Quyết định giám đốc thẩm số 09/2006/hs-gđt ngày 08-5-2006 về vụ án võ đình thọ phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Chủ đề   RSS   
  • #265060 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 09/2006/hs-gđt ngày 08-5-2006 về vụ án võ đình thọ phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

    Số hiệu

    09/2006/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số09/2006/hs-gđt ngày 08-5-2006 về vụ án võ đình thọ phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

    Ngày ban hành

    08/05/2006

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ09/2006/HS-GĐT NGÀY 08-5-2006 VỀ VỤ ÁN VÕ ĐÌNH THỌ 
    PHẠM TỘI “LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN”

     

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    ...

    Ngày 08 tháng 5 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    1. Võ Đình Thọ sinh 1957; trú tại nhà số 139, đường Hoàng Diệu, phường 7, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu; nghề nghiệp: buôn bán vật tư xây dựng; con ông Võ Đình Liệu và bà Nguyễn Thị Được; có vợ và 3 con.

    2. Trần Tuyết Dung sinh 1959; trú tại nhà số 145, đường Hoàng Văn Thụ, phường 3, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu; nghề nghiệp: nguyên là Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bạc Liêu; con ông Trần Văn Bình và bà Trương Thị Năm; có chồng và 2 con.

    3. Phan Kỳ Thinh sinh năm 1952; trú tại nhà số 09, đường Lê Hồng Phong, phường 5, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu; nghề nghiệp: nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị xã Bạc Liêu; con ông Phan Kỳ Hổ và bà Cao Thị Hai; có vợ và 3 con.

    4. Lê Xuân Lộc sinh năm 1966; trú tại nhà số 48H khu Tập thể Đài phát thanh phường 7, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu; nghề nghiệp: nguyên là Kế toán trưởng Phòng Tài chính- Kế hoạch thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu; con ông Lê Hữu Ân và bà Trang Thị Xuân; có vợ và 2 con.

    Nguyên đơn dân sự: Uỷ ban nhân dân thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

    NHẬN THẤY:

    Trần Tuyết Dung là Trưởng phòng Tài chính- Kế hoạch thị xã Bạc Liêu được phân công làm Phó Ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản, chịu trách nhiệm ký các hợp đồng xây dựng và thanh quyết toán các công trình. Lê Xuân Lộc là Kế toán trưởng Phòng Tài chính- Kế hoạch thị xã Bạc Liêu được phân công làm Kế toán của Ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản. Phan Kỳ Thinh- Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị xã Bạc Liêu được phân công làm Trưởng Ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản từ năm 1994 đến tháng 6-1996, chịu trách nhiệm chung về hoạt động của Ban quản lý công trình xây dựng cơ bản. Còn Võ Đình Thọ, chủ cơ sở vật liệu xây dựng Phong Phát là đơn vị cung ứng vật tư thi công các công trình trên địa bàn thị xã Bạc Liêu trong đó có các công trình đường liên tỉnh lộ 38 đoạn 2.508m, đoạn 956m và đường Võ Thị Sáu theo các hợp đồng mà Thọ ký với Ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản và Xí nghiệp xây dựng giao thông thị xã Bạc Liêu.

    Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao các bị cáo đã có những hành vi phạm tội như sau:

    1- Hành vi lừa đảo chiếm đoạt 208.714.100 đồng và thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước (trong quá trình xây dựng đoạn 2.508m và đoạn 956m đường tỉnh lộ 38 và đoạn 1977m đường Võ Thị Sáu):

    Khi giao kết hợp đồng để xây dựng đoạn 2.508m, đoạn 956m đường tỉnh lộ 38 và đoạn 1977m đường Võ Thị Sáu với Xí nghiệp xây dựng giao thông thị xã Bạc Liêu là đơn vị thi công và cơ sở Phong Phát là bên cung ứng vật tư do Võ Đình Thọ là chủ cơ sở đại diện thì Trần Tuyết Dung và Lê Xuân Lộc ghi trong hợp đồng là cả hai bên đều có trách nhiệm vận chuyển, bốc xếp vật tư đến công trình. Khi giao kết với Xí nghiệp xây dựng giao thông để thi công một đoạn đường thì Dung và Lộc thường ký 2 bản hợp đồng: trong một bản ghi bên B (Xí nghiệp xây dựng giao thông) chịu trách nhiệm vận chuyển, bốc xếp vật tư và được thanh toán tiền chi phí vận chuyển, bốc xếp vật tư; trong một bản hợp đồng khác thì ghi là vật tư do bên A (Ban quản lý các công trình xây dựng) cung cấp, giao tay ba tại công trình. Trong các hợp đồng mua vật tư của Võ Đình Thọ đều ghi bên B (Võ Đình Thọ) chịu trách nhiệm bốc xếp, vận chuyển vật tư đến chân công trình và được thanh toán tiền bốc xếp, vận chuyển vật tư theo định mức xây dựng cơ bản; bên A phải thanh toán dứt điểm cho bên B không quá 35 ngày sau khi giao nhận vật tư.

    Trong quá trình thi công 3 đoạn đường nêu trên, Xí nghiệp xây dựng giao thông đã được thanh toán đầy đủ tiền vận chuyển, bốc xếp vật tư đến công trình; cụ thể các lần như sau:

    Ngày 11-01-1993 giữa Lê Xuân Lộc và Nguyễn Hữu Cầu (kế toán Xí nghiệp xây dựng giao thông) đã tiến hành lập bảng tạm thanh toán cho Xí nghiệp xây dựng giao thông đoạn 2.508m, đường liên tỉnh lộ 38 là 344.264.711 đồng trong đó có khoản tiền vận chuyển, bốc xếp là 78.168.400 đồng. Ngày 12-5-1993, Ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản chấp nhận thanh toán cho Xí nghiệp 292.597.974 đồng, không có khoản 78.168.400 đồng tiền bốc xếp, vận chuyển vật tư như trong bảng tạm thanh toán ngày 11-01-1993.

    Ngày 11-01-1993 giữa Lê Xuân Lộc và Nguyễn Hữu Cầu lập bảng tạm thanh toán công trình đường tỉnh lộ 38 đoạn 956m cho Xí nghiệp xây dựng giao thông tổng giá trị tạm thanh toán là 157.493.930 đồng, trong đó có khoản tiền vận chuyển bốc xếp là 36.250.000 đồng. Ngày 12-5-1993 Ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản chấp nhận thanh toán cho Xí nghiệp 133.512.419 đồng, không có khoản 36.250.000 đồng tiền bốc xếp, vận chuyển vật tư như trong bảng tạm thanh toán ngày 11-01-1993.

    Ngày 01-6-1993 Trần Tuyết Dung, Lê Xuân Lộc và Nguyễn Hữu Cầu lập biên bản tạm thanh toán công trình xây dựng cơ bản thuộc Ngân sách tỉnh Minh Hải từ ngày 01-01-1993 đến ngày 03-5-1993; trong đó có khoản tiền vận chuyển, bốc xếp vật tư đường Võ Thị Sáu là 55.080.000 đồng. Công trình này được Sở Tài chính vật giá tỉnh Minh Hải chấp nhận thanh toán ngày 31-12-1994.

    Như vậy các công trình đường tỉnh lộ 38 đoạn 2.508m, đoạn 956m và đường Võ Thị Sáu đoạn 1977m đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ 
    năm 1992 và năm 1993. Ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản thị xã Bạc Liêu, Sở Tài chính vật giá tỉnh Minh Hải đã chấp nhận thanh toán và quyết toán các công trình trên cho Xí nghiệp xây dựng giao thông thị xã Bạc Liêu.

    Riêng Ban quản lý các công trình xây dựng và Võ Đình Thọ không tiến hành quyết toán, thanh lý các hợp đồng kinh tế đã ký kết. Mãi đến ngày 03-01-1994 Lê Xuân Lộc và Võ Đình Thọ mới tiến hành lập biên bản tạm đối chiếu công nợ và ngày 17-9-1999 các bên tiến hành lập biên bản đối chiếu công nợ.

