nguyệt, cụ Chẩn, ông Ẩn không xuất trình được chứng cứ chứng minh đã giao cho cụ Nghệ 100 giạ lúa, trong khi vợ chồng cụ Nghệ khai không nhận lúa của cha con cụ Chẩn và cũng không có nhân chứng nào xác nhận có việc cha con cụ Chẩn giao lúa cho vợ chồng cụ Nghệ.

    Hơn nữa, khi xử lý về hình sự đối với cụ Nghệ, tại bản án hình sự phúc thẩm số 14/HSPT ngày 25-1-1992 Toà án nhân dân tỉnh Hậu Giang (cũ) đã xác định "giấy tay sang đất ruộng" nêu trên "không có giá trị mà mang tính gian dối. Sự thật là Trần Nhứt Nghệ có cố đất cho ông Nguyễn Ngọc Chẩn chứ không phải sang bán" và "giao toàn bộ hồ sơ cho ủy ban nhân dân địa phương xem xét giải quyết (về hành chính) theo thẩm quyền trên cơ sở bác bỏ tờ sang tay đất ruộng ngày 7-8-1984”.

    Như vậy, bằng bản án có hiệu lực pháp luật Toà án đã xác định "giấy tay sang đất ruộng" ngày 7-8-1984 là giả mạo, cần huỷ và bản án trên không bị kháng nghị. Lẽ ra, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật chính quyền địa phương phải huỷ bỏ hoặc thay đổi các quyết định hành chính về việc giải quyết tranh chấp đất giữa bà Nguyệt với cụ Nghệ để Toà án nhân dân giải quyết việc tranh chấp đất giữa bà Nguyệt với cụ Nghệ mới đúng. Nhưng tại Quyết định số 138/QĐUBH94 ngày 27-5-1994, ủy ban nhân dân huyện Kế Sách vẫn thu hồi 2600m2 đất của cụ Nghệ với lý do cụ Nghệ chiếm đất trái phép của cụ Chẩn để giao cho cụ Chẩn, đồng thời tại Quyết định số 70/QĐ.TT.94 ngày 28-12-1994 Thanh tra tỉnh Sóc Trăng vẫn công nhận Quyết định của ủy ban nhân dân huyện Kế Sách và ngày 4-4-1995 ủy ban nhân dân huyện Kế Sách lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nguyệt là không đúng quy định của pháp luật.

    Với các chứng cứ nêu trên, có cơ sở xác định cụ Nghệ chỉ cố đất cho cụ Chẩn mà không có việc cụ Nghệ chuyển nhượng đất cho cụ Chẩn và việc ủy ban nhân dân cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà nguyệt là trái pháp luật.

    Trong trường hợp này lẽ ra phải xác định vợ chồng cụ Nghệ chỉ cầm cố đất cho cụ Chẩn để công nhận vợ chồng cụ nghệ có quyền sử dụng diện tích đất có tranh chấp, đồng thời buộc vợ chồng cụ nghệ trả lại cho cụ Chẩn số tiền mà cụ Nghệ đã nhận của cụ Chẩn khi cố đất, đồng thời xem xét nếu cụ Chẩn có công sức tôn tạo đất khi nhận cầm cố thì buộc cụ Nghệ thanh toán giá trị công sức cho cụ Chẩn (như quyết định của bản án hình sự phúc thẩm số 14/HSPT ngày 25-1-1992 của Toà án nhân dân tỉnh Hậu Giang cũ), đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ở địa phương huỷ bỏ hoặc thay đổi các quyết định hành chính về việc giải quyết tranh chấp đất giữa bà Nguyệt với vợ chồng cụ Nghệ mới đúng.

    Toà án cấp sơ thẩm, Toà án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào các quyết định hành chính của ủy ban nhân dân huyện Kế Sách, Thanh tra tỉnh Sóc Trăng, việc bà Nguyệt được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, “giấy tay sang đất ruộng" đề ngày 7-8-1984 và lời khai của bà Nguyệt để cho rằng vợ chồng cụ Nghệ đã chuyển nhượng diện tích đất trên cho gia đình bà Nguyệt từ đó buộc cụ Nghệ và gia đình giao cho bà Nguyệt diện tích đất nêu trên là không đúng, không đảm bảo quyền lợi của các đương sự.

    Ngoài ra, quá trình giải quyết vụ án các đương sự đều thừa nhận diện tích đất trên là của cụ Nghệ, cụ Hai. Hơn nữa thực tế cụ Hai cũng có tên trong “giấy tay sang đất ruộng" ngày 7-8-1984 và thực tế vợ chồng cụ Nghệ, cụ Hai đang quản lý đất có tranh chấp. Nhưng khi giải quyết vụ án Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không đưa cụ Hai tham gia tố tụng là thiếu người tham gia tố tụng.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,

    QUYẾT ĐINH:

    1. Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 196/2006/DSPT ngày 07-6-2006 của Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án dân sự sơ thẩm số 12/2005/DSST ngày 14-9-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng về vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt với bị đơn là cụ Trần Nhứt Nghệ; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cụ Nguyễn Ngọc Chân và ông Nguyễn Ngọc Ân.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

     

     

     
    5158 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận