Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp và bồi thường thiệt hại"

Chủ đề   RSS   
  • #265386 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp và bồi thường thiệt hại"

    Số hiệu

    22/2008/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp và bồi thường thiệt hại"

    Ngày ban hành

    28/08/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ……..

    Ngày 28 tháng 8 năm 2008, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp và bồi thường thiệt hại giữa:

    Nguyên đơn: Ông Ngô Văn Diệu, sinh năm 1969, trú tại: thôn Phú Xuân, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định - Chủ cơ sở gạch ngói Sơn Vũ.

    Bị đơn: Ông Trần Văn Tám, sinh năm 1954; trú tại: thôn Phú Xuân, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định - Chủ cơ sở gạch ngói Tám Tha.

    NHẬN THẤY:

    Tại đơn khởi kiện ngày 23-3-2005 và trong quá trình tố tụng, nguyên đơn là ông Ngô Văn Diệu trình bày:

    Sản phẩm ngói của cơ sở gạch ngói Sơn Vũ do ông làm chủ đã được Cục Sở hửu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 54406 theo Quyết định số A2530/QĐ-ĐK ngày 21-5-2004; nhưng ông Trần Văn Tám là chủ cơ sở gạch ngói Tám Tha đã sản xuất ngói có nhãn hiệu hàng hóa giống nhãn hiệu hàng hóa của ông; chất lượng ngói của ông Tám kém hơn chất lượng ngói của ông mà lại bán với giá thấp hơn; do đó, ông yêu cầu Tòa án  buộc ông Tám đình chỉ sản xuất ngói có nhãn hiệu giống nhãn hiệu ngói mà ông đã đăng ký và bồi thường thiệt hại với tổng số tiền là 128.300.000 đồng (bao gồm chí phí đơn thư, đi kiện; thiệt hại do chênh lệch giá, giảm lượng khách hàng, gây gián đoạn sản xuất) và chi phí giám định 600.000 đồng.

    Bị đơn là ông Trần Văn Tám trình bày: Nhãn hiệu hàng hóa trên sản phẩm ngói của ông sản xuất lấy từ mẫu của làng nghề, không chỉ có cơ sở của ông mà tất cả các cở khác của làng nghề đều sản xuất theo hình dáng cổ truyền cha ông để lại trên bề mặt sản phẩm, chỉ khác tên riêng của cơ sở sản xuất, nên không đồng ý với yêu cầu của ông Diệu.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 09/2006/DSST ngày 28-4-2006, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã quyết định:

    - Buộc cơ sở sản xuất gạch ngói Tám Tha do ông Trần Văn Tám làm chủ cơ sở phải đình chỉ việc sản xuất ngói lợp có nhãn hiệu trùng hoặc tương ứng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu trên ngói lợp của cơ sở sản xuất gạch ngói Sơn Vũ do ông Ngô Văn Diệu làm chủ cơ sở đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa theo quyết định số: A2530/QĐ-ĐK ngày 21-5-2004.

    - Buộc ông Trần Văn Tám phải trả cho ông Ngô Văn Diệu số tiền 600.000 đồng (lệ phí giám định).

    - Bác yêu cầu của ông Diệu đòi ông Tám phải bồi thường số tiền 113.000.000 đồng.

    Kể từ ngày ông Diệu có đơn yêu cầu thi hành án nếu ông Tám chưa thi hành thì hàng tháng ông Tám còn phải chịu khoản lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

    - Án phí dân sự sơ thẩm ông Tám phải chịu 50.000 đồng, hoàn lại cho ông Diệu 500.000 đồng theo Biên lai số 005577 ngày 22-6-2005 của Phòng Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định.

    Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về quyền kháng cáo của các đương sự.

    Ngày 09-5-2006, ông Ngô Văn Diệu có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại về phần bồi thường thiệt hại.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 52/2006/DSPTngày 17-8-2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng quyết định:

    Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Ngô Văn Diệu, sửa bản án sơ thẩm, buộc ông Trần Văn Tám phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

    Áp dụng Điều 205 Luật sở hữu trí tuệ. Xử buộc ông Trần Văn Tám phải bồi thường thiệt hại cho ông Ngô Văn Diệu 87.200.000 đồng (tám mươi bảy triệu hai trăm ngàn đồng).

    Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án thì bên thi hành án còn phải chịu lãi xuất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

    Về án phí: ông Ngô Văn Diện không phải chịu chi phí dân sự phúc thẩm nhưng phải chịu 1.290.000 đồng án phí dân sự, được trừ 550.000 đồng tạm ứng án phí tại Biên lai số 005577 ngày 22-6-2005 và số 005640 ngày 23-5-2006 của Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định thì còn phải nộp 790.000 đồng. Ông Trần Văn Tám phải chịu 4.360.000 đồng án phí dân sự.

    Các quyết định khác của bản án sơ thẩm về giải quyết xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa, về lệ phí đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Trần Văn Tám khiếu nại và đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm nêu trên.

    Tại Quyết định số134/2008/KN-DS ngày 09-6-2008, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 52/2006/DSPT ngày 17-8-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và bản án dân sự sơ thẩm số 09/2006/DSST ngày 28-4-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử sơ thẩm với nhận định:

    ...Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, có cơ sở xác định hình dáng hoa văn (hình cổng chùa trên sản phẩm ngói) đang có tranh chấp giữa ông Ngô Văn Diệu và ông Trần Văn Tám thực tế đã có từ nhiều đời nay, đã trở thành biểu tượng và tài sản chung của cả làng nghề truyền thống (làng nghề sản xuất ngói Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định).

    Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 54406 trên sản phẩm ngói của cơ sở Sơn Vũ (theo Quyết định A2530/QĐ-ĐK ngày 21-5-2004) trong đó có cả phần hình (là họa tiết hình hoa văn cổng chùa” là không đúng điểm b khoản 2, Điều 6 Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ; bởi vì "Cổng chùa" là biểu tượng của làng nghề truyền thống, được nhiều cơ sở sản xuất ngói sử dụng từ nhiều năm trước đây, trong đó có cơ sở sản xuất ngói Tám Tha. Khi xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào việc cơ sở Sơn Vũ đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để buộc cơ sở sản xuất gạch ngói Tám Tha do ông Trần Văn Tám là chủ cơ sở phải đình chỉ sản xuất ngói lợp có nhãn hiệu trùng hoặc tương ứng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu ngói lợp của cơ sở sản xuất gạch ngói Sơn Vũ do ông Ngô Văn Diệu làm chủ cơ sở và buộc ông Trần Văn Tám phải bồi thường thiệt hại cho ông Ngô Văn Diệu 87.200.000 đồng là sai. Chính Cục sở hữu trí tuệ, sau đó đã phải ra Quyết định hủy bỏ phần hình trong giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của cơ sở Sơn Vũ, điều này càng chứng tỏ Quyết định A2530/QĐ-ĐK ngày 21-5-2004 của Cục sở hữu trí tuệ (về phần hình) là sai. Do đó, cần giải quyết lại vụ án để bác yêu cầu của nguyên đơn.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, có cơ sở xác định phần “Hình” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 54406 do Cục sở hữu trí tuệ cấp cho cơ sở Sơn Vũ là hoa văn “Cổng chùa” trên sản phẩm ngói đã có từ lâu đời do nhân dân sáng tạo trong quá trình sản xuất, đã trở thành biểu tượng và là tài sản chung của làng nghề truyền thống Phú Phong- Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Hoa văn “Cổng chùa” này đã được nhiều cơ sở gạch ngói tại địa phương trong đó có cơ sở gạch ngói Tám Tha sử dụng rộng rãi, công khai trước khi cơ sở Sơn Vũ sử dụng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa; nên Hoa văn “Cổng chùa” này là dấu hiệu được nhiều người biết đến; căn cứ vào điểm b, khoản 2, Điều 6 Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ đã quy định: “Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hóa thuộc bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến” thì không được Nhà nước bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu hàng hóa.

    Cơ sở Sơn Vũ do ông Ngô Văn Diệu là chủ đã không cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của hoa văn trên sản phẩm ngói của cơ sở Sơn Vũ khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Cục sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 54406 (cấp theo Quyết định số A2530/QĐ-ĐK ngày 21-5-2004) cho cơ sở Sơn Vũ trong đó có cả phần hình (là họa tiết hình hoa văn “Cổng chùa”) là trái với quy định điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ.

    Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào việc cơ sở Sơn Vũ đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để quyết định buộc cơ sở sản xuất gạch ngói Tám Tha (do ông Trần Văn Tám làm chủ) phải đình chỉ sản xuất ngói lợp có nhãn hiệu hàng hóa có hoa văn “Cổng chùa” vì đã gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hóa trên ngói lợp của cơ sở sản xuất gạch ngói Sơn Vũ do ông Ngô Văn Diệu làm chủ cơ sở là không đúng pháp luật; Tòa án cấp phúc thẩm còn buộc ông Trần Văn Tám phải bồi thường thiệt hại cho ông Ngô Văn Diệu 87.200.000 đồng cũng là không đúng pháp luật. (Chính Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định số03/QĐ-SHTT ngày 03-01-2007 “hủy bỏ hiệu lực bảo hộ phần “Hình” của Giấy chứng nhận ĐKNHHH số 54406 cho sản phẩm nhóm 19 (gạch ngói) đã cấp cho cơ sở Sơn Vũ” nên Quyết định A2530/QĐ-ĐK ngày 21-5-2004 của Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký về phần hình trên nhãn hiệu hàng hóa cho cơ sở Sơn Vũ không còn hiệu lực).

    Do đó, cần chấp nhận kháng nghị số134/2008/KN-DS ngày 09-6-2008 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để giải quyết lại vụ án theo hướng bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 52/2006/DSPT ngày 17-8-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 09/2006/DSST ngày 28-4-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định về vụ tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp và bồi thường thiệt hại giữa nguyên đơn là ông Ngô Văn Diệu với bị đơn là ông Trần Văn Tám.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ quy định:“Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hóa thuộc bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến” thì không được Nhà nước bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu hàng hóa”. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không đúng.

     

     
    6431 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận