Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Phạm Đức Sơn phạm tội "Cố ý gây thương tích"

Chủ đề   RSS   
  • #265176 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Phạm Đức Sơn phạm tội "Cố ý gây thương tích"

    Số hiệu

    16/2007/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Phạm Đức Sơn phạm tội "Cố ý gây thương tích"

    Ngày ban hành

    04/06/2007

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    ……..

    Ngày 04 tháng 6 năm 2007, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm  xét xử vụ án hình sự đối với:

     Phạm Đức Sơn sinh năm 1963; trú tại thôn Quý Khê, xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; trình độ văn hoá: lớp 7/10; khi phạm tội là Công an viên của xã; con ông Phạm Đức Duyên và bà Lương Thị Lương; bị bắt giam ngày 19-7-2005.

    Người bị hại: anh Lương Khắc Phóng sinh năm 1972 (đã chết); người đại diện hợp pháp của người bị hại: bà Phạm Thị Nhạn (mẹ của anh Phóng) trú tại thôn Lương Xá, xã Phú Lương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    Tòa án cấp sơ thẩm xác định những người sau đây là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Chị Vũ Thị Cảnh (vợ đã ly hôn của anh Phóng) sinh năm 1974; trú tại thôn Lương Xá, xã Phú Lương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh;

    2. Chị Phạm Thị Thu (em của Phạm Đức Sơn) sinh năm 1976; trú tại thôn Quý Khê, xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương;

     3. Ông Phạm Văn Duyên (bố của Phạm Đức Sơn) trú tại thôn Quý Khê, xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương;

    4. Chị Nguyễn Thị Tuyến (vợ của anh Phóng) sinh năm 1976; trú tại thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương;

    * Tòa án cấp phúc thẩm xác định những người sau đây là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Chị Vũ Thị Cảnh (vợ đã ly hôn của anh Phóng) sinh năm 1974; trú tại thôn Lương Xá, xã Phú Lương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.

    2. Chị Nguyễn Thị Tuyến (vợ của anh Phóng) sinh năm 1976; trú tại thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

    Bị đơn dân sự:

    + Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị đơn dân sự là UBND xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

    + Tòa án cấp phúc thẩm xác định bị đơn dân sự là bị cáo Phạm Đức Sơn.

    NHẬN THẤY:

    Khoảng 19 giờ 30 ngày 16-7-2005, anh Lương Khắc Phóng (là đối tượng có nhiều tiền sự về hành vi trộm cắp tài sản) cùng anh Vũ Như Mười đi chơi bằng xe máy. Khi đi qua cổng nhà anh Lương Văn Hưng thuộc thôn Quý Khê, xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương thấy một chiếc xe đạp dựng ở trước cửa nhà anh Hưng, thì anh Phóng bảo anh Mười dừng xe để vào nhà anh Hưng lấy trộm chiếc xe đạp đó. Khi anh Phóng dắt chiếc xe đạp đi được khoảng bốn mét thì chị Vũ Thị Ly (chủ xe) phát hiện hô hoán, và cùng anh Hưng chạy ra bắt giữ anh Phóng cùng anh Mười. Ngay sau đó, chị Chu Thị Nhiều (vợ anh Hưng) gọi điện báo cho anh Lương Văn Đãng (Trưởng thôn Quý Khê) đến giải quyết. Nhận được tin báo, anh Đãng đến nhà Phạm Đức Sơn (Công an viên của xã phụ trách an ninh thôn) và bảo Sơn cùng anh Đãng đến nhà anh Hưng để giải quyết theo báo cáo của gia đình anh Hưng. Khi đi Sơn mặc trang phục Công an viên và mang theo gậy cao su, khóa số 8. Đến nhà anh Hưng thấy đông người, Sơn hỏi vợ chồng anh Hưng “trộm đâu”, thì anh Hưng chỉ vào anh Phóng (lúc này anh Phóng đang ngồi ở ghế và lấy hai tay che mặt). Sơn hỏi anh Phóng: “có đúng mày lấy cắp không”, thì anh Phóng không thừa nhận. Sơn cầm gậy cao su vụt nhiều nhát vào đầu và vai của anh Phóng. Thấy anh Phóng đứng dậy xin, thì Sơn lấy khóa số tám khóa hai tay của anh Phóng lại. Sơn bảo anh Đãng lai anh Phóng ra đình làng và Sơn yêu cầu anh Mười cùng ra đình làng. Tại đình làng, khi hỏi anh Phóng về việc lấy trộm xe đạp, nhưng anh Phóng không trả lời, thì Sơn cầm gậy cao su vụt một nhát vào đầu và một nhát vào lưng của anh Phóng. Sơn quay sang hỏi anh Mười, và không thấy anh Mười trả lời, thì Sơn cầm gậy cao su vụt một nhát vào mặt của anh Mười. Ngay sau đó có một số người khác cùng xông vào đánh anh Mười, nhưng bị anh Đãng can ngăn. Sau khi đánh anh Mười, Sơn đến nhà anh Đặng Đình Phả (Phó công an xã) báo cho anh Phả đến đình làng để giải quyết. Thấy mặt của anh Phóng sưng tím và có chỗ bị chảy máu, anh Phả đã yêu cầu đưa anh Phóng và anh Mười về UBND xã, rồi gọi anh Phạm Văn Luận (cán bộ y tế của xã) đến rửa và băng vết thương cho anh Phóng. Sau khi lập biên bản về hành vi trộm cắp xe đạp và lấy lời khai của anh Phóng xong, Công an xã Cẩm Hoàng đã ra quyết định xử phạt hành chính và phối hợp với Công an xã Phú Lương đưa anh Phóng về gia đình. Anh Phóng đã chết tại nhà ông Nguyễn Văn Đắp (cậu của chị Tuyến) lúc 02 giờ ngày 18-7-2005. Sau khi anh Phóng bị chết, gia đình Sơn đã bồi thường cho gia đình anh Phóng 2.000.000 đồng tiền mai táng phí.

    Tại bản giám định pháp y số 165 ngày 19-7-2005, Tổ chức giám định pháp y tỉnh Hải Dương kết luận: “nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Lương Khắc Phóng là do chấn thương sọ não kín, thể loại chết không tự nhiên”.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 131/2005/HSST ngày 23-12-2005, Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương áp dụng khoản 3 Điều 104, các điểm p và s khoản 1 và khoản 2 Điều 46, điểm c khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự; xử phạt Phạm Đức Sơn 5 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”; về trách nhiệm dân sự áp dụng các điều 614 và 622, khoản 2 Điều 313 Bộ luật dân sự, buộc UBND xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương phải bồi thường thay cho bị cáo các khoản: “bồi thường cho bà Phạm Thị Nhạn (mẹ của anh Phóng) 4.800.000 đồng tiền mai táng phí; bồi thường tiền tổn thất về tinh thần cho bố và mẹ của anh Phóng mỗi người là 2.000.000 đồng; tổng cộng hai khoản là 8.800.000 đồng, đã bồi thường 2.000.000 đồng, còn phải bồi thường 6.800.000 đồng (do bà Phạm Thị Nhạn là người đại diện nhận). Bồi thường tiền tổn thất về tinh thần cho cháu Lương Khắc Sung và cháu Lương Khắc Tú mỗi cháu là 2.000.000 đồng; bồi thường tiền cấp dưỡng nuôi cháu Lương Khắc Sung sinh ngày 20-9-1997 mỗi tháng là 350.000 đồng, thời gian tính từ tháng 12-2005 cho đến khi cháu Sung đủ 18 tuổi (số tiền tổn thất về tinh thần của hai cháu Sung, Tú và tiền nuôi cháu Sung do chị Vũ Thị Cảnh là mẹ của hai cháu nhận thay). Bồi thường tiền tổn thất về tinh thần cho chị Nguyễn Thị Tuyến 2.000.000 đồng”.

    Ngày 05-01-2006, UBND xã Cẩm Hoàng do ông Vũ Văn Huấn - Chủ tịch UBND xã đại diện kháng cáo không đồng ý bồi thường thay cho Phạm Đức Sơn.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 278/2006/HSPT ngày 28-3-2006, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã sửa bản án hình sự sơ thẩm: áp dụng khoản 1 Điều 97, điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự; xử phạt Phạm Đức Sơn 42 tháng tù về tội “làm chết người trong khi thi hành công vụ”. Về trách nhiệm dân sự: áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự và Điều 614 Bộ luật dân sự, buộc bị cáo phải bồi thường cho bà Phạm Thị Nhạn (mẹ của anh Phóng) 4.800.000 đồng tiền mai táng phí; bồi thường tiền tổn thất về tinh thần cho bố và mẹ của anh Phóng mỗi người là 2.000.000 đồng; tổng cộng hai khoản là 8.800.000 đồng (do bà Phạm Thị Nhạn là người đại diện nhận). Bồi thường tiền tổn thất về tinh thần cho cháu Lương Khắc Sung và cháu Lương Khắc Tú mỗi cháu là 2.000.000 đồng; bồi thường tiền cấp dưỡng nuôi cháu Lương Khắc Sung sinh ngày 20-9-1997 mỗi tháng là 350.000 đồng, kể từ tháng 12-2005 cho đến khi cháu Sung đủ 18 tuổi (do chị Vũ Thị Cảnh là mẹ của hai cháu đại diện nhận thay các khoản tiền trên). Bồi thường tiền tổn thất về tinh thần cho chị Nguyễn Thị Tuyến 2.000.000 đồng.

    Tại quyết định Kháng nghị số05/2007/HS-TK ngày 08-3-2007, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Người bị hại là anh Lương Khắc Phóng có hành vi vi phạm pháp luật đã bị bắt giữ. Phạm Đức Sơn là Công an viên của xã không có thẩm quyền xét hỏi, lập biên bản và xử lý hành vi vi phạm của người bị hại. Bị cáo chỉ có nhiệm vụ đến để làm thủ tục dẫn giải anh Lương Khắc Phóng đến cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên do hống hách, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác bị cáo đã đánh và đánh nhiều lần làm người bị hại bị thương dẫn đến chết. Hành vi đánh người này của bị cáo không liên quan đến công vụ. Tham khảo mục 2 chương II Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29-11-1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật hình sự thì hành vi của bị cáo là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người; do đó, Tòa  án cấp sơ thẩm kết án bị cáo về tội “cố ý gây thương tích” là đúng tội danh. Tòa án cấp phúc thẩm sửa tội danh của bị cáo sang tội “làm chết người trong khi thi hành công vụ” và giảm hình phạt cho bị cáo là không đúng pháp luật.

    Do bị cáo phạm tội “cố ý gây thương tích” nên bị cáo phải tự bồi thường cho người bị hại. Tòa án cấp sơ thẩm kết án bị cáo về tội “cố ý gây thương tích” là đúng tội danh, nhưng lại buộc UBND xã Cẩm Hoàng phải bồi thường là không đúng vì lỗi hoàn toàn thuộc bị cáo, không liên quan đến công vụ. Tòa án cấp phúc thẩm buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại là đúng trong trường hợp kết án bị cáo phạm tội “cố ý gây thương tích”. Việc Tòa án cấp phúc thẩm sửa tội danh, kết án bị cáo phạm tội “làm chết người trong khi thi hành công vụ” và nếu đúng thì phải xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc UBND xã Cẩm Hoàng, song lại buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại là mâu thuẫn.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285, Điều 287 và Điều 289 Bộ luật tố tụng hình sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 278/2006/HSPT ngày 28-3-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Tiếp tục tạm giam Phạm Đức Sơn cho đến khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý lại vụ án.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy một phần:

    Hành vi đánh người của bị cáo không liên quan đến công vụ, nên Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo về tội “cố ý gây thương tích” là đúng. Tòa án cấp phúc thẩm sửa sang tội “làm chết người trong khi thi hành công vụ” và giảm hình phạt cho bị cáo là không đúng pháp luật.

     

     
    4198 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận