Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Nguyễn Ngọc Hải bị xét xử về tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có"

Chủ đề   RSS   
  • #265362 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Nguyễn Ngọc Hải bị xét xử về tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có"

    Số hiệu

    11/2008/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Nguyễn Ngọc Hải bị xét xử về tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có"

    Ngày ban hành

    17/06/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    ……..

    Ngày 17 tháng 6 năm 2008, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    Nguyễn Ngọc Hải sinh năm 1968; đăng ký hộ khẩu thường trú tại số 104/12 tổ 5 khu phố 1, phường Tăng Nhân Phú A, quận 9 thành phố Hồ Chí Minh; trú tại thôn Tân Phong, xã Thuỵ Phương, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội; nghề nghiệp: buôn bán; con ông Nguyễn Văn Huynh và bà Nguyễn Thị Thái; có vợ và 01 con; không có tiền án tiền sự.

    Trong vụ án còn có Đặng Tiến Dũng bị xử phạt 09 năm tù và Hoàng Văn Thành bị xử phạt 08 năm tù, đều về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

    NHẬN THẤY:

    Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm  kết án Nguyễn Ngọc Hải về hành vi phạm tội như sau:

    Khoảng 11 giờ ngày 12-7-2005, với ý định thuê xe ô tô đi đặt để lấy tiền, Đặng Tiến Dũng đã nói ý định này với Hoàng Văn Thành và nhờ Thành dẫn đi thuê xe. Thành dẫn Dũng đến thuê ô tô của anh Nguyễn Mạnh Tuấn Anh. Dũng nói thuê xe ô tô để đi Nghệ An. Anh Nguyễn Mạnh Tuấn Anh đồng ý và giao xe ô tô (biển kiểm soát 29 X-1769) cùng các bản sao có công chứng  giấy tờ xe ô tô cho Dũng.

    Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, Dũng nói với Thành tìm người nhận đặt xe ô tô để vay tiền. Thành dẫn Dũng đến gặp anh Vương Quốc Chính (làm nghề cầm đồ) để đặt xe nhưng anh Chính không có tiền nên đã dẫn Thành, Dũng đến gặp Nguyễn Ngọc Hải. Khi gặp Hải, Thành nói: “em có thằng em đang cần ít tiền làm ăn, mấy ngày sau em gửi được không”. Hải nói “có 50.000.000 đồng thôi”. Thành nói: “anh cố gắng giúp em 80.000.000 đồng. Anh cứ yên tâm em để lại chiếc xe làm tin, xe đó là xe của nhà em”. Thành đưa Hải xem giấy tờ xe ô tô. Hải thấy không phải Thành đứng tên chủ sở hữu xe nên hỏi “chủ xe là ai” thì Thành nói: “xe em mua trả góp, mới trả được 70% nên chưa có bản chính giấy đăng ký xe ô tô”. Hải đồng ý nhận đặt xe ô tô, Dũng viết giấy vay của   Hải 50.000.000 đồng. Đến ngày 15-7-2005, Dũng vay thêm của Hải 30.000.000 đồng, tổng cộng là 80.000.000 đồng. Số tiền nêu trên, Dũng đã dùng để đánh bạc và chi tiêu cá nhân hết.

    Ngày 16-7-2005, hết thời hạn thuê xe, anh Tuấn Anh đòi lại xe thì Dũng thú nhận đã đặt xe cho Hải. Anh Tuấn Anh cùng Dũng đến gặp Hải, Dũng trả cho Hải 10.000.000 đồng nhưng Hải chưa trả lại xe với lý do Dũng chưa trả đủ tiền vay nên anh Tuấn Anh đã đưa Dũng đến cơ quan công an trình báo sự việc.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 261/2006/HSST ngày 22-6-2006, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội áp dụng điểm a khoản 3 Điều 250 Bộ luật hình sự, xử phạt Nguyễn Ngọc Hải 05 năm tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”; buộc bị cáo Hải truy nộp 10.000.000 đồng sung quỹ nhà nước.

    Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn có quyết định về tội danh, hình phạt… đối với Đặng Tiến Dũng, Hoàng Văn Thành.

    Trong thời hạn luật định, Nguyễn Ngọc Hải kháng cáo xin được hưởng án treo; Hoàng Văn Thành kháng cáo xin giảm hình phạt.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1175/2006/HSPT ngày 15-11-2006, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội giữ nguyên bản án sơ thẩm.

    Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số02/QĐ-VKSTC-V3 ngày 24-01-2008, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ bản án hình sự phúc thẩm và bản án hình sự sơ thẩm nêu trên về phần tội danh, hình phạt đối với Nguyễn Ngọc Hải và quyết định buộc Nguyễn Ngọc Hải nộp 10.000.000 đồng sung quỹ nhà nước, để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật, với lý do:

    “Theo các giấy vay tiền và lời khai của Hoàng Văn Thành, Đặng Tiến Dũng, Nguyễn Ngọc Hải và Vương Quốc Chính thì Nguyễn Ngọc Hải và Đặng Tiến Dũng ký nhiều giấy vay tiền với nội dung: Hải cho Dũng vay tổng số 80 triệu đồng và Dũng để lại chiếc xe ô tô biển kiểm soát số 29X-1769 để Hải giữ làm tin khi nào Dũng hoàn trả số tiền trên thì Hải trao trả xe (có giấy ghi ngày 22/7 hoàn trả số tiền trên để lấy về) (BL 37, 38, 39) và ngày 16/7/2005 Dũng đã trả trước cho Hải 10 triệu đồng, hẹn ngày 25/7/2005 sẽ trả nốt (BL 40) là có thật. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án Nguyễn Ngọc Hải về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” là chưa có cơ sở vững chắc bởi vì: Theo quy định tại Điều 250 Bộ luật hình sự thì hành vi tiêu thụ tài sản phải là hành vi mua bán, đổi… tài sản bị chiếm đoạt. Nhưng trong vụ án này, theo giấy vay tiền và lời khai của Nguyễn Ngọc Hải, Hoàng Văn Thành, Đặng Tiến Dũng, Vương Quốc Chính thì Nguyễn Ngọc Hải đồng ý cho Đặng Tiến Dũng vay tiền và Dũng để lại xe ô tô cho Hải để giữ làm tin nhằm đảm bảo nghĩa vụ trả nợ chứ Hải không tiêu thụ xe của Dũng. Nhưng thực chất của việc vay mượn tiền nêu trên có đúng là Hải cho Dũng vay tiền không thì chưa được điều tra làm rõ vì trong giấy vay tiền không có thoả thuận gì về tính lãi xuất, còn Đặng Tiến Dũng thì khai vay tiền có tính lãi xuất nhưng Nguyễn Ngọc Hải thì không thừa nhận.

    Mặt khác, cũng theo quy định tại Điều 250 Bộ luật hình sự thì dấu hiệu định tội của tội tiêu thụ… là người phạm tội “biết rõ” tài sản mình tiêu thụ là do người khác phạm tội mà có. Vấn đề này quá trình điều tra cũng chưa làm rõ Nguyễn Ngọc Hải có biết nguồn gốc chiếc xe ô tô mà Hải nhận của Dũng để đảm bảo khoản nợ vay 80 triệu đồng là tài sản do Dũng phạm tội mà có hay không vì theo Hảo khai trước khi cho vay tiền Hải đã hỏi về nguồn gốc xe thì Hoàng Văn Thành có trả lời là xe của nhà Thành mua trả góp mới trả được 70% số tiền nên chưa có bản chính giấy đăng ký (BL114) và do nể Thành và anh Vương Quốc Chính nên Hải cho Dũng vay tiền và giữ xe để làm tin (BL 114, 116). Nhưng Hoàng Văn Thành lại khai về vấn đề nêu trên còn mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với lời khai của Nguyễn Ngọc Hải. Bởi vậy, cần phải điều tra làm rõ vấn đề này vì đây là tình tiết quan trọng để đánh giá ý thức của Nguyễn Ngọc Hải “có biết rõ tài sản do người khác phạm tội mà có hay không”?

    Việc điều tra kết luận tính xác thực của những vấn đề nêu trên là những căn cứ quan trọng để xem xét kết luận hành vi của Nguyễn Ngọc Hải có phải là hành vi tiêu thụ và khi tiêu thụ tài sản Hải có biết rõ là tài sản do người khác phạm tội mà có hay không là vô cùng quan trọng vì đây là dấu hiệu để kết án Nguyễn Ngọc Hải phạm tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” nhưng các vấn đề nêu trên chưa được điều tra làm rõ do vậy cần được điều tra làm rõ”

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án Đặng Tiến Dũng và Hoàng Văn Thành về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ.

    Đối với Nguyễn Ngọc Hải:

    Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, có cơ sở xác định Nguyễn Ngọc Hải biết rõ xe ô tô không thuộc quyền sở hữu, định đoạt của Đặng Tiến Dũng và Hoàng Văn Thành hoặc gia đình, người thân thích của Dũng và Thành; nhưng do ham lợi Hải đã nhận đặt xe mà không quan tâm đến nguồn gốc xe. Như vậy, Nguyễn Ngọc Hải có ý thức chấp nhận mọi nguồn gốc, xuất xứ, kể cả nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản và thực tế xe ô tô mà Thành và Dũng mang đặt là do các đối tượng này lừa đảo, chiếm đoạt của anh Nguyễn Mạnh Tuấn Anh mà có.

    Theo lời khai của Nguyễn Ngọc Hải, Hoàng Văn Thành, Đặng Tiến Dũng và những người làm chứng là các anh Vương Quốc Chính, Nguyễn Văn Hồng và Giáp Văn Thắng thì khi nhận tiền của Nguyễn Ngọc Hải, Đặng Tiến Dũng đều viết  giấy biên nhận có tiêu đề “Giấy vay tiền”, có nội dung vay nợ, có thời hạn trả nợ và điều kiện trả xe là khi trả hết nợ; Dũng còn khai Hải lấy lãi 5.000.000 đồng. Mặt khác, khi Dũng giao xe ô tô cho Hải, không có dấu hiệu của việc mua bán xe như kiểm tra hình thức, chất lượng xe, trao đổi giá cả…. Thực chất hành vi của Nguyễn Ngọc Hải là cho vay tiền có cầm cố tài sản.   Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án Nguyễn Ngọc Hải về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” là không chính xác. Hành vi của Nguyễn Ngọc Hải cấu thành tội “Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có”.

    Mặc dù tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” và tội  “Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có” được quy định trong cùng một điều luật nhưng mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi “chứa chấp” thấp hơn hành vi “tiêu thụ” trong cùng một sự việc cụ thể. Ngoài ra, bị cáo phạm tội lần đầu; trong quá trình giải quyết vụ án bị cáo khai báo thành khẩn; tài sản là chiếc xe ô tô đã được trả lại cho người bị hại là anh Nguyễn Mạnh Tuấn Anh nên ngoài việc xem xét lại tội danh cần phải xem xét lại mức hình phạt và biện pháp chấp hành hình phạt đối với Nguyễn Ngọc Hải.

    Việc Nguyễn Ngọc Hải cho Đặng Tiến Dũng vay 80.000.000 đồng, Dũng đã trả lại Hải 10.000.000 đồng là quan hệ dân sự. Tòa án cấp sơ thẩm buộc Hải truy nộp 10.000.000 đồng và Dũng truy nộp 70.000.000 đồng để sung quỹ nhà nước là không đúng.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 279; khoản 3 Điều 285; Điều 286 Bộ luật tố tụng hình sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 1175/2006/HSPT ngày 15-11-2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội về phần tội danh, hình phạt và án phí hình sự phúc thẩm đối với Nguyễn Ngọc Hải để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Huỷ quyết định: … “Đặng Tiến Dũng phải truy nộp 70.000.000 đồng sung quỹ nhà nước”;… “Nguyễn Ngọc Hải phải truy nộp 10.000.000 đồng sung công quỹ nhà nước”…tại bản án hình sự sơ thẩm số 261/2006/HSST ngày 22-6-2006 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội và đình chỉ vụ án đối với phần quyết định này.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Thực chất hành vi của bị cáo Hải là cho vay tiền có cầm cố tài sản chứ không phải là mua tài sản, do đó phạm tội “chứa chấp tài sản do phạm tội mà có” chứ không phải tội “tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có”. Vì vậy, cần xét xử phúc thẩm lại cho đúng.

    Việc bị cáo Dũng và Hải vay trả tiền là quan hệ dân sự, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên tịch thu là không đúng.

     

     
    5756 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận