Quyết định giám đốc thẩm số 16/2006/hs-gđt ngày 03-7-2006 về vụ án nguyễn hồng hiển phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”

Chủ đề   RSS   
  • #265081 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4358 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 16/2006/hs-gđt ngày 03-7-2006 về vụ án nguyễn hồng hiển phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”

    Số hiệu

    16/2006/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số16/2006/hs-gđt ngày 03-7-2006 về vụ án nguyễn hồng hiển phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”

    Ngày ban hành

    03/07/2006

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ16/2006/HS-GĐT NGÀY 03-7-2006 VỀ VỤ ÁN NGUYỄN HỒNG HIỂN 
    PHẠM TỘI “THIẾU TRÁCH NHIỆM 
    GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG”

     

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    ...

    Ngày 03 tháng 7 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    Nguyễn Hồng Hiển sinh năm 1958; trú tại xóm Mới, xã Ninh Tây, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà; khi phạm tội là Xã đội trưởng kiêm Trưởng ban kiểm lâm nhân dân xã và Cán bộ địa chính xã Ninh Tây; con ông Nguyễn Văn Bình và bà Nguyễn Thị Lý; có vợ và 2 con.

    * Nguyên đơn dân sự: Lâm trường công ích Ninh Hoà - huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà.

    (Trong vụ án còn có bị cáo Nguyễn Trọng Dũng bị xử phạt 07 năm tù về tội “huỷ hoại rừng”.)

    NHẬN THẤY:

    Năm 2000, Ban kiểm lâm nhân dân xã Ninh Tây được thành lập do Nguyễn Hồng Hiển làm Trưởng ban, có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân xã Ninh Tây thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn xã. Trong quá trình công tác, Nguyễn Hồng Hiển biết Nguyễn Trọng Dũng phá rừng để lấy đất canh tác nhưng đã không ngăn chặn, dẫn đến hậu quả một diện tích lớn rừng phòng hộ bị huỷ hoại; cụ thể như sau:

    Khoảng tháng 7-1992, ông Nguyễn Ngọc Đồng được Uỷ ban nhân dân 
    xã Ninh Tây đồng ý cho khai hoang 05 ha đất thuộc địa bàn xã Ninh Tây. 
    Đến năm 1998, Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà có quyết định giao cho Lâm trường công ích Ninh Hoà quản lý và sử dụng 25.139 ha đất lâm nghiệp bao gồm 32 tiểu khu, trong đó có 05 ha ở tiểu khu 416A thuộc địa bàn xã Ninh Tây mà ông Đồng xin khai hoang trước đây.

    Tháng 3-2001, ông Nguyễn Ngọc Đồng và vợ là bà Đỗ Thị Ánh có “Đơn xin chuyển nhượng công khai hoang” gửi Uỷ ban nhân dân xã Ninh Tây trong đó xin chuyển nhượng quyền sử dụng 03 ha đất tại tiểu khu 416A cho Nguyễn Trọng Dũng. Nguyễn Hồng Hiển làm công tác địa chính xác nhận vào đơn như sau: “Hộ ông Nguyễn Ngọc Đồng có đơn xin khai hoang trồng bạch đàn Uỷ ban nhân dân xã đã ký ngày 31-7-1992 và có trồng bạch đàn, nay còn lại một số ít. Theo đơn xin sang nhượng của hai hộ trong đơn đều có hộ khẩu xã Ninh Tây”, sau đó Hiển chuyển đơn cho ông Y Hy là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã. Ông Y Hy xác nhận vào đơn với nội dung: “Ý kiến và đề nghị của cán bộ địa chính xã, Uỷ ban nhân dân xã kính chuyển quý cấp có thẩm quyền xét giải quyết”. Sau đó, bà Ánh nhận lại đơn và giao cho Dũng, Dũng trả cho bà Ánh 4.500.000 đồng.

    Tháng 5-2002, Nguyễn Trọng Dũng đã thuê người san ủi diện tích đất nêu trên để trồng mía. Trước khi san ủi, Dũng có nói với Nguyễn Hồng Hiển, Hiển bảo: “chỉ được san ủi đúng 03 ha đã chuyển nhượng”. Việc san ủi được thực hiện từ ngày 14-5-2002 đến ngày 20-5-2002 thì bị cán bộ Trạm bảo vệ rừng của Lâm trường công ích Ninh Hoà phát hiện, lập biên bản về hành vi huỷ hoại rừng và yêu cầu đưa xe ủi về Trạm bảo vệ rừng, Nguyễn Hồng Hiển đã ra ngăn cản không cho đưa xe ủi đi.

    Tại Bản giám định số 02/HĐ ngày 23-01-2003, Hội đồng giám định giá trị tài sản bị thiệt hại do Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà thành lập kết luận:

    Diện tích đất bị san ủi ở tiểu khu 416A là đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn, bao gồm: 19.590mlà đất có rừng thuần loại cây căm xe; 4.400m2 là đất không có rừng. Giá trị lâm sản bị thiệt hại là 89.565.480 đồng, để phục hồi độ che phủ bằng giải pháp trồng rừng trên diện tích đất có rừng bị san ủi tốn 13.810.950 đồng, tổng số là 103.376.430 đồng. Thiệt hại về môi trường: làm mất độ tàn che do lớp thảm thực vật rừng che phủ, ảnh hưởng đến khả năng giữ nước của khu vực; các thiệt hại này mang tính cục bộ, trong phạm vi hẹp nhưng việc san ủi đất có rừng với diện tích trên là hành vi phá hoại môi trường nghiêm trọng.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 142/HSST ngày 16-7-2004, Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà áp dụng khoản 2 Điều 285; điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt Nguyễn Hồng Hiển 04 năm tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; buộc Nguyễn Hồng Hiển và Nguyễn Trọng Dũng liên đới bồi thường 103.376.430 đồng cho Lâm trường công ích Ninh Hoà, trong đó Hiển phải bồi thường 34.458.810 đồng, Dũng phải bồi thường 68.917.620 đồng. 

    Ngày 22-7-2004, Nguyễn Hồng Hiển kháng cáo kêu oan.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1066 ngày 22-12-2004, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng giữ nguyên bản án sơ thẩm.

    Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số02/QĐ-VKSTC-V3  ngày 23-01-2006, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 1066 ngày 22-12-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, huỷ một phần bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và một phần bản án hình sự sơ thẩm số 142/HSST ngày 16-7-2004 của Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà đối với Nguyễn Hồng Hiển và phần quyết định về trách nhiệm dân sự của hai bản án để giải quyết lại vụ án từ giai đoạn điều tra.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án cho rằng việc Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm kết án Nguyễn Hồng Hiển về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là đúng, nhưng áp dụng khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự là quá nặng và cần xem xét trách nhiệm dân sự cho bị cáo.

    XÉT THẤY:

    Trong vụ án này, nguyên nhân dẫn đến việc huỷ hoại rừng là việc chuyển nhượng trái phép quyền sử dụng 03 ha đất tại tiểu khu 416A giữa Nguyễn Trọng Dũng và ông Nguyễn Ngọc Đồng. Năm 1998, diện tích đất này được giao cho Lâm trường công ích Ninh Hoà và Lâm trường đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Là cán bộ địa chính, Nguyễn Hồng Hiển biết rõ diện tích đất rừng ông Đồng và Dũng thoả thuận chuyển nhượng là thuộc quyền sử dụng của Lâm trường công ích Ninh Hoà, nhưng vẫn xác nhận vào đơn chuyển nhượng để xảy ra việc chuyển nhượng trái pháp luật, từ đó dẫn đến việc Nguyễn Trọng Dũng san ủi rừng tại tiểu khu 416A để lấy đất canh tác.

    Mặc dù diện tích rừng bị huỷ hoại thuộc tiểu khu 416A đã được Lâm trường giao khoán cho hộ gia đình ông Y Lắc để bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh, không nằm trong diện tích rừng được giao khoán bảo vệ theo Hợp đồng số 70/LT ngày 28-11-2000 giữa Lâm trường công ích Ninh Hoà và Uỷ ban nhân dân xã Ninh Tây, nhưng Uỷ ban nhân dân xã Ninh Tây là cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm bảo vệ rừng trong địa giới hành chính của xã; cụ thể:

    - Theo quy định tại Điều 6 Quyết định số245/1998/QĐ-TTg ngày 21-12-1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp về rừng thì: Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm “phối hợp với cán bộ kiểm lâm và các lực lượng công an, quân đội trên địa bàn, tổ chức lực lượng quần chúng bảo vệ rừng trên địa bàn xã, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm hại, huỷ hoại rừng”.

    - Theo Quy chế về tổ chức kiểm lâm nhân dân xã (ban hành kèm theo Quyết định số3301/2000/QĐ-UB ngày 20-7-2000 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà) thì “Ban kiểm lâm nhân dân xã có nhiệm vụ giúp Uỷ ban nhân dân xã thực hiện công tác bảo vệ rừng trên địa bàn xã... Triển khai kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm hại, huỷ hoại rừng... Những trường hợp do thiếu tinh thần trách nhiệm, lợi dụng, cố ý làm trái nguyên tắc gây thiệt hại vốn rừng thì tuỳ theo mức độ vi phạm để xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.”

    Căn cứ vào các quy định trên thì Uỷ ban nhân dân xã Ninh Tây, mà trực tiếp là Ban kiểm lâm nhân dân xã do Nguyễn Hồng Hiển làm Trưởng ban có trách nhiệm bảo vệ đối với diện tích rừng trên địa bàn xã, trong đó có tiểu khu 416A. Nguyễn Hồng Hiển biết rõ Nguyễn Trọng Dũng có hành vi phá rừng tại tiểu khu 416A nhưng đã không ngăn chặn dẫn tới việc 19.590m2 rừng phòng hộ bị huỷ hoại. Hậu quả của vụ án là rất nghiêm trọng, diện tích rừng phòng hộ đã bị huỷ hoại là rất lớn (gấp gần 03 lần mức thấp nhất để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b khoản 8 Điều 3 Nghị định số139/2004/NĐ-CP ngày 25-6-2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản), ngoài thiệt hại về vật chất đã được xác định (103.376.430 đồng) còn ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái và công tác bảo vệ, phát triển rừng tại địa phương. Do đó, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm áp dụng khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự xử phạt Nguyễn Hồng Hiển 04 năm tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là có căn cứ, đúng pháp luật. Về trách nhiệm dân sự, theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm buộc Nguyễn Hồng Hiển và Nguyễn Trọng Dũng liên đới bồi thường 103.376.430 đồng cho Lâm trường công ích Ninh Hoà, trong đó Nguyễn Hồng Hiển phải bồi thường 34.458.810 đồng là phù hợp.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 1 Điều 285 Bộ luật tố tụng hình sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Không chấp nhận Kháng nghị giám đốc thẩm số02/QĐ-VKSTC-V3 ngày 23-01-2006 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữ nguyên bản án hình sự phúc thẩm số 1066 ngày 22-12-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng về các quyết định bị kháng nghị.

    2. Các quyết định khác của bản án hình sự phúc thẩm nêu trên không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm tiếp tục có hiệu lực pháp luật.

    ____________________________________________

    - Lý do không chấp nhận kháng nghị:

    Quyết định của bản án phúc thẩm là đúng pháp luật, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 29/05/2013 01:49:08 CH
     
    3467 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận