Số hiệu
|
02/2011/HS-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Hoàng Đình Dung bị kết án về tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước"
|
Ngày ban hành
|
17/03/2011
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Hình sự
|
….
Ngày 17-3-2011, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:
1. Hoàng Đình Dung sinh năm 1954; trú tại số 24 ngõ 189/2 đường Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội; khi phạm tội là Giám đốc Chi nhánh Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp 3 tại Hà Nội; con ông Hoàng Xuân Viên và bà Bùi Thị Hải (đều đã chết); có vợ và 03 con; bị bắt giam ngày 18-l0-2007; được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù từ ngày 11-12-2009.
2. Vũ Thị Trầm sinh năm 1954; trú tại phòng 612 nhà 4B, phố Vọng Hà, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội; khi phạm tội là Phó Giám đốc Sở giao dịch 1 - Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam; con ông Vũ Đình Tuần (đã chết) và bà Vũ Thị Tuần; có chồng và 02 con.
3. Đỗ Thị Minh sinh năm 1961; trú tại thôn Phùng Khoang, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội; khi phạm tội là Phó phòng kế hoạch kinh doanh Sở giao dịch 1 - Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam; con ông Đỗ Văn Trụ và bà Phạm Thị Mạc; có chồng và 02 con.
Nguyên đơn dân sự:
- Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam;
- Công ty thực phẩm và đầu tư công nghệ (trước đây là Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp 3).
Người có quyền lợi liên quan đến vụ án:
Chi nhánh Thăng Long (trước đây là Sở giao dịch 1) - Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam.
NHẬN THẤY:
Ngày 17-7-2000, Hoàng Đình Dung - Giám đốc Chi nhánh Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp 3 (gọi tắt là Centrimex3 , thuộc Bộ Thương mại) ký hợp đồng ngoại thương số 611/17120 với Công ty Helm Dungemitel (sau đây gọi tắt là Công ty Helm) của Cộng hoà liên bang Đức mua 10.000 tấn phân Urê, với giá 145 USD/01 tấn, tổng giá trị hợp đồng là 1.450.000 USD, giao hàng theo điều kiện CFR (người bán giao hàng khi hàng hoá đã qua lan can tàu tại cảng gửi hàng), thanh toán bằng Thư tín dụng (L/C) không huỷ ngang.
Để đảm bảo việc thanh toán cho Công ty Helm, ngày 17-7-2000 Hoàng Đình Dung có Giấy cam kết thanh toán gửi Sở giao dịch 1 - Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (sau đây gọi tắt là SGDI) với nội dung "Chúng tôi cam kết chuyển đủ số tiền theo giá trị L/C để thanh toán cho người nước ngoài trước khi Ngân hàng ký hậu vận đơn hoặc phát hành thư bảo lãnh để doanh nghiệp chúng tôi đi nhận hàng... )
Ngày 19-7-2000, Hoàng Đình Dung có Giấy yêu cầu gửi SGD1 đề nghị mở Thư tín dụng (L/C) không huỷ ngang cho người thụ hưởng là Công ty Helm, trị giá L/C là 1.450.000 USD (+/- 10%).
Ngày 21-7-2000, SGD1 phát hành tới Ngân hàng BHF (của Đức) Thư tín dụng số LN/SGD1-00/071, trị giá L/C là 1.450.000 USD (+/- 10%), hết hạn vào ngày 10-10-2000.
Ngày 25-8-2000, Centrimex3 mua bảo hiểm cho lô hàng trên tại Công ty bảo hiểm Bưu điện.
Ngày 27-9-2000, Tàu DEWAN1 (Quốc tịch Pakistan) chở 10.013,35 tấn phân Urê, trị giá 1.451.935,75 USD cập cảng thành phố Hồ Chí Minh, chậm 12 ngày so với thông báo dự kiến của Công ty Helm. Sau đó, Hoàng Đình Dung đã lên tàu kiểm tra hàng với tư cách là chủ hàng.
Ngày 02-10-2000, SGD1 nhận được bộ chứng từ đòi 1.451.935,75 USD do Ngân hàng BHF gửi đến, trong đó có vận đơn đường biển (B/L) và hối phiếu.
Sau khi kiểm tra chứng từ, Phạm Thị Phượng (Thanh toán viên) và Đỗ Thị Minh (Phó Phòng kế hoạch kinh doanh – SGD1) có Tờ trình gửi Ban Giám đốc SGD1 nêu bộ chứng từ có các sai sót sau:
1. Sai sót trong vận đơn:
Không ghi chú ngày bốc hàng lên tàu;
2. Sai sót trong hối phiếu:
- Sai số tiền bằng chữ trên hối phiêú;
- Không có tên của Drawee trên Draft (Drawn under) ...
Vũ Thị Trầm (Phó Giám đốc SGD1) cũng nhất trí với báo cáo trên của Phòng kế hoạch kinh doanh, nên ngày 02-10-2000 Trầm có công văn (không số) thông báo cho Centrimex3 về bộ chứng từ có các sai sót nêu trên và đề nghị Centrimex3 cho ý kiến.
Ngày 03-10-2000, Hoàng Đình Dung có công văn số 81/HN gửi SGD1 với nội dung : "ngoài 03 sai biệt trong bộ chứng từ mà quý Ngân hàng đã thông báo,chúng tôi xin nêu thêm 03 sai biệt khác như sau:
- Dẫn chiếu sai số hợp đồng, ngày lý hợp đồng trên các chứng từ giao hàng;
- Điều kiện giao hàng CFRFO thể hiện trên Invoice (Hoá đơn) của người hưởng lợi số 2001145 ngày 06-9-2000 là không phù hợp theo Incoterms 2000 và luật pháp Việt Nam trong hạch toán kinh tế;
- Lịch trình chạy tàu không hợp lý: Vận đơn số 1 được ký phát ngày 06-9-2000, theo thông báo của bên bán hàng thì ngày 08-9-2000 tàu khởi hành rời khỏi Bayuquan, Trung Quốc; dự kiến ngày 15-9-2000 tàu tới cảng thành phố Hồ Chí Minh, nhưng thực tế tàu tới cảng Sài Gòn chậm 12 ngày so với thông báo.
Đề nghị Ngân hàng từ chối thanh toán bộ chứng từ đòi tiền của Ngân hàng nước ngoài theo L/C số LN/SGD1-00/071’.
Ngày 04-10-2000, Vũ Thị Trầm có điện gửi Ngân hàng BHF thông báo: "bộ chứng từ đòi tiền có 03 sự khác biệt, người yêu cầu mở L/C đã từ chối các chứng từ, hiện nay chúng tôi đang giữ bộ chứng từ và chờ sự chỉ dẫn thêm của các ngài”
Ngày 06-10-2000, Ngân hàng BHF điện cho SGD1 với nội dung: "chúng tôi phủ nhận việc từ chối chứng từ của quý ngài vì hối phiếu và vận đơn là hoàn toàn đúng..., đề nghị tuý ngài thanh toán ngay"; ngày 09-10-2000 Ngân hàng BHF tiếp tục điện cho SGD1 thông báo "chúng tôi khước từ việc từ chối bộ chứng từ của các ngài".
Ngày 09-10-2000, Vũ Thị Trầm có điện gửi Ngân hàng BHF thông báo “chúng tôi từ chối thanh toán số tiền 1.451.935,75 USD theo L/C số LN/SGD1- 00/071 vì chứng từ có sự khác biệt đã nêu trong điện MT/799 của chúng tôi ngày 04-10-2000; hiện nay chúng tôi đang giữ chứng từ chờ các ngài định đoạt và không chịu rủi ro".
Ngày 10-10-2000, Văn phòng đại diện Ngân hàng BHF tại Việt Nam có điện gửi Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (sau đây gọi tắt là NHNNVN) khẳng định các sai biệt do SGD1 nêu là không đúng, nên việc từ chối thanh toán của SGD1 là không có hiệu lực và đề nghị NHNNVN can thiệp để được thanh toán.
Sau khi nhận được công văn của Ngân hàng BHF, ngày 11-10-2000 Tổng Giám đốc NHNNVN có công văn số2507/NHNo-08 gửi ông Đặng Văn Đính - Giám đốc SGD1 yêu cầu báo cáo vụ việc; ông Đính đã có bút phê vào công văn này chỉ đạo Vũ Thị Trầm báo cáo gấp về Ban quan hệ quốc tế. Cùng ngày, Vũ Thị Trầm có công văn số 279/SGD1 gửi Tổng Giám đốc NHNNVN báo cáo sự việc và xin ý kiến chỉ đạo.
Trước đó, ngày 03-10-2000 Đại lý hàng hải Việt Nam có công văn đề nghị Centrimex3 nhận hàng tại cảng Sài Gòn; ngày 04-10-2000, Hoàng Đình Dung có công văn số 81/HN gửi Đại lý hàng hải Việt Nam từ chối nhận 10.013,35 tấn phân Urê trên tàu DEWAN1, với lý do: "lô hàng trên thuộc quyền định đoạt của người bán hàng (Công ty Helm); Công ty chúng tôi không có B/L đề nhận hàng vì bộ chứng từ không phù hợp với L/C; việc giải quyết lô hàng trên không thuộc trách nhiệm của Công ty chúng tôi".
Ngày 12-10-2000, Hoàng Đình Dung có công văn số 88/HN thông báo cho SGD1 về nội dung đàm phán giữa Centrimex3 với Công ty Helm là “Centrimex3 chỉ nhận hàng với điều kiện là phải tính theo giá thị trường tại thời điểm nhận hàng và giám đinh lại chất lượng hàng hoá” và có công văn số 85/HN gửi Công ty bảo hiểm Bưu Điện đề nghị gia hạn hợp đồng bảo hiểm cho đến khi lô hàng được dỡ xong.
Tại cuộc họp ngày 16-10-2000 (có sự tham gia của ông Đặng Văn Đính, Vũ Thị Trầm và Đỗ Thị Minh), ông Nguyễn Văn Lê - Phó Tổng Giám đốc NHNNVN đã kết luận là không có căn cứ pháp lý để từ chối thanh toán L/C trên và ngày 17-10-2000 ông Lê có công văn số2553/NHNo-08 gửi Giám đốc SGD1 chỉ đạo thanh toán ngay L/C cho Ngân hàng BHF và yêu cầu Centrimex3 đến nhận nợ.
Theo chỉ đạo (bút phê) của ông Đặng Văn Đính, ngày 19-10-2000 Vũ Thị Trầm có Tờ trình số 285/SGD1 gửi Tổng Giám đốc NHNNVN báo cáo về việc SGD1 đã yêu cầu Centrimex3 đến nhận nợ, nhưng Centrimex3 không chấp nhận nên SGD1 không có nguồn để thanh toán và phản ánh việc SGD1 đã mời các ban, ngành liên quan tổ chức họp bàn biện pháp xử lý.
Ngày 20-10-2000, ông Đặng Văn Đính chủ trì cuộc họp bàn biện pháp giải quyết, thành phần gồm đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, NHNNVN, Ngân hàng ngoại thương Việt Nam, Bộ Thương mại, Centrimex3 (Hoàng Đình Dung).... Tại cuộc họp đại diện SGD1 đề nghị lãnh đạo NHNNVN cho SGD1 tiếp tục bàn bạc với khách hàng và Ngân hàng BHF để thanh toán vào thời gian sớm nhất.
Do không có người nhận hàng nên chủ tàu DEWAN 1 đã đề nghị Đại lý hàng hải Việt Nam cho làm thủ tục rời cảng Sài Gòn và ngày 19-10-2000 tàu DEWAN1 đã chở toàn bộ số hàng trên rời cảng Sài Gòn về cảng Karachi (Pakistan).
Ngày 23-10-2000, NHNNVTN tiếp tục có công văn (số2618/NHNo-08) gửi Giám đốc SGD1 yêu cầu SGD1 thanh toán ngay L/C trong ngày 23-10-2000.
Cùng ngày, ông Đặng Văn Đính có Tờ trình số 290/SGD1 gửi Tổng Giám đốc nêu: “tàu DEWAN1 đã rời cảng Sài Gòn nên không có vật tư đảm bảo tiền vay, khả năng rủi ro rất lớn, nếu phải thanh toán dẫn đến rủi ro thì SGD1 xin phép không chịu trách nhiệm”.
Ngày 02-11-2000, Ngân hàng BHF điện cho SGD1 thông báo: BHF đã thu hồi số tiền L/C trên bằng cách tự động trích từ tài khoản tiền gửi của NHNNVN mở tại Đức với số tiền 1.714.072 EUR, trong đó trị giá L/C là 1.703.150,44 EUR và phạt lãi trả chậm là 11.922,05 EUR.
Ngày 22-11-2000, SGD1 đã cử Đoàn cán bộ (bao gồm cả đại diện của Centrimex3) sang Karachi (Pakistan) để đàm phán với chủ tàu DBWAN1 và đã thoả thuận: nếu phía Việt Nam bồi thường cho chủ tàu số tiền chi phí phát sinh là 539.825 USD thì chủ tàu sẽ chở số phân Urê trên về Việt Nam (sẽ giảm thiệt hại là 656.000 USD). Sau khi nhận được báo cáo của Đoàn công tác về kết quả đàm phán trên, ông Đặng Văn Đính và Hoàng Đình Dung không chấp nhận bồi thường chi phí nói trên, vì thế Toà án Karachi đã cho phép chủ tàu DEWAN1 bán số hàng trên để thu hồi chi phí.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 50/2008/HSST ngày 28-01-2008, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội:
- Áp dụng khoản 3 Điều 144; khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt Hoàng Đình Dung 07 năm tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước";
- Áp dụng khoản 2 Điều 285; khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt Vũ Thị Trầm 05 năm tù, Đỗ Thị Minh 03 năm tù, đều về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”;
- Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự, buộc:
- Hoàng Đình Dung bồi thường cho Công ty thực phẩm và đầu tư công nghệ 1.451.935,75 USD;
- Vũ Thị Trầm, Đỗ Thị Minh phải liên đới bồi thường cho Chi nhánh Thăng Long -NHNNVN 11.921,05 EUR (theo phần Trầm phải bồi thường 6.921,05 EUR, Minh phải bồi thường 5.000 EUR);
- Công ty thực phẩm và đầu tư công nghệ phải hoàn trả Chi nhánh Thăng Long - NHNNVN 1.703.150,44 EUR, trong đó được khấu trừ khoản tiền 1.022.000.000 đồng mà Centrimex3 đã ký quỹ tại SGD1 (Chi nhánh Thăng Long) - NHNNVN.
Trong thời hạn luật định, Hoàng Đình Dung, Vũ Thị Trầm, Đỗ Thị Minh,đều kháng cáo kêu oan;
Ngày 29-01-2008, Công ty thực phẩm và đầu tư công nghệ có đơn kháng cáo về phần liên quan đến quyền lợi của Công ty;
Ngày 04-02-2008, Chi nhánh Thăng Long - NHNNVN kháng cáo đề nghị buộc Công ty thực phẩm và đầu tư công nghệ thanh toán cả tiền gốc và lãi của khoản vay tính đến khi Toà án có Quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 494/2008/HSPT ngày 23-7-2008, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội:
- Áp dụng khoản 3 Điều 144; khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt Hoàng Đình Dung 07 năm tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước”;
- Áp dụng khoản 2 Điều 285 , khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt Vũ Thị Trầm 05 năm tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng";
- Áp dụng khoản 2 Điều 285; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 60 Bộ luật hình sự, xử phạt Đỗ Thị Minh 03 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm.
Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự buộc:
- Hoàng Đình Dung bồi thường cho Công ty thực phẩm và đầu tư công nghệ số tiền Việt Nam đồng tương ứng 1.451.935,75 USD theo tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm thanh toán;
Vũ Thị Trầm, Đỗ Thị Minh phải liên đới bồi thường cho Chi nhánh Thăng Long - NHNNVN số tiền Việt Nam đồng tương ứng là 11.921,05 EUR theo tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm thanh toán, theo phần Trầm phải bồi thường số tiền Việt Nam đồng tương ứng 6.921,05 EUR, Minh phải bồi thường số tiền Việt Nam đồng tương ứng 5 .000 EUR (trong đó Minh đã bồi thường 30.000.000 đồng);
- Công ty thực phẩm và đầu tư công nghệ phải hoàn trả NHNNVN do Chi nhánh Thăng Long nhận số tiền là 1.703.150,44 EUR, trong đó được khấu trừ khoản tiền l.022.000.000 đồng tương đương 77.665,47 EUR mà Centrimex3 đã ký quỹ tại SGD1.
- Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số37/QĐ-VKSTC-V3 ngày 11-12-2009, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 494/2008/HSPT ngày 23-7-2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đối với Hoàng Đình Dung, Vũ Thị Trầm và Đỗ Thị Minh; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và bản án hình sự sơ thẩm số 50/2008/HSST ngày 28-01-2008 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng giám đốc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
XÉT THẤY
1. Đối với Hoàng Đình Dung:
Theo bản Quy tắc chính thức của Phòng thương mại Quốc tế Paris giải thích các điều kiện thương mại (Incoterms 2000) thì việc Hoàng Đình Dung ký hợp đồng mua hàng theo phương thức CFR là người bán giao hàng khi hàng hóa đã qua lan can tàu tại cảng gửi hàng và người mua phải chịu mọi rủi ro đối với hàng hóa kể từ thời điểm này. Tại Điều 58 và Điều 76 Luật thương mại Việt Nam (năm 1997) quy định: quyền sở hữu hàng hóa được chuyển từ người bán sang người mua kể từ thời điểm người bán giao hàng cho người mua và người mua phải chịu rủi ro đối với hàng hóa trên đường vận chuyển kể từ thời điểm này. Qua kiểm tra hồ sơ vụ án thì Công ty Helm đã giao hàng cho Centrimex3 kể từ ngày bốc hàng lên tàu (ngày 06-9-2000), nên Centrimex3 phải chịu trách nhiệm về lô hàng và thực tế Centrimex3 đã mua bảo hiểm cho lô hàng nói trên. Vì thế, trách nhiệm của Dung trước hết là phải trên mọi biện pháp để nhận hàng, nếu có nghi ngờ về chất lượng hàng hóa (do tàu đến chậm so với dự kiến) thì hai bên có thể thương lượng hoặc yêu cầu một cơ quan tài phán giải quyết.
Tuy nhiên, ngày 04-10-2000, Hoàng Đình Dung lại từ chối nhận số hàng trên, với lý do không có vận đơn gốc để nhận hàng. Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì tại thời điểm số hàng trên được chở về Việt Nam thì giá phân Urê liên tục giảm. Điều này thể hiện qua chính lời khai của Hoàng Đình Dung tại cơ quan điều tra là đã từ chối không đến Ngân hàng nhận chứng từ để đi nhận hàng và cũng không yêu cầu Ngân hàng phát hành bảo lãnh để đi nhận hàng vì tại thời điểm đó giá phân Urê giảm mạnh. Lời khai của Dung (về việc giá phân Urê giảm) phù hợp với nhiều tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án như: tại Công văn số89/NHNN-PC ngày 06-02-2001, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phản ánh quan điểm của NHNNVN (tại cuộc họp ngày 05-01-2001) cho rằng nguyên nhân chính gây ra vụ việc này là do giá phân Urê hạ; tại Biên bản làm việc ngày 02-6-2003, Chi nhánh Thăng Long - NHNNVN cho rằng việc Centrimex3 không nhận hàng không phải do chứng từ mà do giá cả; lời khai của ông Đặng Văn Đính về việc Dung không nhận hàng là do sợ lỗ vốn vì giá phân Urê tại thời điểm đó liên tục giảm; đặc biệt, ngày 12-10-2000, Dung còn có công văn số 88/HN thông báo cho SGD1 là “Centrimex3 chỉ nhận hàng với điều kiện là phải tính theo giá thị trường tại thời điểm nhận hàng và giám định lại chất lượng hàng hoá”;... Từ đó, có đủ cơ sở để khẳng định nguyên nhân, động cơ của việc Dung không nhận hàng là vì tại thời điểm này giá phân Urê giảm, chứ không phải không có vận đơn gốc để đi nhận hàng.
Ngoài ra, trong quá trình đàm phán của Đoàn công tác (do SGD1 chủ trì) với chủ tàu DEWAN1 tại Pakistan đã đạt thoả thuận là nếu bồi thường cho chủ tàu số tiền chi phí phát sinh là 539.825 USD thì chủ tàu sẽ chở số phân Urê trên về Việt Nam (sẽ giảm thiệt hại là 656.000 USD), nhưng Dung vẫn không chấp nhận bồi thường số tiền trên và nhận lại hàng.
Như vậy, việc Hoàng Đình Dung đề nghị SGD1 từ chối thanh toán L/C, cũng như việc Dung từ chối nhận hàng là không có căn cứ. Hành vi thiếu trách nhiệm nêu trên của Dung dẫn đến thất thoát toàn bộ lô hàng trên, là tài sản của Nhà nước. Vì thế, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án Hoàng Đình Dung về tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước" là có căn cứ, xử phạt Dung 07 năm tù là không nặng và buộc Dung bồi thường thiệt hại trị giá toàn bộ lô hàng, là đúng pháp luật.
2. Đối với Vũ Thị Trầm, Đỗ Thị Minh và ông Đặng Văn Đính:
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thất thoát toàn bộ lô hàng trên là do SGD1 không thanh toán L/C. Tại cuộc họp ngày 16-l0-2000 (có sự tham gia của ông Đặng Văn Đính, Vũ Thị Trầm và Đỗ Thị Minh) , lãnh đạo NHNNVN đã kết luận là không có căn cứ pháp lý để từ chối thanh toán L/C và ngày 17-10-2000, NHNNVN đã có công văn số2553/NHNo-08 chỉ đạo SGD1 thanh toán ngay L/C trên và yêu cầu Centrimex3 đến nhận nợ, nhưng SGD1 lại không thực hiện, dẫn đến việc tàu DEWAN1 chở toàn bộ số hàng trên rời khỏi Việt Nam. Mặt khác, do việc SGD1 không thanh toán L/C dẫn đến việc Ngân hàng BHF phạt khoản tiền lãi trả chậm là 1 1.922,05 EUR, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước.
Trách nhiệm về các vấn đề nêu trên thuộc về SGD1, mà trước hết là ông Đặng Văn Đính với cương vị là Giám đốc SGD1, có nhiệm vụ điều hành mọi hoạt động của SGD1; thực hiện và kiểm tra việc thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo NHNNVN, là người phải chịu trách nhiệm chính. Vũ Thị Trầm là Phó Giám đốc SGD1 phụ trách Phòng kinh doanh và lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ và Đỗ Thị Minh là Phó phòng kế hoạch kinh doanh, phụ trách lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ, phải chịu trách nhiệm liên đới. Ngoài ra, khi Hoàng Đình Dung không chấp nhận kết quả đàm phán của Đoàn công tác tại Pakistan, ông Đính đã chỉ đạo Đoàn công tác về nước, bỏ mặc số hàng trên, trong khi SGD1 vẫn giữ bộ chứng từ gốc, là không làm hết trách nhiệm của mình. Các cơ quan tiến hành tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Vũ Thị Trầm và Đỗ Thị Minh, nhưng không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chịu trách nhiệm chính là ông Đặng Văn Đính, là không công bằng, chưa khách quan trong đường lối xừ lý. Từ những vấn đề nêu trên, xét thấy cần phải hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm về phần quyết định đối với Vũ Thị Trầm và Đỗ Thị Minh để điều tra lại xác định rõ vai trò , tính chất, mức độ sai phạm . . . của các bị cáo này và xem xét trách nhiệm của ông Đặng Văn Đính trong vụ án, để giải quyết vụ án được công bằng, đúng pháp luật.
Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 279; khoản 3 Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;
QUYẾT ĐỊNH:
1. Không chấp nhận Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về phần đối với Hoàng Đình Dung; giữ nguyên phần quyết định tại bản án hình sự phúc thẩm số 494/2008/HSPT ngày 23-7-2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đối với Hoàng Đình Dung;
2. Chấp nhận Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về phần đối với Vũ Thị Trầm và Đỗ Thị Minh; hủy bản án hình sự phúc thẩm số 494/2008/HSPT ngày 23-7-2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 50/2008/HSST ngày 28-01-2008 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về phần đối với Vũ Thị Trầm, Đỗ Thị Minh để điều tra lại.
3. Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra tại đối với Vũ Thị Trầm, Đỗ Thị Minh theo thủ tục chung và xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Đặng Văn Đính; theo đúng quy định của pháp luật.