Số hiệu
|
07/2007/DS-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sử đụng đất"
|
Ngày ban hành
|
06/02/2007
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Dân sự
|
……..
Ngày 06 tháng 02 năm 2007, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về quyền sử dụng đất. Các đương sự trong vụ án được xác định theo bản án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm gồm có:
Nguyên đơn:
1. Ông Phạm Văn Ngôi sinh năm 1930; trú tại khóm Vĩnh Khánh 1, phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang;
2. Ông Phạm Văn Tư sinh năm 1948; trú cùng địa chỉ với ông Ngôi;
3. Bà Phạm Thị Hoàng sinh năm 1943; trú tại ấp 9, xã Đông Hòa, huyện An Ninh, tỉnh Kiên Giang.
(Các nguyên đơn ủy quyền cho anh Phạm Văn Hậu sinh năm 1978; trú tại tổ 3, khóm Vĩnh Đông 1, phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang theo giấy ủy quyền ngày 22-02-2005).
Bị đơn: Ông Nguyễn Văn Phiến sinh năm 1942; trú tại tổ 18, khóm Vĩnh Tây 1, phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang (ông Phiến ủy quyền cho chị Nguyễn Thị Hằng sinh năm 1979; trú tại tổ 18, khóm Vĩnh Tây 1, phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang theo giấy ủy quyền ngày 16-5-2005).
NHẬN THẤY:
Năm 2002, ông Phạm Văn Ngôi cho rằng nguồn gốc 15.680 m2 đất nông nghiệp tại ấp Vĩnh Tây 1, xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang (hiện ông Nguyễn Văn Phiến quản lý, canh tác) có nguồn gốc của cha mẹ ông để lại cho anh trai của ông là ông Phạm Văn Diễn (có vợ là bà Huỳnh Thị Dúng) thừa kế. Ngày 30-8-1991, ông Diễn lập giấy cho ông Phiến thuê đến năm 2001.
Do anh trai ông là ông Diễn và vợ là bà Dúng (chết năm 2001) đều đã chết không để lại di chúc nên ông và các em là ông Phạm Văn Tư, bà Phạm Thị Hoàng có quyền thừa kế. Ngày 09-4-2002, ông Ngôi đại diện cho ông Tư, bà Hoàng khởi kiện yêu cầu ông Phiến trả lại đất cho anh em ông.
Vì xác định ông Ngôi, ông Tư, bà Hoàng không phải diện được thừa kế tài sản của ông Diễn, bà Dúng nên tại bản án dân sự sơ thẩm số 136/DSST ngày 25-9-2002, Tòa án nhân dân thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang quyết định bác yêu cầu của anh em ông Ngôi. Bản án trên không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.
Ông Huỳnh Văn Ví (là anh trai bà Dúng) cho rằng ông là người có quyền thừa kế tài sản của bà Dúng đối với toàn bộ diện tích đất ông Phiến đang quản lý, sử dụng nên ông Ví ủy quyền cho ông Ngôi khởi kiện đòi đất.
Thực hiện theo ủy quyền của ông Ví, ngày 06-11-2002 ông Ngôi có đơn khởi kiện với nội dung: nguồn gốc diện tích 15.680m2 đất đang có tranh chấp do cụ Phạm Văn Luận đứng tên trên địa bộ số 141 lô 119 tờ số 2, ấp Vĩnh Tây 1, xã Vĩnh Tế (nay là phường Núi Sam), thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Sau khi cụ Luận chết, ngày 01-5-1939 cụ Nguyễn Thị Thôn (vợ cụ Luận) cùng các con là Phạm Thị Chơi, Phạm Văn Phép, Phạm Thị Nhan lập giấy cố cho cụ Phạm Văn Bưu diện tích đất trên, với giá 400 đồng trong thời hạn 5 năm và thỏa thuận hết hạn nếu cụ Thôn cùng các con không có tiền chuộc thì cụ Bưu được hưởng trọn số đất. Hết thời hạn cố đất, cụ Thôn và các con không có tiền chuộc nên cụ Bưu được quyền sử dụng đất. Thực tế sau khi nhận cố đất, cụ Bưu quản lý sử dụng toàn bộ diện tích đất này.
Năm 1950 cụ Bưu giao cho con là ông Phạm Văn Diễn canh tác, sau đó ông Diễn cho cụ Nguyễn Văn Xương thuê lại.
Khoảng năm 1975, cụ Xương giao lại cho con là ông Nguyễn Văn Phiến canh tác. Ngày 30-8-1991, ông Phiến và ông Diễn đã lập tờ mướn đất trong 05 năm, giá mỗi năm là 100.000 đồng (từ ngày 21-4-1989 đến ngày 21-4-1994). Đến ngày 21-4-1994 hai bên tiếp tục gia hạn đến năm 1996. Sau đó, hai bên lại tiếp tục gia hạn thêm đến năm 2001 (ông Diễn có giao lại cho ông Ngôi tờ giấy mướn đất của ông Phiến). Quá trình sử dụng đất, ông Phiến đã kê khai và ngày 10-12-1991, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (phần diện tích đất thuê của ông Diễn).
- Bị đơn ông Nguyễn Văn Phiến (ủy quyền cho chị Nguyễn Thị Hằng) trình bày: nguồn gốc đất là của cụ Luận cho ông nội chị là cụ Xương thuê. Sau đó, ông Diễn đến đưa tờ giấy cố đất để chứng minh là diện tích đất này hiện thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Diễn. Do không hiểu biết nên ông Phiến chấp nhận thuê đất với ông Diễn. Thực tế, gia đình chị đã canh tác liên tục hơn 40 năm và ngày 10-12-1991 ông Phiến đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên không đồng ý trả lại đất cho nguyên đơn.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 76/DSST ngày 18-6-2003, Tòa án nhân dân thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang quyết định:
Tuyên bố hợp đồng thuê quyền sử dụng đất xác lập ngày 30-8-1991 giữa ông Phạm Văn Diễn và ông Nguyễn Văn Phiến là vô hiệu toàn bộ.
Buộc ông Phiến giao trả cho đồng thừa kế của ông Phạm Văn Bưu do ông Phạm Văn Ngôi đại diện nhận 7.705m2 đất (gồm 6325m2thuộc thửa 567, trong phạm vi các điểm góc ranh số 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 1.380m2 đất thuộc thửa 578 trong phạm vi các điểm góc ranh số 1, 2, 5, 6, 7, 8) theo bản vẽ hiện trạng do Phòng Quản lý và Phát triển đô thị thị xã Châu Đốc lập ngày 10-6-2003.
Ông Nguyễn Văn Phiến được tiếp tục sử dụng 7.433m2 đất (gồm 6000m2 thuộc thửa 566 trong phạm vi các điểm góc ranh số 9, 4, 5, 11, 10, 17, 18, 19 và 1.433m2 thuộc thửa 578 trong phạm vi các điểm góc ranh số 2, 3, 4, 5) theo bản vẽ hiện trạng do Phòng Quản lý và Phát triển đô thị thị xã Châu Đốc lập ngày 10-6-2003.
Kiến nghị các cơ quan chức năng điều chỉnh quyền sử dụng đất từ ông Nguyễn Văn Phiến sang đồng thừa kế của ông Phạm Văn Bưu.
Ông Nguyễn Văn Phiến có trách nhiệm hoàn trả cho ông Ngôi 646.000đ (sáu trăm bốn mươi sáu ngàn đồng) chi phí định giá.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 23-6-2003, chị Nguyễn Thị Hằng và ông Nguyễn Văn Phiến có đơn kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm.
Ngày 25-6-2003, ông Huỳnh Văn Ví và ông Phạm Văn Ngôi có đơn kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm.
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 343/DSPT ngày 11-08-2003, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang quyết định:
Bác yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Văn Phiến. Chấp nhận yêu cầu của ông Phạm Văn Ngôi và ông Huỳnh Văn Ví.
Sửa án sơ thẩm số 76/DSST ngày 18-6-2003 của TAND thị xã Châu Đốc; xử:
- Hợp đồng thuê QSDĐ xác lập ngày 30-8-1991 giữa ông Phạm Văn Diễn và ông Nguyễn Văn Phiến là vô hiệu toàn bộ.
- Buộc ông Phiến giao trả cho đồng thừa kế của ông Phạm Văn Bưu do ông Phạm Văn Ngôi đại diện nhận 15.138m2 đất gồm 6.325m2 thuộc thửa 567 trong phạm vi các điểm gốc, ranh số 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 1.380m2 thuộc thửa 578 trong phạm vi các điểm gốc, ranh số 1, 2, 5, 6, 7, 8 và 6.000m2 đất thuộc thửa 566 trong phạm vi các điểm gốc, ranh số 9, 4, 5, 11, 10, 17, 18, 19 và 1.433m2đất thuộc thửa 578 trong phạm vi các điểm gốc, ranh số 2, 3, 4, 5 theo bản vẽ hiện trạng do Phòng quản lý và phát triển đô thị TXCĐ lập ngày 10-6-2003.
- Công nhận sự tự nguyện của các đồng thừa kế của ông Phạn Văn Bưu do ông Phạm Văn Ngôi đại diện bồi hoàn cho ông Nguyễn Văn Phiến 22.707.000đ (15.138m2 x 1.500.000đ).
- Hủy Giấy chứng nhận QSDĐ số 00942/QSDĐ/De ngày 10-12-1991 của UBND Thị xã Châu Đốc do ông Nguyễn Văn Phiến đứng tên diện tích 15.680m2.
- Kiến nghị các cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho đồng thừa kế của ông Phạm Văn Bưu do ông Phạm Văn Ngôi đại diện với diện tích 15.138m2 đất.
Ông Phiến có trách nhiệm hoàn trả ông Ngôi 646.000đ chi phí định giá.
Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.
Ngày 18-8-2003, ông Phiến có đơn khiếu nại không đồng ý với bản án phúc thẩm.
Tại Quyết định số22/KN-VKSTC-V5 ngày 13-5-2004, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên; đề nghị Toà dân sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự sơ thẩm số 76/DSST ngày 18-6-2003 của Tòa án nhân dân thị xã Châu Đốc và bản án dân sự phúc thẩm số 343/DSPT ngày 11-8-2003 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số71/GĐT-DS ngày 25-6-2004, Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao quyết định:
Hủy bản án sơ thẩm số 76/DSST ngày 18-6-2003 của Tòa án nhân dân thị xã Châu Đốc và bản án phúc thẩm số 343/DSPT ngày 11-8-2003 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xử việc tranh chấp hợp đồng thuê quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là thừa kế của bà Dúng (có ông Huỳnh Văn Ví) với ông Nguyễn Văn Phiến.
Giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử theo thủ tục sơ thẩm.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 14/2006/DSST ngày 11-05-2006, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang quyết định:
Áp dụng các Điều 34 và 38 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 5 Luật đất đai năm 1987; Điều 2 Luật đất đai năm 1993; Điều 10 Luật đất đai năm 2003.
Xử: Bác yêu cầu Phạm Văn Ngôi, Phạm Văn Tư, Phạm Thị Hoàng (ủy quyền cho anh Phạm Văn Hậu) đòi quyền sử dụng đất diện tích 15.680m2 đã cấp cho ông Nguyễn Văn Phiến canh tác ổn định quyền sử dụng đất số 00942/QSDĐ/De ngày 10-12-1991.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 22-5-2006, ông Phạm Văn Ngôi kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm.
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 353/2006/DSPT ngày 30-8-2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:
Chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm.
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Buộc ông Nguyễn Văn Phiến phải giao trả cho đồng thừa kế của ông Phạm Văn Bưu do ông Phạm Văn Ngôi đại diện nhận 7.705m2đất, gồm 6.325m2 thuộc thửa 567 trong phạm vi các điểm góc ranh số 10,11,12,13,14,15,16,17 và 1380m2 đất thuộc thửa 578 trong phạm vi các điểm góc ranh số 1,2,5,6,7,8 theo bản vẽ hiện trạng do Phòng quản lý và phát triển đô thị thị xã Châu Đốc lập ngày 10-6-2003.
Ông Nguyễn Văn Phiến được tiếp tục sử dụng 7.433m2 đất gồm 6000m2 thuộc thửa 566 trong phạm vi các điểm góc ranh số 9,4,5,10,11,17,18,19 và 1.433m2 thuộc thửa 578 trong phạm vi các điểm góc ranh số 2,3,4,5 theo bản vẽ hiện trạng do Phòng quản lý và phát triển đô thị thị xã Châu Đốc lập ngày 10-6-2003.
Kiến nghị các cơ quan chức năng điều chỉnh quyền sử dụng đất từ ông Nguyễn Văn Phiến sang đồng thừa kế của ông Phạm Văn Bưu do Phạm Văn Ngôi đại diện theo diện tích và vị trí như trên.
Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.
Sau khi xét xử phúc thẩm, ngày 08-10-2006 ông Phiến có đơn khiếu nại.
Tại Quyết định số151/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 06-12-2006, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm, với nhận định: 15.138m2 đất nông nghiệp tọa lạc tại ấp Vĩnh Tây 1, xã Vĩnh Tế (nay là phường Núi Sam), thị xã Châu Đốc mà gia đình ông Ngôi đang tranh chấp với gia đình ông Phiến có nguồn gốc của ông Phạm Văn Luận đã bị chính quyền cũ truất hữu, năm 1974 ông Nguyễn Văn Xương là bố ông Phiến đã làm đơn xin được cấp số đất trên theo luật người cày có ruộng, ngày 20-6-1974 đã được Uỷ ban cấp phát ruộng đất chấp nhận và gia đình ông Phiến đã sử dụng số đất này. Như vậy, mặc dù ông Phiến chưa được cấp chứng thư quyền sở hữu đất cũng như bằng khoán, nhưng phải khẳng định rằng ngay từ ngày 20-6-1974 số đất nêu trên đã thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Phiến. Gia đình ông Phiến liên tục sử dụng số đất nêu trên đến ngày 10-12-1991 được UBND thị xã Châu Đốc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, như vậy, một lần nữa nhà nước đã công nhận quyền sử dụng số đất nêu trên cho gia đình ông Phiến. Gia đình ông Ngôi không chứng minh được việc sử dụng số đất này và cũng không chứng minh được số đất này chế độ cũ, cũng như chế độ mới đã chứng thực cho gia đình ông. Bản án sơ thẩm số 14/2006/DSST ngày 11-05-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã quyết định bác yêu cầu đòi quyền sử dụng đất của các nguyên đơn là đúng, nhưng bản án phúc thẩm số 353/2006/DSPT ngày 30-8-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh lại căn cứ vào tờ giấy mượn bạc viết tay có nội dung: vợ và con của ông Luận mượn bạc của gia đình ông Ngôi hẹn đến năm 1944 nếu không trả được sẽ sang tên cho số đất này cho gia đình ông Ngôi và “Tờ cho mướn đất” ngày 30-8-1991 giữa ông Diễn với ông Phiến để công nhận số đất trên thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Ngôi là không đúng bởi vì: Hết thời gian được quy định trong tờ giấy vay bạc năm 1939, nhưng số đất trên không được sang tên cho gia đình ông Ngôi, còn “Tờ cho mướn đất” ngày 30-8-1991 đã vi phạm điều cấm của luật nên không có giá trị xem xét.
Cũng phải thấy rằng vụ việc tranh chấp này đã qua nhiều lần xét xử tại quyết định giám đốc thẩm số71/GĐT-DS ngày 25-6-2004 Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao đã nhận định: đất có nguồn gốc của ông Luận, đã bị chính quyền cũ truất hữu, gia đình ông Phiến đã sử dụng ổn định lâu dài và được cấp giấy chứng nhận nên là người sử dụng đất hợp pháp theo luật hiện hành. Phía ông Ngôi không chứng minh được quyền sử dụng đất hợp pháp trước năm 1974 cũng như sau ngày giải phóng đến nay. Trên thực tế gia đình ông Diễn không quản lý sử dụng đất từ trước cho đến nay. Tòa án các cấp công nhận quyền sử dụng số đất này cho gia đình ông Bưu (bố ông Phiến) là chưa có căn cứ. Tuy nhiên do ông Phiến thừa nhận có thuê đất của ông Diễn, vì vậy cần hủy án sơ, phúc thẩm để điều tra lại, nếu ông Ngôi không chứng minh được diện tích đất đang tranh chấp được nhà nước cấp quyền sử dụng cho ông Bưu, ông Diễn theo quy định của pháp luật thì bác yêu cầu đòi đất của các đồng thừa kế của ông Bưu. Trong lần xét xử này gia đình ông Ngôi vẫn không chứng minh được diện tích đất đang tranh chấp được nhà nước cấp quyền sử dụng nhưng vẫn tuyên xử buộc gia đình ông Phiến phải trả cho gia đình ông Ngôi một phần đất nêu trên là không có căn cứ.
Với nhận định trên, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm nêu trên và giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 14/2006/DSST ngày 11-05-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang.
XÉT THẤY:
Về tố tụng:
Ông Phạm Văn Ngôi cho rằng ông và các em của ông là ông Phạm Văn Tư, bà Phạm Thị Hoàng có quyền thừa kế đối với tài sản của ông Phạm Văn Diễn, bà Huỳnh Thị Dúng là 15.680m2 đất nông nghiệp do ông Nguyễn Văn Phiến canh tác, sử dụng nên đã khởi kiện yêu cầu ông Phiến trả lại diện tích đất trên. Tại bản án dân sự sơ thẩm số 136/DSST ngày 25-9-2002, Tòa án nhân dân thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang xác định ông Ngôi và các em của ông không có quyền thừa kế tài sản của ông Diễn, bà Dúng, từ đó bác yêu cầu của ông Ngôi và các em của ông. Bản án dân sự nêu trên có hiệu lực pháp luật, nên ông Ngôi và các em của ông không có quyền khởi kiện.
Ông Huỳnh Văn Ví (là anh trai bà Dúng) cho rằng ông là người có quyền thừa kế tài sản của bà Dúng nên ủy quyền cho ông Ngôi khởi kiện. Trong trường hợp này lẽ ra phải xác định nguyên đơn trong vụ án là ông Ví, còn ông Ngôi chỉ là người được ủy quyền tham gia tố tụng mới đúng. Tòa án cấp sơ thẩm xác định không những ông Ngôi là nguyên đơn mà còn xác định ông Tư, bà Hoàng là đồng nguyên đơn và chấp nhận việc ông Ngôi, ông Tư, bà Hoàng ủy quyền cho anh Hậu mà không được sự đồng ý của ông Ví là không đúng. Tòa án cấp phúc thẩm không phát hiện được những sai lầm này của cấp sơ thẩm và giữ nguyên các đương sự như Tòa án cấp sơ thẩm cũng là không đúng.
Về nội dung vụ án:
Nguồn gốc 15.680m2 đất nông nghiệp tại ấp Vĩnh Tây 1 hiện đang có tranh chấp là của điền chủ Phạm Văn Luận. Theo xác nhận ngày 31-3-2003 của Sở Địa chính tỉnh An Giang thì năm 1974 toàn bộ diện tích đất trên đã bị chính quyền cũ truất hữu theo Luật người cày có ruộng. Sau đó, cụ Xương làm đơn xin được cấp phát. Ngày 20-6-1974, gia đình cụ Xương đã được Uỷ ban cấp phát ruộng đất xã Vĩnh Tế của chế độ cũ chấp thuận (thể hiện trên biên nhận nhận đơn ngày 10-6-1974) cho toàn bộ diện tích đất nêu trên để canh tác. Như vậy, kể từ ngày 20-6-1974, diện tích đất trên đã thuộc quyền sử dụng của gia đình cụ Xương. Sau khi cụ Xương chết thì ông Phiến (là con) tiếp tục sử dụng và canh tác. Thực tế, gia đình ông Phiến đã sử dụng liên tục và năm 1991 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Ngôi, ông Ví không có tài liệu chứng minh ông Diễn, bà Dúng là người được thừa kế và có quyền sử dụng hợp pháp diện tích đất có tranh chấp, bởi vì, trong thực tế, cụ Bưu, ông Diễn và bà Dúng cũng không có giấy tờ về việc xác định quyền sử dụng hợp pháp diện tích đất có tranh chấp và ông Diễn, bà Dúng và các người thừa kế cũng không trực tiếp quản lý sử dụng đất. Nếu có cơ sở xác định đất của ông Diễn thì việc ông Diễn thỏa thuận cho thuê đất cũng là trái pháp luật.
Với các chứng cứ trên cho thấy trong trường hợp cụ thể này, việc Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Ví (do ông Ngôi đại diện) là đúng. Tòa án cấp phúc thẩm xác định cụ Phạm Văn Bưu là người có quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất là không đúng pháp luật, đồng thời buộc ông Phiến trả lại cho các người thừa kế của cụ Bưu một phần đất, còn ông Phiến được tiếp tục sử dụng một phần đất là không có căn cứ.
Do Tòa án cấp sơ thẩm xác định sai địa vị pháp lý và tư cách tham gia tố tụng của đương sự cho nên không thể giữ nguyên bản án sơ thẩm như Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị trong kháng nghị. Vì vậy, cần thiết phải xét xử phúc thẩm lại để xác định đúng địa vị pháp lý và tư cách tham gia tố tụng của đương sự, đồng thời xét xử vụ án về nội dung đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án phúc thẩm nêu trên và giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh để xét xử phúc thẩm lại.
Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,
QUYẾT ĐỊNH:
1. Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 353/2006/DSPT ngày 30-8-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã giải quyết việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Phạm Văn Ngôi, ông Phạm Văn Tư và bà Phạm Thị Hoàng với bị đơn là ông Nguyễn Văn Phiến.
2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Lý do bản án phúc thẩm bị hủy:
Tòa án cấp phúc thẩm đã không phát hiện được sai lầm của Tòa án cấp sơ thẩm trong việc xác định tư cách đương sự tham gia vụ án, do đó, cần phải xét xử phúc thẩm lại để xác định đúng địa vị pháp lý của đương sự trong vụ án và xét xử lại nội dung của vụ án.