    Tuy Võ Đình Thọ có vận chuyển, bốc xếp vật tư đến công trình, nhưng là vận chuyển, bốc xếp thuê cho Xí nghiệp xây dựng giao thông. Theo các phiếu chi tiền thì Võ Đình Thọ đã nhận được 127.616.200 đồng tiền vận chuyển, bốc xếp vật tư của 3 công trình nêu trên. Thế nhưng, tại biên bản tạm đối chiếu công nợ và biên bản đối chiếu công nợ (ngày 03-01-1994 và ngày 17-9-1999) Thọ xác định vật tư do Thọ cung ứng cho 15 hạng mục công trình là 3.605.518.996 đồng; trong đó giá trị vật tư của đoạn 2.508m tỉnh lộ 38 là 550.828.000 đồng; đoạn 956m tỉnh lộ 38 là 241.726.000 đồng và đường Võ Thị Sáu là 876.953.660 đồng. Căn cứ vào bản đối chiếu giao, nhận thì tổng số vật tư thực tế Thọ đã cung ứng cho xây dựng đoạn 2.508m tỉnh lộ 38 tổng trị giá 448.061.000 đồng, đoạn 956m tỉnh lộ 38 tổng trị giá 195.324.000 đồng và đoạn 1977m đường Võ Thị Sáu tổng trị giá 817.408.100 đồng. Thọ thừa nhận đưa vào bảng tạm đối chiếu công nợ số tiền như trên là tính tiền vận chuyển, bốc xếp vật tư của đoạn 2.508m là 102.767.000 đồng, đoạn 958m là 46.402.000 đồng và đoạn đường Võ Thị Sáu là 59.545.560 đồng, tổng cộng 3 công trình là 208.714.100 đồng.

    2- Về việc vay 950.000.000 đồng của Ngân hàng Công thương phải trả lãi suất 103.043.500 đồng.

    Từ tháng 01 đến tháng 4 năm 1995, Trần Tuyết Dung đã tham mưu, đề xuất và được Phan Kỳ Thinh là Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị xã Bạc Liêu ký duyệt cho Ban quản lý các công trình được vay 950.000.000 đồng để thanh toán các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn thị xã Bạc Liêu. Theo ông Huỳnh Việt Trung là quyền Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị xã Bạc Liêu thì ông Trung không chỉ đạo hoặc nghe bàn bạc việc vay tiền ngân hàng để chi trả cho các công trình. Số tiền vay Dung đã chi trả cho các công trình và phải trả lãi suất 103.043.500 đồng.

    3- Về hành vi cố ý làm trái của Phan Kỳ Thinh.

    Phan Kỳ Thinh là Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị xã Bạc Liêu đã làm tờ trình số74/TT-UB ngày 11-10-1994 gửi Uỷ ban nhân dân và Sở Tài chính tỉnh Minh Hải, xin cho Ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản thị xã Bạc Liêu được áp dụng đơn giá vật tư tại thị trường thị xã Bạc Liêu để thanh toán cho các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn thị xã Bạc Liêu.

    Mặc dù, chưa nhận được ý kiến cho phép của các cơ quan có thẩm quyền, nhưng Phan Kỳ Thinh đã phê duyệt cho áp dụng giá vật tư tại thị trường thị xã Bạc Liêu để thanh toán cho 5 công trình xây dựng từ năm 1994 tại tỉnh Bạc Liêu (bao gồm công trình Hà Huy Tập, công trình đường Thống Nhất, công trình đường Trần Phú, công trình đường giao thông và các công trình đường nội bộ khu Tu Muối) gây thiệt hại cho Nhà nước 159.891.072 đồng.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 01/HSST ngày 13-01-2005, Toà án nhân dân tỉnh Bạc Liêu quyết định:

    1. Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 139; điểm i khoản 1 Điều 48; điểm b và điểm p khoản 1 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự, xử phạt Võ Đình Thọ 05 (năm) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; thời hạn tù được tính kể từ ngày bị cáo vào trại chấp hành hình phạt, nhưng được khấu trừ thời gian bị tạm giam từ ngày 21-10-2004 đến ngày 10-12-2004.

    2. Áp dụng khoản 2 Điều 144; điểm b và điểm p khoản 1 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự, xử phạt Lê Xuân Lộc 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước”; thời hạn tù được tính kể từ ngày bị cáo vào trại chấp hành hình phạt.

    3. Áp dụng khoản 2 Điều 144; khoản 1 Điều 165; điểm b và điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 50; khoản 1 và khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự, xử phạt Trần Tuyết Dung 01 (một) năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” và 06 (sáu) tháng tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; tổng hợp hình phạt chung của cả hai tội bị cáo Trần Tuyết Dung phải chấp hành là 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù, nhưng cho bị cáo được 
    hưởng án treo; thời gian thử thách là 02 năm 06 tháng tính từ ngày tuyên án (ngày 13-01-2005); giao bị cáo Trần Tuyết Dung cho Uỷ ban nhân dân nơi cư trú có trách nhiệm giám sát giáo dục trong thời gian bị cáo chấp hành bản án tại địa phương.

    4. Áp dụng khoản 1 Điều 165; điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; khoản 1 và khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự, xử phạt Phan Kỳ Thinh 01 (một) năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng cho hưởng án treo; thời gian thử thách là 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tính từ ngày tuyên án (ngày 13-01-2005); giao bị cáo Phan Kỳ Thinh cho Uỷ ban nhân dân nơi cư trú có trách nhiệm giám sát giáo dục bị cáo trong thời gian chấp hành bản án ở tại địa phương.

    5. Áp dụng khoản 2 Điều 41 Bộ luật hình sự đối với các bị cáo Võ Đình Thọ, Trần Tuyết Dung, Phan Kỳ Thinh.

    Buộc bị cáo Võ Đình Thọ phải hoàn nộp số tiền 208.714.100 đồng cho Uỷ ban nhân dân thị xã Bạc Liêu. Trong quá trình điều tra, bị cáo Võ Đình Thọ đã nộp khắc phục hậu quả cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu đủ số tiền nêu trên.

    Buộc bị cáo Trần Tuyết Dung phải hoàn trả số tiền 51.521.750 đồng cho Uỷ ban nhân dân thị xã Bạc Liêu.

    Buộc bị cáo Phan Kỳ Thinh phải hoàn trả số tiền 208.952.218 đồng cho Uỷ ban nhân dân thị xã Bạc Liêu.

    Sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo Trần Tuyết Dung, Phan Kỳ Thinh, Lê Xuân Lộc và Võ Đình Thọ đều kháng cáo kêu oan.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 710/HSPT ngày 25-4-2005 Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của các bị cáo.

    1. Áp dụng Điều 7; khoản 1 Điều 165; khoản 1 và khoản 2 Điều 25 Bộ luật hình sự năm 2000, miễn trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với Phan Kỳ Thinh.

    2. Áp dụng Điều 7; điểm e khoản 2 Điều 139; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 47; điểm a khoản 1 Điều 28 và Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2000, phạt cảnh cáo Võ Đình Thọ về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

    3. Áp dụng Điều 7; khoản 1 Điều 144; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Lê Xuân Lộc 01 (một) năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước”, nhưng cho bị cáo được hưởng án treo; thời gian thử thách là 02 năm kể từ ngày tuyên án phúc thẩm (ngày 26-4-2005); giao bị cáo cho chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú, theo dõi giáo dục trong thời gian thử thách.

    4. Áp dụng khoản 2 Điều 107, điểm d khoản 2 Điều 248, Điều 251 Bộ luật tố tụng hình sự, tuyên bố: Trần Tuyết Dung không phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước” và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; huỷ và đình chỉ việc giải quyết vụ án của một phần bản án sơ thẩm hình sự số 01/HSST ngày 13-01-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã xét xử đối với Trần Tuyết Dung; giao Trần Tuyết Dung về cơ quan chủ quản để xử lý theo thẩm quyền.

    Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự, buộc bị cáo Võ Đình Thọ phải nộp lại 127.618.200 đồng cho Phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã Bạc Liêu được trừ vào số tiền bị cáo đã nộp 208.714.100 đồng; hoàn trả lại cho Võ Đình Thọ số tiền còn lại là 81.095.900 đồng (Tám mươi mốt triệu không trăm chín năm ngàn, chín trăm đồng); buộc Võ Đình Thọ phải nộp lại khoản tiền giá vật tư bị xuất toán số tiền 22.728.080 đồng (hai mươi hai triệu bảy trăm hai tám ngàn không trăm tám mươi đồng) cho Phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã Bạc Liêu, tỉnh 
    Bạc Liêu.

    Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 23/2005/HS -TK 
    ngày 20-10-2005, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại theo hướng kết án Trần Tuyết Dung về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” và xem xét lại trách nhiệm hình sự, hình phạt đối với các bị cáo Lê Xuân Lộc, Võ Đình Thọ, Phan Kỳ Thinh theo đúng quy định của pháp luật.

    Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia phiên toà giám đốc thẩm đề nghị huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 710/HSPT ngày 25-4-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án hình sự sơ thẩm số 01/HSST ngày 13-01-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Bạc Liêu để tiến hành điều tra lại.

    XÉT THẤY:

    Mặc dù đã được Xí nghiệp xây dựng giao thông thị xã Bạc Liêu thanh toán tiền công vận chuyển, bốc xếp vật tư là 127.616.200 đồng, nhưng Võ Đình Thọ đã lợi dụng vào hợp đồng kinh tế đã ký kết với Ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản có nội dung không rõ ràng, lợi dụng vào sự thiếu kiểm tra sổ sách của Lê Xuân Lộc để đề nghị và được tiếp tục thanh toán tiền vận chuyển, bốc xếp vật tư với Ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản một lần nữa với số tiền là 208.714.100 đồng. Toà án cấp sơ thẩm đã kết án Võ Đình Thọ về tội “Lừa đảo để chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ, đúng pháp luật. Toà án cấp phúc thẩm chỉ kết án Thọ chiếm đoạt số tiền 127.616.200 đồng là chưa đánh giá toàn diện, đầy đủ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Mặt khác, nếu đủ căn cứ kết luận Thọ chiếm đoạt 127.616.200 đồng thì việc Toà án cấp phúc thẩm chỉ xử phạt Thọ cảnh cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không đúng với quy định của pháp luật, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo.

    Đối với Lê Xuân Lộc là người được phân công làm kế toán của Ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản có trách nhiệm theo dõi, quản lý các tài khoản, các nguồn quĩ của Ban quản lý, đồng thời chịu trách nhiệm kiểm tra, thanh quyết toán các công trình, thanh lý các hợp đồng kinh tế mà Ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản đã ký kết với các bên, nhưng Lê Xuân Lộc đã thiếu trách nhiệm, không kiểm tra sổ sách, chứng từ chặt chẽ để Võ Đình Thọ lợi dụng sơ hở trong quản lý tiếp tục thanh toán 208.714.100 đồng tiền bốc xếp, vận chuyển vật tư, trong khi Thọ đã được thanh toán 127.616.200 đồng. Trong vụ án này hành vi thiếu trách nhiệm của Lê Xuân Lộc có tính chất quyết định nhất để Thọ chiếm đoạt được tài sản Nhà nước. Toà án các cấp đã kết án Lê Xuân Lộc về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” là có căn cứ pháp luật, nhưng Toà án cấp phúc thẩm giảm hình phạt và cho Lê Xuân Lộc được hưởng án treo là chưa có đầy đủ căn cứ.

    Đối với Trần Tuyết Dung, từ năm 1991 đến năm 1996 Dung là Phó ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản thị xã Bạc Liêu, trực tiếp ký kết các hợp đồng kinh tế, có trách nhiệm thanh quyết toán các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn thị xã Bạc Liêu, nhưng Trần Tuyết Dung đã ký các hợp đồng kinh tế với nội dung không rõ ràng và mặc dù các công trình đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng từ năm 1992, năm 1993 nhưng Dung đã không thanh lý các hợp đồng kinh tế đã ký kết. Khi được điều động về Sở Tài chính tỉnh Bạc Liêu, Dung lại không bàn giao cụ thể công việc, từ đó để cho Võ Đình Thọ lợi dụng sơ hở chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Toà án cấp sơ thẩm đã chấp nhận việc truy tố của Viện kiểm sát và kết án Trần Tuyết Dung về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” là có căn cứ; Toà án cấp phúc thẩm tuyên bố Trần Tuyết Dung không phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” là chưa đúng pháp luật. Theo các tài liệu, chứng cứ hiện đang có trong hồ sơ vụ án thì hành vi thiếu trách nhiệm của Trần Tuyết Dung không phải là nguyên nhân chủ yếu nhất để Thọ chiếm đoạt tài sản Nhà nước, Trần Tuyết Dung không phải là người trực tiếp thanh quyết toán với Thọ để Thọ chiếm đoạt tài sản; trong quá trình thực hiện nhiệm vụ lại được cử đi học nên việc quản lý không được thường xuyên và năm 1997 đã chuyển về công tác ở Sở Tài chính tỉnh Bạc Liêu nên việc tiếp tục theo dõi, đôn đốc thanh quyết toán các hợp đồng là do người khác thực hiện. Do đó, việc Toà án cấp sơ thẩm xử phạt Trần Tuyết Dung 01 (một) năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước” là quá nghiêm khắc, mà có thể áp dụng hình thức xử lý khác phù hợp hơn với nhân thân và tính chất hành vi phạm tội của bị cáo.

    Đối với hành vi vay số tiền 950.000.000 đồng của Trần Tuyết Dung và Phan Kỳ Thinh Toà án cấp phúc thẩm tuyên bố hành vi này không cấu thành tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” là đúng pháp luật.

    Đối với Phan Kỳ Thinh đã phê duyệt cho Võ Đình Thọ thanh toán 5 công trình được áp giá vật tư thị trường tại thị xã Bạc Liêu, gây thiệt hại cho Nhà nước 157.430.468 đồng. Toà án cấp sơ thẩm kết án Phan Kỳ Thinh về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là có căn cứ. Toà án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của Phan Kỳ Thinh và Võ Đình Thọ tại phiên toà phúc thẩm để kết luận Phan Kỳ Thinh chỉ còn phải chịu trách nhiệm về hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại 22.728.080 đồng là thiếu căn cứ, đồng thời việc Toà án cấp phúc thẩm miễn trách nhiệm hình sự cho Thinh vì có hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại 22.728.080 đồng là không đúng pháp luật.

    Hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước của Trần Tuyết Dung và Lê Xuân Lộc; hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của Phan Kỳ Thinh và hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Võ Đình Thọ đã được điều tra, truy tố và có các tài liệu, chứng cứ chứng minh trong hồ sơ vụ án; cơ quan tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng có quyền cung cấp thêm chứng cứ tại phiên toà; nhưng do sai lầm trong việc đánh giá chứng cứ và tính chất của hành vi phạm tội nên Toà án cấp phúc thẩm đã quyết định không đúng với quy định của pháp luật. Do đó, xét không cần thiết phải huỷ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để điều tra lại như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại phiên toà giám đốc thẩm.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 279; khoản 3 Điều 285 và 
    Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 710/HSPT ngày 25-4-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    ____________________________________________

    - Lý do huỷ bản án phúc thẩm:

    Quyết định của Toà án cấp phúc thẩm không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

    - Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ bản án phúc thẩm:

    Sai lầm trong việc đánh giá chứng cứ và tính chất của hành vi phạm tội.

     

     
    2888 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận