Quyết định giám đốc thẩm số 19/2005/Hs-gđt Ngày 31-10-2005 Về vụ án Phùng Thị Sến cùng đồng bọn phạm tội “mua bán phụ nữ” và “mua bán trẻ em”

Chủ đề   RSS   
  • #264844 28/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 19/2005/Hs-gđt Ngày 31-10-2005 Về vụ án Phùng Thị Sến cùng đồng bọn phạm tội “mua bán phụ nữ” và “mua bán trẻ em”

    Số hiệu

    19/2005/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số19/2005/Hs-gđt Ngày 31-10-2005 Về vụ án Phùng Thị Sến cùng đồng bọn phạm tội “mua bán phụ nữ” và “mua bán trẻ em”

    Ngày ban hành

    31/10/2005

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    Quyết định giám đốc thẩm số19/2005/Hs-gđt

    Ngày 31-10-2005 Về vụ án Phùng Thị Sến cùng đồng bọn phạm tội “mua bán phụ nữ” và “mua bán trẻ em”

     

    Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

    ...

    Ngày 31 tháng 10 năm 2005, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    1- Phùng Thị Sến (còn có các tên gọi khác là Đồng Chí Tiên, Đồng Thị Sên) sinh năm 1966; quốc tịch Trung Quốc; trú tại Cửa khẩu Thiên Bảo, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; con ông Đồng Suẩn Phà và bà Cẩu Thìn Chấn; có chồng là Chá Lỷ (đã ly hôn) và có 2 con; bị bắt giam ngày 05-8-2003.

    2- Đinh Thị Hải Yến sinh năm 1974; trú tại xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; con ông Đinh Văn Thảo và bà Hà Thị Liền; có chồng là Phan Văn Tuệ (đã ly hôn) và có 2 con; bị bắt giam ngày 05-4-2003.

    3- Hoàng Thị Hương sinh năm 1974; trú tại bản Nà Ngoan, xã Kim Thạch, thị xã Hà Giang, tỉnh Hà Giang; con ông Hoàng Văn Bản (đã chết) và bà Lý Thị Hón; có chồng là Vũ Mạnh Đức (đã ly hôn) và có 2 con; bị bắt giam ngày 01-7-2003.

    Người bị hại: Cháu Phàn Thị Duyên sinh ngày 22-4-1988 (đến ngày các bị cáo phạm tội là 14 tuổi 9 tháng) và cháu Phàn Thị Vân sinh năm 1986 (đến ngày các bị cáo phạm tội là 16 tuổi 3 tháng) đều trú tại bản Nà Ngoan, xã Kim Thạch, thị xã Hà Giang, tỉnh Hà Giang.

    (Trong vụ án này còn có các bị cáo Hoàng Tuấn Trường và Lương Văn Phòng).

    Nhận thấy:

    Đinh Thị Hải Yến có quen biết với Phùng Thị Sến từ năm 2000 do Yến thường sang Trung Quốc mua vải của Sến.

    Vào một ngày khoảng cuối tháng 02-2003, Phùng Thị Sến nhập cảnh vào Việt Nam có thuê Hoàng Tuấn Trường (làm nghề lái xe ôm) chở đến nhà Đinh Thị Hải Yến để nhờ Yến tìm người giúp việc tại quán cắt tóc của Sến ở cửa khẩu Thiên Bảo và nếu khách có nhu cầu thì bán dâm. Yến nhận lời giúp. Khoảng ba ngày sau Yến gặp Hoàng Thị Hương tại chợ Hà Giang. Yến rủ Hương sang làm nghề cắt tóc và bán dâm tại quán của Sến, Hương đồng ý. Hôm sau, Hương đến nhà Yến chơi và gặp Sến tại nhà Yến. Sến nói với Yến nếu tìm được phụ nữ Việt Nam trẻ đẹp khoảng 16 đến 17 tuổi đưa đến nhà Sến sẽ trả 1.000.000 đồng một người và nhờ Hương tìm giúp 2 người. Hương thống nhất với Yến nếu tìm được sẽ chia cho Yến một nửa tiền.

    Tối ngày 01-3-2003, Yến và Hương đã rủ cháu Phàn Thị Duyên và Phàn Thị Vân là hàng xóm của Hương nói là đi làm thuê ở thị xã Hà Giang, tiền công mỗi ngày được 15.000 đồng, nên Vân và Duyên đồng ý đi. Yến gọi điện cho Trường nhờ đưa người đi. Sáng hôm sau Yến, Hương đưa Vân và Duyên đến thị xã Hà Giang thì gặp Trường, Trường gọi thêm một xe ôm và cùng đi lên cửa khẩu Thanh Thuỷ. Trường nhờ Lương Văn Phòng đưa Hương, Vân và Duyên sang Trung Quốc với tiền công là 300.000 đồng. Đến 19 giờ cùng ngày, Phòng đưa Hương, Vân và Duyên sang Trung Quốc qua đường rừng đến nhà Sến rồi Phòng quay về Việt Nam. Hôm sau Yến cùng với Trường và Phòng sang nhà Sến để lấy tiền. Sến đã trả cho Yến 1.500.000 đồng và trả cho Hương 1.000.000 đồng, nhưng mới ứng trước cho Hương 500.000 đồng để mua quần áo, còn lại Sến giữ hộ. Sau đó, Sến đã tổ chức cho Duyên và Vân hành nghề mại dâm, còn Hương làm phục vụ tại nhà Sến. Đến ngày 01-4-2003, Sến đồng ý cho Hương và Duyên trở về Việt Nam. Khi về đến Việt Nam, Duyên đã tố cáo hành vi mua bán phụ nữ của Sến, Yến và Hương. Phàn Thị Vân ở lại tiếp tục bán dâm đến ngày 06-7-2003 cũng trở về Việt Nam.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 105/HSST ngày 21-11-2003, Toà án nhân dân tỉnh Hà Giang áp dụng các điểm a và d khoản 2 Điều 119; các điểm đ và g khoản 2 Điều 120; điểm p khoản 1 Điều 46 đối với Đinh Thị Hải Yến và Hoàng Thị Hương và Điều 50 Bộ luật hình sự, xử phạt: Phùng Thị Sến 06 năm tù về tội mua bán phụ nữ, 12 năm tù về tội mua bán trẻ em, tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội là 18 năm tù; Đinh Thị Hải Yến 06 năm tù về tội mua bán phụ nữ, 11 năm tù về tội mua bán trẻ em, tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội là 17 năm tù; Hoàng Thị Hương 05 năm tù về tội mua bán phụ nữ, 10 năm tù về tội mua bán trẻ em, tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội là 15 năm tù.

    Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn xử phạt Hoàng Tuấn Trường và Lương Văn Phòng về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép nhưng cho hưởng án treo.

    Ngày 24-11-2003 Phùng Thị Sến kháng cáo kêu oan. Ngày 29-11-2003, Sến có đơn kháng cáo kêu oan về tội mua bán trẻ em và xin giảm nhẹ hình phạt.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 419/HSPT ngày 23-3-2004, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội giữ nguyên các quyết định của bản án hình sự sơ thẩm đối với Phùng Thị Sến.

    Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số17/2005/HS-TK ngày 29-8-2005, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại theo đúng pháp luật.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

    xét thấy:

    Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ và kết quả thẩm vấn tại phiên toà sơ thẩm và phiên toà phúc thẩm có căn cứ kết luận các bị cáo Phùng Thị Sến, Đinh Thị Hải Yến và Hoàng Thị Hương phạm các tội “mua bán phụ nữ” và “mua bán trẻ em”.

    Tuy nhiên, xem xét mức độ, tính chất hành vi phạm tội và hậu quả thấy rằng bị cáo Phùng Thị Sến là người có quốc tịch Trung Quốc, ý thức của bị cáo là tìm phụ nữ Việt Nam sang giúp việc và làm nghề mại dâm ngay tại quán ở khu vực cửa khẩu. Sau một thời gian ngắn bị cáo cũng đã cho những người bị hại trở về Việt Nam nên hậu quả được hạn chế; do đó, cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với Sến.

    Đối với Đinh Thị Hải Yến và Hoàng Thị Hương, do bị Phùng Thị Sến lôi kéo, phạm tội do hám lợi, chưa có tiền án tiền sự. Trong quá trình điều tra và tại phiên toà sơ thẩm các bị cáo đều khai báo thành khẩn. Ngoài việc được áp dụng điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự các bị cáo cũng được áp dụng điểm a khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự như đối với Phùng Thị Sến.

    Do các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, nhưng Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm chưa xem xét cho các bị cáo và do đó hình phạt mà Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm xử phạt các bị cáo Phùng Thị Sến, Đinh Thị Hải Yến và Hoàng Thị Hương là quá nghiêm khắc. Cần huỷ bản án hình sự phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại. Căn cứ vào kết quả xét hỏi tại phiên toà phúc thẩm khi xét kháng cáo của Phùng Thị Sến để áp dụng đúng các tình tiết giảm nhẹ và xử phạt bị cáo Phùng Thị Sến đúng pháp luật, đồng thời xem xét lại hình phạt đối với Đinh Thị Hải Yến và Hoàng Thị Hương theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

    Vì các lẽ trên và căn cứ vào Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng 
    hình sự;

    Quyết định:

    1. Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 419/HSPT ngày 23-3-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã xét xử đối với Phùng Thị Sến; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

    2. Tiếp tục tạm giam Phùng Thị Sến cho đến khi Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội thụ lý lại vụ án.

    ____________________________________________

    - Lý do huỷ bản án phúc thẩm:

    Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm chưa xem xét các tình tiết giảm nhẹ đối với các bị cáo; do đó hình phạt mà Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm áp dụng đối với các bị cáo là quá nghiêm khắc.

    - Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ bản án phúc thẩm:

    Thiếu sót trong việc cân nhắc và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 28/05/2013 05:00:47 CH
     
    2902 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận